TMĐP- Xin Thần Khí Chúa ban ơn khôn ngoan để chúng ta không lọt lưới, sa bẫy ma quỷ, trước cám dỗ “bằng mọi giá phải trị hết bệnh”. Noi gương phục vụ của Đức Giêsu, chúng ta cùng với Giáo Hội đồng hành với anh chị em đau bệnh để yêu thương, chăm lo, săn sóc, nhất là hiện diện bên cạnh họ trên những cây số cuối đường đời với niềm tin tưởng, hy vọng.
Trong bài chia sẻ “Những ảo tưởng về Xatan”, người viết đã vắn tắt đề cập đến kế sách “độc quyền” sự dữ của Xatan, trong đó có bệnh tật, với mục đích tạo ảo tưởng về thế lực bao trùm rộng lớn và nặng nề đe dọa của ma quỷ trên con người, hầu gây sợ hãi và đưa đẩy con người quy phục, đầu quân, tôn thờ, cậy nhờ chúng, nhất là đối với những người nhẹ dạ, nhát đảm, cả tin.
Trước chiến dịch “đầu cơ bệnh tật” đang được ma quỷ hăng say phát động ở nhiều nơi, người viết xin được chia sẻ với qúy bạn một vài suy tư dựa vào mạc khải của Tin Mừng để làm sáng tỏ vấn đề “bệnh tật và quỷ ám” đang bị ma quỷ triệt để khai thác để làm lung lạc đức tin của nhiều người.
Quả thực, nếu Giáo Lý Đức Tin dạy: bệnh là do ma quỷ, và người bệnh là người bị quỷ ám, quỷ nhập, thì việc trừ quỷ để chữa bệnh đã không còn là vấn đề khiến người Kitô hữu chúng ta bận tâm. Nhưng ở đây, vấn đề không đơn giản, bởi giáo lý của Hội Thánh không dạy bệnh tật là do quỷ ám, và trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã chữa rất nhiều người bệnh, với đủ thứ bệnh, cũng như nhiều người bị quỷ ám, nhưng Đức Giêsu không bao giờ đồng hoá người đau bệnh với người bị quỷ ám.
Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta biết đầy đủ và chính xác về những bệnh nhân, cũng như những người bị quỷ ám đã được Đức Giêsu chữa lành, giải thoát:
1. Đức Giêsu chữa lành những người ốm đau, bệnh tật:
Người ốm đau, bệnh tật là người mắc những căn bệnh gặp trong đời sống như câm điếc, mù loà, què quặt, bại liệt, băng huyết, phong cùi, kể cả cảm sốt như trường hợp bà mẹ vợ của tông đồ Phêrô: “Khi Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người” (Mt 8,14-16).
Số người bệnh tạm gọi là “tự nhiên, bình thường” này chiếm đa số các trình thuật chữa bệnh trong Tin Mừng của Đức Giêsu, và thường được kể lại như sau: “Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi” (Mt 8,1- 3); hay như nhiều người dân địa phương khi “nhận ra Đức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi” (Mt 14, 35-36) ; hoặc “Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen” (Mt 15,30-31).
Với những người bệnh “bình thường”, ta thấy, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa lành bệnh tật của họ một cách nhẹ nhàng, kỳ diệu, và Ngài không nói gì về vai trò hay ảnh hưởng của ma quỷ trên những người bệnh được Ngài chữa. Nếu có nói điều gì, thì chỉ là “lòng tin vào Ngài”, điều kiện cần thiết để được khỏi bệnh, như Ngài đã nói khi chữa người đàn bà bị băng huyết: “Này con, cứ an tâm , lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22), hay khen ngợi lòng tin của người bệnh được chữa, như với người đàn bà Canaan: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28).
Không chỉ quả quyết phải có niềm tin, và khích lệ những ai đặt niềm tin vào Ngài, khi chữa họ khỏi những tật bệnh của thân xác, Đức Giêsu còn nhắc nhở những người đau ốm tầm quan trọng của sức khỏe linh hồn, mà tội lỗi là nguyên nhân làm linh hồn đau ốm, yếu nhược, và khẳng định quyền tha tội, tức quyền thánh hoá, cứu chuộc của Ngài trên tất cả mọi người: “Ở dưới đất Con Người có quyền tha tội” (Mt 9,6), vì Ngài là Thiên Chúa.
Để hiểu rõ điều này, chúng ta nghe thánh sử Mátthêu thuật lại: “Người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng”. Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? … Và Đức Giêsu đã bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!”. Người bại liệt liền đứng dậy, đi về nhà” (Mt 9, 2- 5. 7).
Tóm lại, khi chữa các bệnh nhân, Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa chữa lành bệnh tật trên thân xác họ, mà không có một lời hay một thái độ, hành vi nào tỏ ra Ngài coi họ là những người bị quỷ ám, cũng được Ngài thương xót, giải thoát.
2. Đức Giêsu cứu chữa những người bị quỷ nhập, quỷ ám:
Quỷ nhập, hay quỷ ám là hiện tượng ma quỷ thống lĩnh sinh hoạt đời sống của một người. Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta thấy có hai loại người bị quỷ ám:
a. Những người bị quỷ ám mà không mắc chứng bệnh nào:
“Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?”. Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia”. Người bảo: “Đi đi!”. Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo” (Mt 8, 28-31).
b. Những người vừa bị quỷ ám vừa mắc một hay nhiều chứng bệnh:
Tin Mừng Mátthêu kể lại phép lạ Đức Giêsu giải thoát, cứu chữa những người vừa bị quỷ ám, vừa mắc những chứng bệnh như câm, mù, động kinh: “Người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được” (Mt 9, 32-33) ; “Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm. Người chữa lành anh ta, khiến anh ta nói và thấy được” (Mt 12,22); lại “có một người tới qùy trước mặt Đức Giêsu và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được”. Đức Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chiu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi”. Đức Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất ra, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó” (Mt 17,14-18).
Khi trừ quỷ, Đức Giêsu đã nhắm thẳng ma quỷ, và cứng rắn truyền cho chúng phải ra khỏi người bị chúng ám nhập, hành hạ.
Như thế, Đức Giêsu đã chữa cả người bệnh và người quỷ ám, nhưng Ngài phân biệt rõ rệt, dù đám đông đến tìm Ngài thường gồm cả hai thành phần: bệnh nhân và người bị quỷ ám như thánh Matthêu ghi lại: “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ, và Người chữa mọi kẻ ốm đau” (Mt 8, 16). Cả trong cách chữa, Đức Giêsu cũng dùng những cách khác nhau đối với người bệnh và người quỷ ám: với người bệnh, Ngài thương xót, cảm thương, chữa lành và đòi họ phải có lòng tin vào Ngài, đồng thời tỏ cho họ biết: sứ vụ chính của Ngài là cứu chữa linh hồn, tức có quyền tha tội cho mọi người, vì Ngài là Thiên Chúa; với người quỷ ám, Ngài thường nghiêm nghị quát mắng, ra lệnh cho quỷ phải ra khỏi nạn nhân, và nếu người bị quỷ ám có mắc chứng bệnh gì, thì bệnh ấy tự khắc biến mất, khi quỷ bị trục xuất ra khỏi họ.
Sở dĩ Đức Giêsu phân biệt rõ ràng người bệnh và người quỷ ám, vì với Ngài không có sự “đánh đồng lẫn lộn” giữa tình trạng bệnh tật và tình trạng bị quỷ ám. Nói cách khác, bệnh tật không là chứng cứ hay dấu chỉ của quỷ ám, nên không tự động hay hiển nhiên: người có bệnh là người bị quỷ ám, quỷ nhập, mặc dù có người bị quỷ ám mắc bệnh, có người mắc bệnh bị quỷ ám.
c. Nhưng tại sao chúng ta phải phân định như vậy?
Thưa vì ma quỷ muốn độc quyền “kinh doanh” bệnh tật, vì bệnh tật là mặt hàng “thông dụng, có giá” của loài người, bởi là người, không ai tránh khỏi bệnh; đã mang phận người, mấy người không chạm mặt, đụng đầu với cảnh ốm đau. Nhờ thế chúng mới dễ làm con người ảo tưởng: chỉ có chúng mới có thế lực rộng lớn khi có mặt khắp nơi qua bệnh tật; chỉ có chúng mới làm loài người phải run sợ vì chúng nắm trọn quyền sinh sát trên con người nhờ làm chủ bệnh tật; chỉ có chúng mới nắm quyền thống trị thế giới khi toàn quyền sai khiến, điều động bệnh tật, trong khi thực chất của bệnh tật chỉ là tình trạng tự nhiên của con người nhiều giới hạn.
Độc quyền “đầu tư” bệnh tật, ma quỷ còn làm nhiều người lầm tưởng bệnh tật là vũ khí lợi hại trong tay chúng; là xiềng xích trói buộc mà con người không thể thoát ra, trừ khi đầu hàng, thần phục chúng, trong khi bệnh tật chỉ là giới hạn tự nhiên của con người tự thân vốn tương đối, bất toàn.
Với chủ trương làm con người sợ hãi, và vì sợ sẽ đi theo đầu quân làm tay sai cho chúng, ma quỷ tìm cách che mắt con người, để con người không nhận ra mình là thụ tạo tự bản tính có nhiều giới hạn, nhưng lầm tưởng những giới hạn của con ngươi, trong đó có bệnh tật là “sở hữu, sản phẩm, phương tiện” của ma quỷ. Cũng với thủ đọan ma mãnh, tinh vi này, chúng đã làm nhiều người nghĩ rằng ma quỷ có toàn quyền trên bệnh tật: bắt ai bệnh thì người ấy phải bệnh, và đồng hoá tình trạng đau bệnh với tình trạng quỷ ám, mà hậu qủa tai hại là không ít người đã hoang mang, hoảng loạn khi thấy ma quỷ đầy kín loài người, đông nghẹt thế giới.
Mưu thâm chước độc của ma quỷ là nuôi và gieo những dối trá về bệnh tật để mọi người lầm tưởng “bệnh là dấu hiệu của người bị chúng ám”, tức bị chúng chiếm đóng, thống lãnh, tạo nên một thứ ảo tưởng cộng đồng có sức truyền nhiễm nhanh và rất nguy hiểm: thế giới loài người thuộc về ma quỷ, bị chúng chặt chẽ kiểm sóat, kìm kẹp, và Thiên Chúa là kẻ thua cuộc, phải đầu hàng, rút lui, không còn sức mạnh cứu rỗi.
Trước phong trào chống phá Giáo Hội của Xatan bằng đồng hoá người bệnh với người bị quỷ ám, người Kitô hữu chúng ta phải làm gì?
3. Ý thức con người là thụ tạo nhiều giới hạn:
Chúng ta cần biết mình là thụ tạo có nhiều giới hạn tự bản tính, mà bệnh tật là một trong những giới hạn tự nhiên đó. Ngoài ra, bệnh tật chúng ta mang cũng là hậu qủa của tội lỗi do chính chúng ta gây ra cho mình và cho người khác. Thí dụ: bê tha ăn uống, say sưa rượu chè, đam mê hút sách, ham muốn vô độ xác thịt đưa đến nhiều thứ bệnh như viêm gan, nám phổi, mỡ trong máu, tiểu đường, suy thận; hoặc lương thực, trái cây bị tẩm hóa chất độc hại phát sinh các chứng bệnh nan y như ung thư đủ loại, chảy máu bao tử; vũ khí sinh học, chất độc da cam khiến nhiều thế hệ bị dị dạng, quái thai… Đó là chưa kể những bệnh tâm lý như hoang tưởng, điên khùng, trầm cảm do những biến cố gây sốc hay đời sống tinh thần thiếu quân bình, sinh hoạt tình cảm, đạo đức không đúng chuẩn mực.
Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo để xác định: bệnh tật không tự động được coi là hoạt động trực tiếp của ma quỷ, với một kết luận hồ đồ: người bệnh là người bị ma quỷ ám nhập. Bằng chứng là Đức Giêsu đã không chữa lành những người bệnh “bình thường” như cứu chữa những người bị quỷ ám, mà còn quả quyết trong Tin Mừng Gioan khi chữa anh mù từ lúc mới sinh: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”, để trả lời câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2-3). Tất nhiên, khi khẳng định ngay cả tội lỗi cũng không là nguyên nhân trực tiếp của bệnh tật, Đức Giêsu gián tiếp phủ nhận ma quỷ là tác nhân chính gây ra bệnh tật cho con người.
4. Giá trị và ý nghĩa cứu độ của bệnh tật:
Là người Kitô hữu, chúng ta được Đức Giêsu mời gọi “vác thập giá mình” để đi theo Ngài. Lời mời gọi nói lên giá trị cứu độ của đau khổ chúng ta gặp hằng ngày trên đường đời, mà bệnh tật là một trong những đau khổ gần gũi, thường gặp nhất.
Thực vậy, nếu ma quỷ tìm cách phủ nhận giá trị của đau khổ, thì Đức Giêsu lại dùng Thánh Giá, biểu tượng của đau khổ để cứu chuộc nhân loại, và đến lượt những môn đệ của Ngài, chúng ta cũng phải khám phá giá trị cứu độ của đau khổ như thánh Phaolô đã quả quyết: “Những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích của Thân Thể Người là Hội Thánh”. Nhờ đó, “tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em” (Cl 1,24).
Một khi khám phá giá trị cứu độ của đau khổ, chúng ta nhận ra: “Ý nghĩa của đau khổ cũng sâu xa như chính con người, bởi vì, theo cách thức của mình, đau khổ vừa biểu lộ vừa vượt lên trên chiều sâu độc đáo của con người. Đau khổ dường như thuộc về siêu việt tính của con người; đó là một trong những điểm cho ta thấy con người, theo một nghĩa nào đó, có vận mệnh vượt trên chính mình, và được kêu gọi cách huyền nhiệm để thực hiện điều đó” (Trích Tông thư Salvifici Doloris – Về ý nghiã đau khổ, số 2 – Bản địch TTMV Saigon). Nhờ nhận ra giá trị và ý nghiã cứu độ của đau khổ, chúng ta sẽ không đón nhận bệnh tật một cách tiêu cực, nhưng tích cực như Thánh Giá cứu độ.
Quả thực, chúng ta cần khôn ngoan phân định bệnh tật là giới hạn, khiếm khuyết tự nhiên của con người, là hậu quả do chính con người hoăc thiên nhiên gây ra, mà không nhẹ dạ nghe lời những thầy bùa, thầy ngải, người đuổi tà, trừ quỷ, mà hầu hết đều chung một kết luận: bệnh là do ma ám, quỷ nhập. Trái lại, như Đức Giêsu, chúng ta nhìn bệnh tật với cái nhìn tích cực như Thánh Giá đem lại ơn cứu độ và tìm mọi cách để xoa dịu, chữa lành các bệnh tật ấy, nhất là đồng hành với người bệnh để nâng đỡ, trợ giúp, an ủi để họ không nản lòng, thối chí, nhưng tin tưởng vào Đức Giêsu, Đấng đến không chỉ để ủi an, cứu chữa, như lời Ngài nói với những người Pharisêu: “Người khỏe không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “khi nghe họ trách các môn đệ Ngài: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11-12), mà “Ngài còn mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).
Theo chân Đức Giêsu và noi gương phục vụ của Ngài, chúng ta cùng với Giáo Hội đồng hành với anh chị em đau bệnh để yêu thương, chăm lo, săn sóc, nhất là hiện diện bên cạnh họ trên những cây số cuối đường đời với niềm tin tưởng, hy vọng: bệnh tật là Thánh Giá Chúa muốn mỗi người phải vác trên đường đi theo Ngài, và ơn trợ giúp của Thiên Chúa không bao giờ thiếu cho họ, qua các bí tích, đặc biệt bí tích xức dầu bệnh nhân trong những ngày đau ốm, bệnh tật.
Tóm lại, chúng ta đặt ưu tiên lo cho người bệnh, như Đức Giêsu đã vượt trên luật Môsê cấm làm việc ngày sabát, khi chữa người bị bại tay trong ngày sabát, và trả lời những người chất vấn Ngài: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao ? Mà người thì qúy hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều thiện” (Mt 12,11-12). Nhưng không vì thế mà phủ nhận yếu tính, và giá trị cứu rỗi của bệnh tật, khi đặt bệnh tật vào những vị trí không đúng và không phù hợp với giáo lý đức tin, bởi làm như thế, chúng ta đã vô tình đặt Thiên Chúa dưới quyền lực của Xatan khi coi bệnh tật hoàn toàn thuộc quyền sở hữu, định đoạt của chúng.
Xin Thần Khí Chúa ban ơn khôn ngoan để chúng ta không lọt lưới, sa bẫy ma quỷ, trước cám dỗ “bằng mọi giá phải trị hết bệnh cho mình và chữa lành bệnh cho người khác”, kể cả phải trả cái giá “từ bỏ đức tin”, khi tin ma quỷ là chủ nhân của mọi thứ bệnh tật, và bất cứ bệnh nhân nào cũng là người bị chúng ám nhập, để rơi vào vòng cương toả, ách thống trị của chúng, như nhiều phong trào bản chất “thờ Xatan”, nhưng lại có vỏ bọc “trừ quỷ” đang thi nhau mọc lên như nấm trong thời đại mới hôm nay.
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!