Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

LỄ CHÚA LÊN TRỜI | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Năm B

TMĐP- Xin Chúa về trời ban cho chúng ta, những người thuộc mọi tuổi tác, mọi chủng tộc, mọi nền văn hoá, mọi thành phần xã hội cùng tìm một hướng đi, một lẽ sống, một niềm tin được tràn đầy ơn Thánh Thần.

Để hiểu rõ ý nghĩa của Lễ Thăng Thiên, chúng ta cùng nhìn vào những lần hiện ra của Đức Giêsu với các môn đệ sau khi sống lại từ cõi chết, để không rơi vào tình trạng vừa hoang mang vừa nhớ thương, nuối tiếc như các Tông Đồ đã thấy tận mắt Đức Giêsu “được cất lên … và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 9-11).

1. Đức Giêsu về trời để Lời Hứa  ban Thánh Thần của Chúa Cha được thực hiện :

Trước khi lên đường chịu khổ hình va chịu chết, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26).

Lời Hứa ấy còn được Ngài nhắc lại sau khi sống lại, “một hôm kia, khi đang dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,4-5).

Lời Hứa này rất quan trọng, vì nhờ Lời Hứa được thực hiện, mà các Tông Đồ được trở nên những chứng nhân của Đức Giêsu, bởi không có Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ được Chúa Cha sai đến, Giáo Hội  không được khai sinh, không có sức sống của Chúa Thánh Thần để lên đường loan báo và làm chứng Đức Giêsu, như chính Ngài đã quả quyết: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người hiện xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là  chứng nhân của Thầy ở Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2. Đức Giêsu về trời để khai trương một vương quốc mới của Thiên Chúa:

Vương Quốc được mở ra khi Đức Giêsu về trời không còn là vương quốc cũ, vương quốc tạm bợ, nhất thời như  vương quốc Israel, nhưng là Vương Quốc mới,  Vương Quốc vô tận, Vương Quốc đời đời của Thiên Chúa, ở đó tất cả mọi người, mọi dân tộc, ở mọi thời đại được kêu gọi đến nhận ơn cứu rỗi, bởi Đức Giêsu, “Người đã lên, nghiã là gì, nếu không phải là Người đã xuống sâu thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời, để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4,9-10). Sự viên mãn trong Vương Quốc của Thiên Chúa chính là khi “tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13), khi Đức Giêsu, Đấng vừa được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các Tông Đồ đã thấy người lên trời  (x. Cv 1,11).

Tin Mừng Máccô  trình bày những dấu hiệu Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Ngài  trong Vương Quốc mới:  “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ….”, và “những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được qủy, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,16.17-18).

3. Đức Giêsu về trời mở đầu sứ vụ của Giáo Hội với các Tông Đồ:

Đức Giêsu về trời sau khi đã hoàn thành sứ vụ đến trong thế gian để cứu chuộc thế gian. Nay Ngài về trời với Đấng đã sai Ngài nhập thế, nhập thể. Từ nay, Giáo Hội  được chính Ngài thiết lập trên tảng đá tông đồ Phêrô, và tông đồ đoàn, sẽ tiếp nối sứ vụ cứu chuộc nhân loại của Ngài dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần.

Tin Mừng Máccô ghi lại: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,19).

Thánh Phaolô vì ý thức tầm quan trọng của Hiệp Nhất trong ơn gọi loan báo và làm chứng Tin Mừng của mọi người trong Giáo Hội, đã tha thiết kêu gọi người Kitô hữu “hãy sống xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban” (Ep 4,1), bằng “ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2) , vì theo ngài, sự hiệp nhất trong Giáo Hội là  điều quan trọng nhất mà các tín hữu phải duy trì, phát triển; tinh thần hiệp nhất là điều kiện để trở thành người rao giảng Tin Mừng, chứng nhân của Đức Giêsu, bởi “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4-6).

Xin Chúa về trời ban cho tất cả chúng ta, những người thuộc mọi tuổi tác, mọi chủng tộc, mọi nền văn hoá, mọi thành phần xã hội đang “đăm đăm nhìn lên trời ” để tìm một hướng đi, một lẽ sống, một niềm tin được tràn đầy ơn Thánh Thần để biết mình đang sống trong Vương Quốc mới của Thiên Chúa, ở đó mọi người được yêu thương cứu độ, và được trao phó sứ vụ làm chứng Thiên Chúa muốn quy tụ “tất cả  nên một”, thành một đoàn chiên, tức Giáo Hội trong Tình Yêu và ơn Cứu Độ của Ngài.

Jorathe Nắng Tím  

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...