TMĐP – Chiêm ngắm Đức Maria trong ngày lễ Truyền Tin, chúng ta học với Mẹ gương sống tuyệt vời của người Kitô hữu đầu tiên, biết dùng tự do Chúa ban như hình ảnh của Ngài để tìm kiếm Ngài, để mỗi ngày hiểu biết về Ngài hơn, hầu yêu mến, phụng sự Ngài.
Có một sự khác biệt quan trọng giữa ông bà nguyên tổ sau khi bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm và Đức Maria trong giây phút truyền tin, đó là nguyên tổ thì sợ hãi, “trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Thiên Chúa là Đức Chúa” “khi nghe thấy tiếng Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày” (St 3,8), còn Đức Maria thì được sứ thần lên tiếng chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà” và dịu dàng trấn an: “Thưa bà Maria, xin bà đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,28.30).
Sự khác biệt đó được nhận ra dễ dàng vì được lý giải cặn kẽ: ông bà nguyên tố sợ hãi vì tránh mặt Thiên Chúa. Sở dĩ không dám giáp mặt Ngài, vì ông bà đã tự nguyện nghe lời Xatan bất tuân lệnh Thiên Chúa, nên xấu hổ vì thấy mình trơ trẽn, trần truồng, bởi chỉ một mình Thiên Chúa mới làm đầy trái tim con người bằng ơn bình an của Ngài; chỉ một mình Đấng Chủ Tạo mới làm đầy đời sống con người là thụ tạo của Ngài bằng giá trị và ý nghĩa của tình yêu tạo dựng và cứu chuộc, ngoài ra, không một quyền lực nào có thể làm no thoả khát vọng của con người, như Xatan đã làm trống rỗng cuộc đời của ông bà qua hình ảnh mà Kinh Thánh diễn tả: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá và làm khố che thân” (St 3,7). Khác với ông bà nguyên tổ sợ hãi vì không còn gì, Đức Maria được trấn an, và tràn ngập niềm vui của Thiên Chúa, vì Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa và có Thiên Chúa ở cùng.
Như thế, sợ hãi là khi vắng bóng Thiên Chúa do tránh né, từ chối gặp gỡ Ngài, và hạnh phúc, bình an là khi tâm hồn gặp Thiên Chúa, đầy Thiên Chúa, có Thiên Chúa ngự trị.
Sở dĩ Đức Maria tràn đầy niềm vui ơn cứu độ, như Mẹ đã cất cao lời trong kinh Tán Tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47), bởi Mẹ đã đón nhận Thánh Ý với tất cả tự do của con cái tự do đối với người Cha Thiên Chúa, bằng chứng là Mẹ đã tìm hiểu Thánh Ý khi nêu lên thắc mắc với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34) sau lời loan báo của sứ thần: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).
Với tự do của con cái, Mẹ đã tin tưởng đặt vấn đề với sứ thần một cách hồn nhiên, chân thành và sẵn sàng thực thi Thánh Ý, nên khi sứ thần giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35), thì Mẹ không ngần ngại nữa, nhưng tin tưởng và khiêm hạ thưa với sứ thần: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Chiêm ngắm Đức Maria trong ngày lễ Truyền Tin, chúng ta học với Mẹ gương sống tuyệt vời của người Kitô hữu đầu tiên, đó là biết dùng tự do Chúa ban như hình ảnh của Ngài để tìm kiếm Ngài, để mỗi ngày hiểu biết về Ngài hơn, hầu yêu mến, phụng sự Ngài.
Đức Maria đã không tiêu cực, thụ động, nhưng hăng say, tích cực tìm kiếm Thánh Ý để biết Thiên Chúa muốn gì trên Mẹ, muốn thực hiện điều gì trong cuộc đời Mẹ.
Cùng với Mẹ, và với lời cầu bầu thần thế của Mẹ, chúng ta dâng những tháng năm còn lại của cuộc đời trong tay Chúa, với tâm tình khiêm hạ “Xin Vâng của tôi tớ hèn mọn” và lời cầu nguyện gắn bó với đời sống từ nay cho đến giờ lâm tử: “Xin Chúa cứ làm cho con những gì Chúa muốn”.
Jorathe Nắng Tím