TMĐP- Lễ Thánh Tâm Chúa là dịp nhắc chúng ta nhớ lại ơn gọi Kitô hữu chính là Ơn Gọi yêu thương, Ơn Gọi thương xót
Trái tim thánh thiện của Thiên Chúa là trái tim tràn đầy, chan chứa lòng thương xót con người, đặc biệt những con người tội lỗi, những thân phận yếu đuối, mỏng dòn, dễ ngã, dễ vỡ, dễ đổ …
Chính Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Chúa Cha đã mặc khải cho chúng ta trái tim thánh thiện của Chúa Cha giầu lòng thương xót (Xh 34,6).
Khi kể dụ ngôn “con chiên bị lạc mất” (Lc 15,3-7), Đức Giêsu cho chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa là tình yêu cá vị, nghiã là không chung chung, qua loa, đại trà, đổ đồng, nhưng từng người, từng tâm hồn, từng hoàn cảnh, từng thân phận, bằng chứng là người chăn chiên là Thiên Chúa giầu lòng thương xót ấy đã “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,4-5), mở tiệc ăn mừng và hớn hở nói với mọi người: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 16,7).
Người chăn chiên xác định rất rõ ràng: “con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”, mà không là con chiên trừu tượng, con chiên trên biểu đồ, con chiên vô định, mơ hồ, không hình dáng, không hơi hám, không cá tính, không đặc điểm …
Tình yêu cá vị ấy gắn liền với những gì bé nhỏ, ở xa: một con chiên bé nhỏ so với đàn chiên chín mươi chín con đông đảo; một con chiên bị lạc đến một nơi rất xa xôi, biệt tăm âm tín trong sa mạc nguy hiểm, giữa lằn ranh sự sống và sự chết.
Quả thực, nếu ngôn sứ Êdêkien đã nói lên nỗi buồn của Đức Chúa trước những mục tử không có lòng thương xót và vô trách nhiệm của nhà Ítraen khi tuyên sấm: “Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú … bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta” (Ed 34,4-5.8), thì Đức Giêsu là “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11), Đấng “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã làm chứng: Tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta được thể hiện nơi Đức Giêsu, Đấng đã chết để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa, mặc dù chúng ta là tội nhân bất xứng, khi viết: “Khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta”. Ngài đã chết vì chúng ta “ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi” (Rm 5,6.8).
“Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8), vì không ai chịu chết cho người có tội bao giờ, thế mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống để cứu chuộc chúng ta.
Lễ Thánh Tâm Chúa là dịp nhắc chúng ta nhớ lại ơn gọi Kitô hữu chính là Ơn Gọi yêu thương, Ơn Gọi thương xót, bởi Đấng kêu gọi chúng ta đi theo Ngài là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, con đường Ngài đi và chúng ta đi theo Ngài là con đường Thương Xót, sứ vụ được Ngài trao là sứ vụ Thương Xót, kể cả đơn vị đánh giá sự thánh thiện của chúng ta trước mặt Ngài cũng không ngoài lòng Xót Thương được cực tả trong Tin Mừng Mátthêu (x. Mt 25,31-46), đồng thời củng cố trong chúng ta niềm hy vọng được cứu độ, bởi “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Vì thế, không có lòng thương xót như Thánh Tâm Chúa, chúng ta không thể đi theo Ngài, càng không thể nên giống Ngài, vì Ngài là Đấng giầu lòng thương xót và trái tim Ngài là trái tim hay chạnh lòng thương, Đấng “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3), nhưng biết rõ, yêu thương hết lòng và âu yếm gọi tên từng con chiên, (x. Ga 10, 3) ; Đấng không bao giờ ngại vất vả “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15,4), và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình” “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím