Connect with us

Hi, what are you looking for?

Suy Tư Thần Học

 KHÔNG KHIÊM NHƯỜNG, KHÔNG THỂ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

TMĐP- Người Kitô hữu chúng ta nên học thuộc và thực hành bài học vỡ lòng nhưng căn bản Đức Giêsu đã dạy các môn đệ, cũng là lời Ngài nhắn nhủ mỗi người chúng ta hôm nay: “Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Đức Giêsu không chỉ tự nhận mình “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), mà còn khẳng định Nước Trời, Đất Hứa của Thiên Chúa là gia nghiệp và phần thưởng đời đời cho  những ai hiền lành, khiêm nhường (x. Mt 5,4). Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên và tuyệt hảo cũng không giấu được hạnh phúc của người  nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa thương chúc phúc khi cất tiếng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,46-47). Và mãi mãi Giáo Hội kêu gọi người tín hữu chúng ta sống hiền lành, khiêm nhường, vì đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức.

Quả thực, người hiền lành, khiêm nhường không chỉ được Thiên Chúa thương, mà còn được mọi người yêu mến, vì trước hết và trên hết, họ là người sống trong sự thật.

Khác với người kiêu căng không sống trong sự thật, vì người kiêu căng phải gồng mình thổi phồng, bơm căng, cường điệu con người có giới hạn của mình, để lúc nào và ở đâu cũng là người nổi bật, vượt trội hơn người; người kiêu căng phải đánh bóng mình  bằng phô trương bề ngoài hào nhoáng, bằng xáo ngữ vô nghĩa , bằng giả tạo, ảo tưởng để thiên hạ lầm tưởng mình là người có tầm, có trọng lượng trong khi mình rất tầm thường, nghèo nàn, rỗng tuếch; người kiêu căng phải giấu nhẹm những “non xanh”, khiếm khuyết, cố tật, yếu đuối, và  lầm lỗi của mình trước mọi người để tỏ ra mình là người tuyệt hảo thánh thiện, no đầy công phúc trước mặt Thiên Chúa và loài người; người kiêu căng phải vất vả nuôi ảo tưởng  và  triền miên sống trong ảo tưởng để làm cho chính  mình quên đi thực trạng không mấy sáng láng, tốt đẹp của cái tôi, hầu có thể tự tin biểu lộ và  giữ được hình ảnh mình như thần tượng trong lòng người khác; người kiêu căng vì sợ bị nhận diện nguyên hình nguyên trạng, nên sống ảo, sống vong  thân, khi đánh mất chính mình, không còn là mình từ tư tưởng đến lời nói, việc làm, thái độ, cung cách. Và như thế, sự thật không có đất sống  ở con người kiêu căng.

Không có sự thật, vì người kiêu căng  muốn xa sự thật của con người nhiều giới hạn, và tự nguyện đánh mất sự thật trong đời sống, vì không đủ nghị lực để chấp nhận những  hụt hẫng, chao đảo, vấp ngã không thể thiếu trên hành trình làm người của bất cứ  ai một khi đã bước chân vào đời.

Vì không có sự thật trong chính bản thân và đời sống, nên  người kiêu căng không thể đón nhận sự thật từ bất cứ ai, hay Đấng nào, và tất nhiên, không bao giờ có thể trở thành chứng nhân của sự thật ở bất cứ phạm vi, mức độ nào, bởi quen  gian dối, họ sẽ không tin có sự thật; quen tráo trở, lật lọng, họ không tin có người sẽ nói thật; quen vẽ vời, thêu dệt, phóng đại,  họ không tin có sự thật tinh ròng, nguyên vẹn; nhất là quen sống ảo, sống bằng vỏ bọc, họ mất khả năng tín nhiệm, tin tưởng ở người khác.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao khiêm nhường gắn với sự thật thiết thân đến như thế?

Thưa vì khiêm nhường không cư ngụ ở đâu ngoài sự thật, khiêm nhuờng không chọn hộ khẩu nào ngoài sự thật, khiêm nhường không ở chung với bất cứ ai ngoài người  thật với mình, với Thiên Chúa  và  với người khác, bởi chỉ người khiêm nhường mới  đủ nội  lực để nhận sự thật về mình, và  về người khác; chỉ người khiêm nhường mới đủ dũng cảm  để nói lên sự thật của mình  và làm chứng sự thật ở người khác; chỉ người khiêm nhường mới đủ tình yêu để sống chết cho sự thật; chỉ người sống thật mới bình tâm nhận  mình là tội nhân cần lòng thương xót của Chúa và tình thương bao dung, quảng đại của anh em, đang khi người kiêu căng vì ích kỷ, sẽ không dám nói sự thật; vì tư  lợi, sẽ không dám  bênh vực  sự thật; vì sợ phiền phức thiệt thân, sẽ không  dám  làm chứng cho sự thật; vì ảo tưởng thánh thiện, trọn hảo, sẽ không cần ơn tha thứ; và tệ hơn, vì khao khát ngất ngưởng hơn người, và lầm tưởng mình được đặc mệnh thống trị nhân gian,  sẽ coi thường sự thật và sẵn sàng chà đạp, bức tử sự thật mà không  nuối tiếc, hối hận.

Thánh Vincent de Paul đã nói: “Thiên Chúa yêu khiêm nhường, vì Ngài yêu sự thật.Thực vậy, khiêm nhường là sự thật, trong khi kiêu căng chẳng là gì khác ngoài gian dối.”

Thánh nhân đã không nói khác điều  Đức Giêsu đã khẳng định, bởi chính Ngài  vừa quả quyết  mình là “Sự Thật” (x. Ga 14,6), là  Đấng đến để làm chứng cho Sự Thật khi trả lời quan tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật..” (Ga 18,37), vừa tự nhận mình “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), nên người môn đệ không thể làm gì khác hơn là “đứng về phía sự thật” là Đức Giêsu (Ga 18,37), mà “đứng về phía sự thật” với Đức Giêsu cũng là đứng về phía Đức Giêsu “hiền hậu và khiêm nhường”, vì khiêm nhường ở trong sự thật, như người khiêm nhường được  Đức Giêsu yêu và ở trong Đức Giêsu là Sự Thật của Thiên Chúa.

Tóm lại, chúng ta có tiêu chuẩn vững chắc và đáng tin cậy để biết ai là người mang sự thật và làm chứng sự thật của Thiên Chúa, ai là người sống sự thật và trao ban sự thật  tinh tuyền, nguyên vẹn của Thiên Chúa cho người khác, ai là người có khả năng trình bày sự thật, và lôi cuốn người khác bằng sự thật của Thiên Chúa? Bởi không khiêm nhường, người loan báo Tin Mừng sẽ chỉ dùng Tin Mừng như phương tiện để  suy tôn mình; không khiêm tốn, người được sai đi sẽ chỉ  làm cho danh mình cả sáng, nước mình trị đến, ý mình được thể hiện, mà không phải Danh Chúa, Nước Chúa, Ý Chúa; không khiêm hạ, người được coi là môn đệ Đức Giêsu sẽ chỉ là kẻ chăn thuê, tôi tớ bất trung, kẻ nội gián, nội thù trong Giáo Hội, vì họ chỉ gieo hạt giống phản chứng khi rao giảng Đức Giêsu hiền lành, khiêm nhường bằng  cung giọng,  điệu bộ, thái độ  kiêu căng, cao ngạo, tự mãn, tự phụ, và làm chứng Đức Giêsu là  Sự Thật qua đời sống ma mãnh, gian dối, xảo quyệt để che dấu sự thật con người có giới hạn  của mình, đồng thời  xào nấu, bóp méo, cắt xén sự thật của người khác, là những phương cách học được từ thần dữ kiêu ngạo Xatan.

Ước gì người Kitô hữu chúng ta học thuộc và thực hành bài học vỡ lòng nhưng căn bản Đức Giêsu đã dạy các môn đệ, cũng là lời Ngài nhắn nhủ mỗi người chúng ta hôm nay: “Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...