Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

“LẠY CHA CHÚNG CON” | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm C

TMĐP- Vì có chung một Cha, nên chúng ta chung một tâm tình cầu nguyện cho Danh thánh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,9-10) với lòng khiêm nhường và bền tâm tín thác, trông cậy ở tình thương của Cha chúng ta trên trời.

Tôn giáo nào cũng dạy cầu nguyện, vì cầu nguyện là thực hiện tuơng quan với Đấng Thiêng Liêng mà người tín hữu tôn thờ. Cầu nguyện để chúc tụng, tạ tội, xin ơn… và sự gắn bó giữa Đấng Vô Hình với con người hữu hình, giữa Đấng Tối Cao, Toàn Năng, Tuyệt Đối với phàm nhân tương đối, yếu đuối, mỏng dòn được lớn lên qua cầu nguyện.

Sở dĩ xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, vì các tông đồ nhìn thấy chung quanh mình nhiều người cầu nguyện, đặc biệt các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và các ông muốn bắt chước họ cầu nguyện. Nhưng nguyên nhân sâu thẳm hơn, đó là từ đáy sâu tâm hồn,  các ông  cảm nhận cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu.

Và Đức Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện. Nhưng khi dạy các ông cầu nguyện:  “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,2-4), Đức Giêsu đã không dạy các ông một công thức cầu nguyện khô khan, cứng nhắc, kiểu bấm nút tự động thì ơn lành sẽ tuôn ra; cũng không dạy các ông cầu nguyện như người ta lải nhải một cách vô hồn những lời thần chú mê tín, ma mị, mù qúang, nhưng mặc khải cho các ông Tên của Thiên Chúa.

Tên ấy là “Cha”. Với Tên này Đức Giêsu đã “hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bận khôn ngoan, thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn..” (Lc 10,21); với Tên này, trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt, Ngài đã bồi hồi khẩn khoản: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con …” (Lc 22,42), vì sứ vụ mặc khải Tên Thiên Chúa là Cha chính là mục đích của đời Ngài, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”, và  “những kẻ  Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha…”  (Ga 17, 4. 6).

Vì thế, người môn đệ cũng được mời gọi chung tâm tình cầu nguyện với Đức Giêsu, được chia sẻ hạnh phúc gọi Thiên Chúa là Cha và ký thác nơi Ngài mọi tâm tư, ước nguyện như Ápraham đã  nài xin Thiên Chúa tha thứ cho dân thành Xơđôm, “vì tội lỗi của chúng quá nặng nề” (St 18,20), khi ông năn nỉ Chúa rút  số người lành từ năm mươi xuống còn mười người (x. St 18,22-33).

Để làm chứng tình thương bao la, cao vời của người cha Thiên Chúa đối với con cái mình, sau khi dạy các tông đồ cầu nguyện khi thưa với Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con”, Đức Giêsu  khẳng định với các ông: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9-10) khi quả quyết tình yêu tuyệt đối và vô cùng quảng đại của người Cha Thiên Chúa: “Ai trong anh em là một ngưòi cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 11-13).

Quả thực, mặc khải quan trọng nhất chúng ta nhận được từ Đức Giêsu chính là  được biết tên Thiên Chúa là “Cha chúng ta”, và  Người thương chúng ta bằng tình cha tuyệt đối của người Cha Thiên Chúa.

Có Thiên Chúa là Cha, chúng ta biết mình được yêu thương, gìn giữ, bao che, bênh vực, nhất là được tự do đến với Ngài, tự do ca tụng Ngài, tự do cầu xin Ngài thương xót, ban ơn, tự do tạ tội với Ngài khi lầm lỗi, mà không sợ hãi, vì “ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14), mà con cái thì không  sợ sệt, chỉ nô lệ mới phải sợ sệt thôi (x. Rm 8, 15). Nói cách khác, chúng ta có tất cả quyền làm con, vì “chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta  và sai Con của Người  đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10), “hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” ( Gl 4,5), được gọi Thiên Chúa “Ápba! Cha ơi!”(Gl 4, 6).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên Ngài là Cha chúng ta, người Cha yêu thương con mình bằng một tình yêu toàn năng tuyệt đối. Và vì có chung một Cha, nên chúng ta là anh em của nhau, và chung nhau một tâm tình cầu nguyện cho “Danh thánh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10) với lòng khiêm nhường và bền tâm tín thác, trông cậy  ở  tình thương của Cha chúng ta trên trời.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...