TMĐP – Phần II: TÌNH YÊU: GIỚI LUẬT MỚI CỦA HỘI THÁNH ĐỨC GIÊSU
Vì bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Ngài không thể làm bất cứ điều gì trái nghịch tình yêu. Nói cách khác, Thiên Chúa chỉ có thể yêu thương, và những gì chống lại yêu thương đều không thuộc về Ngài, không giống Ngài, không mang hình ảnh Ngài như thánh Gioan Tông Đồ khẳng định: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).
Và nếu tình yêu làm cho con người biết Thiên Chúa, thì tình yêu cũng làm Thiên Chúa nhận ra hình ảnh của chính mình nơi con người, như Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy trước quang cảnh ngày phán xét chung, ở đó chỉ những người đã sống yêu thương ở thế gian này mới được Thiên Chúa nhận vào hàng ngũ những người được chúc phúc: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 34-36).
Những người được chúc phúc và được hưởng Nước Trời chính là những người đã sống giới luật mới Tình Yêu của Thiên Chúa đã được Đức Giêsu truyền dạy cho các Tông Đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Giới răn mới này không chỉ mới ở mức độ triệt để là phải “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), mà còn mới ở mỗi lần yêu thương, cầu nguyện, phục vụ, chia cơm sẻ áo, săn sóc, thăm nuôi, làm điều tốt lành, từ thiện “cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). “Ta đây” là chính Thiên Chúa, Đấng đã không ngại tự đồng hoá mình với những con người hèn mọn, bần cùng, cơ nhỡ, bị bạc đãi, bỏ rơi trong xã hội.
Giới luật mới của Đức Giêsu còn mới ở điểm này, đó là người ta sẽ chỉ nhận ra ai là môn đệ đích thực của Ngài, ai là người thuộc về Ngài, ai là người được Ngài sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ, và ai là người chuyển tải hữu hiệu ơn cứu độ của Ngài cho anh em, khi người ấy có lòng yêu thương, có trái tim hay chạnh lòng thương xót, có thái độ ân cần, khiêm tốn phục vụ, có tinh thần hy sinh quên mình, xoá mình như điều kiện đi theo làm môn đệ Ngài (x. Ga 13,35).
Thực vậy, Đức Giêsu đã đến với giới luật mới là tình yêu. Cụ thể là Ngài đã tuyên bố: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 43-48).
Như thế, luật mới yêu thương của Đức Giêsu vượt hẳn luật Môsê và các luật khác của phàm nhân, vì không dừng lại ở lằn ranh công bằng: mắt đền mắt, răng đền răng, nhưng “nếu ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn lấy áo trong, thì hãy cho cả áo ngoài. Nếu có người bắt đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm…” (Mt 5, 39-41). Và “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” chính là sống tình yêu thương xót như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
Chính vì thế trong luật mới của Đức Giêsu, tình yêu luôn giữ phần thắng thế, và chiếm “ưu tiên một” trong mọi lựa chọn. Nói cách khác, người ta có thể nhượng bộ bất cứ điều gì khác trong mọi quyết định, lựa chọn, nhưng không được nhượng bộ tình yêu, không được bỏ quên tình yêu, không được bức tử lòng thương xót, không được bán đứng đức ái là tín điều cốt lõi, giới luật nền tảng bảo đảm sự hiệp nhất, hiệp thông của tập thể những người thuộc về Đức Giêsu, bởi huỷ bỏ tình yêu, chúng ta không còn ở trong Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu; không còn giữ luật Thiên Chúa, vì giới luật mới của Ngài là luật yêu thương; không còn để ai nhận ra mình là môn đệ của Đức Giêsu, vì không mang huy hiệu Yêu Thương, và như thế sẽ không thể loan báo, làm chứng Đức Giêsu và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), như bài sai mỗi người tín hữu đã nhận được từ Đức Giêsu khi chịu phép rửa và gia nhập Hội Thánh.
Để hiểu rõ hơn ưu tiên của Tình Yêu, chúng ta hãy chiêm ngắm một Thiên Chúa là Tình Yêu khi Ngài từ chối giữ luật ngày sabát là luật rất trọng của người Do Thái, để cứu người bị bại tay là ưu tiên số một trong luật mới tình yêu của Ngài: “Người ta hỏi Đức Giêsu rằng: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát không?” Họ hỏi thế là để tố cáo Người. Người đáp: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều lành”. Rồi Đức Giêsu bảo người bị bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra và tay liền trở lại bình thường lành mạnh như tay kia”. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mt 12,9-14).
Sở dĩ nhóm Pharisêu tìm cách giết Đức Giêsu, vì họ là những người vị luật, và bằng mọi giá quyết tâm bảo vệ pháo đài bất khả xâm phạm của cơ chế lề luật, dù phải giết chết đồng loại, dù phải tiêu diệt chính anh em mình. Với họ, cơ cấu lề luật, tổ chức pháp lý ngàn lần quan trọng hơn giá trị của con người, và vạn lần lớn hơn sự sống và hạnh phúc của anh em.
Thánh Gioan đã tinh tế phân tích sự khác biệt giữa lề luật và ân sủng khi viết: “Từ nguồn sung mãn của Người (tức Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,16-17). Vì thế, nếu ông Môsê nhờ Luật để cai quản dân, thì Đức Giêsu cứu độ nhân loại bằng ân sủng từ tình yêu của Ngài, tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương đã đến “để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Phần thánh Phaolô Tông Đồ, ngài không ngần ngại viết cho giáo đoàn Rôma: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng ” (Rm 6,14).
Sở dĩ thánh nhân bạo dạn nói lên điều này, vì một khi đã ở trong tình yêu của Thiên Chúa, tức sống giới luật mới của Đức Giêsu, chúng ta không còn lệ thuộc Lề Luật, nhưng “đã chết đối với Lề Luật để sống cho Thiên Chúa” (Gl 2,19 với niềm xác tín : ” Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích” (Gl 2,20-21).
Niềm xác tín thuộc về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa tình yêu và là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót cho phép chúng ta vượt xa khỏi Lề Luật, để kết hiệp trọn vẹn với Đức Giêsu trong ân sủng tình yêu của Ngài, như lời răn dạy của thánh Tông Đồ dân ngoại trong thư gừi giáo đoàn Êphêxô khi nói về người Do Thái và dân ngoại được hoà giải với nhau và với Thiên Chúa: “Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất..” (Ep 2,15-16).
Tóm lại, giới luật mới của Đức Giêsu chính là tình yêu của Ngài, trong đó mọi người được hoà giải với nhau và với Thiên Chúa, được hiệp nhất nên một với nhau và với Ngài.
Nếu Luật Lệ nhằm mục đích duy trì trật tự, thì ân sủng từ tình yêu có khả năng đạt đến hiệp thông, hiệp nhất. Vấn đề của chúng ta không hệ tại ở việc huỷ bỏ hay giảm thiểu giá trị của Lề Luật, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để trong bất cứ chọn lựa thi hành một khoản luật, điều lệ, hay quy định nào, cũng như trong bất cứ phán quyết chế tài hay trừng phạt nào chiếu theo Luật đều phải được Giới Luật Mới của Đức Giêsu hướng dẫn, phải được thúc đẩy bởi tình yêu của Đức Giêsu, và phải được bao phủ bởi lòng thương xót của Thánh Giá. Chỉ như thế, chúng ta mới không lạc ra khỏi quỹ đạo của Thiên Chúa là Tình Yêu, và giới luật mới tình yêu của Ngài, là đòi hỏi mà người Kitô hữu phải ngày đêm thiết thân gắn bó và quyết tâm thực hành.
Mời quý độc giả đọc tiếp Phần III