TMĐP- Điều Thiên Chúa mong đợi ở mỗi người chúng ta, đó là tin vào tình yêu vô cùng và đến cùng của Đức Giêsu, tín thác vào lòng thương xót, bao dung của Ngài…
Cụm từ “Thánh Tâm Chúa Giêsu”, hay “Trái Tim Chúa Giêsu” có cùng mục đích diễn tả chính con người Đức Giêsu là Tình Yêu của Thiên Chúa, là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót, là Đấng Cứu Độ rất nhân hậu, bao dung, là Tình Yêu vô cùng và đến cùng, là ơn Cứu Chuộc bất tận tuôn đổ trên toàn thể nhân loại.
Vì thế, “Thánh Tâm Chúa Giêsu”, “Trái Tim Chúa Giêsu” cũng là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Trong Chúa Thánh Thần, trái tim, hay Thánh tâm ấy tự bản tính Thiên Chúa và Con Người mang Tình Yêu vô cùng, vô biên, vô hạn, và luôn hướng về Chúa Cha và anh em nhân loại của mình.
Tin Mừng Gioan ghi lại hai biến cố quan trọng về Thánh Tâm. Biến cố thứ nhất đã xẩy ra khi “quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu.” (Ga 19,32), vì “hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập gía trong ngày sabát… Vì thế, họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống” (Ga 19,31). Nhưng “khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người” (Ga 19,33).
Thật tội nghiệp những người bị đóng đinh chưa kịp chết nay phải chịu thêm hình phạt “đánh giập ống chân”, như “phát súng ân huệ” thời nay dành cho những tử tội bị bắn nhưng chưa chết.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, tưởng những người lính sẽ để Ngài được yên. Nào ngờ, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
Đây là một sự lạ hiếm có, một sự kiện hi hữu chưa từng xảy ra, vì người đã chết thì thân xác không còn máu và nước, do các cơ quan đã ngưng hoạt động. Chính vì khó tin, mà tông đồ Gioan, người đã thấy tận mắt và kể lại sự kiện này đã xác tín một cách quyết liệt: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19 35). Và để chứng từ của mình thuyết phục, thánh Gioan cậy đến lời Kinh Thánh trong Cựu Ước đã báo trước về sự kiện này: “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”. Lại có Lời Kinh Thánh khác: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,36-37).
Biến cố thứ hai liên quan đến Thánh Tâm Chúa là khi Đức Giêsu hiện ra sau khi sống lại với các môn đệ và “cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20,20). Đặc biệt, với ông Tôma, người môn đệ cứng lòng tin đã mạnh dạn phát ngôn với chút thách thức, khi các anh em nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25) đúng lúc ông không có mặt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông… Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 25-27).
Cả hai biến cố đã nói lên ý muốn tỏ ra cho chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu trái tim vô cùng nhân hậu, bao dung, thương xót của Ngài, trái tim của một Thiên Chúa chỉ biết yêu thương, trái tim của một Thiên Chúa trung tín đến cùng với người mình yêu, dù người yêu đầy thiếu xót, lỗi lầm, bất xứng, phản bội. Biến cố ấy còn cho chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi quy tắc, luật lệ; bất chấp mọi rào cản, tường ngăn. Bằng chứng đã chết rồi, mà ” máu và nước từ Thánh Tâm” ấy vẫn chảy ra; sống lại rồi, mà trên thân xác phục sinh vinh hiển vẫn sâu hoắm những vết thương tình yêu, cạnh sườn vẫn rịn máu từ trái tim tràn đầy lòng thương xót.
Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại đã quả quyết: mầu nhiệm Đức Kitô “là tình thương vượt qúa sự hiểu biết” (Ep 3,19), tình thương đang hoạt động nơi chúng ta “gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Và trước mầu nhiệm Đức Kitô, Thiên Chúa của lòng thương xót, chúng ta chỉ có thể quỳ gối thờ lạy, và hiệp lòng cùng thánh Tông Đồ dân ngoại, khi ngài cầu xin cho chúng ta, như đã cầu xin cho các tín hữu ở Êphêxô: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu trong đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt qúa sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-19).
Vâng, điều Thiên Chúa mong đợi ở mỗi người chúng ta, đó là tin vào tình yêu vô cùng và đến cùng của Đức Giêsu, tín thác vào lòng thương xót, bao dung của Ngài, và tuyệt đối tin tưởng: trong Trái Tim cực thánh của Thiên Chúa làm người, không ai bị lãng quên, không tội nhân nào bị loại bỏ, không thân phận nào bị khinh miệt, khai trừ, nhưng mọi người đều có chỗ, tất cả đều được Máu và Nước từ Thánh Tâm của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh tẩy rửa, chữa lành, cứu sống.
Jorathe Nắng Tím