TMĐP- Mùa Covid, mùa Bác Ái, mùa của Tin Mừng Thương Xót, chúng ta được Chúa kêu mời “trung tín trong việc nhỏ”.
Cứ sự thường thì người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ, bởi việc lớn chỉ dành cho người quyền cao chức trọng và những việc nhỏ bé, vụn vặt là phận vụ dành cho những con người vô danh tiểu tốt, nên đáng lẽ Đức Giêsu phải có lời khuyên riêng cho người làm lớn chỉ làm chuyện lớn, và người làm nhỏ chỉ biết những việc nhỏ. Đàng này, Ngài gom cả người làm chuyện lớn, và người chỉ biết thi hành những việc nhỏ được giao phó vào một phạm trù “người làm việc” với duy nhất một lời khuyên: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).
Trước hết, chúng ta cần nhận diện: việc nào là việc lớn, việc nào là việc nhỏ, bởi không dễ “cân đo đong đếm” mức độ lớn, nhỏ trong công việc:
1/ Việc nhỏ không bao giờ nhỏ ở người lớn chức, to quyền:
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy: một chuyện nhỏ cỏn con ở người có chức, có quyền cũng là chuyện to đùng, khổng lồ, vĩ đại, làm ảnh hưởng nhiều người như cậu ấm cô chiêu ăn không ngon miệng, ngủ không đẫy giấc đã đủ làm thành chuyện lớn, đến nỗi ông bà đại gia, cha mẹ của cô chiêu cậu ấm phải phát khùng, nổi điên làm lớn chuyện, không tiếc lời nhiếc mắng, trừng phạt kẻ ăn người ở trong nhà đã không chu đáo chăm sóc cô câu.
Cũng vậy, một chuyện rất nhỏ, không là gì, không ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng vì là chuyện của Bề Trên, của cấp lãnh đạo, của “người lớn”, nên đương nhiên trở thành chuyện “lớn vô cùng, quan trọng vô cùng, ảnh hưởng vô cùng”, trong khi cũng những chuyện nhỏ ấy, việc nhỏ ấy ở người bé mọn, không quyền thế, không danh phận thì mãi mãi là chuyện nhỏ, việc nhỏ chẳng đáng được quan tâm, đoái hoài, giải quyết.
Vì thế, người nghèo hèn, bé mọn, khố rách áo ôm, không vị thế trong xã hội, không ô dù, quan thầy, không phe cánh chống lưng thì dù có làm những việc phi thường cũng chỉ được coi là bình thường, có thực hiện những việc lớn cũng chỉ được đánh giá là việc nhỏ, có đóng góp tim óc đến cạn kiệt cũng chỉ được coi như chuyện đương nhiên, có hy sinh cả mạng sống cũng chỉ được đánh giá “không có gì phải ầm ĩ”. Khác với người có tiếng tăm, chỉ một tiếng động nhỏ từ họ cũng được rền vang phóng thanh, chỉ một việc tí teo, không đáng kể của họ cũng được nhân lớn, thổi phồng, lan truyền với mọi kích cỡ truyền thông.
Tóm lại, đánh giá việc lớn, hay việc nhỏ là việc làm rất khó, vì công việc không lớn nhỏ, to bé do chính công việc, tự thân công việc, nhưng lệ thuộc chủ thể làm công việc đó lớn hay nhỏ, quyền thế hay cùng đinh, ông chủ hay đầy tớ, Bề Trên hay bề dưới, đại gia hay ăn xin bần cùng.
2/ Việc nhỏ không bao giờ nhỏ ở người mà ta sợ, ta cần:
Nếu người làm lớn phải xét mình, thì nên xét mình về thái độ của mình đối với người dưới, cách cư xử của mình đối với thuộc cấp, đặc biệt lời hứa của mình với những người bé nhỏ, thấp cổ bé miệng, mà mình có toàn quyền sinh sát trên họ.
Tại sao vậy? Thưa vì người làm lớn rất dễ coi nhẹ lời người bé nhỏ nói, coi thường việc nguời bé nhỏ làm, khinh thường nhận định, quan điểm, và chọn lựa của người bé nhỏ, nên không thấy cần phải tôn trọng người bé nhỏ.
Thái độ bất cần ấy được biểu hiện rất rõ qua việc “dễ dàng thất hứa” của người làm lớn đối với những người bé nhỏ. Người làm lớn vì tự phụ nên quen nhìn người dưới là những người bé hơn mình, nhỏ hơn mình rất nhiều, nên việc gì, chuyện gì ở thuộc cấp cũng là chuyện nhỏ, mà nhỏ thì không khó cho qua, nhỏ nên dễ lọt, dễ “xù”, dễ đến độ thất hứa mà lương tâm vẫn thanh thản, nhẹ nhàng; thất tín mà tâm hồn vẫn bình an, thư thái; phụ lòng tốt, quên lời thề mà cõi lòng vẫn không chút hề hấn, lấn cấn, ân hận.
Thực vậy, khi ta sợ hoặc cần ai đó, thì việc gì ta phải làm với họ, lời gì họ nói với ta, ta đều chú tâm và cố gắng thực hiện tốt đẹp, không dám thay đổi, sai lệch. Trái lại, khi không cần hoặc không còn cần, khi không sợ, hoặc không còn sợ, thì ngay cả việc rất lớn ở họ, ta cũng chẳng bận tâm, vì với ta, họ không còn quyền hành để có thể chi phối, ảnh hưởng trên đời ta.
Đó là hiện tượng khi người làm lớn hết thời, về hưu, mất ghế, thất thế, hết quyền, họ sẽ phải gánh chịu nỗi cô đơn khủng khiếp hơn những người bé nhỏ, vì khám phá ra rất nhiều bộ mặt “giả nhân giả nghiã”, khi họ còn đương thời, gặp thời đã bị những nguời này ru ngủ, bằng tâng bốc, thần tượng, bằng thi nhau nhân to, nhân rộng, thổi phồng bất cứ việc gì họ làm, lời nào họ nói, dù là những việc “chẳng ra làm sao”, những chuyện vô giá trị, những lời rỗng tuyếch, nhạt nhẽo, vô nghĩa, vô vị.
3/ Đức Giêsu muốn dạy chúng ta “trung tín với người bé nhỏ”:
Khi nói với chúng ta: “Hãy trung tín trong việc nhỏ”, Đức Giêsu không dừng lại ở “việc nhỏ, việc lớn”, nhưng muốn đi xa hơn. Ngài muốn dẫn chúng ta ra khỏi phạm trù “công việc” để đi vào phạm trù “con người”. Điều này có nghĩa: chúng ta được mời gọi trung tín với những người mà chúng ta coi là bé nhỏ, bởi bất cứ ai cũng có thể là “người lớn” của người khác, “người làm lớn” đối với ai đó.
Thực vậy, nguyên nhân sâu sa của lòng tín, nền tảng vững chắc của sự trung thành không hệ tại ở công việc, nhưng là tấm lòng dành cho một con người, vì người ta không thể tách rời “công việc” của ai đó ra khỏi “con người” họ, nên ta chỉ có thể trung tín với công việc được giao phó bởi một người nào đó, khi ta tôn trọng, tin tưởng, yêu mến, phục tùng người giao công việc.
Nhưng rất khó để tin tưởng, yêu mến người thấp kém, hèn mọn, thua ta mọi mặt. Vì thế trung tín với người nhỏ bé hơn ta là việc làm vô cùng khó, và đòi vượt qua rất nhiều rào cản.
Đó là những rào cản của kiêu căng, tự mãn, tự phụ; rào cản của ích kỷ, óc thống trị, tham vọng sở hữu. Tất cả xô đẩy chúng ta xuống vực thẳm của “Cái Tôi vĩ đại” để không bao giờ ta có thể trung tín, đặc biệt với người bé nhỏ, thấp kém hơn ta.
Biết chúng ta dễ coi thường, khinh khi, bất trung, thất tín, lơ là, trở mặt với những người bé mọn, Đức Giêsu đã làm một việc ngoài sức tưởng tượng của con người, như đã làm kinh ngạc, sửng sốt cả người lành lẫn người dữ khi phán xét công tội mỗi người về lòng nhân ái khi còn sống đối với đồng loại bằng mặc khải cho tất cả chân lý vô cùng quan trọng mang tính quyết định số phận đời đời của mỗi người, khi Ngài nói với người lành được chúc phúc: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), và ngược lại với người dữ bị luận phạt: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Làm như thế là chia sẻ, phục vụ những người anh em, chị em bé mọn với tất cả lòng kính trọng, yêu thương.
Mùa Covid, mùa Bác Ái, mùa của Tin Mừng Thương Xót. Trên cánh đồng và giữa “mùa màng” đầy gai góc và nước mắt, chúng ta được Chúa kêu mời “trung tín trong việc nhỏ”, từ những việc nhỏ đến độ chính người thực hiện cũng chẳng biết mình đã làm, nhỏ quá đến độ không thể “cân đo đong đếm”, nhỏ quá đến nỗi mắt trần không nhìn thấy được, nhưng với Chúa sẽ không có gì nhỏ, không có việc nhỏ, không có chuyện nhỏ, không có sứ vụ nhỏ trong trái tim rộng mở, từ tấm lòng quảng đại, ở tâm hồn người môn đệ, nơi bàn tay luôn sẵn sàng ôm lấy, nâng đỡ, dìu dắt anh chị em bé nhỏ, yếu đuối, đáng thương nhất, và như Đức Giêsu, chúng ta được Thánh Thần Tình Yêu thôi thúc hiến thân mình như “Tấm Bánh được bẻ ra” cho muôn người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím