TMĐP- Ước gì mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta cùng hiệp dâng lời cầu nguyện: “Xin Chúa mở tai con“ (Tv 39,7), “để con lắng nghe như một người môn đệ“ (Is 50,4).
Lắng nghe tưởng dễ nhưng thực sự rất khó, vì lắng nghe người khác, nhất là người khác ấy thuộc quyền qủan trị của mình, lại thấp kém hơn mình mọi mặt luôn đặt “người biết lắng nghe” trước những thách đố, bởi họ không chỉ được nghe những tiếng nói “đồng tình, đồng cảm, đồng ý, đồng thuận”, mà còn phải nghe những lời đắng đót, chua cay, trái ý, nghịch lòng, những phê bình, phản biện không chỉ làm nhức nhối, mà còn xúc phạm, tổn thương.
Vì thế, lắng nghe đòi một khả năng siêu việt, một khả năng không phải tự nhiên mà có, nhưng cần có ơn phù trợ của Thánh Tâm Chúa cho những cố gắng liên lỷ của bản thân, vì khả năng ấy thuộc tâm hồn, khả năng của trái tim, khả năng của nguời có lòng thương xót.
Kinh thánh nói nhiều đến những người có tai mà không lắng nghe và bị Đức Chúa nguyền rủa (x.Is 6,9-10); những kẻ cố tình “làm cho tai chúng ra nặng để khỏi phải nghe; lòng chúng, chúng để cho chai cứng như kim cương để khỏi vâng giữ Lề Luật và lời dạy bảo của Đức Chúa” (Dc 7, 11.12), và cảnh cáo “lũ dân u mê, dại dột, có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe” (Gr 5,21), cũng như phường phản loạn là “những kẻ có mắt để nhìn mà không thấy, những kẻ có tai để nghe mà không nghe” (Ed 12,2).
Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giêsu trước những cứng lòng của nhóm Biệt Phái và đám đông đã nói với các môn đệ: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13,13), và có lúc Ngài đã phải thốt lên : “Ai có tai thì nghe!” (Mc 4,23) như xót xa cho những con người không có đôi tai của trái tim để lắng nghe tiếng nói thương xót của Thiên Chúa; không có đôi tai của trái tim để có thể đón nhận lời yêu thương âu yếm, an ủi, chữa lành của người Cha Thiên Chúa.
Quả thực, không có đôi tai của trái tim, chúng ta không thể lắng nghe những thổn thức của trái tim người khác; không thể thấu hiểu những tâm sự đau buồn bị chôn vùi, cất giấu tận đáy sâu trái tim người sầu khổ; không thể đọc được những ẩn số của tâm hồn mà chỉ tần sóng siêu mạnh, siêu tinh tế, siêu sâu sắc của đôi tai trái tim mới có thể bắt được.
Đức Giêsu, vị Mục Tử tối cao đã dậy những người được chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài phải biết lắng nghe từng con chiên thuộc về mình bằng đôi tai của trái tim nhân hậu.
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim, mà không là đôi tai của luận lý chỉ tìm nghe những lý luận, mà quên một điều rất quan trọng là tiếng kêu từ trái tim của đoàn chiên đang cầu cứu chủ chăn trong cơn quẫn bách, cùng đường không mấy khi đủ mạch lạc, rõ ràng, vì không theo phương pháp, quy trình luận lý nào, nhưng hổn hển, thất thanh, đứt đọan, rời rạc, câu được câu mất. Bằng chứng là Ngài đã hỏi đi hỏi lai Phêrô nhiều lần: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15.16.17), mà ý tứ của câu hỏi là đòi Phêrô phải yêu thương đoàn chiên Ngài trao phó như yêu chính Ngài, và hành động ân cần lắng nghe chiên chính là bổn phận nền tảng, cần thiết Phêrô phải chu toàn, bởi lắng nghe là khởi điểm hành trình đi vào yêu thương của hai trái tim, hai tâm hồn chiên và mục tử.
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim, mà không là đôi tai của ban bệ nặng nề, cơ chế phức tạp, cơ cấu quyền lực để dám cho người bé nhỏ lại gần, dám mở lòng với những người hèn mọn và chú tâm lắng nghe tiếng lòng họ thở than, trao gởi, như Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã “bực mình” nói với các môn đệ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10,14), khi các ông la rầy chúng và ngăn cản chúng đến gần Đức Giêsu, và lên tiếng kêu gọi “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11,22). Đến với Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, người bị bỏ rơi, bị coi là “vô tích sự ” sẽ được nói lên tiếng nói con tim, sẽ được trút bỏ tâm sự đắng đót làm quặn thắt tâm can và được đối tai của trái tim Đấng Cứu Độ âu yếm lắng nghe, an ủi, thêm sức, chữa lành hết mọi vết thương.
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim, mà không là đôi tai của lề luật cứng nhắc, đôi tai của truyền thống vô cảm, đôi tai của pháo đài tôn giáo phô trương, giả hình, để dám đến tận nhà người tội lỗi Giakêu và ban ơn cứu độ cho nhà ông (x. Lc 19,9), lắng nghe trái tim ông thống hối, trở về với chọn lựa dứt khoát và qủang đại: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim, mà không là đôi tai của dư luận, tiếng đồn, suy diễn, quy chụp để không ngượng ngùng ngồi cả buổi bên bờ giếng Giacóp giữa “thanh thiên bạch nhật” để lắng nghe tâm sự u uất, thầm kín của người đàn bà Samari với tình duyên trắc trở “đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18).
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim, mà không là đôi tai của những Pharisêu giả hình, những kinh sư mang diện mạo nghiêm khắc, trầm trọng để có thể lắng nghe trái tim tan vỡ đang nức nở thút thít khóc, và chỉ có thể bật thành tiếng, nói lên lời bằng yên lặng sâu lắng và nước mắt ngậm ngùi, như Ngài đã lắng nghe trái tim câm nín của người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang (x. Ga 8, 1-11), và lắng nghe dòng lệ lặng lẽ khơi nguồn hạnh phúc “được tha nhiều bởi đã yêu mến nhiều” của “người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (x. Lc 7, 36-50).
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong uớc phải có đôi tai của trái tim người cha, mà không là đôi tai của chấp pháp, quan toà, để nhẫn nại lắng nghe nhu cầu của con cái, mà không bất chấp, bất cần, hay tránh né, bỏ qua như Ngài đã lắng nghe người đàn bà xứ Canaan xin Ngài chữa con gái bà “bị qủy ám khổ sở lắm” (Mt 15,22), mặc dù nhiều lần “các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi!” (Mt 15,23).
Ngài muốn những chủ chăn như lòng Ngài mong ước phải có đôi tai của trái tim người công chính, mà không là đôi tai của Philatô ích kỷ, nhu nhược, hèn nhát đã chỉ nghe các thượng tế, kỳ mục hồ đồ luận tội, đấu tố Đức Giêsu mà kết án đóng đinh Ngài vào thập giá, lại lố bịch rửa tay trước mặt đám đông và trơ trẽn tuyên bố: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27,24). Trái ngược với đôi tai hèn nhát, sợ mất chức mất quyền của kẻ nắm quyền sinh sát là Philatô, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, với đôi tai của trái tim đã nghe được cả tiếng thều thào rất yếu ớt của người tử tội cùng chịu đóng đinh với Ngài ở giờ hấp hối: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42), và tiếng lòng của người gian phi bị xã hội khai trừ, loại bỏ vĩnh viễn ấy đã được Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu lắng nghe và đón nhận khi thương xót bảo anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đáng” (Lc 23,43).
Thực vậy, Đức Giêsu đã đặt ra điều kiện và đòi hỏi vô cùng khó khăn đối với những người được Ngài chọn làm chủ chăn dẫn dắt đoàn chiên của Ngài, đó là phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Để thực hiện đòi hỏi này, người chăn chiên phải yêu chiên rất nhiều, thương chiên tha thiết. Nhưng để yêu, người ấy phải biết, bởi có biết mới yêu, càng yêu càng muốn biết, mà “nói với nhau, lắng nghe nhau” chính là điều kiện tất yếu, phương thế hữu hiệu để biết nhau, hiểu nhau ngày càng tường tận, sâu sắc.
Quả thực, Tin Mừng Gioan cho thấy mức độ biết nhau giữa Mục Tử nhân lành và từng con chiên sâu sa đến mức chiên và mục tử luôn nhận ra tiếng của nhau: “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10, 4-5).
Thế mới biết tiếng của nhau trong tình yêu quan trọng biết bao, và trao đổi, lắng nghe nhau cần thiết thế nào để tương quan giữa hai người yêu nhau được bền vững và không ngừng phát triển.
Thảm trạng mà thế giới hôm nay đang gánh chịu chính là hậu qủa của tình trạng con người ngày càng thiếu khả năng lắng nghe nhau. Giáo Hội cũng không thoát khỏi tình trạng này, khi khủng hoảng của tương quan quyền bính và vâng phục đã làm mờ nhạt một cách đáng lo ngại không chỉ dung mạo nhân lành của người mục tử mà cả hình ảnh hiền lành của đoàn chiên, khi lắng nghe không còn được ưu tiên quan tâm như Chúa đã hằng lắng nghe con người và mỗi người với trái tim đầy lòng thương xót.
Ước gì mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta cùng hiệp dâng lời cầu nguyện: “Xin Chúa mở tai con” (Tv 39,7), “để con lắng nghe như một người môn đệ” (Is 50,4).
Jorathe Nắng Tím