TMĐP- Đức Mẹ chẳng bỏ ai tín thác kêu cầu Mẹ, và những ai yêu mến Đức Mẹ chắc chắn sẽ được Mẹ gìn giữ khỏi mọi sự dữ, được Mẹ an ủi ở giờ lâm tử, và được Mẹ can thiệp, bầu chữa trước tòa Thiên Chúa giờ phán xét.
Có một điều chắc chắn, không thể chối cãi trên hành trình đi theo Đức Giêsu của người Kitô hữu, đó là không thể thiếu sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Giáo Hội và Mẹ mỗi người.
1/ Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu:
Không người mẹ nào đã gắn bó với con mình bằng Đức Mẹ. Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Maria đã không rời xa Đức Giêsu một bước, và từng giây phút, từng hơi thở, ý nghĩ, tâm tư, và hành động của Đức Mẹ đều bắt nguồn và hướng về Đức Giêsu, đều khởi đi và trở về với Con của Mẹ.
Từ giây phút Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng cho đến ngày Ngôi Lời về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Đức Maria đã kết hiệp mật thiết với Ngài, nên một với Ngài trong tất cả, để ở đâu có Mẹ là có con, niềm vui, nỗi buồn, khổ đau của con là khổ đau, nỗi buồn, niềm vui của Mẹ.
Vì thế, chúng ta không thể gặp Chúa mà không gặp Mẹ, không thể chỉ thấy Chúa mà không thấy Mẹ, không thể yêu Chúa mà không yêu Mẹ, không thể chỉ đến với Chúa mà bỏ quên, loại trừ Mẹ, vì Mẹ với Chúa là một khi Mẹ ở trong Chúa, và Chúa ở trong Mẹ không chỉ do nhu cầu của tình yêu, nhưng còn do đòi hỏi của yếu tính và lẽ sống.
Do đòi hỏi của yếu tính, vì Đức Giêsu, Thiên Chúa chỉ có thể làm người, chỉ có thể mang “nhân tính” khi đươc nhập thể trong lòng Đức Mẹ do quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính sự kết hợp nên một vô cùng mật thiết giữa người nữ “đầy ơn phúc” có tên Maria được Thiên Chúa sủng ái và tuyển chọn với Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa mà công trình Nhập Thể – Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện. Và dấu chỉ của sự kết hợp nhiệm lạ này chính là hồng ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” mà chỉ một mình Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người mới được Thiên Chúa thương ban, bởi Thiên Chúa không thể để Mẹ của Ngôi Lời làm người trong cung lòng một người nữ bị khống chế bởi tội lỗi, không thể để Mẹ của Thiên Chúa làm người chịu áp lực, ảnh hưởng của thần dữ và tội lỗi, dù là tội của nguyên tổ. Trái lại, vì là Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại, Đức Maria là Đấng đạp giập đầu Thần Dữ như sách Sáng Thế đã ghi: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi …” (St 2,15).
Chính vì gắn bó nên một và thiết thân chia sẻ với Đức Giêsu trong tất cả, mà Đức Maria là người mẹ có quyền thế bên Con mình: quyền thương xót, và uy thế để chở che, bênh vực, cầu bầu, bào chữa , như Mẹ đã cứu giúp đôi tân hôn và gia đình hai họ trong tiệc cưới ở làng Cana, khi âm thầm, kín đáo, tế nhị nhưng rất thần thế can thiệp với Đức Giêsu, để Ngài làm phép lạ đầu tiên khi cho sáu chum nước lã biến thành rượu ngon, vì bất ngờ không còn rượu giữa tiệc mừng (x. Ga 2, 1-11).
Nếu yếu tính “làm người” của Đức Giêsu được thực hiện do sự hiệp nhất với người mẹ đồng trinh, vô nhiễm nguyên tội trong cung lòng Đức Maria, thì lẽ sống của Mẹ chính là Đức Giêsu, bởi ngoài Đức Giêsu, Mẹ không có bất cứ lý do nào khác để sống, để chấp nhận mọi thử thách, để phó thác tin tưởng, để mừng vui, hy vọng; bởi duy nhất Đức Giêsu là lẽ sống của đời Mẹ, là khởi điểm và cùng đích của hành trình làm người, là không gian, thời gian, là tất cả đối với Mẹ.
Thực vậy, vì là Mẹ của “Thiên Chúa làm người”, Đức Maria yêu mến và hiểu Đức Giêsu hơn ai hết, biết rõ và chia sẻ tất cả với Đức Giêsu, nên tách rời Mẹ khỏi con, chỉ biết con mà không đóai hoài đến mẹ, tìm gặp con mà khinh khi, coi thường mẹ chắc chắn là điều không thể chấp nhận đối với người Kitô hữu đích thực, bởi một khi đã tin nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, người tín hữu không thể từ chối, loại bỏ người mẹ “loài người” đã cưu mang, sinh hạ Đức Giêsu Thiên Chúa.
2/ Đức Maria, Mẹ Giáo Hội:
Lòng yêu mến, tín thác của Giáo Hội đối với Đức Maria không mang tính nhất thời tự phát, nhưng là đòi hỏi có nền tảng thuộc yếu tính của Giáo Hội do ý muốn của Đức Giêsu, Đấng thiết lập và là Đầu Giáo Hội.
Tin Mừng Gioan tường thuật rất rõ ràng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria, vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,25-27).
Quả thực, thánh Gioan, người môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt đã thay mặt Tông Đồ đoàn, tức Giáo Hội để nhận lời trăn trối của Đức Giêsu, và ông đã thực thi ý muốn quan trọng của Thầy mình khi rước Đức Mẹ về nhà “kể từ giờ đó” (Ga 19,27).
“Rước Đức Mẹ về nhà mình” để yêu mến, phụng dưỡng đã đành, mà còn để được Đức Mẹ nâng đỡ, ủi an, bầu chữa, chỉ bảo, “cầu thay nguyện giúp”, vì hơn ai hết, khi Đức Giêsu không còn hiện diện giữa các ông “bằng xương bằng thịt” của con người, thì chỉ có Đức Maria, Mẹ của Ngài là người luôn có mặt bên Đức Giêsu với các ông từ những ngày đầu của sứ vụ mới thấu hiểu, thương yêu và biết rõ các ông cần gì, thiếu gì và phải làm gì để an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, hướng dẫn các ông tiếp tục hành trình loan báo Tin Mừng là sứ mạng được Đức Giêsu trao phó khi thiết lập Giáo Hội với lời hứa: “Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18), “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Vì thế, Đức Maria có một chỗ đứng rất quan trọng trong Giáo Hội, giữ một vai trò không thể thiếu đối với các thành viên thuộc Giáo Hội, đặc biệt với ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là điểm gặp gỡ, nối kết và hiệp thông, hiệp nhất tất cả mọi con cái trong Giáo Hội với tước hiệu Mẹ Giáo Hội, để với Giáo Hội khải hoàn, Mẹ là Nữ Vương Các Thánh Nam Nữ, Nữ Vương Thiên Đàng; với Giáo Hội lữ hành, Mẹ là Mẹ Nhân Lành, Nữ Vương các Giáo Hữu; với Giáo Hội thanh luyện, Mẹ là Nữ Vương Các Đẳng Linh Hồn, và dưới bất cứ danh hiệu nào, ở bất cứ vai trò, vị thế nào, Đức Mẹ luôn là người mẹ rất yêu thương, bao dung, quyền thế để tha thứ, cứu giúp, chữa lành, nâng đỡ, vực dậy, ban niềm vui hy vọng và nghị lực phấn đấu như đã là điểm tựa, nơi nương náu chở che các môn đệ những ngày tử nạn tang thương, đen tối của Đức Giêsu.
Vâng, chúng ta không thể là người Kitô hữu như ý muốn của Đức Giêsu nếu chúng ta không yêu mến Đức Maria, Mẹ Ngài; không thể sống Đức Kitô, Đấng đã “sống trong” và được “sinh ra từ” cung lòng Đức Maria, nếu không chân nhận Đức Mẹ là Mẹ chúng ta; càng không thể trở nên giống Đức Giêsu, Đấng đã được thánh Giuse và Đức Mẹ nuôi dưỡng, giáo dục suốt ba mươi năm ở Nadarét, nếu chúng ta từ chối “đưa Mẹ về nhà, đón Mẹ vào cuộc đời và để Mẹ chữa lành thân xác, đổi mới con tim, thanh luyện tâm hồn”.
3/ Đức Maria, Mẹ của mỗi người:
Đức Maria là Mẹ của mỗi người, vì Mẹ sinh Đức Giêsu cho chúng ta. Đàng khác, khi trăn trối môn đệ Gioan cho Mẹ mình lặng lẽ đứng dưới chân Thánh Giá ở giờ hấp hối, Đức Giêsu đã chính thức ký thác tất cả những ai đi theo làm môn đệ Ngài cho Đức Mẹ và muốn mọi người yêu mến, thảo hiếu với Đức Mẹ như chính Ngài đã kính yêu, thảo hiếu…
Vì thế sẽ không thể lý giải thái độ tẩy chay Đức Mẹ, chủ trương hạ thấp vị thế, kế sách giảm thiểu ảnh hưởng của Đức Mẹ trong đời sống người Kitô hữu, bởi hoàn toàn trái ngược với những điều Đức Giêsu muốn và đã làm đối với Đức Mẹ.
Quả thực, bất cứ người Kitô hữu đích thực nào đều cảm nhận sự hiện diện rất quan trọng là Mẹ nhân lành và vai trò trạng sư thần thế của Đức Maria trong đời sống đạo của mình, và họ nhận ra rằng tâm hồn họ chỉ bình an, và tràn đầy hoan lạc trên hành trình làm môn đệ Đức Giêsu khi bên cạnh có Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu đồng hành, có bàn tay yêu thương của Mẹ rất nhân lành đặt trên vai, bởi họ biết chắc một điều: không có Đức Mẹ, họ khó vững tâm bền chí bước đi, khó trung thành đến cùng với Đức Giêsu trong gian nan, thử thách, trước cám dỗ nặng nề, như các Tông Đồ là những môn đệ thân tín của Đức Giêsu, ở giờ Thầy bị nộp trong tay các thượng tế, kinh sư, bị kết án tử hình và chịu đóng đinh, các ông đã không còn dám tin vào Lời Hứa “ngày thứ ba Thầy sẽ sống lại”, nhưng đã theo nhau bỏ rơi, trốn biệt, bán đứng, chối bỏ, phản bội Thầy mình. Chỉ còn lại một mình tông đồ Gioan đã đi với Thầy đến cuối đường Thánh Giá, vì bên cạnh Gioan luôn có Đức Mẹ, vì Gioan luôn nắm chặt tay Đức Mẹ, vì Gioan luôn một niềm tín thác, cậy trông vào Đức Mẹ.
Kinh nghiệm sống đời Kitô hữu của các thánh cũng làm chứng: Đức Mẹ chẳng bỏ ai tín thác kêu cầu Mẹ, và những ai yêu mến Đức Mẹ chắc chắn sẽ được Mẹ gìn giữ khỏi mọi sự dữ, được Mẹ bảo vệ trước mọi tấn công của Thần Dữ, được Mẹ an ủi ở giờ lâm tử, và được Mẹ can thiệp, bầu chữa trước tòa Thiên Chúa giờ phán xét.
Sáng nay trên đường đến Lộ Đức kính viếng Mẹ, trái tim con nặng trĩu nỗi nhớ, niềm thương, và tâm hồn đan kín tâm sự cũng như ước mơ, hy vọng của rất nhiều người thân yêu, quen biết.
Đến với Mẹ, con mang họ với tất cả đau đớn trên thân xác, và khổ đau trong tâm hồn họ để đặt vào tay Mẹ; con mang họ với những thất bại ê chề, cay đắng của qúa khứ, những thách đố sức người không thể vượt qua của hiện tại, và lo âu, sợ hãi đến bủn rủn, rụng rời trước tương lai là đêm đen mịt mùng đe dọa để đặt vào trái tim từ mẫu của Mẹ.
Đến với Mẹ, con mang theo rất nhiều tin nhắn của bạn bè xa gần, hàng xóm láng diềng nhờ con qùy trước hang đá nơi Mẹ đã hiện ra và xưng mình là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” để xin Mẹ ơn chữa lành bệnh tật, ơn cải thiện đời sống, ơn bình an cho bản thân, gia đình, quê hương, thế giới, Giáo Hội.
Con cũng mang đến và ký thác ở lòng từ ái Mẹ các linh hồn thân nhân, ân nhân, bạn hữu, và hết thảy các linh hồn trong luyện tội, vì ngoài Mẹ ra, ai có thần thế để xin Chúa dủ lòng thương xót, khoan hồng, và ban ánh sáng bình an cho các linh hồn ?
Con cũng đến với cố gắng thành tâm cầu nguyện cho những người đã làm khổ con, khi quy chụp, lên án con vô cớ, bất công, vì con biết Mẹ và Đức Giêsu muốn con “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (x. Mt 5,44), bởi chỉ quả cảm sống ngược đời và yêu thương kỳ lạ như thế, con mới được gọi là con Thiên Chúa, con của Mẹ. (x. Mt 5,45).
Nhưng có một điều làm con suy nghĩ nhiều khi quỳ trước hang đá Mẹ, đó là tin nhắn của một người bạn rất thân từ Việt Nam đã không nhờ con xin Mẹ bất cứ ơn gì, điều gì, ngoài “xin được lòng yêu mến Mẹ”. Và tin nhắn của người bạn tri âm tri kỷ ấy đã cảnh tỉnh, nhắc nhở con phải yêu mến Mẹ nhiều hơn, yêu mến Mẹ rất nhiều, vì có Mẹ, con không phải mồ côi; có Mẹ, con không phải lo gì, nhưng có Mẹ là có Chúa Giêsu, có trái tim Thiên Chúa giầu lòng thương xót, có ơn Cứu Rỗi đời đời, có Thiên Đàng hạnh phúc miên trường vĩnh cửu.
Jorathe Nắng Tím