TMĐP- Niềm vui trong Thiên Chúa là niềm vui “ra khỏi mình, vượt qua cái tôi”, niềm vui khi phó thác vào lòng thương xót của Ngài, cũng là niềm vui chia sẻ, khi quảng đại trao ban và dấn thân hy sinh phục vụ mọi người.
Hành trình của người Kitô hữu không bao giờ là hành trình thê lương, sầu thảm của người tù bị kết án chung thân ngày qua ngày lê lết “cái chết được triển hạn”, hay như hành trình trĩu nặng hình phạt của thời gian mà người tử tội phải mòn mỏi chịu đựng đến phát điên trong phòng biệt giam với đôi chân ngày đêm bị cùm cho đến giây phút bất ngờ bị đem đi hành hình. Trái lại, con đường của người môn đệ đi theo Đức Giêsu là con đường vui, con đường tràn đầy hy vọng, không chỉ vì được sinh ra từ Thiên Chúa, “Đấng là Nguồn Vui” (Tv 42,4); được nuôi dưỡng bởi Thánh Thần, Đấng làm phấn khởi, hoan lạc tâm hồn (x. Cv 5,41), vì “hoa trái của Thánh Thần là niềm vui” (Gl 5,22), mà còn vui vì được yêu thương, đổi mới do lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu đang đến và cư ngụ giữa dân Ngài.
Quả thực, niềm vui của tâm hồn Kitô hữu, niềm vui của người có Đức Giêsu đang tưng bừng nở rộ trong bầu khí đón mừng Chúa đến được loan báo, công bố, reo vang trong các bài đọc phụng vụ của chúa nhật “màu hồng”, chúa nhật của niềm vui Hy Vọng.
Ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc thứ nhất nhấn mạnh hai lý do cho phép chúng ta được vui trong Chúa, đó là “Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài”, bởi nếu có Thiên Chúa ở cùng, thì “sẽ chẳng còn tai ương nào khiến dân Ngài phải khiếp sơ” (x. Xp 3, 15), và “Thiên Chúa lấy tình thương của Ngài mà đổi mới dân Ngài” (x. Xp 3,17).
Thiên Chúa ở giữa, ở với, ở cùng dân Ngài, mà lại ở với tình thương, lòng nhân hậu, độ lượng, bao dung thì hỏi sao dân Chúa không vui mừng hoan hỷ, không “nhảy múa tưng bừng như trong ngày hội” (x. Xp 3, 17-18). Như thế, niềm vui bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính vì thương xót mà Thiên Chúa đã “cắm lều ở giữa loài người chúng ta” và đổi mới, canh tân chúng ta.
Thánh Phaolô thì nhắn nhủ chúng ta hãy vui luôn trong Chúa. Nhưng để vui luôn, chúng ta phải tín thác ở Chúa, đặt để trong tay Chúa mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh và tuyệt đối trông cậy ở Chúa là Cha nhân hậu luôn lắng nghe con cái kêu xin, thỉnh cầu. Có như vậy, niềm vui trong Chúa ở chúng ta mới tồn tại vững bền, vì được ăn rễ sâu trong bình an của Thiên Chúa bằng kết hợp với Ngài.
Và để niềm vui ở người môn đệ trở thành niềm vui mang ơn cứu độ, niềm vui mưu ích cho phần rỗi, thánh sử Luca đặt chúng ta vào cốt lõi của lời kêu gọi xám hối trở về của Gioan Tẩy Giả. Cốt lõi ấy không chỉ là thay đổi tâm tình, sửa đổi cách sống, mà còn phải thực hành chọn lựa đổi mới ấy bằng tránh dùng quyền lực mà cư xử bất công, bất chính đối với tha nhân, nhưng thực thi điều công chính: “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta” (Lc 3,14); bằng nếp sống giản dị, đơn sơ, “đừng đòi hỏi gì qúa mức ..”(Lc 3,13); bằng chia sẻ cơm áo với người đói rách, cùng khổ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 111).
Như thế, niềm vui trong Thiên Chúa mà chúng ta tìm không là niềm vui thụ động, lười biếng, ích kỷ, hưởng thụ, nhưng là niềm vui “ra khỏi mình, vượt qua cái tôi”, niềm vui hướng về Thiên Chúa khi phó thác vào lòng thương xót của Ngài, cũng là niềm vui chia sẻ, khi quảng đại trao ban và dấn thân hy sinh phục vụ mọi người.
Xin Chúa cho chúng con ý thức mình là con cái đến từ tình yêu Thiên Chúa, mà tình yêu thì không sợ hãi, “vì sợ hãi gắn liền với hình phạt” (1 Ga 4,18), nhưng từng giây phút cuộc đời luôn sống niềm vui “có Chúa ở cùng, được Chúa xót thương đổi mới”, để hằng ngày “bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, Nguồn Vui của lòng con” (Tv 42,4).
Jorathe Nắng Tím