Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

NGƯỜI QUẢN LÝ CỦA CHÚA  | Chia sẻ về sự vâng phục trong Giáo Hội

TMĐP- Giáo Hội là Nhà Thiên Chúa giữa con người. Những người được đặt lên quản trị Giáo Hội, gọi chung là các Đấng Bậc cũng trở thành điểm ngắm của đám đông. Bài viết nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về tương quan vâng phục giữa người tín hữu và các Đấng Bậc; về chỗ đứng, bổn phận của các Đấng Bậc qua hình ảnh người quản lý mà Tin Mừng mô tả.

Từ hơn hai ngàn năm nay, Giáo Hội của Đức Giêsu vừa là đối tượng  yêu thương, đồng thời cũng là đích điểm của thù ghét, vì một lý do đơn giản: Giáo Hội không đơn thuần là một hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, đảng phái của con người lập ra cho con người, nhưng do Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người thiết lập cho con người, để cứu độ con người.

Vì không do con người thành lập, nên từ mục tiêu, đường hướng, ý nghĩa, đến cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn tuyển chọn, thâu nạp thành viên, phương tiện, sinh hoạt của Giáo Hội có những điểm khác biệt làm nhiều người khó hiểu, khó chấp nhận. Đó chính là tính mầu nhiệm của Giáo Hội: một thực thể đức tin, một tập hợp những người tin vào Đức Giêsu, mà chỉ trong ánh sáng của đức tin, con người mới có thể nhận biết, hiệp thông và sống tròn đầy sự sống của Đức Kitô trong Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội.

Cũng vì Giáo Hội là một mầu nhiệm, một thực thể vừa siêu nhiên vừa phàm trần, vừa linh thánh vừa nhân loại, bởi Giáo Hội là Nhà Thiên Chúa giữa con người, là bí tích Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, mà những người được đặt lên quản trị Giáo Hội, gọi chung là các Đấng Bậc cũng trở thành điểm ngắm của đám đông  yêu thương và  thù ghét, ủng hộ và chống báng, cộng tác và phá hoại.

Để hiểu rõ hơn về tương quan vâng phục giữa người tín hữu và các Đấng Bậc, chúng ta cần xác tín mầu nhiệm Giáo Hội bằng chia sẻ với nhau về chỗ đứng, bổn phận của các Đấng Bậc qua hình ảnh người quản lý mà Tin Mừng đã mô tả.

1.Chân dung người quản lý:

Tin Mừng cho chúng ta thấy: suốt ba năm truyền giáo, Đức Giêsu đã tận dụng thời gian, cơ hội để đào tạo Nhóm Mười Hai Tông Đồ là rường cột của Giáo Hội mà Ngài  sẽ  thiết lập trên Tảng Đá Tông Đồ trưởng Phêrô (x. Mt 16,16), và chọn các ông như những người quản lý gia nghiệp của Ngài (x. Lc 12,41-42).

Trước hết, Ngài dạy các ông bài học về  mẫu người  quản lý  mà các ông phải trở nên:

a.Người quản lý phải là “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mt 24,45).

Đức Giêsu xác định rõ: người quản lý tự bản chất là đầy tớ của chủ, và mãi mãi là đầy tớ. Điều này có nghĩa: quản lý không được tự nhận mình là chủ khi chủ đi vắng, không được tự ý quyết định những việc vượt quyền đã được chủ quy định, trao phó, không được mạo nhận tên tuổi, uy tín, thế lực, uy quyền của chủ khi chủ không có nhà để làm ngược ý chủ trên gia nhân, mà ý chủ là thương yêu, chăm sóc những kẻ thuộc về mình.

Vì thế, người quản lý ấy phải là đầy tớ trung tín và khôn ngoan khi không chỉ yêu mến chủ, mà còn phải yêu mến những người chủ giao cho để quản lý; không chỉ trung tín với chủ, mà còn phải trung tín với người mình phục vụ; không chỉ khôn ngoan để làm vui lòng chủ, mà còn phải khôn ngoan trong sứ vụ đem lại hạnh phúc cho những người mình được giao trách nhiệm chăm nom, săn sóc.

b.Bổn phận của người quản lý:

Người quản lý được Đức Giêsu chọn  không làm công việc nào khác ngoài  coi sóc tài sản của chủ, coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho gia nhân đúng giờ đúng lúc (x. Mt 24,45.47).

Tài sản của Đức Giêsu là kho tàng mặc khải đức tin, kho tàng sự thật mà chính Ngôi Lời của Thiên Chúa  đã nói với con người. Kho tàng ấy được giao cho người quản lý, và người quản lý bảo vệ, gìn giữ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn  có măt và họat động “trong và với Giáo Hội”, để những  người quản lý kho tàng đức tin ấy không đi trong lầm lạc, như Lời Hứa của Đức Giêsu  với  các thánh Tông Đồ, và các Đấng  kế nhiệm các Tông Đồ: “Khi Thần Khí sư thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13).

Chính trong đức tin là kho tàng được mặc khải, mà tất cả những ai tin vào Đức Giêsu được hiệp nhất với nhau trong Ngài, như lời Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con… Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,11.20-21).

Bên cạnh là sứ vụ phân phát Lương Thực cho gia nhân, và lương thực mà người quản lý  phát cho gia nhân ấy chính là Lời hằng sống và Mình Máu Đức Giêsu, như chính Ngài đã qủa quyết: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Ga 6,51.54-55).

Sứ vụ  “phân phát thóc gạo” của người quản lý được Thiên Chúa chọn còn là loan báo cho muôn dân biết Thiên Chúa yêu thương, cứu độ họ và làm cho mọi người trở thành “người nhà” của gia đình Giáo Hội như bài sai của người môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép  rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyèn cho anh em” (Mt 28,19-20).

Như thế, người đầy tớ trung tín và khôn ngoan không được ông chủ đặt làm quản lý  để cai trị, nhưng để phục vụ, vì kẻ thống trị không quan tâm, “coi sóc kẻ ăn người ở để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” cho họ ; cũng như kẻ cầm quyền sinh sát  sẽ chỉ “ăn trên ngồi trước”, bắt mọi người phục dịch, hầu hạ, chứ  không chăm chỉ, tận tụy, cần mẫn, tuân thủ thời khóa biểu  để  lo cho  gia nhân ăn uống đúng giờ, no đủ, và không để  bất cứ người nào trong họ phải đói khát , bữa no bữa đói, bữa sớm  bữa muộn, thất thường.

Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan cũng không được đặt  làm quản lý để làm thất thoát tiền bạc, làm “tan gia bại sản”, hay giữ riêng thóc gạo của ông chủ cho riêng mnìh, nhưng gìn giữ gia sản, bảo toàn gia nghiệp của ông chủ, đồng thời phân phát của ăn thức uống của chủ cho gia nhân như ý muốn và tấm lòng đại lượng, yêu thương của chủ.

Quả thực, nếu trong Tin Mừng chân dung người quản lý trung tín và khôn ngoan được Đức Giêsu  tỉ mỉ mô tả, thì người quản gia bất lương cũng được Ngài phác họa rõ nét : người ấy là người phung phí tài sản của chủ (x. Lc 16,1),  là người khôn khéo, ma mãnh biết tính toán để có lợi cho mình (x.Lc 16,8), là người không làm theo ý chủ (x. Lc 12,47). Nhưng tệ hại và  nặng nề hơn cả là người ấy “nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa” (Lc 12, 45), trái với sứ vụ  ông chủ  trao phó và căn dặn là “tỉnh thức” trông coi gia sản, và  “trung tín, khôn ngoan”  săn sóc, chăm nom gia nhân để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc.

Chúng ta nhận thấy điểm khác biệt rất quan trọng giữa người quản lý trung tín, khôn ngoan và người quản lý bất lương, gian ác, đó là tình yêu phục vụ. Nói cách khác, ơn gọi và sứ vụ của người đầy tớ được  ông chủ Thiên Chúa chọn làm quản lý chính là ơn gọi yêu thương và phục vụ, bởi không thể chăm lo chu đáo cho nguời ăn kẻ ở, nếu không yêu thương họ; không thể chu toàn bổn phận lo cho gia nhân từng bữa ăn đúng giờ đúng lúc, nếu thiếu tinh thần phục vụ của người tôi tớ khiêm hạ; bằng chứng là tên quản lý bất lương, gian ác đã lợi dung chủ vắng nhà để hành hạ  người nhà, đánh đập những người hắn có bổn phận phải yêu thương chăm sóc, và “chè chén say sưa”, bắt tôi trai tớ gái phục vụ nhu cầu hưởng thụ của hắn (x. Lc 12,45).

Điều đó nói lên một sự thật: không phải tất cả những người được chọn làm quản lý đều sẽ trung tín, khôn ngoan, tỉnh thức, có lòng yêu thương và tinh thần phục vụ  gia nhân như ý muốn của ông chủ; cũng  không phải tất cả các đầy tớ được chấm là  “trung tín và khôn ngoan” ở thời điểm được ông chủ chọn làm quản lý sẽ mãi mãi trung tín, khôn ngoan để yêu thương phục vụ  người trong nhà như sứ vụ đã nhận, như lời những quản lý này đã  thề hứa, như bài sai đã được trao cho họ, vì mỗi người đều có tự do chọn lựa, thay đổi, kể cả phản bội từng ngày. Điển hình là  tông đồ Giuđa, người quản lý đã không trung tín và thiếu tỉnh thức  khôn ngoan để ra nông nỗi “bán Thầy rồi  tự kết liễu đời mình” (x. Mt 27,3-10).

2.Người quản lý là hình ảnh các Đấng Bậc trong Giáo Hội:

Khi Đức Giêsu nói về người quản lý trung tín và khôn ngoan, tông đồ trưởng Phêrô đã lên tiếng hỏi Ngài: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12,41). Hỏi như thế, vì Phêrô cảm nhận Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các ông hơn là cho mọi người và cảm nhận ấy đã được gián tiếp  khẳng định bởi Đức Giêsu khi Ngài hỏi lại ông: “Vậy thì ai là người quản lý trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đứng giờ đúng lúc?” (Lc 12,42), ý nói: không phải anh em  thì là ai, vì anh em là những người biết rõ ý Thầy, lại được cho nhiều và giao phó nhiều (x. Lc 12,47. 48).

Ý thức mình là người quản lý được chọn để chăm nom và phục vụ những người Chúa giao phó, các Tông Đồ thâm tín mình cũng là tôi tớ như bao tôi tớ khác của Thiên Chúa, cũng là môn đệ như các môn đệ khác, cũng là người tin vào Đức Giêsu như các Kitô hữu, cũng yếu đuối, nhiều thiếu sót, khuyết điểm, nên khi được trao phó nhiệm vụ  quản lý, tức giám quản (episcopus) là “nhiệm vụ cao đẹp” (1 Tm3,1), cũng như khi chọn người kế nhiệm mình để quản trị Giáo Hội, các vị phải thận trọng tìm  người có những điều kiện như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi môn đệ Titô: “Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính,không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (Tt 1,7-9).

Đưa ra những điều kiện cũng là cách cảnh báo các giám quản những rủi ro có thể rơi vào, những nguy hiểm cần phải tránh, những cạm bẫy phải đề phòng, vì dù là người được chọn, các Đấng Bậc cũng đừng quên mình mãi là con người với  đủ cung bậc của  yếu  đuối và tự do đáp trả hay từ chối, trung tín hay phản bội…

Qua những điều kiện được đặt ra, chúng ta thấy sứ vụ giám quản không dễ  và nhẹ nhàng  chút nào, nhưng nặng nề, khó khăn,  đòi nhiều cố gắng và phải liên lỷ “tu thân sửa mình” hầu hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm yêu thương, phục vụ dân Chúa như người quản lý trung tín và khôn ngoan được đặt lên coi sóc gia nghiệp của Chúa.

Ý thức được gọi từ hàng ngũ các tôi tớ lên làm quản lý, người được dân Chúa gọi  là “Đấng Bậc” với lòng kính trọng, yêu mến sẽ luôn biết mình không là Chúa, dù được Chúa tín nhiệm trao phó sứ vụ quản lý cơ ngơi và gia nhân của Ngài; không tự tôn hay vui vẻ để người khác tôn  mình lên hàng ông chủ, vì bản chất, nguồn cội, yếu tính của mình chỉ là tôi tớ như bao tôi tớ khác, nếu có khác là khác ở diễm phúc được Chúa chọn và nâng lên làm quản lý để phục vụ “người nhà” của Ngài; không tự phụ cho mình là hoàn hảo, thánh thiện hơn mọi người, cũng không tự mãn nghĩ mình không thể vấp ngã, không thể sai lầm, và không cần nghe  ai khuyên nhủ, hướng dẫn, chia sẻ, vì chính Chúa đã  cảnh báo sẽ có những quản lý  mất phẩm chất sau khi được cất nhắc để trở nên bất trung, phản trắc, làm ngược ý chủ, sẽ có những quản lý biến thái sau khi được trao quyền để  trở thành người hung dữ, thô bạo “bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái” (Lc 12,45) thay vì yêu thương chăm sóc họ, và  hưởng thụ “chè chén say sưa” thay vì tận tụy lo cho họ được ăn uống no đủ, đúng giờ (x. Lc 12,45).

Tin Mừng Gioan khi vẽ chân dung Mục Tử nhân lành cũng không quên phác họa một số nét chấm phá rất ấn tượng về người chăn thuê. Người chăn thuê  cũng là mục tử,  nhưng là “mục tử” chăn thuê, vì không chăn dắt đoàn chiên bằng tình yêu phục vụ đến “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), bởi “chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10, 12).

Vì thế, trước những sai sót, kể cả lỗi phạm trầm trọng của một số ít Đấng Bậc trong Giáo Hội, chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” mà  nặng lời lên án, bất tuân phục, từ bỏ Giáo Hội hoặc thất vọng, tuyệt vọng vì Giáo Hội, nhưng bình tĩnh đón nhận những sự thật tuy đáng buồn nhưng “rất người” ở con người, dù là những con người được thánh hiến, và việc cần làm, chính là cầu nguyện, vì tất cả chúng ta là một thân thể, nên “các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đó đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26).

Chúng ta cũng đừng quên có lần Đức Giêsu đã nói với đám đông về  các kinh sư, và Pharisêu tức những người có trách nhiệm hướng dẫn, giảng dạy trong Đạo Do Thái: “Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dậy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt23,2-3). Nói với đám đông điều này, Đức Giêsu khuyên chúng ta hãy cứ bình an  lắng nghe lời dậy dỗ, khuyên bảo  thuộc chân lý đức tin và luân lý của những Đấng Bậc mà dưới mắt chúng ta có thể bị coi là bất xứng, vì khi giảng dậy những chân lý thuộc đức tin và luân lý, các vị được Chúa “bảo đảm” với ơn  riêng của đấng bậc.

Ước gì “vì được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi” người được Chúa  chọn   làm quản lý sẽ  “đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (1Pr 1,5-7), để sứ vụ yêu thương phục vụ dân Chúa như người quản lý trung tín, khôn ngoan được đặt lên  coi sóc  gia sản, chăm lo gia nhân, chăn dắt “đoàn chiên” của Chúa (x. Ga 21,15.16.17) được hoàn thành tốt đẹp, như lòng Chúa mong ước.

3.Tương quan  “vâng phục” giữa giáo dân và các Đấng Bậc:

Trước hết, người tín hữu vâng phục các Đấng Bậc như người được Thiên Chúa đặt lên để quản lý.

Quản lý không là  ông chủ, vì người  quản lý được ông chủ đặt lên để trông nom cơ ngơi của chủ, theo lệnh và ý muốn của chủ. Tuy không phải cơ ngơi của mình,  nhưng khi làm công việc trông nom này, người quản lý phải làm với tinh thần trách nhiệm và lòng trung tín, chứ không vô trách nhiệm và bất trung để  của cải, tiền bạc của chủ thất thoát, cơ sở  của chủ  hư hao.

Người quản lý còn có nhiệm vụ lo cho gia nhân no đủ, dù gia nhân không thuộc về mình, như đoàn chiên được Chúa trao cho  các tông đồ chăn dắt là đoàn chiên của Chúa, như chính Đức Giêsu đã nói với  Phêrô khi trao quyền chăn dắt: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15.6).

Lòng nhiệt thành, hy sinh vì đoàn chiên  ở người “quản lý đoàn chiên” được đặt nền tảng và lớn lên do tình yêu củaa người quản lý dành cho ông chủ của đoàn chiên. Vì thế, trước khi trao quyền trông nom, chăm sóc đoàn chiên của Ngài cho Phêrô và  giao cho ông quyền chăn dắt đoàn chiên , Đức Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”  (Ga 21,16), và  nếu không có câu trả lời với niềm tin yêu, xác tín: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16),  chắc chắn Đức Giêsu, chủ chăn đích thực của đoàn chiên đã không trao cho Phêrô quyền thay Ngài chăm sóc “chiên mẹ, chiên con” của Ngài.

Như thế, việc vâng phục các Đấng Bậc, là người quản lý được chọn và trao quyền trông coi, chăm sóc đoàn chiên ở người giáo dân  cũng phải được đặt trên nền tảng tình yêu của mỗi người đối với Đức Giêsu, Chúa Chiên đích thực. Vì yêu mến, tín thác ở Ngài, mà người tín hữu vâng phục người quản lý do Ngài tuyển chọn, sắp đặt để “trông nom gia nghiệp của Ngài”. Bởi nếu không có tình yêu dành cho chính Đức Giêsu là Chủ Chăn duy nhất, người tín hữu sẽ dễ rơi vào cám dỗ so sánh, soi mói, sân si, sinh sự với người quản lý, vì những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả lạm dụng, sai phạm của người này, bởi đừng quên người quản lý cũng chỉ là con người bất toàn, nhiều giới hạn, và đã được cất nhắc từ thân phận tôi tớ  như mọi người…. và mãi mãi mang thân phận yếu đuối ấy, dù trên vai là gánh nặng trông nom gia nghiệp, chăm sóc đoàn chiên.

Có yêu mến Đức Giêsu, Chủ Chăn duy nhất, người tín hữu mới tin, và chấp nhận vâng phục một cách chân thành  quyền quản trị, quyền phân phát ơn sủng, quyền rao giảng, giáo huấn của các Đấng Bậc là những người quản lý được Thiên Chúa tuyển chọn. Bởi không yêu mến Đức Giêsu, không tin Lời Ngài là chân lý, và  Ngài là Đấng bảo đảm đáng tin cậy của niềm tin, chúng ta sẽ khó đón nhận những quyền siêu nhiên, phi thường được trao cho những con người tự nhiên, bình thường, có khi còn tầm thường hơn chúng ta ở một vài phương diện nào đó; không vì tuyệt đối tín thác vào Chủ Chăn duy nhất là Đức Giêsu, chắc chắn những quyền Ngài trao cho quản lý của Ngài sẽ không tránh khỏi những khước từ, không vì quyền được trao cho bằng mức độ xứng đáng dưới mắt con người của  người được trao quyền.

Ở đây, chúng ta nhận thấy cả người quản lý và gia nhân đều phải quy hướng về ông chủ, và  phục tùng quyền tối thượng của ông chủ, vì cả hai đều là tôi tớ của ông chủ; cả hai đều phải làm theo ý của ông chủ, vì không ai ngang hàng ông chủ; và quan trọng hơn cả là cả hai đều được mời gọi  đáp trả chung một đòi hỏi là yêu mến ông chủ, tín thác ở ông chủ, và vâng lời ông chủ, bởi khi cả hai có cùng một tình yêu cho ông chủ, thì không bên nào tị nạnh, ganh ghét, hiềm khích bên nào, nhưng yêu thương nhau, giúp nhau chu toàn bổn phận được ông chủ trao, mỗi người một phận vụ, mỗi người một cách khác nhau, nhưng cùng làm theo ý ông chủ.

Với tình yêu dành cho Đức Giêsu là Chủ Chăn  tối cao, các Đấng Bậc  sẽ hy sinh cho đoàn chiên được trao phó để trông nom, và chăm sóc đúng như Ngài muốn, nghĩa là trung tín và khôn ngoan như người quản lý trung tín và khôn ngoan sẽ  được ông chủ là Thiên Chúa cho ngồi cùng bàn và chính Ngài sẽ thắt lưng  phục vụ (x. Lc 12,37): trung tín khi yêu thương đoàn chiên của Đức Giêsu như Ngài đã yêu thương từng con chiên, dù nó yếu đau, bệnh hoạn, hay hoang đàng, đi lạc; trung tín khi quản trị dân Chúa với lòng thương xót mà không cai trị như vua chúa  bằng uy quyền, bạo lực (x Mt 20, 25); trung tín khi không quên mình được chọn giữa mọi người để yêu thương và phục vụ mọi người đến hy sinh chính mạng sống như Đấng đã sai mnìh đến (x. Mt 20,28); trung tín khi hy sinh trở thành Của Lễ  không chỉ đền tội cho mình mà còn đền tội cho toàn dân (x. Dt 7,27).

Với tình yêu trung tín ấy, người quản lý của Đức Giêsu sẽ nhận được ơn khôn ngoan để chu toàn tốt đẹp sứ vụ cao cả là làm chứng lòng thương xót của Chúa, trở nên bí tích của lòng thương xót khi coi sóc dân Chúa “để cấp phát phần  thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12, 42)  cho dân Chúa được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Cũng với tình yêu dành cho Đức Giêsu, người tín hữu sẽ vui vẻ  thực hiện tất cả những huấn lệnh của Đức Giêsu khi Ngài dậy  “vâng phục các Đấng Bản Quyền” khi các vị thay mặt Chúa rao giảng, dạy dỗ trong phạm vi Giáo Lý Đức Tin và Luân Lý; khi các vị thi hành sứ vụ phân phát Lương Thực thiêng liêng là Lời Chúa và Mình Máu Chúa; khi các vị thi hành quyền thánh hoá qua sứ vụ ban ơn sủng từ các Bí Tích.

Tất nhiên, ngoài phạm vị Giáo Lý Đức Tin và Luân Lý, người được chọn làm  quản lý kho tàng đức tin và phân phát ơn sủng thiêng liêng là các Đấng Bậc trong Giáo Hội không phải mang thêm sứ vụ trần thế nào khác như “nhà kinh tế, chính trị gia, thương gia, khoa học gia, kể cả đại gia hay lý thuyết gia lỗi lạc của các đảng phái, tổ chức, chế độ …” đối với đoàn chiên, nên người tín hữu không có nghĩa vụ phải tuân phục hay tin vào  quan điểm, kết luận, cũng như quyết đoán của các vị trong những phạm vi không thuộc đức tin và luân lý này.

Chúng ta cần phân biệt: khi các Đấng Bậc thi hành sứ vụ thiêng liêng được Chúa trao phó như người quản lý mà Tin Mừng đã trình bầy, thì chúng ta được mời gọi vâng phục, nhưng ngoài sứ vụ thiêng liêng, hoặc khi sứ vụ thiêng liêng bị chính các vị lạm dụng, xúc phạm, nghĩa là không còn phù hợp với chân lý đức tin và luân lý, cũng như không còn hiệp thông với Đức Thánh Cha, là vị kế nhiệm Tông Đồ trưởng Phêrô, Tảng Đá trên đó Đức Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài, thì người tín hữu không còn bổn phận phải nghe theo, vâng phục.

Tóm lại, một khi đã được tình yêu Đức Kitô thúc bách, chúng ta không  dừng lại ở nghĩa vụ vâng phục, mà  còn sẵn sàng làm tất cả những gì làm được để nâng đỡ, hỗ trợ các Đấng Bậc để các vị có điều kiện thuận lợi sống trọn vẹn ơn gọi người quản lý trung tín và khôn ngoan của mình giữa cộng đồng Dân Chúa, bởi trong Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, các chi thể yêu thương, tương trợ, hiệp thông, hiệp nhất  với nhau nên một ( x. 1 Cr 12,12), cũng như  khi có lòng yêu mến Đức Giêsu cách đích thực, và nồng nàn, gia đình Hội Thánh sẽ không còn những căng thẳng, lấn cấn trong tương quan vâng phục giữa các Đấng Bậc và giáo dân; không còn bất mãn của giáo dân trước bất công của  Đấng Bậc, cũng không còn những Đấng Bậc phải bực bội,bất bình  vì những  bôi bác, bội bạc của giáo dân, vì mỗi người sẽ làm việc bổn phận được trao bởi cùng một ông chủ; sẽ được nâng đỡ, phù trợ bởi cùng một ông chủ;  và sẽ được thưởng công  bởi cùng  một ông chủ là Đức Giêsu Thiên Chúa, Đấng là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh.

Rốt cuộc chỉ còn lại một vấn đề là cả Đấng Bậc và Giáo Dân đều được kêu gọi  thường xuyên đặt cho mình câu hỏi: Tôi đang  trung tín hay thất tín, đang khôn ngoan hay ngu muội, đang tỉnh thức hay mê ngủ?

Và chính Sứ Vụ Đức Giêsu trao phó cho mỗi người sẽ là câu trả lời tuyệt đối chính xác.

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...