TMĐP- Xin Chúa Giêsu phục sinh giúp chúng con khiêm tốn nhận ra niềm tin yếu kém của mình để như Tôma, niềm tin được củng cố bằng một tình yêu sâu thẳm và bao dung để đi đến một niềm tin mạnh mẽ, bền vững, không gì lay chuyển để trở thành chứng nhân sống động cho Đấng Phục Sinh.
Nếu Phêrô và Giuđa là hai tông đồ được nhắc đến nhiều trong Tuần Thánh, thì Tôma là nhân vật thuộc Nhóm Mười Hai được chúng ta quan tâm đặc biệt sau khi Chúa sống lại, mà hình ảnh cũng như nhãn hiệu được gán cho vị tông đồ này chính là “cứng lòng tin”, vì ông đã thẳng thừng từ chối tin vào lời chứng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,25) của cả nhóm Tông Đồ sau khi tất cả đã được thấy “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”… Người còn cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20, 19-20).
Quả thực, Tin Mừng Gioan tường thuật rất chi tiết và ấn tượng câu chuyện về người môn đệ cứng lòng Tôma, và từ đó đã trở thành bài học đức tin hữu ích không chỉ cho những ai cứng lòng, mà còn là bài học cần thiết cho tất cả những người tin vào “Đức Giêsu chịu đóng đinh” đã sống lại, vì “ai cũng muốn biết tại sao mình tin”
Sở dĩ câu chuyện Tôma không tin Đức Giêsu sống lại, dù đã được toàn thể anh em xác tín và đồng thanh quả quyết: “Chúng tôi đã thấy Thầy”: đã thấy Thầy bằng xương bằng thịt, nghe tiếng Thầy nói, tận mắt xem những dấu đinh còn rướm máu trên tay chân và vết thương sâu hoắm ở cạnh sườn Thầy, lại còn được nhận Thánh Thần từ hơi thở của Thầy và được Thầy sai đi (x. Ga 20, 19 -23) được chọn làm bài học cần thiết cho tất cả chúng ta, những người tin đang sống ở thời đại văn minh khoa học hôm nay, thời buổi mà việc gì, chuyện gì cũng đòi phải được chứng minh, kiểm nghiệm, “cân đo đong đếm” chính xác đã làm phần đông chúng ta không chỉ thận trọng, dè dặt, nhưng còn “cứng lòng”, vô cảm trước những sự kiện liên quan đến niềm tin,dựa trên đức tin được người khác khẳng định, tường thuật, kể lại. Vì thế, tận thâm tâm, phần đông chúng ta đều cảm thấy mình hao hao giống Tông Đồ Tôma “cứng lòng”, và kín đáo dành nhiều thiện cảm cho người môn đệ tuy cứng lòng, nhưng dễ thương, dễ gần, vì “muốn biết tại sao mình tin”.
1/ Tôma “muốn biết tại sao mình tin“, vì trân trọng tình yêu dành cho Đức Giêsu chịu đóng đinh:
Khi nghe anh em nói “Chúng tôi đã thấy Thầy”, Tôma đã không diễu cợt, hay châm biếm lời chứng của anh em, nhưng ông muốn thấy những gì anh em đã thấy, vì trân trọng niềm tin của riêng ông đối với Đức Giêsu, trân trọng tình thầy trò ông dành cho Ngài, nhất là hy vọng vào lời hứa phục sinh của Đấng chịu đóng đinh.
Tất nhiên, khi tỏ thái độ “không tin”, Tôma đã không dấu anh em tính thận trọng, dè dặt của mình trước một sự việc rất hệ trọng là “Thầy đã sống lại từ cõi chết” để tránh tình trạng nhẹ dạ, cả tin sẽ không chỉ có hại cho bản thân, cho Nhóm, mà còn làm cho nhiều người thất vọng khi đối tượng của niềm tin bị lợi dụng dẫn đến niềm tin bị sụp đổ vì lầm lạc.
Đàng khác, ông không thể để uy tín, danh dự của Thầy bị ảnh hưởng xấu, nếu chẳng may chính các ông lại rơi vào cạm bẫy của những người vốn ganh ghét, căm thù Đức Giêsu bằng tin vào những lời đồn thổi thất thiệt, những vẽ vời, thêu dệt, những tình tiết giật gân về sự sống lại của Ngài, để rồi thay vì làm chứng, những chứng cứ ngụy tạo được đón nhận như chân lý ấy sẽ củng cố tính hữu lý, và chính đáng của những cáo buộc và bản án đóng đinh được nhóm đối nghịch là các Thượng Tế, Kỳ Mục dàn dựng, thực hiện chống lại Đức Giêsu và nhóm môn đệ Ngài.
Lòng trân trọng đối với Đức Giêsu chịu đóng đinh của Tôma còn được nhận ra khi ông bộc lộ ước muốn được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người (x. Ga 20,25), mà mới nghe qua, người ta tưởng là ngang ngược thách thức, nhưng thực ra là tình yêu dành cho Đức Giêsu đã được biểu lộ cách hồn nhiên đến độ trở nên “cứng cỏi”, khó nghe.
Thực vậy, Tôma đã hồn nhiên nói lên ước mơ không chỉ được thấy, mà còn được đụng chạm vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu, vì ông yêu mến Ngài, bởi không yêu mến, ông đã không nhớ lời hứa “ngày thứ ba sẽ sống lại” của Thầy, bằng chứng là ông đòi cho kỳ được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn” Đức Giêsu phục sinh, điều mà không một Tông Đồ nào đã dám nghĩ tới. Tôma đã vững dạ tin vào lời hứa phục sinh của Đức Giêsu, bởi không tin, ông đã không ngại gạt phắt lời anh em làm chứng “đã thấy Thầy” và cắt ngang câu chuyện mê tín, hoang tưởng “Thầy đến gặp”, bằng trách anh em đã “tin kiêng nhảm nhí”. Trái lại, Tôma đã tôn trọng niềm tin của anh em, và hồn nhiên chia sẻ với anh em “niềm tin muốn biết tại sao mình tin” của bản thân khi nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
“Tôi chẳng có tin, nếu tôi không biết tại sao tôi tin” của Tôma đích thực là đức tin của người đòi niềm tin phải được đặt trên nền tảng vững chắc của lý trí với những lý chứng, lý lẽ, lý do; là niềm tin “bình thường” khi “độ tin tưởng” tỷ lệ thuận với mức độ “khả tín – đáng tin” được đánh giá qua những khảo sát, khảo nghiệm có tính khoa học, đức tin, niềm tin mà Đức Giêsu phục sinh sẽ nâng tầm, canh tân để đạt đến đức tin như Thiên Chúa muốn, đạt đến độ tín thác tuyệt đối, đạt đến tình trạng hoàn toàn buông bỏ ở lòng thương xót của Thiên Chúa như Ápraham, cha của những kẻ tin (x. St 15,6; Rm 4,11), và như Đức Maria, Evà mới, “tràn đầy ơn phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45).
Vì thế, sẽ rất bất công với Tôma, nếu trách ông là kẻ ngang ngược không những không tin mà còn xúc phạm, làm tổn thương niềm tin của người khác; sẽ không hợp lý nếu xếp Tôma vào hàng ngũ những người chuyên tìm cách làm suy yếu, rạn nứt đức tin của những người tin, vì Tôma chưa bao giờ tỏ ra là người không tin, không yêu Đức Giêsu mà chỉ hồn nhiên muốn biết tại sao mình tin, như đức tin nặng tính khoa học ở rất nhiều người.
2/ Tôma “biết tại sao mình tin“, vì đã mở rộng trái tim lắng nghe Đức Giêsu phục sinh:
Một điều rất đáng chú ý là Tôma đã hoàn toàn nhận ra lý do mình tin, khi Đức Giêsu đích thân gọi đích danh ông.
Quả thực, tám ngày sau, khi Đức Giêsu lại đến giữa các ông, lần này có Tôma ở đó. Ngay sau khi nói “Bình an cho anh em”, Ngài liền gọi Tôma và nói với ông hãy lại gần Ngài mà thực hiện những gì ông muốn và được ông coi là cần thiết để ông tin Ngài đã sống lại và hiện ra với các ông (x. Ga 20, 26-27). Nhưng vừa nghe Đức Giêsu goị mình, Tôma đã không còn nghi nan, dè dặt, nhất là không còn quan tâm đến đòi hỏi phải đặt cho kỳ được ngón tay vào lỗ đinh, nhớ đến điều kiện phải để cho bằng được bàn tay vào cạnh sườn Thầy, nhưng cuống quýt, xúc động sấp mình thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 23).
Tôma đã không nói được lời nào, vì nghẹn ngào xúc động, bởi trái tim ông đã tin thay lý trí, cõi lòng hồn nhiên của ông đã tin thay đầu óc lý luận trước tình yêu Đức Giêsu đặc biệt dành cho ông, khi gọi tên ông và cho ông diễm phúc được đặt ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn còn rướm máu của Ngài, ân huệ mà không một anh em Tông Đồ nào đã được Đức Giêsu ban cho.
Tôma đã không nói được lời nào, vì dạt dào lòng biết ơn Đức Giêsu, vì Ngài đã ân cần đáp ứng thoả đáng điều kiện “đức tin” của ông với tấm lòng của nguời cha nhân hậu, và người thầy qủang đại, bao dung, mà không đánh giá tiêu cực thái độ “cứng lòng” của ông.
Tôma đã không nói được lời nào, nhưng khiêm tốn phủ phục dưới chân Đức Giêsu để tỏ lòng tín thác vào Ngài, vì trái tim ông phấn khởi mở toang các cửa ngõ để đón nhận tình yêu của Đấng biết rõ ông chỉ “cứng lòng nhất thời” như khởi điểm của hành trình thao thức, tìm kiếm sự thật mà không cố tình chai đá, bất trị vì ngạo mạn, kiêu căng.
Tôma đã không nói được lời nào, nhưng hạnh phúc nuốt từng lời căn dặn trìu mến của Thầy cùng với vị mặn của nước mắt người môn đệ đã nhận ra tình yêu của Thầy đã đổi mới, củng cố, nâng tầm đức tin rất thấp kém, yếu đuối và máy móc của mình.
Sở dĩ Tôma đã vượt qua tình trạng đức tin đòi lý chứng khoa học, vượt qua thời non trẻ của đức tin với điều kiện phải xem thấy tận mắt, sờ mó tận tay, vì ông đã mở lòng đón nhận tình yêu của Đấng ông đi theo, là nền tảng của đức tin (x. 1 Ga 5,1.13), bởi nếu đóng chặt trái tim, ông sẽ tiếp tục cứng lòng không tin người đang nói với ông “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27) là Đức Giêsu, Thầy mình vừa sống lại từ cõi chết; nếu cầm tù trái tim và không cho trái tim quyền tín thác, ông sẽ không nghe được tiếng Đức Giêsu phục sinh goi ông, là lý do cho niềm tin tồn tại, như thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền..” (1 Cr 15,17), vì những đòi hỏi thuần lý trí trước đức tin không đủ khả năng dẫn người tin đến đức tin được chúc phúc như Đức Giêsu đã nhẹ nhàng trực tiếp chỉ dậy Tôma và gián tiếp nhắc nhở các môn đệ có mặt: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29); nếu cột trói cõi lòng và không để thương tích tử nạn của Đức Giêsu phục sinh canh tân, đổi mới, Tôma không thể tiếp tục hành trình đi theo làm môn đệ.
Tóm lại, đức tin là hành trình dài như đời người, trên đó có những khoảnh khắc thời gian, những cây số không thong thả, thảnh thơi, hạnh thông như lòng mong ước, và niềm tin của người lữ khách ít nhiều đã chênh vênh, chao đảo, hụt hẫng, vì thách đố, thử thách. Vì thế không ai có thể mạnh miệng phê phán đức tin của người này người nọ, hay bạo phổi lên án tình trạng đức tin của anh chị em mình, bởi tất cả đều cần được Chúa nâng đỡ, củng cố đức tin như “các Tông Đồ đã thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5); cần được Chúa ra tay cứu giúp khi đức tin xuống dốc, suy sụp vì không phải một lần nhưng thường xuyên Chúa nói với chúng ta, như đã trách Nhóm Mười Hai năm xưa: “Ôi những kẻ yếu tin!” (Mt 6,30): yếu như các môn đệ đã cuống cuồng sợ hãi khi thuyền ngập nước vì sóng gió, mặc dù trong thuyền có Đức Giêsu đang ngủ (x. Mt 8,23-26); yếu như tông đồ Giuđa tuyệt vọng đi thắt cổ tự tử vì giấc mơ Thầy mình sẽ trở thành nhà giải phóng dân tộc đã không thành (x. Mt 27,3-5); yếu như Phêrô đã chối thầy ba lần trước mấy nữ tỳ, dù đã được Thầy cảnh báo: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,75), bởi có biết mình “yếu tin” như các Tông Đồ, biết mình “kém tin” như Phêrô, chúng ta mới học với Tôma “cứng tin” bài học mở rộng trái tim, mở hết cửa tâm hồn không chỉ để lắng nghe tiếng Chúa, mà còn để tin vào Chúa, vì đức tin không là công việc của lý trí, tuy lý trí cần thiết để tin, nhưng là Ơn Chúa được ban “nhưng không” cho những ai có trái tim khao khát đi tìm Ngài và khiêm tốn đón nhận Đức Giêsu là Đấng “Thiên Chúa đã đặt làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36). Chỉ như thế, chúng ta mới hưởng được hạnh phúc Đức Giêsu đã hứa ban cho những người “không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Xin Chúa Giêsu phục sinh giúp chúng con khiêm tốn nhận ra niềm tin yếu kém của mình để như Tôma, niềm tin được củng cố bằng một tình yêu sâu thẳm và bao dung để đi đến một niềm tin mạnh mẽ, bền vững, không gì lay chuyển để trở thành chứng nhân sống động cho Đấng Phục Sinh.
Jorathe Nắng Tím