TMĐP- Tuần Thánh là chặng cuối của con đường Từ Bỏ, ước gì trên chặng đường này, tất cả chúng ta đều được phúc làm chứng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người
Không tín lý của tôn giáo nào gây nhiều “khó hiểu, và khó đón nhận” bằng giáo lý của Kitô giáo, mà nền tảng là mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, nhập thế làm người như mọi người, chỉ trừ tội lỗi, mầu nhiệm mà tất cả tín hữu được mời gọi trầm mình suy niệm một cách đặc biệt sâu lắng trong Tuần Thánh là cao điểm của công trình cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Suy niệm mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu để “biết” Ngài như thánh Phaolô đã viết: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).
Theo chân thánh Tông Đồ dân ngoại, chúng ta cùng bước vào mầu nhiệm Nhập Thể, nền tảng của đức tin Kitô giáo với tâm tình của người môn đệ theo Đức Giêsu trên đường Thánh Giá.
1/ Tâm tình yêu mến và đón nhận Đức Giêsu là Hạt Lúa phải chịu chôn vùi và thối rữa đi:
Với lý lẽ của con người, việc chân nhận hạt lúa phải thối rữa đi là hình ảnh của Thiên Chúa làm người là một việc vô cùng khó, vì không tín đồ nào chịu để Thiên Chúa mình tôn thờ bị lép vế, tồi tệ như vậy; cũng không tín hữu nào có thể chấp nhận hạt lúa phải chôn vùi và chết đi trong đất là số phận của Đấng mình tin tưởng, phụng sự. Nhưng đó lại là điều Thiên Chúa muốn và chọn cho mình.
Thiên Chúa đã chọn cho mình phận làm người khi “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. Chưa đủ, Ngài còn chọn cho mình cái chết đau thương, thê thảm mà không con người nào dám nghĩ sẽ là cái chết của mình, khi “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7.8).
Vì thế, mầu nhiệm Thiên Chúa sống và chết như con người không thể hiểu và cắt nghiã theo lẽ khôn ngoan thường tình của con người, nhưng chỉ có thể đón nhận với đức tin, cho dù lý trí không hiểu thấu đáo và giác quan không cảm thấy gì, “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người , và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 3, 25).
Do đó, điều Thiên Chúa muốn ở người môn đệ của Ngài là đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa luôn bị con người cho là điên rồ, ngu xuẩn, dại dột, như thánh Phaolô quả quyết: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cr 3, 18).
Quả thực Thánh Giá là biểu tượng sống động của thân phận Hạt Lúa bị chôn vùi và thối rữa trong đất. Hạt Lúa ấy chính là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng mà ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: Người bị “đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,3). Và thật sự là “chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành”, và “Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53, 4-5.6).
Đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cũng là đón nhận mầu nhiệm Nước Trời được “giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết”, nhưng Thiên Chúa “lại măc khải cho những người bé mọn”, “vì đó là điều đẹp ý Chúa Cha” (Mt 11,25.26). Nói cách khác, chỉ những người có lòng khiêm tốn, tín thác, kiên tâm bền chí mới được Thiên Chúa mời gọi đi vào mầu nhiệm của Ngài.
Chính vì thế, các môn đệ đã phải mất nhiều thời gian ở với Đức Giêsu, và trải nghiệm nhiều thử thách đức tin mới có thể hiểu được hành trình đi theo làm môn đệ Ngài không phải là con đường tìm danh lợi, thế lực, thành công theo kiểu thế gian, nhưng là “gặp gỡ Đức Giêsu” trên con đường “từ bỏ mình, vác thập giá mình” là con đường bé nhỏ, chật hẹp, khó đi vì đòi khiêm hạ, nghèo khó, chịu thiệt thòi mọi mặt, chịu mất mát, hy sinh đủ bề.
Tóm lại, điều kiện thứ nhất để được đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa, cũng là mầu nhiệm Nước Trời chính là khiêm nhường, tín thác và bền chí đón nhận những yếu đuối, bé nhỏ của Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã muốn trở thành Của Lễ đền tội, để “nhờ người, ý muốn của Đức Chúa được thành tựu”, vì “nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ … người sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10.11).
2/ Tâm tình khao khát được nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu chịu đóng đinh:
Nếu điều kiện thứ nhất là đón nhận sự yếu đuối của Thiên Chúa làm người, như Đức Giêsu đã muốn các môn đệ Ngài chấp nhận chương trình “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21), thì điều kiện thứ hai sẽ là đi với Ngài trên hành trình Thánh Giá để nên giống Ngài trong chính cái chết của Ngài.
Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta thấy rõ: ngay sau khi nặng lời trách mắng Phêrô vì ông ngăn cản Ngài lên Giêrusalem vì thương Thầy và không muốn Thầy đi con đường đau khổ ấy, Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết con đường các ông phải đi cũng là con đường Ngài sắp đi, nghĩa là con đường Thánh Giá, con đường tử nạn, con đường mất mạng sống: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 24-25).
Như thế, Đức Giêsu muốn những bạn hữu của Ngài trở nên giống Ngài bằng thông phần đau khổ và chết với Ngài. Đây là mầu nhiệm mà không phải ai cũng có thể vui vẻ đi vào, theo lời mời gọi của Đức Giêsu, bởi mất mạng thì ai cũng sợ, chịu đau khổ và chết tức tưởi, tang thương như tội phạm nguy hiểm thì chẳng người nào dám nghĩ tới và đi tìm. Nhưng khó hiểu thay, đó lại là ý muốn của Thiên Chúa!
3/ Tâm tình tín thác vào Đức Giêsu phục sinh:
Mầu nhiệm Thiên Chúa luôn mang niềm hy vọng của Lời Hứa, vì tất cả các mầu nhiệm đều ban ơn Cứu Sống, ơn Bình An, và Hạnh Phúc đời đời cho những ai đón nhận và cùng đi với Ngài vào mầu nhiệm của Ngài.
Khi loan báo những ngày đau thương, chết chóc sắp tới ở Giêrusalem, Đức Giêsu đã không chụp trên đầu các môn đệ một màn đêm ảm đạm, chết chóc, tận cùng vô vọng, nhưng mở ra cho các ông ánh sáng ở cuối đường hầm tăm tối, hé lộ cho các ông sức sống mãnh liệt của hạt lúa sau những ngày bị chôn vùi, thối rữa. Ánh sáng và sức sống phục sinh của Đấng đã hứa “ngày thứ ba sẽ sống lại” ấy (Mt 16,21) sẽ làm sống lại tất cả những ai đã “nên đồng hình đồng dạng với Ngài” khi đón nhận và đi vào mầu nhiệm Hạt Lúa, mầu nhiệm Từ Bỏ, mầu nhiệm Thánh Giá với Ngài, như xác tín của thánh Phaolô: “Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em” của chúng ta (2 Cr 4,14). Nhờ đó, chúng ta vượt qua mọi thử thách, và sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu, vì trông đợi vào Lời Hứa của Ngài: “Chính Thầy là sư sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Tuần Thánh là chặng cuối của con đường Từ Bỏ, ước gì trên chặng đường này, tất cả chúng ta đều được phúc làm chứng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, bằng kể cho mọi người kinh nghiệm “đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa” như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,10-11), bởi đã là môn đệ của Đức Giêsu, người ta không thể không có kinh nghiệm về những thử thách của đức tin, những thách đố của đức ái, và những đe dọa từ nhiều phía làm chao đảo niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Nhưng một khi đã xác tín sau những trải nghiệm trên da thịt, trong tâm hồn và qua đời sống, người môn đệ sẽ sung sướng, hân hoan chia sẻ niềm vui có được một kho tàng là chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như thánh Phaolô đã chia sẻ: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4, 7-9)
Và như Đức Giêsu, Hạt Lúa bị chôn vùi, thối rữa đã mọc lên, và cho nhiều bông hạt (x. Mc 4,20), chúng ta cũng đang được chôn vùi, thối rữa với Ngài để được sống lại trong vinh quang Thiên Chúa của Ngài.
Jorathe Nắng Tím