TMĐP – Trong những tháng ngày nặng nề và căng thẳng vì Covid, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cởi mở tâm hồn để sống từ tâm, nhân hậu và làm việc bác ái phục vụ những anh em bé mọn nhất của Ngài đang thiếu thốn, đói khát, đau bệnh, lo âu, sợ hãi, không nơi nương tựa trong cơn đại dịch.
Những tháng ngày đất nước và thế giới lao đao, chao đảo vì đại dịch Covid đã là cơ hội và thời gian cho ta được thấy và suy nghĩ nhiều về những chứng nhân của Đức Giêsu, trong số đó, có những người mà trước đây ta đã không nghĩ họ là chứng nhân của Ngài.
Tin Mừng Máccô kể lại: “Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 38-40), và Tin Mừng Luca cũng kể lại tương tự như vậy (x. Lc 9,49-50).
Đọan Tin Mừng trên thật sâu sắc, phong phú và ấn tượng vì đã mở ra chân trời mới không biên cương của Tin Mừng, và tiêu chuẩn thông thoáng, cởi mở để nhiều người được nhận là chứng nhân của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người:
1/Tiêu chuẩn để là chứng nhân của Tin Mừng, môn đệ Đức Giêsu:
Điều làm chúng ta ngạc nhiên, đó là Đức Giêsu đã không đồng quan điểm với các môn đệ về tiêu chuẩn để được gọi là chứng nhân của Tin Mừng, và không phê chuẩn ý kiến của các ông về điều kiện phải có đối với người muốn trở thành kẻ thuộc về Ngài, được đứng trong hàng ngũ chứng nhân của Ngài mà Gioan đã thay anh em lên tiếng trình bày: “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ” (Mc 9,38).
Gioan đã đặt vấn đề về những người không theo Đức Giêsu nhưng lại trừ quỷ nhân danh Ngài dưới dạng khẳng định của tập thể các môn đệ đang theo Đức Giêsu: Các ông không chấp nhận việc nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ của một số người không thuộc Nhóm môn đệ Đức Giêsu, vì chỉ những người công khai đi theo Đức Giêsu, được Ngài chính thức kết nạp và sai đi như các ông mới có tư cách loan báo, làm chứng Tin Mừng và nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ, chữa bệnh, làm phép lạ. Vì thế, các ông đồng loạt xin Đức Giêsu có biện pháp ngăn cản những người này, không để họ lợi dụng danh nghiã, mượn uy tín, tên tuổi của Ngài để làm những việc mà chỉ các ông, những người thuộc hàng ngũ môn đệ chính quy của Đức Giêsu mới có quyền làm, như Gioan đã dứt khoát khẳng định lý do: “Vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38).
Thái độ của Gioan và các bạn Tông Đồ hôm ấy xem ra khá quyết liệt, vì các ông nghĩ rằng: chỉ những người được chọn làm môn đệ, đã rong ruổi đi theo Đức Giêsu, đã được Đức Giêsu huấn luyện, đào tạo, và được chính Ngài sai đi với bài sai “rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9,2), và ban cho “năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lc 9, 1) mới thực sự là môn đệ Đức Giêsu, là chứng nhân Nước Trời, là người có quyền trừ quỷ, chữa bệnh, và ngoài họ ra, không một ai là môn đệ, hay chứng nhân và có quyền rao giảng, trừ quỷ, chữa bệnh nhân danh Đúc Giêsu như họ.
Suy nghĩ của các ông không sai, không lạc hậu, nếu không muốn nói là rất thức thời, đúng quy ước xã hội, hợp với tính toán của con người, bởi không đi theo, sao được gọi là môn đệ; không biết rõ tường tận, sao được gọi là chứng nhân, không thiết tha tình nghĩa, sao có thể là tri âm tri kỷ của Đức Giêsu, nên theo các ông, đề nghị “ngăn cản” việc trừ quỷ, kể cả ngăn cấm chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng đối với những người ở ngoài Nhóm Mười Hai, không thuộc cộng đoàn môn đệ là điều hợp lý và cần thiết phải làm.
Vì thế khi nghe Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9,39), các môn đệ đã không chỉ giật mình bỡ ngỡ, mà còn cụt hứng, chưng hửng, vì trước khi báo cáo với Đức Giêsu sự kiện, các ông đã nắm chắc: Thầy sẽ đồng tình, đồng ý chống lại những kẻ không là môn đệ nhưng mạo nhận danh Thầy mà trừ quỷ, và tất nhiên, Đức Giêsu sẽ bàn bạc với các ông về kế hoạch ngăn chặn những lạm dụng làm mất uy tín của Ngài, vi phạm quyền lợi và mất ảnh hưởng của Nhóm.
Nhưng các ông đã sửng sốt, bất ngờ khi Đức Giêsu đã không dừng lại ở huấn lệnh: “Đừng ngăn cấm người ta”, nghĩa là hãy cứ để người ta, tức những người không thuộc Nhóm Tông Đồ, không thuộc tập thể môn đệ “chính quy, chính thức” nhân danh Ngài mà trừ quỷ, mà còn đi xa hơn, khi công nhận họ thuộc về hàng ngũ ủng hộ Ngài và là chứng nhân của Tin Mừng Ngài rao giảng khi cho các ông biết có những tiêu chuẩn, điều kiện không do các ông định đọat, nhưng do Thiên Chúa muốn, mà những người “ở ngoài”, không theo chúng ta, không thuộc Nhóm chúng ta như các ông xét đoán đã thực hiện tốt đẹp. Đó là hai tiêu chuẩn: nhân danh Đức Giêsu và không nói xấu Đức Giêsu:
a.Tiêu chuẩn: Nhân danh Đức Giêsu:
“Lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ” (Mc 9,39), nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ, nhân danh Đấng Kitô mà chữa các tật bệnh, với Đức Giêsu chính là hành vi chân nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, vì người ta chỉ có thể nhân danh một người, một Đấng mà người ta đã nghe biết, tin tưởng, ngưỡng mộ, yêu mến, trông cậy để cầu xin và thực hiện việc tốt lành nào đó, mưu tìm hạnh phúc nào đó cho mình và người khác, mà ngoài con người ấy, Đấng ấy, người ta không thể thực hiện được. Nói cách khác, người ta không thể nhân danh một người, một Đấng mà người ta không hề nghe biết, không tin tưởng, không yêu mến, không hy vọng, không kính trọng, nhưng khinh bỉ, coi thường, để mưu tìm một việc thiện hảo.
Cắt nghĩa cho các môn đệ: “không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9, 39), Đức Giêsu công khai nhận những người ở ngoài nhóm các môn đệ đang có mặt là những người thuộc về Ngài, và đang làm chứng Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ khi những người này nhân danh Ngài mà trừ quỷ. Điều này còn có nghĩa: khi nhân danh người nào, Đấng nào, chính là làm chứng sự có mặt quyền năng của người ấy, Đấng ấy, nên một cách mặc nhiên, những người tuy ở ngoài Nhóm môn đệ, nhưng nhân danh Đức Giêsu mà làm những việc tốt đẹp phục vụ tha nhân, mưu ích cho mọi người đều được Ngài công nhận là những chứng nhân Tin Mừng của Ngài, chứng nhân của Nước Trời đang ở giữa mọi người.
b.Tiêu chuẩn: Không nói xấu Đức Giêsu:
Bên cạnh tiêu chuẩn “nhân danh Đức Giêsu” là tiêu chuẩn “không nói xấu về Đức Giêsu”, bởi không nói xấu là dấu hiệu tích cực gián tiếp nói lên lòng khâm phục, mộ mến, vì không mấy người chịu khép miệng thị phi, đàm tiếu, khích bác, châm chọc người khác, ngay cả việc làm của người khác chẳng đụng chạm đến mình, do lòng ghen ghét, ganh tỵ khó loại bỏ luôn nằm phục án ngữ, rình rập ở ngưỡng cửa tâm hồn mỗi người.
Quả thực, Đức Giêsu đã làm ngỡ ngàng các môn đệ của Ngài khi công khai lên tiếng bênh vực những người không thuộc nhóm môn đệ Ngài nhưng đã “nhân danh Ngài” mà trừ quỷ, đã lấy danh Ngài mà làm phép lạ chữa bệnh.
Tin Mừng cho chúng ta thấy: Đức Giêsu đã không ủng hộ đầu óc cục bộ, hẹp hòi, khép kín của các môn đệ, khi các ông tỏ ra bực bội với những người không thuộc nhóm môn đệ “chính quy” của Ngài nhưng đã nhân danh Ngài mà trừ quỷ và làm phép lạ; Ngài còn biện hộ cho việc “không nói xấu mình” của những người ở ngoài hàng ngũ môn đệ, khi quả quyết “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40).
Khi đưa ra hai tiêu chuẩn “sốc”, và hoàn toàn mới lạ đối với Nhóm Mười Hai để bênh vực những người môn đệ “vô danh” của mình, và công khai nhận họ là chứng nhân của Tin Mừng, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ thuôc “hệ chính quy” được mọi người biết đến, và công nhận hãy cùng Ngài đi những bước rất xa, để ra khỏi vùng cấm địa mà bấy lâu các ông đã dầy công xây tường, đào hào, rào giậu và vất vả phòng thủ, canh giữ, bằng chứng là giữa các ông đã không thiếu những khoảnh khắc nặng nề căng thẳng vì những lấn cấn tran giành địa vị, quyền thế, mà Tin Mừng Mátthêu đã cặn kẽ tường thuật (x. Mt 20,20-23).
Thực vậy, khi biện hộ cho những chứng nhân “không tên” của Tin Mừng, Đức Giêsu đã muốn một Nước Trời không bị phong toả bởi những chốt chặn, hàng rào. Ngài không chấp nhận một Nước Trời chỉ được loan báo bởi một thiểu số có điều kiện thuận lợi, cho một số thành phần, tầng lớp được tuyển chọn, nhưng Tin Mừng phải là Tin Vui cho mọi người, mọi dân tộc và tất cả đều được mời gọi, được trao phó sứ vụ và được ban hạnh phúc,vinh dự rao giảng, làm chứng Tin Mừng, Tin Vui “Thiên Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại” ấy.
Chính vì thế, Đức Giêsu đã sai các môn đệ của Ngài “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ” (Mt 28, 19). Muôn dân chứ không riêng cho một dân tộc nào; muôn nước chứ không riêng cho một số quốc gia tiên tiến, phát triển; muôn người chứ không chỉ một số người, hay một nhóm người đặc biệt.
c.Tiêu chuẩn: bỏ mình, yêu thương, phục vụ:
Hai tiêu chuẩn: “nhân danh Đức Giêsu và không nói xấu Đức Giêsu” mà Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ Ngài đã mở đường vào tâm giao thân tình giữa Đức Giêsu và những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Ngài, khi họ quảng đại tự nguyện đáp trả tiếng gọi: Bỏ mọi sự, kể cả bỏ mình, và vác thập giá mà đi theo Ngài trên hành trình yêu thương, phục vụ anh em. Đây là bước tiến xa và dài của người muốn thuộc về Đức Giêsu, khi hy sinh quên mình, để yêu thương, phục vụ hầu đem lại hạnh phúc cho tha nhân.
Tin Mừng Gioan đặc biệt làm nổi bật tiêu chuẩn cũng là đòi hỏi mà người môn đệ đích thực của Đức Giêsu phải có, đó là Tình Yêu: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như Thiên Chúa đã yêu thương, vì “ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Tin Mừng còn cho chúng ta thấy: tình yêu dành cho Đức Giêsu và tha nhân là đòi hỏi không thể thiếu ở người môn đệ, và huy hiệu duy nhất người môn đệ phải mang trên mình, cũng là dấu chỉ để mọi người nhận ra ai là môn đệ đích thực của Đức Giêsu, chính là Tình Yêu, như Đức Giêsu đã qủa quyết : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thưong anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Ở đây, chúng ta nhận ra lòng quảng đại, ân cần của Đức Giêsu đối với tất cả những tâm hồn thiện chí muốn tìm gặp Ngài, như Ngài đã tế nhị, nhẹ nhàng mở rộng cánh cửa đi vào tình nghĩa thâm sâu Thầy – Trò, Cha – Con với Ngài cho những người không nói xấu Ngài, không chống lại Ngài, nhưng ủng hộ Ngài, và “nhân danh Ngài” mà làm điều thiện. Họ sẽ được Thánh Thần dẫn vào trái tim Ngài là nguồn mạch của tình yêu thương xót để tình yêu đang lớn trong họ sẽ lớn nhanh, lớn mạnh, lớn mãi; để họ được biến đổi từ người ủng hộ thành chi thể của thân thể Đức Giêsu; để việc làm của chứng nhân “không tên”, sứ vụ của “môn đệ vô danh” được rõ nét khắc ghi trong lòng Giáo Hội, được lưu danh rạng ngời trong Vương Quốc của Thiên Chúa, như lời hứa của Đức Giêsu: “Anh em hãy vui mừng, vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Thực ra, ngay khi “nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ, chữa bệnh”, “những chứng nhân không tên” của Tin Mừng đã đáp ứng tiêu chuẩn thứ ba là yêu thương, hy sinh phục vụ tha nhân, vì không yêu thương, tức không vì hạnh phúc của những người anh em, chị em đau khổ, bất hạnh như bị ma ám, quỷ nhập, tật nguyền, đau bệnh, “những người môn đệ vô danh ” đã không “ nhân danh Đức Giêsu ” mà trừ quỷ, chữa bệnh.
2/Thời Covid với những môn đệ “hữu danh và vô danh”, những chứng nhân “có tên và không tên” được Đức Giêsu sai đi phục vụ:
Giữa những bất hạnh do đại dịch gây ra, những thiếu thốn, cơ cực do tình trạng giãn ách, phong toả để chống dịch, người Kitô hữu vẫn không quên mình còn Chúa là nguồn Tình Yêu vô cùng, còn Chúa là nguồn Hy Vọng vô biên, còn Chúa là Nguồn Sống vô thủy vô chung.
Nhờ có Chúa, chúng ta luôn sống trong hạnh phúc, dù bất hạnh không ngừng rình rập, đe dọa: hạnh phúc vì được Chúa mời gọi làm chứng cho anh em Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương và cứu độ con người để con người được hạnh phúc trong sự thật, tình yêu, sự sống đời đời của Ngài; hạnh phúc vì trong mọi nỗi gian truân, mọi hoàn cảnh trái ý, nghịch lòng, chúng ta vẫn được rất nhiều chứng nhân, môn đệ của Đức Giêsu cứu chữa, bao bọc, nâng đỡ, hướng dẫn.
Họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, những môn đệ chính danh, hữu danh của Đức Giêsu đang cầu nguyện và nỗ lực làm dịu cơn đói khát, làm nhẹ gánh sầu thương của những người đang cần được cứu giúp, như nữ tu Maria Trần Ngọc Thảo Linh thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt đã chết vì Covid sau những ngày dấn thân tham gia chống dịch ở tuyến đầu cùng nhiều linh mục, tu sĩ của tổng giáo phận, ngày 24 tháng 8 vừa qua, ở tuổi ba mươi hai.
Họ là những tín hữu được mang tên Đức Kitô, vì là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh có Đức Kitô là Đầu.
Được gọi là Kitô hữu, họ có Đức Giêsu trong cuộc đời và sống yêu thương phục vụ những anh em bé mọn nhất của Đức Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân” (Mt 20,28), như chị Thu, giáo viên mầm non, tạm trú phường An Phú Đông, Quận 12, vì đã nhận “nhưng không” sự giúp đỡ tận tình của Camellia, cô sinh viên Y Dược, người công giáo làm tình nguyện viện tại bệnh viện Dã Chiến Quận 12, những ngày chị nằm viện vì bị nhiễm Covid. Sau khi được chữa trị, chị muốn đến lượt mình cũng phải cho đi “nhưng không như đã nhận nhưng không”, và chị đã quyết định gửi con nhỏ về quê nhờ bà ngoại trông nom, để được làm tình nguyện viên phục vụ bệnh nhân Covid ở bệnh viện Dã Chiến 13 số 9A – 9B đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh; hoặc như anh Chí, cộng tác viên của Caritas, tổng giáo phận Sài Gòn trong suốt thời gian Covid hoành hành đã chuyên chở thực phẩm đến những gia đình nghèo “chạm ngưỡng tuyệt vọng” để hôm nay đến lượt anh, cùng vợ và hai con nhỏ, tất cả đều bị nhiễm Covid mà không người nào có thể đến cứu giúp, như thông tin mới nhất từ nữ tu Hồng Quế, người cũng vừa kiệt sức sau nhiều tháng liên tục tận lực phục vụ nạn nhân đại dịch.
Nhưng hạnh phúc phải được coi là lớn hơn cả đối với người có Chúa, chính là được thấy những “chứng nhân không tên, những môn đệ vô danh” của Đức Giêsu một cách nào đó đang “nhân danh Ngài” mà yêu thương phục vụ giữa cuồng phong, bão tố của đại dịch nguy hiểm chết người.
Họ là những người ở ngoại vi xứ đạo, nhà thờ, xa lắc xa lơ Giáo Hội hữu hình, không liên quan, quen thuộc cơ cấu, phong trào, đoàn thể công giáo, nhưng nghe theo Tiếng Gọi Tình Yêu của Thánh Thần vang vọng trong tâm hồn đã liều thân lăn xả chạy cơm chạy gạo cho người nghèo trong các khu cách ly; họ là những người không có đạo, nhưng tin vào Đấng là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối đang cố gắng từng ngày, chắt chiu từng đồng bạc, từng ký gạo, từng bó rau để người đói thời Covid có được bát cơm, chén cháo lót dạ; họ là những người ngoài công giáo, nhưng sống nhân ái theo tiếng lương tâm đang âm thầm, kín đáo làm từ thiện cứu giúp những người kém may mắn hơn mình trong cơn đại dịch; họ là những người an chị em thuộc các tôn giáo bạn vì cảm kích trước lòng tốt và hy sinh của những người bạn công giáo như các linh mục “bác sĩ”, tu sĩ “y tá” đang quên mình phục vụ trong các bệnh viện Dã Chiến đã tình nguyện tiếp sức, tiếp tay các người bạn linh mục, tu sĩ công giáo để tiếp tục công trình bác ái chung, phục vụ bệnh nhân Covid.
Quả thực, trong những tháng ngày nặng nề và căng thẳng nỗi lo, nỗi buồn vì Covid, Đức Giêsu không chỉ muốn chúng ta cởi mở tâm hồn để sống từ tâm, nhân hậu và làm việc bác ái phục vụ những anh em bé mọn nhất của Ngài đang thiếu thốn, đói khát, đau bệnh, lo âu, sợ hãi, không nơi nương tựa trong cơn đại dịch, nhưng còn muốn mỗi người hãy mở rộng con tim vốn ích kỷ, chật hẹp chỉ đủ chỗ cho mình và những người thuộc phe nhóm, tôn giáo của mình, mà không bao giờ có chỗ, dù rất nhỏ cho những người ở ngoài vòng “cái tôi”, ngoài vòng gia đình, ngoài vòng giáo xứ, Giáo Hội, để tiếp đón một cách thân tình, cộng tác với tất cả chân tình, và chia sẻ bằng trọn vẹn tình thân với những người cùng làm việc thiện nguyện, cùng dấn thân hy sinh, cùng chia sẻ thao thức, công việc, mặc dù dưới mắt chúng ta họ có những điểm khác biệt, nếu chúng ta tin vào đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa và tác động thánh hóa của Thánh Thần Tình yêu.
Vâng, Thiên Chúa chọn những người Ngài muốn, sai đến những người Ngài chọn mà không lệ thuộc, hay chịu ảnh hưởng của bất cứ thế lực, cơ chế phàm nhân hay nhân vật nào, như sự kiện “Đức Chúa ban Thần Khí” được kể trong sách Dân Số: Khi ông Môsê vâng lời Thiên Chúa Giavê “lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” (Ds 11,25) đang tề tựu chung quanh Lều Hội Ngộ. Thần Khí đã xuống trên những người này và họ bắt đầu tuyên sấm. Lúc ấy có hai người có tên trong danh sách được chọn làm kỳ mục là ông Enđát và ông Mêđát, nhưng cả hai đã không đến Lều, để được đặt tay nhận Thần Khí như Luật định. Tuy thế Thần Khí vẫn đậu xuống trên hai ông và hai ông bắt đầu tuyên sấm trong trại, mặc dù có người đã thỉnh cầu Môsê “ngăn cản”, không cho hai ông tuyên sấm.
Điều này nói lên sư tự do của Thiên Chúa, tự do của Thánh Thần, đồng thời giúp chúng ta ý thức: chỉ với thiện chí để trái tim được Thiên Chúa cởi trói và biến đổi; chỉ với tinh thần quảng đại và khiêm tốn của người môn đệ trọn niềm phó thác được sai đi, chúng ta mới không dành quyền phán quyết mọi sự và xét đoán mọi người của Thiên Chúa trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh bên cạnh vô số những “chứng nhân không tên”, những “môn đệ vô danh” khác cũng được Đức Giêsu sai đến để yêu thương, phục vụ, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, như Ngài đã chọn và sai chúng ta, là những người được diễm phúc có tên và mang danh hiệu “Kitô hữu”.
Jorathe Nắng Tím