Connect with us

Hi, what are you looking for?

Suy niệm lời Chúa

CHUNG MỘT ƠN GỌI

TMĐP- Từ bỏ mỗi ngày như Ápraham và các môn đệ Đức Giêsu, vì ơn gọi Kitô hữu là ơn gọi yêu thương, phục vụ, mà yêu thương nào cũng đòi xoá mình, phục vụ ai cũng đòi bỏ mình để trao ban, dâng tặng, cho đi chính mình.

Từ tổ phụ Ápraham cho đến người Kitô cuối cùng của nhân loại, tất cả đều được Thiên Chúa gọi giống nhau và có chung một tiến trình. Chúng ta hãy nhìn vào đời sống của Ápraham và của Nhóm Mười Hai để nhận ra điều này:

1/ Ngài gọi các vị đi theo Ngài để thực hiện thánh ý Ngài:

Ý của Đức Chúa muốn thực hiện trên Ápram là ông đi tới một miền đất mới, trở thành một tổ phụ của một dân tộc mới rất lớn, rất đông: “Hãy đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (St 12, 1-2), cũng như ý của Đức Giêsu là muốn các môn đệ đi theo Ngài  “trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Cả hai đều nhắm tới công trình làm sinh sôi nảy nở con dân của Nước Thiên Chúa, mở mang bờ cõi Nước Trời, “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt, 26,19).

2/ Ngài hứa ở cùng người Ngài kêu gọi với ơn phúc tràn đầy:

Với Ápram, Đức Chúa hứa: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi… và ngươi sẽ là một mối phúc lớn. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,2.3); với các môn đệ, Đức Giêsu bảo đảm sự có mặt của Ngài cho đến tận thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), với quyền năng Thiên Chúa của Ngài: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Ngài còn ban cho các vị ơn chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phung hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8). Tắt một lời, Đức Giêsu bao phủ các môn đệ bằng ơn phúc của Ngài, và cho các người Ngài chọn trở thành mối phúc lớn cho mọi người, như Ápram đã được Đức Chúa chúc phúc và làm cho ông trở thành mối phúc lành cho các dân tộc.

Như thế, ơn gọi của những người được Đức Chúa gọi trong Cựu Ước, cũng như những người đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu trong Tân Ước không khác nhau, nhưng giống nhau trong từng chi tiết, mà mục đích là thực hiện Thánh Ý tốt lành của Thiên Chúa. Thánh Ý đó là hết mọi người được hưởng hạnh phúc được ban dư dật từ Ngài là Thiên Chúa tình yêu, giàu lòng thương xót và là Cha từ bi, nhân hậu của mọi người.

3/ Điều kiện phải có của những người được Thiên Chúa kêu gọi:

Điều kiện thứ nhất và quan trọng nhất là “đi theo” con đường Đức Chúa chỉ, như Ápram đã làm  theo lời Đức Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1), và như các ông Simôn, cũng gọi là  Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan “đã bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Đức Giêsu”( Mt 4,22), Đấng là Con Đường của Thiên Chúa, như Ngài đã khẳng định: “Ta là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6).

Như thế, con đường của Đức Chúa muốn Ápraham đi, cũng như “Con Đường là Đức Giêsu” mà người môn đệ phải đi, chính là đường Từ Bỏ, và con đường này mỗi ngày mỗi chồng chất thêm vất vả,  càng ngày càng  khó khăn, gian truân hơn, vì càng đi xa tới đất Đức Chúa chỉ, Ápraham càng khám phá đòi hỏi gắt gao hơn của Đức Chúa, khi muốn ông phải từ bỏ nhiều hơn, từ bỏ quyết liệt hơn, từ bỏ đau đớn hơn, cũng như người môn đệ , càng đi xa với Đức Giêsu càng gần Núi Sọ, càng được ở gần và chạm vào Ngài, càng cảm nghiệm nỗi đau của đứa con bị cha  bỏ rơi, càng thấm thía nỗi cô đơn, ô nhục bẽ bàng, và  “toàn phần, toàn tập”  bất lực trên Thánh Giá.

Điều kiện này được nhận ra rất rõ trên đường Từ Bỏ của Ápraham:

a. Giai đọan 1: Khi ông chấp nhận lên đường bằng từ bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha mình ( St 12, 1), thì Đức Chúa hứa làm cho ông thành một dân lớn,  chúc phúc cho ông, và cho  ông trở  nên một mối phúc lành (x. St 12,2-3).

Ở giai đọan 1, tức phần đầu của con đường Từ Bỏ, Ápram mới chỉ từ bỏ những gì ở ngoài ông, đó là sứ xở, họ hàng, nhà cha mẹ …

b. Giai đọan 2: Bước vào giai đọan này, Đức Chúa dẫn Ápram đi xa hơn với Ngài, bằng đòi ông phải từ bỏ chính bản thân ông, khi nói với ông: “Các ngươi phải chịu cắt bì: đó sẽ là giao ước giữa Ta với các ngươi.” (St 17,11).

Cắt bì không chỉ là dấu hiệu của giao ước giữa Đức Chúa và dân Ngài, mà còn là dấu chỉ từ bỏ chính bản thân của mỗi người để thực hiện Thánh Ý. Cắt bì là bỏ đi chính mình, là biểu lột sự tuân phục tuyệt đối trước Đức Chúa khi tự nhận mình luôn thiếu thốn và dòn mỏng qua hành động cắt bỏ một phần thân thể ở nơi kín đáo nhất, nơi mà sự sống được bắt đầu.

Khi đáp lại lời yêu cầu cắt bì của Đức Chúa, Ápram đã tỏ cho Đức Chúa trọn vẹn tấm lòng tín thác của mình, và  cũng vào thời điểm đó, Đức Chúa đã đổi tên ông từ Ápram  thành Ápraham,  vì ông được Thiên Chúa “đặt làm cha của vô số dân tộc” (St 17,5). Cũng vì Ápraham tiến xa hơn với Đức Chúa trên đường từ bỏ bằng từ bỏ chính bản thân, mà Đức Chúa đã xem ông như bạn hữu nghiã thiết, khi quyết định không giấu ông việc Ngài sắp làm là trừng phạt thành Xơđôm: “Đức Chúa phán: “Ta có nên giấu Ápraham điều Ta sắp làm chăng? Ápraham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh, và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó. Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế Đức Chúa sẽ làm cho Ápraham điều Người đã phán về nó” (St 18,17-19).

Không giấu Ápraham kế hoạch riêng của mình, Đức Chúa đã tỏ cho Ápraham ông được Ngài thương yêu và tín nhiệm. Phần Ápraham, ông đã chứng tỏ với Đức Chúa lòng thương xót của ông và sứ mệnh là mối phúc lành cho muôn dân, khi ông can thiệp cho thành Xơđôm bằng thân thưa hết sức hồn nhiên với Đức Chúa. Trong cuộc đối thoại tình nghĩa với Đức Chúa, Ápraham đã mặc cả từ năm mươi  xuống mười người tốt lành trong thành. Chúng ta hãy nghe ông mặc cả, để thấy lòng thương xót của ông lớn lao, và con người ông dễ thương làm sao!

Sau khi đã tìm không ra hai mươi người tốt lành ở Xơđôm, Ápraham đã cố năn nỉ Đức Chúa: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơđôm” (St 18,32).

c. Giai đọan 3: Từ bỏ chính niềm hy vọng chính đáng được Đức Chúa hứa ban:

Sau hai giai đọan với những cây số dài từ bỏ quê cha, đất tổ, họ hàng, lối xóm, và  từ bỏ chính bản thân,  Ápraham được Thiên Chúa dẫn đi rất xa trong giai đọan cuối cùng, bằng nói với ông: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2).

Hiến tế Ixaác chính là từ bỏ niềm hy vọng chính đáng phát xuất từ Lời Hứa của Đức Chúa, Đấng đã quả quyết: “Kẻ thừa kế ngươi sẽ do chính ngươi sinh ra … Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không …. Giòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St 15,4.5). Ấy thế mà hôm nay, chính Đức Chúa lại muốn ông đem hiến tế Ixaác làm của lễ toàn thiêu.

Ông sẽ hiểu thế nào và phản ứng làm sao trước thay đổi đột ngột và mâu thuẫn của Đức Chúa, vì ông tin Đức Chúa là Đấng trung tín, luôn giữ lời Ngài hứa. Chính vì “ông tin Đức Chúa, mà Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6).

Quả thực, lần từ bỏ này qúa đau đớn, đau đớn không chỉ vì niềm hy vọng vào Lời Hứa  bất ngờ lịm tắt, mà còn đau đớn vì ông vẫn cứ tin Đức Chúa bằng cùng con trai đi “tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại , và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình” (St 22,9-10).

Đây là từ bỏ kinh khủng nhất, vì là từ bỏ chính điều Thiên Chúa đã hứa thực hiện nơi mình. Nhưng chính khi đạt đến mức độ từ bỏ anh hùng vì tín thác tuyệt đối này, Ápraham, qua miệng sứ thần đã được nghe Đức Chúa phán: “Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chuc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,16-18).

Không như những lần trước, Đức Chúa đã chỉ hứa, nhưng lần này, Đức Chúa lấy danh Ngài mà thề, để nói lên sự từ bỏ của Ápraham đã làm Ngài rất hài lòng, và xứng đáng với lòng tín nhiệm của Ngài.

Trong Tân Ước, các môn đệ cũng đi theo tiến trình Từ Bỏ này trên Con Đường là Đức Giêsu, Đấng đã dẫn các ông đi từ những từ bỏ ở ngoài mình như quê hương, của cải, sự nghiệp, gia đình, cha mẹ, con cái (x. Mt 4, 18-22 ;10, 37) đến từ bỏ chính bản thân như điều kiện tiên quyết để đi theo làm môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Chúng ta thấy từ bỏ bản thân là điều kiện tiên quyết được Đức Giêsu đề ra cho những ai muốn đi theo Ngài, nghĩa là phải từ bỏ chính mình trước đã, rồi mới có thể vác thập giá, bởi vác thập giá mình hay vác thập giá anh em mà không bỏ mình, hy sinh suốt đời  mà không xoá mình, chịu cơ cực, vất vả đêm ngày  mà vẫn khư khư bám chặt, giữ kỹ, bảo vệ bằng mọi giá “cái tôi” thì con đường đến với Đức Giêsu, con đường đi với Đức Giêsu làm môn đệ Ngài  không bao giờ có  thể thực hiện, vì điều Đức Giêsu đợi chờ ở người môn đệ chính là của lễ toàn thiêu được dâng cùng  với Ngài trên Thánh Giá khi không còn gì  là mình, không còn gì cho mình, ngay cả một lời ủi an từ Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã tận cùng đau khổ vì cô đơn, khi thống thiết, nức nở  ở giờ hấp hối: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài  bỏ rơi con?” (Mc 1534).

Sở dĩ phải từ bỏ mỗi ngày hơn, như Ápraham và các môn đệ Đức Giêsu, vì ơn gọi Kitô hữu là ơn gọi yêu thương, phục vụ, mà yêu thương nào cũng đòi xoá mình, phục vụ ai cũng đòi bỏ mình để trao ban, dâng tặng, cho đi chính mình. Chính vì quên xóa mình, coi thường đòi hỏi từ bỏ bản thân của Tin Mừng, mà người Kitô hữu  chúng ta, dù ở bất cứ  vị thế  nào trong Giáo Hội đều dễ rơi vào bế tắc của các thể loại thống trị, bởi làm cho Dân Chúa lớn rộng khắp cõi địa cầu như sứ vụ của Ápraham, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu, như bài sai của các Tông Đồ đều đòi người Kitô hữu, chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ phải đi vào con đường  từ bỏ mình để có thể cho đi nhưng không như đã nhận nhưng không (x. Mt 10,8), và  để như  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để  phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá  chuộc muôn người” (Mt 20, 28).

Jorathe Nắng Tím   

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...