TMĐP- Không có đời sống chiêm niệm, người môn đệ Đức Giêsu là chúng ta không thể loan báo Tin Mừng, không thể làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Khung cảnh ở nhà Bêtania hôm ấy thật dễ thương, nhưng cũng rất “vấn đề”. Dễ thương vì công việc đón tiếp Đức Giêsu vừa là bạn thân thiết, vừa là khách qúy của gia đình đã được phân phối một cách tuyệt vời: trong khi bà chị Mácta “tất bật lo việc phục vụ” bếp núc, chuẩn bị bữa ăn, thì cô em Maria ân cần tiếp chuyện Đức Giêsu bằng “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngưòi dậy” (Lc 10,39.40), nhưng cũng không không tránh được “vấn đề”, khi cô chị Mácta, vì quá lo lắng chuẩn bị bữa ăn đãi người khách quá quý đã buông nhẹ lời trách cô em trước mặt Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”.
Người viết trộm nghĩ: giá mà bà chị Mácta chịu khó kiên nhẫn một chút, không trách em gái trước mặt Đức Giêsu thì có lẽ sẽ chẳng có vấn đề gì, và cuộc tiếp đón Đức Giêsu đã hoàn hảo đến độ “chuẩn không cần chỉnh”, vì không để khách qúy một mình trơ trọi, nhưng luôn có người nhà tiếp chuyện, và đến giờ ăn, cả nhà sẽ cùng khách dùng bữa vui vẻ.
Nhưng nếu không có “vấn đề” thì vấn đề chiêm niệm và hoạt động trong đời sống Kitô hữu sẽ chẳng được giải đáp một cách sáng tỏ, rõ ràng, chính xác, bởi chính Đức Giêsu, khi Ngài trả lời cô chị Mácta: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn, lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 41-2).
Trước hết, qua Lời của Đức Giêsu, chúng ta cần ghi nhận: bà chị Mácta đã làm việc rất tốt là chu đáo lo liệu phục vụ Đức Giêsu như khách qúy.
Mácta đã noi gương hiếu khách của Ápraham khi ông và vợ ông đã ân cần, vồn vã đón tiếp ba vị khách là sứ thần của Đức Chúa “tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày” (St 18,1). Lòng quảng đại và hiếu khách của ông bà đã nhận được Lời Hứa của ức Chúa từ miệng ba vị khách: “Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại ngươi, và Xara sẽ có một con trai” (St 18,14).
Việc làm của Mácta rất tốt, bằng chứng là Đức Giêsu đã âu yếm gọi tên bà đến 3 lần, và không một lời trách móc. Ngài chỉ nói cho Mácta biết thêm một điều mới mà chị chưa biết, đó là chị đã lo lắng quá nhiều chuyện đến nỗi không còn thời giờ cần thiết phải có ở một người môn đệ, và thời giờ cần thiết phải có của người môn đệ theo ý muốn của Đức Giêsu, chính là “ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Ngài dạy” (Lc 10,39).
Sở dĩ người môn đệ được mời gọi lắng nghe Chúa dạy, vì họ phải sống kết hợp mật thiết với Chúa, “phải bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu”, bởi “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,7.9) và người môn đệ được sung mãn trong Người (x. Cl 2,10). Cũng thế, sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu là rao giảng Đức Giêsu, “khi khuyên bảo mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn hảo trong Đức Kitô” (Cl 1,28), nên người môn đệ sẽ không thể chu toàn sứ vụ khó khăn trên, nếu không có thời gian ở bên Thầy để lắng nghe Thầy dạy dỗ, chỉ bảo và để tình yêu được lớn lên trong Thầy.
Vì thế, Đức Giêsu đã không ngần ngại quả quyết trước mặt bà chị Mácta: “Maria đã đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 42), vì chỉ tình yêu được ăn rễ sâu trong Chúa mới vĩnh cửu tồn tại.
Maria đã chọn phần tốt nhất, vì đó là phần quan trọng nhất, niềm vui lớn nhất của của người môn đệ đích thực. Chọn phần tốt nhất với Maria khi “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”, chúng ta được tháp nhập vào con người Đức Giêsu không chỉ trong các hoạt động bên ngoài, trong tương quan với mọi người, trong sứ vụ được trao phó, trong mọi hoạt cảnh vui buồn, thành công, thất bại, và ngay cả dưới chân Thánh Giá lúc “Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ hấp hối, tắt thở” mà thiên hạ ngạo nghễ nguyển rủa, khinh chê, khi chương trình cứu thế của Ngài bị coi như hoàn toàn đổ vỡ, tan nát, thất bại toàn bộ, toàn phần.
Quả thực, không có đời sống chiêm niệm, tức “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngưòi dạy”, người môn đệ Đức Giêsu là chúng ta không thể loan báo Tin Mừng, không thể làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, vì chúng ta quên chọn phần tốt nhất bảo đảm cho các hoạt động tông đồ của mình không lạc hướng, trệch đường, không ra ngoài quỹ đạo “giúp mỗi người được chúng ta rao giảng “nên hoàn thiện trong Đức Kitô” (Cl 1,28), bởi “chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1,29) như thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại đã xác tín và chia sẻ kinh nghiệm chiêm niệm và hoạt động của ngài với chúng ta.
Jorathe Nắng Tím