Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

NHẬN DIỆN “MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC” – PHẦN 02

2. Đức Giêsu và vấn đề mục tử:

Không phải ngẫu nhiên mà  mục tử được Đức Giêsu đặt thành vấn đề và cặn kẽ phân tích, trình bầy, nhưng mục tử thực sự là vấn đề không nhỏ đối với Dân Chúa, nếu không muốn nói là then chốt vì “hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 13,7). Đàng khác, thực trạng đau buồn của Dân Chúa ở mọi nơi, mọi  thời, chính là luôn có những mục tử “không như lòng Chúa mong ước”, mà Đức Giêsu xếp vào hai loại: “trộm cướp”  và mục tử “chăn thuê”:

Trộm cướp là những “ai  không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,1-2).

Như thế, không thể gọi kẻ trộm cướp là mục tử, dù  bằng cụm từ “mục tử trộm cướp” được cẩn thận để trong ngoặc kép, vì Đức Giêsu đã khẳng định rất rõ: “còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử, trong khi kẻ trộm kẻ cướp không đi qua cửa mà vào ràn chiên“. Nhưng thực tế lại bẽ bàng vô cùng, khi kẻ trộm kẻ cướp rất khéo giả dạng, đội lốt, diễn xuất tài tình như mục tử hoàn hảo, nên hầu hết “chiên con chiên mẹ” đều không nhận ra hắn là tên trộm kẻ cướp “máu lạnh” nguy hiểm, và chỉ đến khi bị thiệt mạng, mất của, đàn chiên mới kinh sợ, hoảng hốt, rên siết, khóc than…

Những kẻ trộm cướp này chọn đàn chiên làm đối tượng, vì chiên hiền lành, đơn sơ, dễ tin, dễ bảo. Chiên còn là mối lợi kinh tế có giá ở mọi nơi, mọi thời. Đàng khác, cướp bóc giữa đàn chiên thì chẳng nguy hiểm gì, vì sức kháng cự của chiên không đáng kể, chuồng chiên lại thô sơ, không  kiên cố, cẩn mật nên một khi đã lọt vào chuồng chiên, bọn chúng tha hồ “cướp của giết người”, vì mục tiêu của chúng là đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy (Ga 10,10).

Ở đây, chúng ta cần ghi nhận một sự thật đáng sợ khác, đó là có người đã là mục tử vì “đi qua cửa mà vào” theo đúng tiêu chuẩn của Đức Giêsu: “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10, 2) nhưng sau một thời gian chăn chiên đã vô phúc thoái hoá thành kẻ  “ăn trộm, ăn cướp” tài sản của chiên,  “giết hại” hạnh phúc, tương lai, danh dự, sự sống của chiên, ” phá hủy ”  chuồng chiên và bầu khí an bình của đoàn chiên, bởi không phải cứ “đi qua cửa mà vào” sẽ mãi mãi là mục tử đích thực, mục tử chân chính, mục tử tốt lành, vì có những mục tử  khi “qua cửa mà vào” thì đầy Thần Khí của Thiên Chúa, nhưng khi đi ra lại u ám tà khí của ma qủy, bởi tất cả các  mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu đều được mời gọi trở nên “nhân lành” giống Đức Giêsu hơn mỗi  ngày, nên một khi không còn muốn cố gắng trở nên “nhân lành” giống Ngài là Mục Tử nhân lành, mục tử ấy sẽ thoái hóa, và mau chóng biến thái thành “mục tử chăn thuê” hoặc “mục tử trộm cướp”.

Bên cạnh đám trộm cướp lọt được  vào chuồng chiên và  ma mãnh diễn xuất trò cướp của giết người là hàng ngũ  chăn thuê.

Đặc điểm của người làm thuê là không quan tâm đến khó khăn của chủ, không tha thiết, gắn bó với hoài bão, ước mơ của chủ, nên hãng xưởng của chủ có bị hoả hoạn cháy rụi, tài sản của chủ có bị đánh cắp, biển thủ, hao hụt, người làm thuê cũng không bận tâm, nặng lòng, vì điều người làm thuê nhắm tới chính là tiền lương, phúc lợi thu về, nên khi lương bổng không xứng với công việc, phúc lợi ít ỏi so với sức lực bỏ ra, người làm thuê sẽ bất mãn yêu sách, phản đối, đình công. Và nếu không toại nguyện, người ấy sẽ tìm cách này cách khác  để rút rỉa, phá họại, làm sụp đổ cơ đồ của chủ.

Phần Đức Giêsu, Ngài mô tả: người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên, và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên” (Ga 10, 12-13). Người chăn thuê “không thiết gì đến chiên” cũng như người làm công không thiết gì đến chủ, vì cả hai chỉ quan tâm đến tiền lương, và phúc lợi thu về cho mình khi chăn thuê, làm mướn.

Ở đây, chúng ta thấy: cả những người chăn thuê cũng không được Đức Giêsu coi là mục tử, nhưng vì “được vào chăn đàn chiên, tuy là chăn thuê ” nên không mấy ai nghĩ  những người chăn thuê này lại không là mục tử, bởi thường chỉ khi có biến, khi đoàn chiên bị sói dữ tấn công, khi chuồng chiên bị thế lực thù địch bên ngoài công phá, lúc đó chiên mới nhận ra ai là mục tử, và ai là  kẻ chăn thuê, qua chọn lựa sống chết ở lại để bảo vệ đoàn chiên hay cao bay xa chạy, lo cứu lấy tính mạng, bỏ chiên bơ vơ, lạc lõng, bị sói dữ hãm hại, ăn thịt.

Và cũng như những bước đi lùi ở người mục tử đã thoái hoá thành “mục tử trộm cướp”, bất cứ mục tử chính danh  nào cũng có nguy cơ xuống cấp và biến thành “mục tử chăn thuê”, nghĩa là bên ngoài vẫn giữ trang phục, phong thái của mục tử, nhưng thực chất bên trong đã biến chất từ mục tử thành người chăn thuê, nếu không nỗ lực từng ngày để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành.

Tóm lai, với cách đặt vấn đề ngắn gọn, Đức Giêsu đã chân nhận tình trạng sa sút, mất phẩm chất của một số không nhỏ mục tử không chỉ trong Dân Chúa ở thời Cựu Ước mà các ngôn sứ đã tiếp nối nhau lên tiếng, nhưng ngay trong thời Ngài, và mãi mãi về sau như Giáo Hội đang phải đối mặt.

Điều này cho phép chúng ta khẳng định tầm quan trọng của mục tử trong Dân Chúa, cho Dân Chúa và đối tượng ma qủy ưu tiên cần đánh gục trước nhất chính là các mục tử, vì “đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 13,7). Đây là kế sách lợi hại của Xatan để đánh phá Giáo Hội Đức Giêsu, nên  bất cứ  lúc nào, ở bất cứ đâu, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hoả Ngục đều không buông tha các mục tử, nhưng ngày đêm giăng bẫy, mồi chài, mua chuộc, đẩy đưa các mục tử rời xa Đức Giêsu  để họ không muốn  nên giống Ngài là Mục Tử nhân lành, nhưng kiêu hãnh  khoác vào mình cái tôi gian tham, ác độc của kẻ trộm cướp, và lòng dạ  vô cảm, ích kỷ của người làm thuê.

3. Đức Giêsu là Cửa Thương Xót“:

Đức Giêsu nhận mình là Cửa, và “ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên… , người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10, 1). Sở dĩ kẻ  trộm cướp không thể đi qua cửa Thương Xót là Đức Giêsu,  vì bản chất họ gian tham, độc ác và việc làm của họ là cướp bóc, giết hại, phá hoại, hoàn toàn trái ngược với Thiên Chúa là Tình Yêu và đường lối  thương xót cứu độ của Ngài. Nói cách khác, họ không có thông hành đóng dấu “lòng thương xót của Thiên Chúa”, nên không thể được nhận vào ràn chiên qua cửa lòng thương xót là chính Ngài.

Khi nhận mình là cửa và ai đi qua cửa này mà vào, người ấy là mục tử (x. Ga 10,2), đồng thời là “cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7), Đức Giêsu công khai khẳng định Ngài là cửa cho cả mục tử  và  đoàn chiên. Điều này có nghiã mục tử phải đến từ Ngài, đi qua Ngài mà đến với đoàn chiên Ngài trao phó, nên không ai được qua mặt Ngài mà tự tiện chăn dắt đoàn chiên của Ngài, vì mục tử chỉ là người thừa tác, người được sai đến để chăm sóc đoàn chiên thuộc về Đức Giêsu vị Mục Tử  duy nhất, vì “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Vì thế, mục tử được chọn và đi qua cửa là Đức Giêsu để vào ràn chiên làm nhiệm vụ chăn dắt không được quên mình chỉ là mục tử thừa tác được  Mục Tử tối cao và duy nhất là Đức Giêsu sai đến chăn dắt đoàn chiên của Ngài, nên phải tuân giữ những chỉ thị, đường lối, cách thức “chăn dắt đoàn chiên” thuộc về  Ngài; phải đáp ứng những đòi hỏi chăm sóc đoàn chiên như Ngài mong muốn.

Đó là chăn dắt đoàn chiên với tình yêu, vì chỉ với tình yêu, chiên mới nghe được tiếng  mục tử, mục tử mới biết và gọi đúng tên từng con chiên (x. Ga 10,3); chỉ với tình yêu, mục tử mới quyến luyến, gần gũi chiên, ở với chiên, và tùy lúc, tùy hoàn cảnh đi trước, đi sau, đi giữa, đi bên cạnh chiên để bảo vệ, che chở chiên.

Như các mục tử phải đi qua cửa là Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót để có thể chăn dắt đoàn chiên của Ngài bằng tình yêu như Ngài mong ước,  đoàn chiên cũng phải đi qua cửa Đức Giêsu để được thương xót cứu độ, vì “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Chính cửa là trái tim thương xót của Đức Giêsu sẽ cho đoàn chiên được tự do “ra vào và gặp được đồng cỏ”, vì cửa thương xót là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu luôn mở ra “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Vì lẽ đó, mục tử cũng như mỗi con  chiên đều phải ý thức đòi hỏi phải có lòng thương xót khi được nhận vào ràn chiên của Đức Giêsu qua cửa Lòng Thương Xót, bởi thiếu lòng thương xót, mục tử sẽ thoái hóa thành kẻ trộm cướp gian ác, bạo lực; đoàn chiên sẽ trở thành bầy sói hung dữ ganh ghét, xâu xé, hãm hại nhau; không có lòng thương xót, mục tử sẽ biến thái thành người chăn thuê vô cảm, ích kỷ, tham lam trục lợi, và đoàn chiên sẽ trở nên bầy dã thú uống máu, ăn thịt, tiêu diệt nhau vì ganh ghét, kèn cựa phát xuất từ tham vọng thống trị.

[ Mời quý bạn hữu đón đọc tiếp phần 03 ]

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...