TMĐP- Mùa Vọng về, chúng ta cùng xin Chúa ơn Trở Về, vì có trở về, chúng ta mới gặp được Chúa và nhận ra lòng thương xót vô cùng và đến cùng của người Cha Thiên Chúa trong mái ấm yêu thương và bình an là Giáo Hội.
Mùa Vọng về. Lại một lần nữa, người Kitô hữu cùng với Giáo Hội hân hoan chuẩn bị đón Chúa đến.
Là Kitô hữu, đương nhiên chúng ta là thành viên, phần tử của Giáo Hội, nên “ở trong Giáo Hội” là điều tất nhiên, không cần phải cắt nghĩa, chú giải, quảng diễn. Nhưng có thực tất cả chúng ta đều đã hiểu yếu tính của Giáo Hội, có thực mọi Kitô hữu đều biết rõ Giáo Hội là gì và lý do có mặt của Giáo Hội trong thế giới?
Vì thế, ngồi lại với nhau và cùng chia sẻ về Giáo Hội ở ngưỡng cửa Mùa Vọng để yêu mến Giáo Hội hơn, thiết tưởng là việc nên làm, vì đẹp lòng Thiên Chúa.
1. Những hình ảnh về Giáo Hội trong Kinh Thánh:
Có nhiều hình ảnh được Kinh Thánh dùng để chỉ Giáo Hội:
- Giáo Hội như con tàu cứu độ:
“ Đức Chúa phán bảo ông Nôê: “Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này” (St 7,1).
- Giáo Hội như Vườn Nho của Thiên Chúa:
Ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về Giáo Hội như vườn nho của Thiên Chúa được chính Ngài chăm nom, săn sóc với tất cả tình yêu hy sinh: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4).
- Giáo Hội như Hạt Cải:
“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13,32).
- Giáo Hội như Kinh Thành mới của Thiên Chúa:
Sách Khải Huyền với thị kiến về Giáo Hội như sau: “Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phiá ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa – ở – cùng – họ” (Kh 21,2-3).
- Giáo Hội như Gia Nghiệp của Thiên Chúa:
“Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể. Hạnh phúc thay dân nào được Người chọn làm gia nghiệp” (Tv 32,12)
- Giáo Hội như dòng dõi của Thiên Chúa:
“Một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11,12).
2. Tình Yêu là Yếu Tính của Giáo Hội:
Sau khi chiêm ngắm những hình ảnh về Giáo Hội, chúng ta cùng nhau đi vào yếu tính của Giáo Hội:
a. Giáo Hội là cộng đoàn yêu thương:
Trước hết, Giáo Hội là tập thể những người đi theo Đức Giêsu. Ngài đã gọi nhiều người ở mọi tuổi tác, thuộc đủ trình độ, giai cấp, thành phần xã hội. Những người này cùng chung một chọn lựa là đi theo Đức Giêsu, chọn chung một con đường là đường Thánh Giá, có chung một sứ mệnh là loan báo Tin Mừng “Thiên Chúa yêu thương và cứu độ nhân loại”, như lời mời gọi của Đức Giêsu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá ” (Mt 4,19) với điều kiện: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
Vì đi theo Đức Giêsu, Thiên Chúa tình yêu, nên cộng đoàn ấy có lẽ sống là Tình Yêu Thiên Chúa; vì hoạt động cho Tin Mừng “Chúa thương xót và cứu độ nhân loại”, nên cộng đoàn ấy kín múc sinh lực từ nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa giầu lòng thương xót; vì muốn trở nên giống Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, Đấng “đến để hiến mạng sống hầu xóa tội và trả lại ơn làm con Thiên Chúa cho mọi người”, nên cộng đoàn được thúc bách bởi tình yêu hy sinh cho người khác, khi vui lòng vác thập giá hằng ngày.
Sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại bầu khí yêu thương của cộng đoàn Giáo Hội thuở ban đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung … Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 44.46-47).
Không có tình yêu, cộng đoàn Kitô hữu không thể hợp nhất; thiếu tình yêu, giáo đoàn không thể “để mọi sự làm của chung… và lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45); vắng bóng tình yêu, thành viên của Giáo Hội không thể chung sống “đơn sơ, vui vẻ”, và làm chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại; chối bỏ tình yêu, Hội Thánh sẽ không được “toàn dân thương mến”, và không có thêm những thành viên mới, vì “phản chứng”, và phủ nhận yếu tính là cộng đoàn yêu thương như dấu chỉ duy nhất của “cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu” (x. Ga 13, 35).
b. Giáo Hội là Thân Thể yêu thương:
Đức Giêsu qủa quyết sự gắn bó thiết thân giữa Ngài và những ai đi theo làm môn đệ Ngài qua hình ảnh cây nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho… Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,1.4).
Thánh Phaolô đã khai triển sự gắn bó thiết thân giữa Đức Giêsu và người tín hữu, cũng như giữa các tín hữu với nhau khi so sánh Giáo Hội với Thân Thể có Đức Giêsu “là Đầu của thân thể, nghiã là đầu của Hội Thánh” (Cl1,18), và các Kitô hữu là chi thể: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 4-5), và tình yêu Đức Kitô là giây liên đới, là máu nuôi Thân Thể, là sức sống hiệp nhất giữa các chi thể nên “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,25-26).
Hơn thế nữa, vì là chi thể của cùng một thân thể là Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng máu tình yêu, được lớn lên nhờ sẵn sàng hy sinh đổ máu vì yêu thương, mà người Kitô hữu có thể đồng cảm và chia sẻ tình yêu Giáo Hội với thánh Phaolô được ngài chân thành bộc lộ khi viết cho tín hữu giáo đoàn Côlôxê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Thực vậy, chỉ tình yêu mới cho các chi thể khả năng đoàn kết, chia vui sẻ buồn với nhau; chỉ tình yêu mới làm cho các tín hữu “một lòng một ý” (x. Cv 4,32); và chỉ Đức Giêsu giàu lòng thương xót mới quy tụ, liên kết, hợp nhất “tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21), như ước nguyện của Đấng sáng lập và là Đầu Hội Thánh.
c. Giáo Hội là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu:
Thánh Tông Đồ Dân Ngoại lấy tình yêu Đức Giêsu dành cho Hội Thánh làm gương cho đời sống hôn nhân khi viết: “người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoăc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình” (Ep 5, 25-28).
Vì yêu Hội Thánh vô cùng và đến cùng mà Đức Giêsu đã hứa ở lại với Hội Thánh của Ngài “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nghiã là không rời xa Hội Thánh một giây phút, nhưng luôn có mặt với Hội Thánh cho đến ngày “cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền. Vải gai đây là những việc lành của dân thánh” (Kh 19,8), như thị kiến của thánh Gioan tông đồ trong sách Khải Huyền.
Như thế, Giáo Hội được trở nên xinh đep, tinh tuyền là do tình yêu Đức Giêsu thanh tẩy, bao phủ. Nói cách khác, Giáo Hội hiện hữu, tồn tại, và không ngừng đươc canh tân để ngày càng kiều diễm vì Giáo Hội được khai sinh từ tình yêu Đức Giêsu, được lớn lên trong tình yêu Đức Giêsu, nên khi Giáo Hội đánh mất ý thức mình là Bí Tích Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, đánh mất vinh dự và hạnh phúc là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, Giáo Hội sẽ không còn mang yếu tính “Giáo Hôi thật của Đức Giêsu” vì không còn Tình Yêu Đức Giêsu làm Lẽ Sống.
d. Giáo Hội là đoàn chiên được yêu thương của Thiên Chúa:
Giáo Hội là đoàn chiên, nhưng không là đoàn chiên bị bỏ rơi, hành hạ, không được chủ chăn yêu thương, chăm nom, săn sóc, nhưng là đoàn chiên có chủ chăn nhân lành là Đức Giêsu, Đấng biết từng con chiên và gọi đúng tên từng con, Đấng là Cửa cho chiên ra vào thoải mái, Đấng đi trước để bảo vệ đoàn chiên khỏi sói rừng, trộm cướp, và dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, suối nước mát.
Giáo Hội là đoàn chiên, nhưng không là đoàn chiên dưới tay lái buôn hay kẻ chăn thuê sẵn sàng “bán đứng chiên” vì tư lợi, “bỏ chiên mà chạy” khi có biến, hay khi sói dữ tấn công, nhưng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), vì chủ chăn nhân lành “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Như thế, đoàn chiên Giáo Hội là đoàn chiên được ấp ủ, chở che bằng tình yêu của Mục Tử nhân lành sẵn sàng đổ máu, hiến mạng vì hạnh phúc của đoàn chiên, nên chiên thuộc ràn này biết và yêu mến chủ chăn, chiên thuộc ràn này nghe tiếng và đi theo Mục Tử, vì chiên được sống hạnh phúc khi thuộc về đoàn chiên được yêu thương, đoàn chiên có chủ chăn nhân lành mang lấy “mùi chiên” của những con chiên mình chăn dắt.
e. Giáo Hội là mái ấm yêu thương của Thiên Chúa:
Trong Cựu Ước, Giacóp “đã chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Và kià Đức Chúa đứng trên bên thang và phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Ápraham, tổ phụ ngươi và là Thiên Chúa của Ixaác. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất ; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi”. Giacóp tỉnh giấc và nói: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!” Cậu phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác” (St 28,12-17).
Các thánh vịnh cũng không ngớt ca ngợi Nhà Thiên Chúa như mái ấm yêu thương cho con người: “Phần con, nhờ tình Chúa bao la, được bước vào nhà Chúa ” (Tv 5,8), “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời và tôi được ở trong nhà Người những ngày tháng, những năm dài triền miên. (Tv 22,6).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã đuổi tất cả những người đang buôn bán trong Đền Thờ và bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 1,13).
Là nhà cầu nguyện, vì ở đó có trái tim con người thỏ thẻ với Thiên Chúa, có trái tim Thiên Chúa lắng nghe và xót thương con người. Vì thế, nhà Thiên Chúa, tức Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu chỗ cho ai, không từ chối bước chân trở về của bất cứ người con nào, dù là đứa con bất hiếu, hư đốn, ngang ngược, như Tin Mừng Luca đã trình thuật bước chân trở về mái ấm yêu thương sau những ngày hoang đàng, phung phí, ăn chơi trác táng đến lâm cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ và chăn heo của người con thứ trong du ngôn “Người cha nhân hậu”: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 20-24).
Là nhà của Thiên Chúa, Giáo Hội không là căn nhà hoang, lạnh lẽo hay ngục tù khổ ải làm con cái hoảng sợ, bất hạnh, nhưng là nơi có tình yêu, nơi chan chứa tình yêu, nơi được yêu thương, vỗ về, ủi an, thương xót, thứ tha, chữa lành và bình an, bởi ở đó có Đức Giêsu như thánh Phaolô đã xác quyết: “Còn Đức Kitô thì trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa. Mà nhà Thiên Chúa là chính chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững đến cùng lòng tin tưởng và thái độ hiên ngang về niềm hy vọng của chúng ta” (Dt 3,6).
Sau cùng, Giáo Hội là đoàn thể những người tin vào Đức Giêsu trên đường Hy Vọng; là tập thể những người đáp lời mời gọi “Hãy theo Tôi” của Đức Giêsu trên hành trình Mùa Vọng, ở đó người môn đệ hướng lòng về Đức Giêsu, Thiên Chúa giầu lòng thương xót để được Ngài mặc khải: yếu tính của Giáo Hội là Bí Tích Tình Yêu Thiên Chúa, là dấu chỉ của lòng thương xót vô biên, khôn lường của Thiên Chúa làm người; để nghe Ngài dặn dò, chỉ bảo: Giáo Hội sẽ không là gì, không có giá trị và ý nghiã gì nếu đánh mất yếu tính là Tình Yêu; Giáo Hội sẽ không thể đứng vững, nếu loại bỏ Đức Giêsu là Tình Yêu Thương Xót, bởi Ngài chỉ hứa gìn giữ Giáo Hội khỏi “mọi quyền lực tử thần” (Mt 16,18), và ở lại với Giáo Hội “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nếu Giáo Hội đón nhận Ngài là Tình Yêu, chân nhận Ngài là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót mà không thay thế Ngài bằng một thiên chúa vô cảm, lạnh lùng, tàn ác, nhẫn tâm khác.
Muà Vọng của Giáo Hội cũng là mùa trở về với chính mình để thấy mình còn xa những gì Đức Giêsu mong muốn, đòi hỏi. Đó là lý do Giáo Hội, tức mỗi người Kitô hữu luôn được Chúa mời gọi xem lại con đường mình đang đi để lấp bớt những hố rãnh đầy rác rưới ganh ghét, đố kỵ, hiềm khích, thù hận, bạo lực, gian ác ; bạt cho thấp hơn núi đồi cao ngạo, kiêu căng, hãnh tiến, ngang ngươc, tự mãn, tự phụ; uốn cho ngay thẳng những khúc quanh co hiểm trở của đam mê tiền tài, danh vọng, chức quyền, ngôi vị, bởi Giáo Hội sẽ không đến được với con người đang khao khát, đi tìm Thiên Chúa Tình Yêu, khi Giáo Hội không còn là Bí Tích của Tình Yêu Thiên Chúa; Giáo Hội cũng không có Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh vì tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu để “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” như sứ mạng được trao; Giáo Hội càng không là dấu chỉ của Thiên Chúa nhân hậu, nếu không khiêm tốn nhận mình có thể đang rất xa Đức Giêsu, vì đi lạc vào con đường vô cảm, vô tâm, vô tình , vô ơn không chỉ với con người mà còn với chính Thiên Chúa.
Vâng, Giáo Hội là chính chúng ta, như thánh Phaolô đã khẳng định, nên nói Giáo Hội là nói chính mình, trách Giáo Hội là trách chính ta. Và điều luôn đáng nói, cũng là điều Chúa truyền dạy và luôn nhắc nhở, đó là chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12), vì Tình Yêu là yếu tính của Giáo Hội, yếu tính của đoàn thể những người đi theo Chúa, nên không yêu thương, đoàn lữ hành là các Kitô hữu không thể đồng hành với nhau trên hành trình Hy Vọng; không hiệp nhất, tập thể các môn đệ của Đức Giêsu không thể “chen vai sát cánh” cùng lên đường Hy Vọng và Muà Vọng chúng ta đang bước vào sẽ không mang hy vọng nẩy mầm ơn Cứu Độ nhưng mang nhiều rủi ro và nguy cơ thất vọng, tuyệt vọng.
Lại một lần nữa Muà Vọng về, chúng ta cùng xin Chúa ơn Trở Về, vì có trở về, chúng ta mới gặp được Chúa và nhận ra lòng thương xót vô cùng và đến cùng của người Cha Thiên Chúa trong mái ấm yêu thương và bình an là Giáo Hội, như người con thứ hoang đàng đã tìm lại hạnh phúc làm con trong vòng tay bao dung, thương xót của Cha và tình yêu hồi sinh ấm áp của gia đình.
Jorathe Nắng Tím