TMĐP- Vì thuộc về Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, mà người Kitô hữu không thể dừng lại ở luân lý của “con người”, mà phải vươn tới luân lý của “con Chúa”…
Người Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô, mà Đức Kitô là Thiên Chúa từ trời xuống thế làm người, nên lối suy nghĩ và nếp sống của người thuộc về Thiên Chúa tất nhiên không thể trái nghịch với những chọn lựa của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao người môn đệ Đức Giêsu không suy nghĩ và sống hoàn toàn giống như người đời, cũng không cùng thái độ và hành động y hệt như người ngoài Kitô giáo. Nói cách khác, luân lý Kitô giáo khác các luân lý của nhiều tôn giáo bạn, cũng như không giống luân lý của cộng đồng xã hội trần thế.
Nhưng có phải người Kitô hữu thuộc về Đức Kitô thì không còn thuộc về loài người?
Thưa không, vì chính Đức Kitô tuy là Thiên Chúa cũng đã xuống thế làm người, trở nên con người như mọi người trừ tội lỗi.
Để hiểu rõ thắc mắc này, chúng ta nghe thánh Phaolô giải thích: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15, 48-49). Thánh nhân muốn nói đến những người Kitô hữu: họ vừa là người được dựng nên bởi đất, vừa là người thuộc về Thiên Chúa.
“Hình ảnh người bởi đất mà ra” ở chúng ta là những những tham sân si, những ích kỷ nhỏ mọn, những khuynh hướng sở hữu, thống trị, hưởng thụ. Tuy thế, ở con người bởi đất mà ra cũng có lương tâm biết thiện ác, lành dữ, tốt xấu và ý chí để chọn lựa. Riêng hành vi luân lý ở con người bởi đất thường bị giới hạn ở: “yêu thương kẻ yêu thương mình.., làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình.., cho vay thì hy vọng đòi lại được” ( Lc 6, 32.33.34), nghĩa là chỉ làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình, kiểu “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”, và luân lý đều dừng lại ở công bình: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38).
Đức Giêsu đến với nhân loại với đòi hỏi luân lý mới, hoàn toàn mới, tuy không xóa bỏ luân lý của loài người bởi đất mà ra, nhưng vượt lên trên luân lý của “con người bởi đất” bằng luân lý quên mình vì người khác” mà bất cứ ai thuộc về Thiên Chúa, tức “mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” đều phải sống.
Quên mình vì người khác khi không còn nghĩ mình là kẻ thù của người khác, không còn biết người khác là kẻ thù của mình, bằng liên lỷ sống những chọn lựa anh hùng là không nhớ người khác đã vu oan, giáng họa, làm tan gia bại sản, tiêu tùng danh dự, uy tín của mình để có thể thực hiện luân lý của Đức Giêsu, Đấng đến từ trời là “yêu kẻ thù và làm ơn cho người ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28).
Quên mình vì người khác, khi “dám” không nhớ mình là người có quyền, là người được người khác phục vụ, là người được hưởng mọi đặc quyền, đặc lợi, nhưng chấp nhận chịu thua thiệt, lép vế để có thể làm điều Đức Giêsu dạy: “Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại” (Lc 6, 30).
Quên mình vì người khác, khi can đảm không còn tìm mọi cách để mọi người nhận ra mình là đấng bậc quyền cao chức trọng, để có thể kiêm hạ đến độ xóa mình toàn diện, bỏ mình không nuối tiếc hầu làm được những việc loài người không thể làm mà Đức Giêsu muốn ở người môn đệ: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,29).
Quả thực, tình yêu kẻ thù là đòi hỏi vô cùng khó khăn, nhưng là dấu chỉ vô cùng tuyệt vời của người môn đệ Đức Giêsu, bởi đây là bằng chứng hùng hồn nhất của lòng thương xót Chúa mà người môn đệ được kêu gọi và tuyển chọn để làm chứng. Đây cũng là nét đẹp không gì sánh được của chọn lựa tự do và qủa cảm ở người môn đệ Đức Giêsu khi tha thứ vô điều kiện, vì ý thức: khi tha thứ cho người khác là lúc được Thiên Chúa thứ tha.
Tóm lại, vì thuộc về Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, mà người Kitô hữu không thể dừng lại ở luân lý của “con người”, mà phải vươn tới luân lý của “con Chúa”; không thể hài lòng với lối sống của “thân thể có sinh khí”, mà còn phải tiến xa hơn đến gần Thiên Chúa, vì họ còn là “thân thể có thần khí” (1 Cr 15, 44), và đòi hỏi của Đức Giêsu đối với những ai mang thần khí, chính là: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48), bằng triệt để sống Lòng Thương Xót đối với mọi người, vì lòng thương xót, mà cao điểm là lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44) là điều Chúa mong ước và đẹp lòng Ngài hơn tất cả.
Jorathe Nắng Tím