TMĐP- Điều rất quan trọng chúng ta học được trên hành trình hy vọng vào Lời Hứa của Ápraham, đó là ông phải bước đi với Đức Tin và bằng đôi chân Từ Bỏ.
Thiên Chúa đã gọi Ápram và hứa cho ông trở thành tổ phụ của một dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Dân ấy sẽ đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển, và Ápram đã ra tin vào Thiên Chúa của Lời Hứa để từ đó, ông trở thành người Lữ Hành của Lời Hứa, và đời ông là là một hành trình Hy Vọng.
Ápram đã tin vào Thiên Chúa của Lời Hứa, vì Thiên Chúa ấy đã gọi ông với một Lời Hứa, bằng một Lời Hứa, mà không gọi ông với một thành quả đã có, một phần thưởng đã hiện thực, hay một quyền lợi đang thể hiện trước mắt ông và ông nắm bắt được.
Vì được gọi bằng tiếng của Lời Hứa, nên Ápram chỉ có thể đáp lại bằng tiếng của Niềm Tin: tin vào con người đã hứa, tin vào uy tín của người đã lên tiếng hứa với ông, bởi ngoài con người đã hứa ấy, không ai có thể bảo đảm Lời Hứa là thật và chắc chắn sẽ được thực hiện như lời đã hứa.
Chính vì tin Lời Hứa sẽ được người đã hứa thực hiện; chính vì tin vào quyền năng và uy tín của Đấng đã hứa cho ông làm tổ phụ một dân rất đông, không tài nào đếm xuể, mặc dù ông đã già và vợ ông là người son sẻ, mà từ nay ông biết mình không còn có thể đi trên con đường nào khác, ngoàì con đường mang tên Hy Vọng: hy vọng vào một mình Thiên Chúa, Đấng đã hứa với ông và ông tuyêt đối tin Ngài là Đấng trung tín.
Chúng ta thấy Thiên Chúa đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần Lời Hứa của Ngài với Ápraham, và mỗi lần hứa đều có một sắc thái, cung điệu, mức độ khác nhau, tuy Lời Hứa vẫn là một, không thay đổi:
Lần thứ nhất, Lời Hứa nhấn mạnh đến nhà đất: “Hãy bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi”, và Ápram đã không do dự, chần chờ, nhưng đã đứng dậy và đi đến nơi Thiên Chúa chỉ cho ông.
Lần thứ hai đến với ông, Thiên Chúa vẫn một Lời Hứa ấy, nhưng lần này Ngài đòi ông một dấu chỉ thuộc về Ngài khi nói với ông: “Mọi đàn ông, con trai của các ngươisẽ phải chịu cắt bì. … Đó là dấu hiệu giao ước giữa ta với các ngươi” (St 17,10-12). Như lần trước, Ápraham đã mau mắn thực hiện đòi hỏi cắt bì của Thiên Chúa.
Lần thứ ba, cũng Lời Hứa ấy, nhưng lần này Thiên Chúa bảo ông: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy…” (St 22,1-2). Như hai lần trước, ông tuyệt đối vâng lời và cùng con lên núi, ở đó chính ông sẽ tra tay giết con trai duy nhất vô cùng yêu dấu của mình, đứa con duy nhất nối dõi tông đường, đứa con của Lời Hứa như yêu cầu của chính Đấng đã ban cho ông Ixaác và hứa cho ông trở thành cha của một dân tộc đông như sao trời, nhiều như cát biển.
Như thế, để đáp lại tiếng gọi là Lời Hứa, Ápraham đã tuyệt đối tin vào Đấng đã hứa với ông. Chỉ tin vào Đấng ban Lời Hứa, Ápraham đã không còn đặt hy vọng vào bất cứ ai, hay màng đến bất cứ sự gì, kể cả Lời Hứa. Bằng chứng là khi Thiên Chúa đòi ông sát tế Ixaác là nhân vật chính và duy nhất sẽ thực hiện Lời Hứa của Thiên Chúa, ông vẫn không nghi ngờ Đấng đã hứa với ông, không tỏ thái độ tức giận, bất mãn với Đấng đã hứa mà nay lại nuốt lời, không quay xe, chối bỏ Đấng đã là tác giả của Lời Hứa và nay là tác nhân hủy bỏ Lời Hứa. Trái lại ông vẫn một lòng tin tưởng tuyệt đối và vâng phục thực hiện điều Thiên Chúa muốn, mặc dù xem ra Thiên Chúa đang tự mâu thuẫn với chính mình, khi hủy bỏ Lời đã hứa một cách tàn nhẫn, phũ phàng.
Đó là lý do Ápraham được mệnh danh là “Cha của những kẻ tin”, vì ông đã sống một đời hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa bằng niềm tin tuyệt đối vào chính Thiên Chúa. Ông không quên Lời Thiên Chúa hứa cho ông trở thành tổ phụ, nhưng không vì thế, ông đặt Lời Hứa trên Thiên Chúa, trái lại, ông luôn đặt Thiên Chúa vượt hẳn trên Lời Hứa, ngàn vạn lần quan trọng hơn Lời Hứa, vì Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi ông, là Đấng ông tuyệt đối tin tưởng và quyết tâm đi theo, bởi với ông Ngài là Thiên Chúa trung tín và giàu lòng thương xót đã đích thân kêu gọi ông đi theo Ngài.
Ở đây, chúng ta nhận thấy: Ápraham đã sống niềm hy vọng vào Lời Hứa bằng niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa của lòng thương xót, điều mà ông không ngừng căn dặn con cháu để đến muôn đời, Israel luôn nhớ và cảm tạ như Đức Maria đã tán dương Thiên Chúa trong kinh Magnificat: “Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những người kính sợ Chúa” (Lc 1,51), và luôn nhớ lại lòng thương xót của Người trên Ápraham và con cháu ông đến muôn đời” (Lc 1,55).
Nhưng có một điều rất quan trọng chúng ta học được trên hành trình hy vọng vào Lời Hứa của Ápraham, đó là ông phải bước đi với Đức Tin và bằng đôi chân Từ Bỏ, bởi mỗi lần hứa với ông, Thiên Chúa lại gia tăng mức độ đòi hỏi ông phải bước xa hơn trong Từ Bỏ, đi nhanh hơn với Từ Bỏ, nghĩa là càng ngày càng phải từ bỏ cấp bách, trọn vẹn, quyết liệt, triệt để hơn.
Thực vậy, lần thứ nhất ban Lời Hứa, Thiên Chúa đòi ông bỏ quê cha đất tổ, tức bỏ của cải vật chất ở ngoài ông; lần thứ hai ban Lời Hứa, Ngài đòi ông từ bỏ nhiều hơn, khó khăn hơn khi đòi ông phải cắt bì cho các con trai, cháu trai của ông. Từ bỏ lần này sâu sát hơn, đụng chạm đến ông nhiều hơn, vì làm xót xa, se thắt tim gan ông hơn; đến lần thứ ba ban Lời Hứa, thì thật kinh khủng, sợ hãi, khi Thiên Chúa đòi ông phải từ bỏ chính bản thân, danh phận, hiện tại, tương lai của ông, nhưng đau đớn nhất là phải từ bỏ cả niềm hy vọng vào Lời Hứa được trở thành tổ phụ mà bấy lâu ông hằng mơ ước, ấp ủ, vì tin vào lòng thương xót, trung tín của Thiên Chúa.
Tuy thế, có một dấu chỉ quan trọng đã nâng đỡ đức tin và bảo đảm cho đôi chân từ bỏ của ông không chênh vênh, chao đảo, nhưng luôn kiên cường, vững chắc, đó là Thiên Chúa đã coi ông như bạn nghĩa thiết khi tỏ cho ông biết ý định trừng phạt Xôđôm truỵ lạc và lắng nghe ông can thiệp cho thành ấy (x. St 18,16-33). Bên cạnh dấu chỉ ấy là “cây hạnh phúc, mối phúc lành” Thiên Chúa trồng và đặt nơi ông, để ông trở nên ơn phúc cho mọi người, hạnh phúc cho các dân tộc như lời Chúa nói với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,14), và chính ông đã luôn cảm nghiệm ơn phúc Chúa ban cho ông, cũng như ơn phúc của Chúa ông chia sẻ với mọi người trên suốt hành trình tin vào Thiên Chúa của Lời Hứa, như người Lữ Hành của Hy Vọng.
Jorathe Nắng Tím
