TMĐP- Ước gì, giữa cơn sốt của thế giới “truyền thông mạng ”, người Kitô hữu không quên trang bị Tình Yêu thương xót, lòng tôn trọng Sự Thật và niềm Hy Vọng vào Đức Giêsu phục sinh. Có được hành trang này, con đường Hiệp Hành mới thực sự bảo đảm sinh nhiều ơn ích cho chính mình và cho toàn thể Giáo Hội.
Không ai có thể chối cãi sức mạnh của truyền thông trong thế giới hôm nay, đặc biệt truyền thông qua mạng “internet”. Những bước tiến vượt bực và không ngờ của công nghệ truyền thông mạng đã biến thế giới loài người thành một thế giới thân thiện, gần gũi, khi thu hẹp không gian ngàn trùng xa cách để con người dù ở xa nhau hàng vạn cây số vẫn trò chuyện, đối diện, theo dõi từng sinh hoạt, và đường đi nước bước của nhau cách dễ dàng; một thế giới mà chỉ vài giây, vài phút là tin tức đến tận phòng ngủ, tận bàn giấy, tận bàn ăn mà không phải mòn mỏi ngóng trông, lo lắng đợi chờ; một thế giới nhờ truyền thông được cập nhật thời sự từng giây phút, được biết đủ mọi sự từ khắp nơi, nắm bắt mọi đặc thù văn hoá của tất cả các dân tộc, và hưởng hết mọi tiện ích đời sống, cũng như kiến thức từ cổ chí kim của toàn thể nhân loại. Tắt một lời, những phát minh khoa học trong công nghệ truyền thông đã đem lại không biết bao nhiêu lợi ích và làm cho đời sống con người thăng tiến, hạnh phúc hơn.
Giữa một thế giới tràn ngập những phương tiện truyền thông nhanh chóng, rộng rãi và dễ dàng như thế, thì sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội qủa như cờ gặp gió, và Dân Chúa không thể bỏ lỡ cơ hội, nhưng tận dụng phương tiện truyền thông để “loan truyền Chúa chịu chết và loan báo Chúa sống lại” cho muôn dân, muôn nước như bài sai của Đức Giêsu (x. Mt 28,19). Bằng chứng là Giáo Hội trung ương cũng như địa phương đều có cơ quan truyền thông, các Đấng Bậc ở khắp năm châu trực tuyến giảng dậy, cử hành Thánh Lễ; Hội Đồng Giám Mục, các giáo phận, Hội Dòng, giáo xứ, đoàn thể có trang mạng riêng; nhiều ca đoàn thực hiện những youtube thánh ca và diễn nguyện Tin Mừng; nhiều linh mục dậy giáo lý qua facebook, tổ chức “live-stream” để trao đổi với giáo dân cũng như mọi người. Nói chung, Dân Chúa ý thức truyền thông mạng là phương tiện tuyệt vời để thực hiện sứ mạng truyền giáo.
Vì tầm quan trọng của truyền thông mạng, và Giáo Hội đang bước đi giữa thế giới dường như đang lên cơn sốt “mạng”, mà chúng ta cần chia sẻ với nhau những gì phải làm, nên làm trên hành trình “Hiệp Hành” của Giáo Hội hôm nay :
1/ Chúng ta phải làm chứng:
Giữa một xã hội đang lên cơn sốt mạng, ở đó ai cũng có quyền nói, và rất nhiều người đã nói những lời hay ý đẹp, chia sẻ những kiến thức qúy báu và kinh nghiệm sống tử tế, đạo đức, thánh thiện, nhưng cũng không ít người đã lạm dụng quyền nói trên mạng để bôi bác, mạ lỵ, cáo gian, lên án, làm nhục, và triệt đường sống của người khác cách bất công, người công giáo chúng ta, vì được mang Đức Giêsu là Tình Yêu thương xót phải dám làm chứng Tình Yêu mới có thể giải quyết những vấn đề của con người, vì chỉ Tình Yêu mới là đáp số Hạnh Phúc cho một nhân loại bất hạnh vì ích kỷ, ghen ghét, hận thù, bạo lực.
Giữa một thế giới mạng, mà người nào cũng có quyền là diễn giả, có diễn đàn riêng, ở đó người nói thật, loan tin thật thì ít, mà người tung tin vịt, tạo fake news, dàn dựng kịch bản với đủ tình tiết ly kỳ, rùng rợn, khủng khiếp để hạ uy tín, đốn gục đối thủ, hầu xây dựng chỗ đứng, chiếm đóng bờ cõi, mở rộng ảnh hưởng của mình và phe nhóm thì qúa nhiều, nên người Kitô hữu, người được mang Ánh Sáng Đức Giêsu cho muôn dân phải can đảm đứng về phiá Sự Thật, vì chỉ sự thật mới giải thoát con người khỏi ách khốn khổ và gánh nặng nề của Gian Dối.
Giữa một thế giới mạng, mà ai cũng muốn làm thầy, làm sư phụ, làm giáo chủ, làm đại ca, chị đại, thì người thuộc về Đức Kitô phải làm chứng: chỉ một mình Đức Giêsu Kitô mới là Thiên Chúa thật đã làm người thật để cứu con người khỏi chết và ban lại sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài.
Tóm lại, khi chia sẻ việc người Kitô hữu phải làm trên mạng truyền thông, chúng ta gián tiếp nói lên tình hình “không mấy sáng sủa” và bầu khí “không mấy trong lành” của sinh hoạt mạng. Đó là một chợ trời tự do, mà kẻ xấu- người tốt, người lành – kẻ dữ, thiên đàng – địa ngục đều thi nhau trưng bày mặt hàng. Thần Dữ bày ra những mặt hàng đam mê nhục dục, ham mê vật chất, say mê quyền lực, và kỹ thuật để lôi kéo thiên hạ là vẽ vời xảo trá, ma mãnh mị dân, lưu manh giăng bẫy, và áp lực, “gài thế” để khống chế tự do, và người môn đệ Đức Giêsu phải vất vả chèo chống trước sóng gió truyền thông được chỉ đạo, tiếp sức bởi “quyền lực tử thần”, như Đức Giêsu đã cảnh báo (x. Mt 16,18).
2/ Chúng ta làm chứng thế nào?
Trước tình hình không mấy sáng sủa của sinh hoạt “truyền thông mạng” hiện nay, một sự thật mà không ai có thể chối cãi khi tràn đầy trên mạng xã hội vô số youtube dậy cách ăn chơi trác táng, hô hào đời sống sa đọa, trụy lạc, quảng bá những học thuyết, giáo thuyết sai lầm hạ thấp nhân phẩm, gieo hoang mang, nghi nan, sợ hãi, tạo nên những con người mất quân bình, người Kitô hữu hơn lúc nào hết được Thiên Chúa mời gọi có mặt giữa “thế giới mạng” đầy biến động, sóng gió để dọn đường cho Đức Giêsu đến với bình an Giáng Sinh từ Trời và bình an Phục Sinh của Ngài.
Để trở thành chứng nhân của Thiên Chúa là Sự Thật và để lời chứng có sức thuyết phục, chúng ta cần tránh phỏng đoán, suy diễn hồ đồ, quyết đoán với thành kiến về bất về cứ vấn đề gì và về bất cứ người nào, đặc biệt những vấn đề thuộc giáo lý đức tin, bằng trình bày chân lý một cách rõ ràng, khúc chiết, và dứt khoát để không ai có thể bóp méo, xuyên tạc điều chúng ta làm chứng, chia sẻ, giảng dậy trên “mạng”, vì chúng ta hoàn toàn tự do trình bày đề tài, tự do bố cục, lý luận, nên không thể viện lý do: tại người ta không hiểu ý tôi, tại người nghe không hiểu tôi nói, khi bị thiên hạ ném đá vì nói sai, bị nhiều người chỉ trích, lên án vì trình bày thiếu trung thực, khách quan.
Ngoài thiếu trung thực, và sai lạc vì cẩu thả, chủ quan, thành kiến là những kẻ thù của chứng nhân sự thật, còn một kẻ thù khác cũng không kém nguy hiểm, đó là phán đoán việc làm và kết tội người khác từ những thông tin không đáng tin cậy, và ngay cả từ thông tin của những người được coi là đáng tin cậy, chứng nhân chân chính cũng phải buộc mình đích thân kiểm chứng trước khi phân định, kết luận.
Không biết quý bạn nghĩ sao, nhưng riêng bản thân người viết thì chuyện những thông tin, thông tư, thông báo về chuyện này chuyện nọ, về người này người kia thiếu chính xác đến độ không sao bênh vực, chạy chữa được, và những quả quyết “cứ như đúng rồi” của một số người có trách nhiệm trong Giáo Hội khi trực tiếp lên tiếng hoặc đăng bài trên mạng đã làm sửng sốt và thất vọng không ít người đọc, người nghe đã không còn là chuyện hi hữu, khó gặp, nhưng xem ra ngày càng dễ thấy, dễ tìm. Bằng chứng là nhiều trang mạng chống Giáo Hội, phản Kitô , bài bác hàng giáo phẩm, công kích hàng giáo sĩ, tu sĩ liên tục khai thác những “điểm yếu khó đỡ” từ những youtube “mang tiếng” loan báo Tin Mừng , nhưng không đáng mừng chút nào của chúng ta như “chứng cớ không thể chối cãi” để bôi nhọ, chụp mũ và kết tội Giáo Hội.
Ở đây, người viết không muốn ghi lại những trang mạng, những youtube kịch liệt chống phá Giáo Hôi Công Giáo đã trích dẫn bài giảng trên mạng của một số vị. Với những đoạn hoặc non nớt, ngây ngô, hoặc vô lý, phản cảm, những người này đã tận dụng như vũ khí chống phá, bôi bác, chế giễu, xỉ nhục Giáo Hội, và làm cho nhiều người nghi ngờ, rời xa Giáo Hội.
Bên cạnh tinh thần trung thực và cẩn trọng kiểm chứng để sự thật chúng ta loan báo không bị bóp méo, xuyên tạc và phản tác dụng, chúng ta còn phải xử dụng truyền thông mạng để loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu với lòng bác ái, nhân hậu, bởi Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ, phụng sự là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, và Giáo Hội của Đức Giêsu, mà chúng ta được tháp nhập như các chi thể của một Thân Thể duy nhất chính là Bí Tích của Thiên Chúa Tình Yêu.
Vì thế, giữa những vu khống, đấu tố bằng bạo lực ngôn từ vì ganh ghét, hận thù ngày càng dầy kín trên mạng, người Kitô hữu bằng mọi giá phải tránh phát ngôn tục tĩu, xỉ vả thậm tệ, chửi rủa tàn nhẫn, lên án dã man, vì tất cả những gì thuộc bạo lực đều đi ngược Tin Mừng, những cách diễn tả, trình bày hạ cấp và hạ giá trị con người đều không làm chứng Thiên Chúa là Đấng yêu thương, cứu độ con người.
Có nhiều người trong chúng ta viện cớ làm sáng tỏ sự thật, nhưng vô tình giết chết người anh em mang sự thật ấy, vì bỏ quên ưu tiên của đức ái khi tung hê sự thật của họ trên mạng, mặc dù nội vụ đã được giải quyết, hoặc mức độ của sự việc không nghiêm trọng đến mức cần phải thông báo rộng rãi, phát tán tràn lan trên mạng xã hội cho bàn dân thiên hạ, khắp năm châu bốn bể.
Thực vậy, có những việc hoàn toàn nội bộ và không can dự đến người ngoài cuộc, nhất là những việc ấy liên quan đến đời sống riêng tư, nhưng lại được công bố rộng rãi trên mạng xã hội, dù người trong cuộc biết trước sẽ không đem lại bất cứ điểm tích cực, xây dựng nào, trái lại chỉ làm mất uy tín, bôi nhọ thanh danh, mang lại đau thương, buồn tủi, và chặn đường sống của người bị tung hê.
Tóm lại, người Kitô hữu sẽ “vô phúc”, nếu không tận dụng tất cả mọi phương tiện truyền thông để Tin Mừng đến tận hang cùng ngõ hẻm, Đức Giêsu được giới thiệu và làm chứng cho mọi dân tộc trên địa cầu, như thánh Tông Đồ dân ngoại đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Vì thế, dù ở hoàn cảnh nào, dưới chế độ nào, ngay cả giữa cơn sốt, hay trong tim bão, người Kitô hữu vẫn không thể bỏ quên hay lơ là sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.
Thánh Phaolô một lần nữa khuyên chúng ta vững tâm, bền chí dù sứ vụ có khó khăn, vất vả đến đâu: “Tôi tha thiết khuyên anh em: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình… Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2 Tm 4, 1- 4).
3/ Hành trang thiêng liêng chúng ta phải trang bị khi “lên mạng” loan báo Tin Mừng:
Ngay thời đầu của Giáo Hội, chuyện phản biện, đối kháng, chống phá, bôi bác lời rao giảng đã dầy đặc và khốc liệt. Chẳng thế mà trong nhiều thư mục vụ, thánh Phaolô đã luôn nhắc nhở môn đệ và cộng đoàn giáo hữu của ngài, đặc biệt trong thư gửi môn đệ Timôthê (2 Tm 4, 5):
- “Hãy thận trọng trong mọi sự”, vì bất cứ sơ hở, thiếu sót, sai lạc nào dù cỏn con của người rao giảng cũng trở thành cớ vấp phạm cho những người chống phá Giáo Hội, và là nguyên nhân gây hoang mang, chia rẽ trong hàng ngũ con cái Giáo Hội.
- “Hãy chịu đựng đau khổ”, vì loan báo Tin Mừng là đi ngược “đường đời”, bơi ngược dòng đời, nên sẽ không tránh được tiếng đời thị phi, không chỉ từ những kẻ thù ghét Giáo Hội, mà cả những người thuộc về Giáo Hội cũng sân si, ganh ghét kiếm chuyện.
- “Hãy làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn sứ vụ”.
Thánh Phaolô nhấn mạnh điều này, vì ngài biết: có nhiều người tưởng mình loan báo Tin Mừng, nhưng kỳ thực đang lấy toà giảng, muợn diễn đàn “Đức Tin” để tấu hài, và tào lao, huyên thuyên đủ chuyện thế tục tầm phào; có người chỉ thí cho Lời Chúa ít phút, sau đó là hàng giờ tru tréo, kêu gào, nhiếc mắng, đe dọa người tìm đến lắng nghe Tin Mừng; lại có người lợi dụng nơi công bố Lời hằng sống, Lời ban sự sống để triệt đường sống, cấm vận nguồn sống của những người họ không ưa, không đồng tình, không đồng ý, kể cả không đồng loã với họ.
Vì thế, nhân danh Tin Mừng mà không loan báo Tin Mừng, nhân danh Đức Giêsu mà không làm chứng, giới thiệu Đức Giêsu, chúng ta sẽ trở thành những tên hoạt đầu thủ đọan làm suy yếu Giáo Hội vì không chu toàn sứ vụ của người được sai đi loan báo Tin Mừng, mà chỉ lợi dụng Tin Mừng cho vinh quang cá nhân và lợi ích phe cánh.
Xin Đức Giêsu ban cho chúng ta “tinh thần truyền thông Tin Mừng” của thánh Phaolô, người đã tận dụng mọi khả năng, phương tiện để Tin Mừng đến được với muôn dân. Ngài là người môn đệ say mến Đức Giêsu đến độ đã không để lọt bất cứ cơ hội nào, cả khi bị gông cùm trong biệt giam, khám lớn vẫn tìm cách loan báo Tin Mừng, bằng lén lút gửi ra ngoài những thư mục vụ vừa giảng giải Lời Chúa vừa nâng đỡ đời sống đức tin của các giáo đoàn mới thành lập còn non nớt.
Sở dĩ thánh tông đồ dân ngoại đã có được tinh thần truyền thông Tin Mừng ở mức độ tuyệt vời, vì ngài đã xác tín: người loan báo Tin Mừng phải có lòng thương xót vì điều họ loan báo chính là Đức Giêsu chịu đóng đinh vì thương xót nhân loại; người loan báo Nước Thiên Chúa ấy cũng phải là người tràn đầy hy vọng, để mang đến cho mọi người niềm Hy Vọng, vì Đấng họ làm chứng chính là Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết.
Ước gì khi “lên mạng, lướt bàn phím” giữa cơn sốt của thế giới “truyền thông mạng ”, người Kitô hữu chúng ta không quên trang bị cho mình Tình Yêu thương xót, lòng tôn trọng Sự Thật và niềm Hy Vọng vào Đức Giêsu phục sinh. Có được hành trang này, con đường Hiệp Hành của chúng ta mới thực sự bảo đảm sinh nhiều ơn ích cho chính mình và cho toàn thể Giáo Hội.
Jorathe Nắng Tím