Suy Tư Thần Học

NGƯỜI CÔNG GIÁO VÂNG PHỤC AI? | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 -Bài 10

TMĐP- Chúng ta là những Kitô hữu, chính xác hơn là tín hữu công giáo, chúng ta phải vâng phục Thiên Chúa, vâng phục Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa qua các Tông Đồ.

Trong các clip Tiếng Nói Sự Thật, hai cụm từ “vâng phục Thiên Chúa”, “vâng lời Thiên Chúa”  được nhấn mạnh và  không ngừng  được nhắc đi nhắc lại.

Thực ra, không chỉ “Tiếng Nói Sự Thật” của Nhà Chúa Cha  mới quan tâm đến việc vâng phục Thiên Chúa, mà bất cứ Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, cha mẹ nào cũng quan tâm dạy bảo, khuyên răn, nhắc nhở  con cái, giáo dân của mình phải vâng phục Thiên Chúa, vâng lời Thiên Chúa.

Viết điều này, người viết nghĩ đến hiện tượng xã hội quen thuộc, đó là khi người ta nhắc  nhiều, và không ngớt ca ngợi, phô trương, hô hào một điều gì đó, thì điều đó là điều đang thiếu trầm trọng hoặc không có ở nơi ấy.

Nhưng thế nào là vâng phục Thiên Chúa?

1. Vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục con người (Cv 4,19):

Chân lý thật hiển nhiên, và ai cũng chấp nhận, như khi Thượng Hội Đồng Do Thái cho gọi hai tông đồ Phêrô và Gioan “vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dậy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!” (Cv 4, 18-19).

Như hai tông đồ Phêrô và Gioan, ai trong chúng ta cũng  nhận ra: giữa Thiên Chúa và con người, thì Thiên Chúa là số một, Thiên Chúa tuyệt đối, Thiên Chúa hoàn thiện, Thiên Chúa toàn năng, trong khi con người là số không, vì  sẽ trở về với  hư không, bụi đất; con người tương đối, bất toàn, thiếu sót, yếu đuối, nên chọn vâng phục Thiên Chúa là việc “chính đáng”, và vâng lời Thiên Chúa là điều “phải đạo”.

Chân lý này còn phù hợp với đòi hỏi của Thiên Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (Mt 22,37), và một khi đã “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” yêu mến Thiên Chúa, con người sẽ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” vâng phục Ngài, vì vâng phục biểu hiện  tình yêu cách sống động và đích thực nhất, mà không một hành vi nào khác có thể biểu hiện được đầy đủ và trọn vẹn tình yêu như vậy, bởi chúng ta không thể vâng phục người chúng ta không yêu mến, không thể vâng lời người chúng ta không tin tưởng, tín nhiệm.

Do đó, điều quan trọng chúng ta phải biết khi vâng phục Thiên Chúa, đó là vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và yêu thương chúng ta vô cùng, đến cùng, bởi nguyên nhân và động lực sâu sa để vâng phục, vâng lời ai đó, chính là biết người ấy yêu thương, quan tâm đến hạnh phúc của mình.

Theo quy luật này, càng yêu mến ai, chúng ta càng vâng phục người ấy; càng tin tưởng, ngưỡng mộ ai, chúng ta càng mau mắn vâng lời họ. Mức độ yêu mến quyết định mức độ vâng phục; mức độ vâng lời tỉ lệ thuận theo mức độ yêu mến.

Vì thế có những vâng phục hời hợt, bề ngoài; những vâng lời bôi bác, giả hình; những vâng phục máy móc, nguyên tắc, quy định; những vâng lời thời cơ, thời vụ, hoàn toàn vì lợi ích cá nhân, vì tình yêu trống vắng, vì yêu mến tàn lụi.  Bên cạnh là những vâng phục tự do, tình nguyện, có trách nhiệm, vâng phục với tất cả tấm lòng; những vâng phục cởi mở, đơn sơ, chân tình; những vâng lời bình an, phó thác  với trái tim tràn đầy hạnh phúc được yêu thương và yêu thương, với trái tim  đong đầy niềm vui được vâng phục đến cùng vì yêu thương vô cùng.

Quy luật này cũng áp dụng trong “vâng phục đối với con người”, như con cái vâng phục cha mẹ, vợ chồng vâng phục nhau, khi tương quan được xây dựng bằng tình yêu. Trái lại, không cách nào để vâng phục một người ghét bỏ, chà đạp mình, cũng không thể vâng lời một người luôn tìm cách hãm hại, đạp đổ tương lai, hạnh phúc của mình.

Điều này nói lên vâng phục không là cách thế diễn tả tương quan chủ tớ; vâng lời không là bổn phận vô cảm, vô hồn có tính tự động, máy móc của bầy tôi trước ông chủ, nhưng vâng phục là kết qủa của tương quan tình yêu giữa “người vâng phục” biết mình được yêu thương bởi người mình vâng phục, và “người được vâng phục” biết mình đang rất yêu thương người vâng phục mình.

Và đó chính là giá trị và ý nghĩa của lòng vâng phục Thiên Chúa ở con người.

2. Người công chính trong Cựu Ước vâng phục Thiên Chúa:

Ở buổi đầu khai sinh dân Thiên Chúa, người công chính được Thiên Chúa Giavê chọn, “chúc phúc, cho tên tuổi được lừng lẫy” (x. St 12,2), cho làm tổ phụ một dòng dõi con cháu đông như sao trên trời, như cát dưới biển chính là Ápraham, người đã nghe tiếng Thiên  Chúa phán và vâng phục lệnh truyền của Ngài: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi ” (St 12,1). Ápraham đã được trực tiếp nghe tiếng Giavê và đã tin vào tiếng của Ngàì. Ông được trở nên công chính nhờ tin và mau mắn thực hiện lời Thiên Chúa phán với ông.

Đến thời giải phóng Ítraen “ra khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.” (Xh 3,8), sau khi Thiên Chúa thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ngài bên Ai Cập, “và nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ” (Xh 3,7), Thiên Chúa Giavê đã gọi Môsê và sai ông đi giải phóng họ. Ông tin Ngài, và lên đường đi gặp con cái Ítraen và nói với họ: “Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em” (Xh 3,13), sau khi được Thiên Chúa mạc khải tên của Ngài là “Đấng Hiện Hữu”, và hứa ở với ông (x. Xh 3,12.14).

Dưới mắt Thiên Chúa, Môsê là người công chính, vì ông đã tin và  tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa khi liều lĩnh lên đường đi gặp  Pharaô của Ai Cập và giải phóng con cái Ítraen.

Kể từ lúc Thiên Chúa bắt đầu chương trình giải phóng con cái Ítraen khỏi tay Ai Cập để làm thành một dân tộc có hiến pháp, luật lệ, lãnh thổ, có Giavê  là Thiên Chúa, Môsê đã  trở thành người của Thiên Chúa và người của dân,  vị hướng đạo,  lãnh tụ giải phóng, nhà lập pháp, và trong tất cả sứ vụ, sứ vụ trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa và  nhận mệnh lệnh của Thiên Chúa, để  chuyển  đến dân ý muốn của Ngài, và trình lên Ngài nguyện vọng của dân chính là sứ vụ quan trọng nhất của Môsê.

Môsê chính là người đã được Thiên Chúa hiện ra, như chính Thiên Chúa khẳng định khi phán với ông: “Ta là Đức Chúa. Ta đã hiện ra với Ápraham, Ixaác và Giacóp với tư cách là Thiên Chúa Toàn Năng”. “Ta lập giao ước của Ta với họ để ban cho họ đất Canaan, là đất khách quê người, nơi họ sống như những khách lạ” (Xh 6,2-4). Với Môsê, Thiên Chúa hiện ra và trực tiếp nói với ông về chương trình giải phóng dân của Ngài, và truyền cho ông nói với con cái ítraen những điều ấy (x. Xh 6,5-8). Môsê đã vâng phục và làm như Thiên Chúa dạy, “nhưng họ không nghe ông Môsê, vì ách nô lệ qúa nặng nề làm cho họ kiệt sức” (Xh 6,9).

Nhìn vào cuộc xuất hành của  Ítraen, chúng ta thấy ngoài Môsê, Thiên Chúa Giavê không cho ai gặp Ngài, cũng  không trực tiếp truyền lệnh  cho ai như lời Ngài nói với ông: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dậy dỗ chúng” (Xh 24,1), nhưng tất cả đều qua Môsê, ngay cả với Aharon là người phụ tá thân cận của Môsê, Thiên Chúa cũng chỉ chọn ông làm “ngôn sứ của Môsê” (x. Xh 7,1): “Chính ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, và Aharon , anh ngươi, sẽ nói lại với Pharaô để vua ấy thả con cái ítraen ra khỏi nước của vua” (Xh 7,2), và hiếm hoi cho phép Môsê được đem theo Aharon lên núi Xinai với ông (x. Xh 19,24).

Còn dân chúng, ở đâu và lúc nào cũng được Môsê triệu tập để  “trình bày cho họ biết tất cả những lời Đức Chúa đã truyền cho ông”. Và “toàn dân nhất trí đáp lại: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo”. Môsê thưa lại với Đức Chúa những lời dân nói” (Xh 19,7-8).

Khi nói với dân mệnh lệnh của Thiên Chúa, Môsê thi hành sứ vụ của người thay mặt  Thiên Chúa hướng dẫn dân đi trên đường Thiên Chúa muốn là vâng phục và thi hành Mười Điều Răn là  lệnh truyền của Ngài đã được ghi khắc trên bia đá.

Qua thời Thủ Lãnh, thời các vua, đến thời nội chiến, rồi lưu đầy, Thiên Chúa luôn nói với dân Ngài qua những người Ngài chọn, như các ngôn sứ, và truyền dậy dân Ngài phải vâng phục những người Ngài chọn, cũng như các mệnh lệnh, giáo huấn Ngài ban qua các vị.

Hình ảnh “ông Môsê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7) là hình ảnh vâng phục của những người công chính đích danh trong Cựu Ước, khi họ yêu mến và vâng phục Thiên Chúa bằng đón nhận và vâng phục những mệnh lệnh, ý muốn của Thiên Chúa  được chính Thiên Chúa truyền dạy  qua những người Thiên Chúa tuyển chọn. Họ là những “con cái Ítraen đã làm y như Đức Chúa đã truyền cho ông Môsê và Aharon.” (Xh 12,50) và hạnh phúc của họ, những người công chính dưới mắt Thiên Chúa chính là được sống theo các phán quyết của Thiên Chúa, tuân giữ các thánh chỉ  của Ngài và đem ra thực hành dưới quyền một mục tử duy nhất cho tất cả (x. Ed 37,24).

3. Đức Giêsu dạy chúng ta vâng phục:

Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu dạy chúng ta vâng phục, bằng chính đời sống vâng phục của Ngài: Ngài tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. Mt 26,39. 42; Lc 2,49), và quả quyết: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).Và thánh Phaolô đã diễn tả sự vâng phục tột cùng của Đức Giêsu trong thư gửi giáo đoàn Philipphê : “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Dạy vâng phục bằng tuyệt đối  vâng phục Chúa Cha, Đức Giêsu còn dạy các môn đệ của Ngài sống vâng phục, vì Thiên Chúa không ưa gì các lễ toàn thiêu và hy lễ, nhưng Ngài ưa thích sự vâng phục. Quả thực, đối với Thiên Chúa “vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1Sm 15,22), như lời thánh vịnh: “Chúa chẳng thích gì tế phảm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!… Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 39,7-9).

Ở với Đức Giêsu, học gương vâng phục của Đức Giêsu, các môn đệ đã vâng phục Ngài, như Simôn Phêrô đã thưa với Đức Giêsu, khi Ngài bảo các ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5,4-6).

Quả thực, Đức Giêsu đã luôn căn dặn các môn đệ phải vâng phục, vì những người được Thiên Chúa tuyển chọn chính là những người vâng phục Đức Giêsu Kitô, và chỉ vâng phục mới được máu Ngài thanh tẩy, thánh hoá (x.1 P 1,2), vì Đức Giêsu chính là “nguồn ơn cứu rỗi vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5,9), cũng như vinh quang và niềm vui của Ngài sẽ được ban cho “những người luôn luôn  vâng phục” (Pl 12,12).

4. Người Công Giáo vâng phục ai?

Đến lượt chúng ta những Kitô hữu, chính xác hơn là tín hữu công giáo, chúng

ta phải vâng phục ai?

a.Chúng ta vâng phục Thiên Chúa:

Tất nhiên, chúng ta vâng phục Thiên Chúa, nhưng chúng ta không vâng phục một Thiên Chúa chỉ có danh xưng; một Thiên Chúa mơ hồ, không tưởng ; một Thiên Chúa chỉ có trong ý tưởng, ý niệm; một Thiên Chúa trong ước mơ, mộng mị, ảo giác; một Thiên Chúa “rảnh rỗi” nay nói với người này thế này, mai truyền dậy người kia thế khác; một Thiên Chúa bất nhất, mâu thuẫn ngay trong những mặc khải của mình  về chính mình.

Trái lại, chúng ta yêu mến và vâng phục Thiên Chúa mà  Ítraen trong Cưu Ước đã yêu mến, vâng phục: “Thiên Chúa của tổ phụ  Ápraham, Ixaác và Giacóp”, mà không là thiên chúa của các dân ngoại, và “Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác, Giacóp”  cũng là Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mà tông đồ trưởng Phêrô  trong thời Tân Ước đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), đức tin đã được chứng nhận là đức tin đích thực bởi chính Chúa Cha: “Này anh Simôn,con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Chúng ta yêu mến và vâng phục một Thiên Chúa làm người, vì chỉ làm người, Thiên Chúa mới mặc khải trọn vẹn về mình  cho con người; chỉ là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa mới nói với con người đầy đủ những gì Ngài muốn nói, và những gì  Ngài đợi chờ ở con người.

Vì thế, ngoài Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Ngôi Lời của Thiên Chúa ở giữa nhân loại, người Kitô hữu không có một Thiên Chúa “vu vơ, lờ mờ, mông lung” nào khác để vâng phục; không có một mặc khải đáng tin cậy nào khác ngoài mặc khải đã được Đức Giêsu Kitô ban và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội của Đức Giêsu.

Đây là chân lý nền tảng người Kitô hữu phải gắn bó, vì chúng ta không tin  Thiên Chúa  cách chung chung, tổng quát ; không vâng phục Thiên Chúa cách bàng bạc, mơ hồ, không chính xác,  không rõ ràng, nhưng chúng ta chỉ tin vào một Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải, Thiên Chúa mà các tông đồ đã tuyên xưng đức tin của mình, và chúng ta tiếp tục tuyên xưng đức tin tông truyền ấy.

b.Chúng ta vâng phục Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa qua các Tông Đồ:

Một khi đã xác tín Thiên Chúa chúng ta yêu mến và vâng phục là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã mặc khải, và chúng ta  dấn thân đi theo Thiên Chúa này, khi mang  tên Ngài trên căn cước của chúng ta, mang danh hiệu Ngài trong cuộc đời chúng ta : “Kitô Hữu” tức  người có Đức Kitô – người thuộc về Chúa Kitô – người  sống Đức Kitô, chúng ta không còn đi “hai ba hàng”, hay lang bang, lơi  lả, qua lại với thiên chúa nào khác, hoặc tìm kiếm mặc khải nào ngoài luồng , nhưng “một lòng một dạ” trung thành với Thiên Chúa của Đức Giêsu và yêu mến, vâng phục thánh ý, lệnh tryền của một mình Ngài.

Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, nên mang những điều kiện làm người của con người. Vì thế, Ngài phải chết như con người, bởi đã làm người thì phải chết, nếu không, Thiên Chúa ấy đã chỉ làm người nửa vời, làm người thời vụ, làm người bán thân. Vì phải chết như thân phận người phải chết, Đức Giêsu đã lập Giáo Hội của Ngài trên nền tảng các Tông Đồ là những môn đệ đã được ở với Ngài, được Ngài  trực tiếp dạy dỗ, chỉ bảo kỹ càng, được Ngài kề cận huấn luyện  để tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trên trần gian cho đến tận thế.

Khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho các tông đồ, Đức Giêsu đặt điều kiện với các tông đồ, đó là  phải  thiết tha yêu mến Ngài (x. Ga 21,15.16.17) và thương yêu đoàn chiên đến mức sẵn sàng hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10,11-15), bởi nếu thiếu điều kiện “yêu thương” này, các ông sẽ không là mục tử  nhân hậu như lòng Ngài mong ước, nhưng sẽ biến thành kẻ chăn thuê, kẻ trộm, và sói dữ lọt vào chuồng chiên để “ăn trộm, giết hại và phá hủy”, chứ không “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào ” (Ga 10,10).

Hình ảnh Môsê năn nỉ Thiên Chúa tha thứ cho dân trong Cựu Ước, khi dân phản nghịch đúc bò vàng để thờ, và Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ là hình ảnh đẹp của người mục tử hết lòng yêu thương, bênh vực, van nài ơn thương xót, tha thứ cho  đoàn chiên: “Ông Môsê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập? Tại sao người Ai Cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Ápraham, Ixaác và Ítraen…  Đức Chúa đã thương không giáng phạt dân Người như Người đã đe ” (Xh 32, 11-13.14). Nhờ thế, đoàn chiên sẽ không dễ  bị cám dỗ, mua chuộc,  xúi giục  bất mãn, bất tuân phục chủ chăn, vì nhận ra tình thương bao bọc, che chở, bênh đỡ, chăm sóc, xây dựng của chủ chăn mình.

Sau khi đã  căn dặn các tông đồ phải yêu thương  đoàn chiên đến sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, Đức Giêsu đã chính thức và long trọng trao phó đoàn chiên của Ngài cho các tông đồ và những người kế vị các tông đồ: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”  (Ga 21,15.16.17). Ngài cũng khẳng định với các ông: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15,16-). Đồng thời Ngài truyền dậy đoàn chiên của Ngài phải yêu mến, vâng phục những người Ngài đã chọn thay Ngài chăn dắt đoàn chiên cho đến ngày tận thế, với lời hứa ở lại với các ông mọi ngày (x. Mt 28,20), cho đến  khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Ngài muốn đoàn chiên của Ngài nghe và vâng lời các Tông Đồ và các đấng kế vị khi qủa quyết: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10, 16). Nghe đây là nghe lời Ngài đã nói với các tông đồ; nghe đây là nghe những mặc khải đức tin Ngài đã truyền cho các tông đồ; nghe đây là nghe giáo huấn và mệnh lệnh của  chính Ngài, bởi các tông đồ cũng chỉ  nói và làm những gì Đức Giêsu đã nói với các ông, chứ không tự ý nói điều gì, hay tự mình sáng chế ra điều gì mới lạ, như chính Đức Giêsu đã nghe và làm những gì Chúa Cha nói với Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,23-25).

Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc “nói đúng lời của Thiên Chúa”, mà không diễn dịch lệch lạc, bóp méo, pha trộn vào Lời Thiên Chúa những tham vọng, mưu đồ, toan tính  cá nhân, phe nhóm xấu xa, gian ác, trục lợi của con người, như đòi hỏi hàng đầu ở các tông đồ, bởi như các ngôn sứ, các tông đồ phải nói điều Thiên Chúa muốn nói với con người, phải làm việc Thiên Chúa muốn các vị làm cho lợi ích của đoàn chiên, mà không được tự ý bắt đoàn chiên làm theo ý mình, nếu ý mình trái nghịch ý Chúa; không được ép đoàn chiên làm điều mình muốn, nếu điều mình muốn  đi ngược Thánh Ý. Chính vì không dậy bảo đoàn chiên làm điều Thiên Chúa truyền, không nói với đoàn chiên điều Thiên Chúa muốn nói với họ, mà trong lịch sử dân Chúa đã có những mục tử bất xứng, những mục tử thoái hoá thành kẻ chăn thuê, kẻ trộm đội lốt chủ chăn để trấn lột,  hãm hại, giết chết chiên, phá nát chuồng chiên.

Tóm lại, Đức Giêsu cho người Kitô hữu là những đi theo Ngài một nguyên tắc vâng phục Thiên Chúa rất rõ ràng, đó là vâng phục những người kế vị các tông đồ, mà trên đó Ngài đã xây dựng Giáo Hội của Ngài, vì mục đích của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng cứu độ nhân loại của Ngài cho đến tận thế; vì Giáo Hội là Thân Thể của Ngài, là Hiền Thê yêu dấu của Ngài. Do đó, Giáo Hội được Ngài yêu thương, gìn giữ và  ký thác trọn vẹn kho tàng mặc khải chân lý đức tin; được Ngài chọn làm Nhà của Ngài giữa con cái loài người; được trao quyền thánh hoá, giáo huấn, cai qủan đoàn chiên duy nhất duới quyền của chủ chiên duy nhất là chính Ngài.

Vâng phục Thiên Chúa ở người Kitô hữu từ nay không còn là vâng phục một Thiên Chúa nào đó, mà người ta bảo mới hiện ra ở chỗ này chỗ nọ; không là vâng nghe một mặc khải mới lạ nào mà thiên hạ xôn xao đồn thổi vừa được Thiên Chúa trực tiếp và tức thời mặc khải cho ông này, bà nọ, cha này, sơ kia; không còn là phong trào đi tìm chân lý mới ở các nhóm tự nhận được Thiên Chúa tuyển chọn để làm việc riêng cho Ngài; không còn là cuộc săn lùng “điềm thiêng dấu lạ” không bao giờ kết thúc ở những người mang ảo tưởng được Thiên Chúa chọn để loan báo con đường cứu độ mới của Thiên Chúa cho thời đại mới với những mệnh lệnh không phù hợp với giáo lý đức tin được truyền lại từ các Tông Đồ; không còn là tâm trạng hoang mang, nghi nan, phân vân, do dự trước vô số những mời gọi tin vào thiên chúa này, tin vào giáo thuyết kia, tin vào ơn cứu độ nọ, nhưng dứt khoát đi trên con đường đã được Thiên Chúa của Đức Giêsu vạch ra, đó là đường Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ; kiên quyết  tin vào Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại; trung thành với kho tàng giáo lý đức tin đã được mặc khải đầy đủ bởi Ngôi Lời của Thiên Chúa và kiện toàn bởi Chúa Thánh Thần; và tuyệt đối vâng phục Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội, là những người kế vị các thánh Tông Đồ với  sứ vụ  làm chứng Đức Kitô chịu đóng đinh đã sống lại, loan báo Tin Mừng,  gìn giữ nguyên vẹn Giáo Lý Đức Tin, dạy bảo mọi điều Đức Giêsu đã truyền dạy, và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ” (Mt 28,19), bởi ngoài Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống”, ngoài Giáo Hội được xây trên Tảng Đá Phêrô là Thân Thể Mầu Nhiệm và Hiền Thê của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta sẽ không gặp được Đấng Cứu Độ, và không tìm thấy Kho Tàng Ơn Cứu Sống, mà việc Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm để bảo đảm chắc chắn mục tiêu trên, chính là yêu mến và vâng phục Đấng Bản Quyền, kế vị các Tông Đồ, và những cộng sự viên của các vị,  mà Chúa đặt lên để  chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Jorathe Nắng Tím   

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version