TMĐP- Hơn ai hết, tông đồ Tôma đã hiểu: tin là tín thác vào Đức Giêsu, Thiên Chúa của tình yêu thương xót, và điều ông muốn thấy, muốn đi tìm để củng cố niềm tin của ông ở Thầy mình chính là những chứng tích của một tình yêu cao cả: “Chết cho người mình yêu”, mà Đức Giêsu đã dạy dỗ, căn dặn các ông hôm nào (x. Ga 15,13).
Đoạn Tin Mừng được chọn cho Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa kể lại hai lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ: lần thứ nhất không có ông Tôma, lần thứ hai có đông đủ các tông đồ.
Trong cả hai lần hiện ra, Đức Giêsu phục sinh đều hiện ra với thân xác còn nguyên những lỗ đinh và vết thương sâu hoắm ở cạnh sườn: chứng tích của cuộc tử nạn chịu đóng đinh vào Thánh Giá. Và cả hai lần gặp các môn đệ, Ngài đều “đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26). Riêng lần đầu, Ngài ban Thánh Thần và sai các ông đi. Còn lần thứ hai thì Ngài bảo Tôma hãy nhìn xem và đặt ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn, và “đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin” (x. Ga 20, 27).
Không phải vô ý vô tình mà Đức Giêsu đã hiện ra sau khi sống lại từ cõi chết với thân xác còn nguyên vẹn những vết thương của cuộc tử nạn; Tôma cũng không ngẫu nhiên thách thức anh em: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người; nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Thực vậy, Chúa không vô ý vô tình khi giữ nguyên thương tích của cuộc tử nạn Thánh Giá, mà không mang một thân xác lành lặn, tươi tắn, đẹp đẽ của Đấng Phục Sinh, như mọi người mong đợi; Chúa cũng không vô tình vô ý gọi Tôma đến gần Ngài và cho ông xem thật rõ, kiểm tra thật kỹ càng chứng tích cuộc tử nạn Thánh Giá của Ngài bằng cho ông thọc ngón tay vào các lỗ đinh, và đặt bàn tay vào vết thương bị đâm sâu ở cạnh sườn.
Ngài không vô tình vô ý, bởi đây là chứng tích của một tình yêu cao cả “chết cho người mình yêu” mà Thiên Chúa dành cho con người; bởi đây là bằng chứng của Thánh Giá đẫm máu, trên đó Con Một Thiên Chúa đã tự nguyện dâng hiến thân mình để trở nên Thượng Tế và Của Lễ “làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) như thánh ý Chúa Cha, Đấng đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để cứu thế gian khỏi chết, nhưng được sống muôn đời, nhờ tin vào Con của Người” (Ga 3, 16).
Như thế, tin vào Con của Người, như điều kiện để được cứu rỗi là tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót, Đấng, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7), để ở với con người, yêu thương, đồng hành và chia sẻ trọn vẹn thân phận của con người; tin vào Con của Người là tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh thương xót người tội lỗi vô cùng, vô hạn, vô biên, vượt không gian, thời gian; tin vào Con của Người là tin vào sức mạnh vô song của Thánh Giá, trên đó có Con Một Thiên Chúa là Tình Yêu chịu đóng đinh vì hạnh phúc được yêu thương, và tha thứ của người có tội; tin vào Con của Người là tin vào Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, cho “đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10); tin vào Con của Người là tin vào Đức Giêsu, người cha nhân hậu đã không một lời trách móc đứa con hoang đàng, quậy phá, nhưng thương xót thứ tha, thương xót chữa lành, thương xót phục hồi lại tất cả những gì đã hư mất, vì trong trái tim của người cha nhân hậu là Thiên Chúa ấy lúc nào và ở đâu cũng chỉ mang một ước mơ thương xót, và hạnh phúc được thấy “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24), bởi với ông, sự sống của con là lẽ sống và hạnh phúc của con là niềm vui vô tận.
Một dấu chỉ khác được biểu lộ ở Đức Giêsu phục sinh khi hiện ra với các môn đệ, đó là ơn Bình An Ngài ban cho các ông, bởi ban Bình An cho ai là yêu thương họ, chúc Bình An cho người nào là tỏ lòng cảm thương, tha thứ, giao hoà với nguời ấy, trao nụ hôn Bình An cho ai là tỏ lòng yêu mến, trân quý, biết ơn họ. Vì thế, sẽ không có Bình An nếu không được yêu thương; không có Bình An khi chưa được tha thứ; không tìm được Bình An, khi ganh ghét, hận thù, bạo lực còn tồn đọng trong lòng.
Khi ban Bình An cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn nói với các ông: Ngài yêu các ông vô cùng và đến cùng, như Tin Mừng Gioan đã khẳng định: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Vì thế, Bình An chính là hoa trái của Thánh Giá, là hạnh phúc đến từ lòng thương xót của Đức Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại dành cho tất cả những ai tin Ngài là Đấng Cứu Độ giàu lòng xót thương.
Môn đệ Tôma, tuy bị coi là người cứng lòng, nhưng không ai có thể phủ nhận: ông đã nhận ra đâu là đối tượng của đức tin, đâu là cốt lõi của đức tin, đâu là chứng tích có giá trị bảo đảm đức tin, và đâu là lời chứng giữ cho đức tin không bị lung lay, sụp đổ…
Quả thực, khi thách thức anh em môn đệ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”, Tôma đã tìm thấy đối tượng của đức tin, chìa khoá của niềm tin, lý do hiện hữu và động lực của lòng tin, đó là Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót; là trái tim bao dung, từ bi nhân hậu của Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian; là tình yêu hiến mạng cho trần gian được cứu sống của Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá; là mão gai, roi vọt, đinh sắt, lưỡi đòng đã làm tan nát thân xác Thiên Chúa làm người; là tâm trạng sợ hãi, hốt hoảng, run rẩy trước gian ác, nhẫn tâm, tàn bạo của đồng loại và nỗi đau vô cùng nghiệt ngã, kinh hoàng của người con trước thinh lặng hờ hững, lạnh lùng của Thiên Chúa, Cha mình ở giờ hấp hối.
Tóm lại, hơn ai hết, tông đồ Tôma đã hiểu: tin là tín thác vào Đức Giêsu, Thiên Chúa của tình yêu thương xót, và điều ông muốn thấy, muốn đi tìm để củng cố niềm tin của ông ở Thầy mình chính là những chứng tích của một tình yêu cao cả: “Chết cho người mình yêu”, mà Đức Giêsu đã dạy dỗ, căn dặn các ông hôm nào (x. Ga 15,13).
Phần Đức Giêsu phục sinh, Ngài hiểu ông hơn ai hết, nên vời ông đến gần, cho ông nhìn xem thân xác còn loang lổ thương tích cuộc tử nạn hãi hùng, bảo ông lấy ngón tay thọc vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn, và âu yếm nói với ông: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin” khi ông quỳ sụp dưới chân Ngài và thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (x. Ga 20, 27-29)
Jorathe Nắng Tím
