TMĐP- Dân Chúa chỉ có thể trưởng thành nếu sống hiệp thông cầu nguyện, vì công việc đầu tiên Đức Giêsu muốn người môn đệ phải thực hiện là hiệp thông cầu nguyện, khi hiệp thông cầu nguyện, toàn thể dân Chúa gồm mọi thành phần sẽ cùng nhau khiêm nhường thống hối, cầu xin ơn tha thứ….
Những suy tư về người mục tử như lòng Chúa mong ước được chia sẻ trên trang Tin Mừng Đường Phố thời gian qua có chủ đích góp phần làm sáng tỏ những đòi hỏi quyết liệt và điều kiện gắt gao Đức Giêsu muốn ở người được chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài: Các vị phải bỏ lại sau lưng rất nhiều, nếu không muốn nói là tất cả để đi theo Chúa; phải thẳng tiến về phía trước nối gót chân Ngài mà không bịn rịn, tiếc nuối “ngoảnh lại phía sau”, vì “ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”Lc 9,62). “Không thích hợp với Nước Thiên Chúa” đồng nghĩa với không xứng đáng làm môn đệ Đức Giêsu, không là mục tử như lòng Chúa mong ước.
Chính vì thế, khi chia sẻ về hình ảnh mục tử như lòng Chúa mong ước, chúng ta có cảm tưởng phải nghe những lời lẽ bực dọc, khó chịu, phê phán lối sống của một số mục tử không như lòng Chúa mong ước, khi từ chối hoặc sao lãng những đòi hỏi của Đức Giêsu.
Thực ra, động cơ thúc đẩy chúng ta cùng chia sẻ về hình ảnh người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước chính là lòng yêu mến Giáo Hội, lòng kính trọng các mục tử, và ước mơ một dân Chúa trưởng thành như thân thể không chỉ sống nhưng còn sống dồi dào như Đức Giêsu mong đợi (x. Ga 10,10).
Một dân Chúa trưởng thành là một dân biết cảm thông với chủ chăn khi ý thức những người được chọn làm mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu cũng là những con người như mọi người. “Được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa …” (Dt 5,1), các vị được giao phó trọng trách rao giảng Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu, quản trị đoàn chiên và là máng chuyển ơn cứu độ cho nhân loại. Trách nhiệm quá lớn, bổn phận quá nặng, sứ vụ quá cao cả, và là kho tàng vô cùng quý giá, nên chính các vị cũng thấy mình bất xứng và nhận ra thân phận mỏng dòn, yếu đuối của mình.
Thánh Phaolô đã trải nghiệm khả năng rất giới hạn của người môn đệ trên đường truyền giáo và sức mạnh của Thiên Chúa rợp bóng trên các vị, mặc dù Ngài đòi hỏi các vị rất nhiều, rất quyết liệt, rất gắt gao khi viết: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường của Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7). Bằng chứng là “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 6,8-8), bởi Thiên Chúa đã quả quyết: “Ơn Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi… Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9.10).
Thực vậy, trước những đòi hỏi của Đức Giêsu, dân Chúa trưởng thành cần tích cực nâng đỡ, chia sẻ, cộng tác với chủ chăn, vì biết rằng các vị sẽ chỉ hạnh phúc trong đời tận hiến khi cố gắng từng ngày trở nên mục tử như lòng Chúa mong ước, đồng thời ý thức thân phận mình là bình sành dễ vỡ, nhưng chứa đựng kho tàng vô giá của Thiên Chúa và thi hành sứ vụ mục tử với lòng khiêm tốn, cậy trông vào ơn Chúa để lúc nào và ở đâu cũng kiên trì trung thành như thánh tông đồ dân ngoại với chỉ một niềm xác tín: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em vì Đức Giêsu” (2 Cr 4,5). Nói cách khác, nhờ xác tín “chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi… Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em” (2 Cr 4, 10.12), bởi ý muốn của Đức Giêsu là những người được chọn làm mục tử thì phải noi gương Ngài là Mục Tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x . Ga 10 -11), cũng như “hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Và mục tử nhân lành như lòng Chúa mong uớc chính là hạt lúa phải chết đi, chiên xá tội phải được sát tế cho dân Ngài được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Tóm lại, nếu mục tử cố gắng sống khiêm tốn và hy sinh vì đoàn chiên thì không gì có thể làm hoen ố hình ảnh nhân lành của mục tử, cũng không ai có thể lên án các vị là những mục tử xôi thịt, mục tử chăn thuê, mục tử không như lòng Chúa mong ước.
Một dân Chúa trưởng thành khi người giáo dân ý thức trách nhiệm cộng tác, tham gia và đồng hành sứ vụ với các mục tử của mình, vì một dân chỉ thưc sự là dân của Thiên Chúa khi nhận thức một cách rõ ràng, và dứt khoát đòi hỏi Hiệp Thông trong Giáo Hội vì tất cả mọi người thuộc về Đức Giêsu, dù ở vị thế, trách nhiệm nào cũng đều có cùng một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một đức tin, một phép rửa (x; Ep 4,4-5), “một Thiên Chúa, cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 6 ). Vì thế, sẽ không có Giáo Hội đúng nghĩa, nếu không có hiệp thông giữa những người thuộc về Giáo Hội, như các chi thể của một thân thể duy nhất phải luôn hiệp thông với nhau.
Nguyên lý hiệp thông làm cho Giáo Hội sống và sống dồi dào, vì như thân thể chỉ sống và khỏe mạnh phát triển khi các chi thể, cơ năng hiệp thông, hiệp nhất với nhau, mà không chia rẽ, tẩy chay, cô lập, khai trừ, loại bỏ, tiêu diệt lẫn nhau giữa các chi thể, “trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26).
Nguyên lý hiệp thông không chỉ đưa đến hiệp nhất như ước mơ của Đức Giêsu: “Để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21), mà còn là dấu chỉ để mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu (x. Ga 17,23).
Tất nhiên hiệp thông là hiệp thông trong tình yêu; là “đồng tâm nhất trí”, “hợp nhất với nhau” như cộng đoàn tín hữu đầu tiên (x. Cv 2,44-46).
Một điểm căn bản khác, đó là không chỉ đức ái đòi hiệp thông, mà đức tin cũng là hiệp thông, vì tin là tương quan mật thiết, gắn bó thiết thân giữa mỗi người với Thiên Chúa; là sự hiệp nhất giữa môn đệ với Thầy mình mà không ai, không sự gì có thể tách rời (x. Rm 8,35). Đức Giêsu đã cực tả điều này qua động tử “ở lại” trong Tin Mừng Gioan khi nói về những người tin vào Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em … Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 13,4.5). Ngài còn nhấn mạnh hiệu qủa của đức tin ấy: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 13, 7).
Vì thế, một dân Chúa trưởng thành là một dân Chúa nỗ lực sống hiệp thông trong đức tin, đức ái, và bên cạnh là niềm hy vọng được hiệp thông hưởng hạnh phúc đời đời, vì “tên của anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20).
Tiếp đến là sứ vụ loan báo Tin Mừng, một sứ vụ đòi dân Chúa phải gắn bó hiệp thông và khiêm tốn hợp tác. Bằng chứng là khi sai các môn đệ đi truyền giáo, mặc dù nhu cầu truyền giáo rất lớn, và nhân sự lại hiếm hoi, nhưng Đức Giêsu vẫn sai bảy mươi hai môn đệ “cứ từng hai người một vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1), mà không sai riêng lẻ mỗi người đến một nơi, mỗi người đi một chỗ.
Quyết định sai các ông “cứ hai người một” đi chung với nhau, Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải dành cho hiệp thông một chỗ đứng quan trọng trong sứ vụ truyền giáo khi đi chung, ở cùng, chia sẻ chân thành, và cộng tác chặt chẽ với nhau, mà không lẻ loi, hay độc quyền truyền giáo theo kiểu việc ai nấy làm, thân ai nấy lo, co cụm khoanh vùng, đơn độc ích kỷ.
Sai các môn đệ “cứ hai người một” đi chung với nhau thi hành sứ vụ, Đức Giêsu nhắc nhở không chỉ các mục tử mà toàn thể dân Chúa tinh thần và đời sống hiệp thông mới đích thực là yếu tố quyết định mang lại hoa trái thiêng liêng cho các linh hồn, bởi người môn đệ được sai đi sẽ chỉ có thể chu toàn sứ vụ nếu biết hiệp thông và khiêm tốn cộng tác với anh em, như tông đồ Phaolô đã nêu gương khi viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3, 5-7).
Một dân Chúa trưởng thành là dân không có kẻ thống trị, người bị trị, không có chủ nghĩa giáo sĩ trị hay bất cứ một đường lối, chủ trương thống trị nào theo kiểu thế gian, vì dân Chúa là dân được thánh hiến để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, như Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ: “Anh em biết , thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai qủan dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).
Sau cùng, dân Chúa chỉ có thể trưởng thành nếu sống hiệp thông cầu nguyện, vì công việc đầu tiên Đức Giêsu muốn người môn đệ phải thực hiện là hiệp thông cầu nguyện “cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10), và khi hiệp thông cầu nguyện, toàn thể dân Chúa gồm mọi thành phần sẽ cùng nhau khiêm nhường thống hối, cầu xin ơn tha thứ: xin Chúa đừng chấp tội, nhưng “xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa mà ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa”.
Xin cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất chính là hiệp thông cầu nguyện cho các mục tử được nên giống Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành mỗi ngày hơn; là thiết tha hiệp thông nài xin ơn nâng đỡ, phù trợ cho các chủ chăn đang gặp thử thách, khó khăn, nhất là ơn gìn giữ các vị khỏi những cám dỗ rời xa lòng thương xót đoàn chiên; đồng thời hiệp thông cầu nguyện cho chiên đừng học theo sói dữ rình rập, cắn xé, tiêu diệt nhau và chủ chăn của mình.
Vâng, một dân Chúa trưởng thành khi biết sống hiệp thông bằng cảm thương những yếu đuối, bất toàn của nhau và cầu nguyện cho nhau vượt qua những hố sâu, cạm bẫy hiểm nguy, nhất là không dùng thủ đọan, mưu hèn kế bẩn để giải quyết bất đồng, không lấy ác diệt ác, không tìm kiếm chủ nghĩa này, kế sách nọ để xây dựng ngai toà cá nhân, pháo đài phe nhóm, thế lực vùng miền nhưng “ hiền lành và khiêm nhường ” cậy dựa vào sự khôn ngoan của Thập Giá Đức Giêsu, và ơn Chúa Thánh Thần để được đổi mới mỗi ngày như lòng Chúa mong ước, nghĩa là được nên giống Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng vô cùng nhân hậu và bao dung với mọi người, không trừ ai.
Jorathe Nắng Tím