TMĐP- Xóa hết sự phân biệt giữa Ba Ngôi Vị của một Thiên Chúa duy nhất là việc làm không phù hợp với mặc khải của Đức Giêsu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Giáo Hội tuyên tín. Việc làm không phù hợp này có nguy cơ dẫn đến lầm lạc trong đức tin, khi làm phai mờ tương quan giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, và xóa dần dấu ấn Nhập Thể của Chúa Con trong nhiệm cuộc cứu chuộc.
“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy, đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý “đức tin.” Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật và duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải cho con người, giao hoà và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi” (Sách Giáo Lý Công Giáo, tiết II, số 234).
Vì là mầu nhiệm “Thiên Chúa tự mặc khải chính mình cho con người”, nên đây là mầu nhiệm, mà “lý trí thuần túy của con người không thể nào đạt đến được, và ngay cả đức tin của Israel cũng không thể biết mầu nhiệm đó, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được sai đến” (SGLCG, số 237).
Cũng chính vì lý trí thuần túy của con người không thể nào đạt đến được, mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải dựa trên nền tảng mặc khải của chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta về mầu nhiệm này, bởi chỉ một mình Ngài là “Thiên Chúa làm người” mới có thể nói với con người về Thiên Chúa, và Giáo Hội tuyên xưng mầu nhiệm nền tảng, căn bản và nguồn mạch “Thiên Chúa Ba Ngôi” đúng như những gì đã nhận được từ Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
1.”Các ngôi vị Thiên Chúa thật sự phân biệt với nhau ” (SGLCG, số 254) :
“Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi”, nên “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghiã là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính”. “Ba ngôi vị đều là thực thể đó, nghiã là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh” (SGLCG số 253).
Tuy duy nhất trong bản thể Thiên Chúa, nhưng Ba Ngôi Vị thật sự phân biệt với nhau: “Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con”. Ba Ngôi phân biêt nhau qua các tương quan về nguồn gốc: “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát” (SGLCG, số 254).
Trong Kinh Tin Kính, người Kitô hữu tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa: “Tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.
“Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người …
“Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cũng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con..”.
Qua lời tuyên xưng này, chúng ta thấy duy nhất tính của Thiên Chúa Ba Ngôi: cả ba cùng là Thiên Chúa, cùng một bản thể Thiên Chúa, cùng được phụng thờ và tôn vinh như nhau. Tuy nhiên, Chúa Con, ngoài bản thể Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài còn một bản thể khác, đó là bản thể nhân loại, vì “Ngài đã từ trời xuống thế, nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người“.
Đây là điểm người viết muốn đề cập trong bài chia sẻ này, sau khi xem clip “Tiếng Nói Sự Thật” phần 190 của Nhà Chúa Cha, trong đó, “mặc khải mới” này đã được khẳng định: “Chúa Cha cũng bị đóng đinh, Chúa Con cũng bị đóng đinh, Chúa Thánh Thần cũng bị đóng đinh; “Chúa Cha vác thập gía, Chúa Con vác thập gía, Chúa Thánh Thần cũng vác thập giá“.
Trước “mặc khải mới” của Nhà Chúa Cha về Thiên Chúa Ba Ngôi, người viết nhận thấy :
a.”Mặc khải mới“ hoàn toàn xa lạ với giáo lý đức tin của Hội Thánh Công Giáo:
Kinh Tin Kính của dân Chúa không hề tuyên xưng việc Chúa Cha và Chúa Thánh Thần vác thập giá và chịu đóng đinh như mặc khải mới của Nhà Chúa Cha, nhưng chỉ long trọng tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người đã chịu khổ hình, đóng đinh vào thập giá và chết như con người: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, thời quan Phongxiô Philatô. Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh”, nên nếu có một mặc khải mới cho rằng cả Ba Ngôi Thiên Chúa, vì tính duy nhất của bản thể Thiên Chúa, mà cùng vác thập giá, cùng chịu đóng đinh, cùng chết thì chắc chắn “mặc khải mới về Thiên Chúa Ba Ngôi” này phải là “giáo lý” của một giáo phái nào đó, vì hoàn toàn xa lạ, và trái nghịch với giáo lý đức tin của Hội Thánh Công Giáo, là toàn phần mặc khải của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
b. Mặc khải mới của Nhà Chúa Cha chỉ tập trung vào tính duy nhất của Thiên Chúa: “Ba Ngôi đồng bản thể“:
Đức Tin công giáo dạy: Ba ngôi Thiên Chúa đồng bản thể: “Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn” (SGLCG, số 253).
Dựa vào tín điều này, và chỉ trên tín điều này về Thiên Chúa Ba Ngôi, mặc khải mới của Nhà Chúa Cha đã “đổ đồng” hoạt động của cả Ba Ngôi, và cho rằng: không chỉ một mình Chúa Con chịu khổ hình và chịu chết, mà cả Ba Ngôi cùng chịu khổ hình và chịu chết như nhau.
Sở dĩ “đổ đồng” như vậy là vì anh em ở Nhà Chúa Cha đã quên một tín điều khác cũng quan trọng như tín điều “một Thiên Chúa duy nhất”, đó là “Các Ngôi Vị Thiên Chúa thật sự phân biệt với nhau“, như sách Giáo Lý Công Giáo số 254 xác tín: “Chúng tôi tôn thờ và tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không đơn độc”. “Chúa Cha”, “Chúa Con”, “Chúa Thánh Thần”, không phải đơn thuần là những danh xưng chỉ các dạng thức của “Hữu Thể” thần linh, bởi vì Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau”, mặc dù “Các Ngôi Vị Thiên Chúa có tương quan với nhau” (SGLCG số 255).
c. Đau khổ và sự chết chỉ có ở con người :
Một sự thật hiển nhiên mà Nhà Chúa Cha vô tình hay cố tình bỏ qua, đó là Thiên Chúa không “đau khổ” và không “phải chết”, vì đau khổ và sự chết là hậu qủa của tội lỗi, như Sách Sáng Thế đã khẳng định trong chương 3 khi kể lại việc sa ngã của ông bà nguyên tổ và lời Thiên Chúa phán với ông bà: “Với người đàn bà, Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén ; ngươi phải cực nhọc lúc sinh con… Với con người, Chúa phán: “ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : “Ngươi đừng ăn”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 16-19).
Hình ảnh sinh nở cực nhọc, làm lụng vất vả là hình ảnh của đau khổ mà làm người không ai thoát khỏi, cũng như hình ảnh bụi đất là hình ảnh của sự chết, mà không một con người nào tránh được.
Sở dĩ Chúa Con đã chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chịu chết, vì Ngài đã xuống thế làm người, đã mang lấy tất cả những gì là con người, đã chung phần “con người“ với mọi người, ngoại trừ tội lỗi, như thánh Phaolô đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Chúa Con đã chịu đau khổ, chịu vác thập gía và chịu chết, vì Chúa Con mang thêm bản tính con người, ngoài bản tính Thiên Chúa; vì Chúa Con đã nhập thể làm người như mọi người; vì Chúa Con đã nhập thế để làm người ở giữa mọi người, chia sẻ thân phận người, với mọi điều kiện làm người như mọi người, nên khi đau khổ và chịu chết trên thập giá, Chúa Con đã chết như con người, với bản tính con người, nhưng khi sống lại từ cõi chết, Chúa Con đã sống lại bằng quyền năng Thiên Chúa của chính mình.
Khác với Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không xuống thế làm người, không nhập thể trong lòng một người đàn bà nào, vì theo chương trình chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, thì Chúa Con là người được sai đến trong thế gian để thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại, nên chỉ một mình Chúa Con mới làm người, mới là người, mới mang bản tính con người, và chỉ là người mới phải chịu khổ hình và chết, còn Thiên Chúa thì đau khổ và sự chết không bao giờ có thể mon men đến gần. Đó là lý do Chúa Cha và Chúa Thánh Thần “không vác thập giá, cũng không chịu đóng đinh” như Chúa Con.
Tóm lại, mặc khải mới của Nhà Chúa Cha không phù hợp với Giáo Lý công giáo khi cho rằng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều vác thập giá và chịu đóng đinh ( x. clip Tiếng Nói Sự Thật phần 190), vì mặc khải này trái nghịch với những gì Đức Giêsu đã mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, và cắt nghiã lệch lạc mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Con trong công trình Cứu Chuộc.
2. Chúa Con mặc khải sự phân biệt giữa Ba Ngôi Vị trong Tin Mừng:
Đức Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa cho con người :
a. Ngài mặc khải Chúa Cha là Cha Ngài, Đấng sai Ngài đến trong thế gian :
Khi người Do Thái nói với Đức Giêsu: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa! “Đức Giêsu bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Ga 8,41-42).
b. Ngài mặc khải Chúa Cha sai Ngài đến thế gian với sứ vụ Cứu Chuộc loài người:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian , nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ ” (Ga 3,16-17).
c. Ngài mặc khải Ngài đến để làm theo ý của Chúa Cha:
“Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,38-40).
d. Ngài mặc khải Chúa Cha và Ngài là một trong tình yêu:
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,9-10). Chẳng thế mà Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài, như “khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
e. Ngài mặc khải Chúa Cha là Đấng có quyền trên Ngài:
Trong vườn Cây Dầu, trước giờ bị nộp trong tay kẻ dữ đem đi tra khảo và đóng đinh, Chúa Con “đã sấp mặt xuống, và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Cũng như trên Thánh Giá, Ngài đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã làm khổ Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), cũng như “phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha” (Lc 23,46), sau khi thống thiết than thở với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).
Qua những lời Chúa Con mặc khải, chúng ta không thể tin vào vào mặc khải mới của Nhà Chúa Cha, vì giữa Chúa Cha và Chúa Con có khoảng cách biệt trong tương quan Ngôi Vị, như Chúa Cha là Đấng sai đến, và Chúa Con là Đấng được sai đến; Chúa Con là Đấng thực hiện ý muốn của Chúa Cha; Chúa Con sấp mình xuống đất nài xin Chúa Cha ở trên trời cất khỏi Ngài chén đắng, nếu có thể; Chúa Cha từ trời cao biểu lộ tình cha với Chúa Con vừa chịu phép rửa duới đất, bên bờ sông Giôđan; Chúa Con chịu treo trên Thánh Giá đã khẩn cầu cùng Chúa Cha trong cô đơn tột cùng, khi Chúa Cha xem ra như vắng mặt, không quan tâm đến Con mình ở giờ hấp hối.
Điều đó làm chứng: Chúa Cha không cùng vác thập giá, hay cùng chịu đóng đinh với Chúa Con; cũng như khi Phêrô tuyên xưng đức tin: ” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu đã nói với Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17). Cũng vậy, Đức Giêsu đã bắt đầu lời nguyện thánh hiến bằng “ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,1.4).
Như thế, hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa là những hoạt động riêng biệt của “Ba Ngôi Vị thật sự phân biệt với nhau”, mặc dù luôn hiệp thông, tương quan chặt chẽ vì là Thiên Chúa duy nhất (x. SGLCG các số 253,254,255).
Về Chúa Thánh Thần, Chúa Con đã mặc khải:
a. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa :
Thần Khí đã có mặt trong buổi đầu Tạo Dựng (x. St 1,2), Thần Khí đã ” ùng các tiên tri mà phán dạy” trong Cựu Ước; đến thời Tân Ước, Thần Khí Thiên Chúa rợp bóng trên Trinh Nữ Maria, người nữ được chọn để cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Lc 1,36); “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu” trên Chúa Con, khi Ngài chịu phép rửa (Mt 3,16); Thần Khí dẫn “Đức Giêsu vào hoang địa để chịu qủy cám dỗ” (Mt 4,1); Thần Khí Chúa ngự trên Chúa Con suốt hành trình truyền giáo “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. 4,21).
Cũng chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, như thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Nhờ Thánh Thần, chúng ta được thuộc về Đức Giêsu (x. Rm 8,9), và hướng về Chúa Cha (x. Rm 8,15 ; Gl 4,6) ; Thánh Thần làm cho chúng ta không còn sợ sệt, nhưng “được trở nên nghiã tử, nhờ đó, chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” (Rm 8,15).
b. Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Con:
Vai trò của Chúa Thánh Thần là tháp nhập các tín hữu vào Chúa Con, và làm cho họ nên những người con của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần quy hướng hoạt động vào Đức Kitô và tôn vinh Đức Kitô (x. Ga 16,14), đồng thời làm chứng về Đức Kitô: “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15, 26)
c. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội:
Trước khi lên đường chịu chết, Đức Giêsu đã trấn an các Tông Đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17).
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em ” (Ga 14,26); cũng chính Ngài là Thần Khí sự thật “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn; Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em” (Ga 16,13).
Và “khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12).
Sau khi Đức Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc của Chúa Con qua những hoạt động của Ngài trong Giáo Hội, khởi đầu bằng biến cố Hiện Xuống trên các Tông Đồ dưới hình lưỡi lửa, “và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).
Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đóng vai trò nối kết tất cả các chi thể là chúng ta trong Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội, và làm cho Giáo Hội lớn mạnh, với các đăc sủng của Ngài (x. 1 Cr 12,4-11).
Tóm lại, xóa hết sự phân biệt giữa Ba Ngôi Vị của một Thiên Chúa duy nhất là việc làm không phù hợp với mặc khải của Đức Giêsu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Giáo Hội tuyên tín. Việc làm không phù hợp với mặc khải của chính Đức Giêsu về Thiên Chúa Ba Ngôi này có nguy cơ dẫn đến lầm lạc trong đức tin, khi làm phai mờ tương quan giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, và xóa dần dấu ấn Nhập Thể của Chúa Con trong nhiệm cuộc cứu chuộc.
Một lần nữa, chúng ta long trọng và sốt sắng tuyên xưng đức tin của các tông đồ mà tông đồ trưởng Phêrô đã tuyên xưng (x. Mt 16,16). Với đức tin của Hội Thánh trên nền tảng các Tông Đồ, chúng ta phấn khởi theo chân các Tông Đồ lên đường làm chứng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân, với lòng “tràn đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Tình Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13).
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!