Mùa Thường Niên

BIẾT LẮNG NGHE ĐỂ KHÔN NGOAN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm A

TMĐP- Sự khôn ngoan của Thiên Chúa luôn cần thiết cho tất cả chúng ta, vì thiếu khôn ngoan, chúng ta không thể phân định những gì của thế gian, và những gì thuộc về Thiên Chúa.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy không ít lần Đức Giêsu đã tỏ ra bất bình, kể cả quở trách các kinh sư, là những chuyên viên giải thích, giảng dạy Lề Luật của Môsê, những pháo đài kiên cố bảo vệ Truyền Thống của dân Chúa, như có lần Ngài đã nặng lời: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào …Các ngươi nuốt hết tài sản của bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ… Các ngươi là quân dẫn đường  mù quáng…Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”  (Mt 23,13.14.24.27).

Nhưng tại sao Đức Giêsu chống lại các kinh sư và căng thẳng với họ như vậy?

Ngài chống lại các kinh sư, vì các ông khép kín cửa lòng, đóng chặt trái tim trước con người, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, dốt nát, yếu đuối, tội lỗi.

Tương quan giữa Ngài và các kinh sư thường xuyên căng thẳng, vì các ông quá vị luật, qúa cơ chế, trọng hình thức đến độ biến con người thành nô lệ tội nghiệp, và nạn nhân đáng thương của Lề Luật, Cơ Chế. Ngài cảnh cáo các kinh sư, vì các ông kiêu căng, trịch thượng, cửa quyền, hợm hĩnh trái ngược với giáo huấn hiền lành, khiêm nhường và yêu thương, phục vụ Ngài dạy.

Nhưng hôm nay, sau khi dùng một loạt dụ ngôn, đặc biệt dụ ngôn kho báu  và ngọc quý, cũng như dụ ngôn chiếc lưới, Đức Giêsu bất ngờ kết luận với cung giọng khen ngợi kinh sư khi nói: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Những điều ấy chính là ý nghĩa của các dụ ngôn Ngài vừa trình bày. “Họ đáp: “Thưa hiểu”. Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,51-52).

Nói điều này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: để đẹp lòng Thiên Chúa, vị kinh sư trước hết phải là người có trái tim biết chăm chú lắng nghe, một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn để phân biệt phải trái, như vua Salômôn đã không xin Thiên Chúa của cải, giàu sang, được sống lâu hay cho kẻ thù phải chết, nhưng đã chỉ “xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và biết phân biệt phải trái” (1 V 3,9), và với tâm hồn biết lắng nghe, tôi tớ Chúa sẽ”  tuân theo thánh ý Ngài hơn là được tiền rừng bạc bể, sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền, đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa và vui sướng với thánh chỉ Ngài” (Tv 118, 14-16).

Như thế biết lắng nghe là điều kiện thứ nhất và quan trọng nhất phải được đáp ứng để nhận được ơn khôn ngoan. Lắng nghe đây là lắng nghe Thiên Chúa, và lắng nghe dân Chúa. Lắng nghe Thiên Chúa để biết đường lối Chúa muốn dẫn dân Ngài đi; lắng nghe dân Chúa để yêu thương dẫn dắt trên đường ngay nẻo chính.

Không lắng nghe Thiên Chúa, người lãnh đạo sẽ không biết phân định đúng sai, tốt xấu, phải trái, nên sẽ không biết chọn lựa, hoặc có chọn thì  chọn sai nhiều hơn đúng, mà Nước Trời đòi phải chọn  đúng, và chắc, nếu không sẽ mất cả chì lẫn chài, như chuyện người kia gặp được kho báu chôn giấu trong ruộng. “Ông đã bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44); hay như thương gia kia tìm được  viên ngọc quý, “đã bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,46), và  như những ngư phủ khi lưới đầy cá “ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48).

Không lắng nghe Thiên Chúa, người hướng đạo có nhiệm vụ dẫn dân Chúa về Nước Trời chắc chắn sẽ lầm đường lạc lối, vì không có ánh sáng của Tin Mừng. Họ chẳng khác gì người mù lại dắt người mù. “Lẽ nào cả hai lại không cùng sa xuống hố?” (Lc 6,39).

Lắng nghe Thiên Chúa ắt sẽ biết lắng nghe dân Ngài, như Môsê chăm chú lắng nghe Thiên Chúa Giavê, nhưng đồng thời không sao lãng bổn phận lắng nghe dân Chúa. Có lắng nghe dân, người lãnh đạo mới biết tâm tư, khát vọng, hoàn cảnh thực, và nhu cầu chính đáng của dân để có thể yêu thương, hướng dẫn và phục vụ  cách hữu hiệu, xứng đáng, như lòng Chúa mong ước.

Qua những đòi hỏi mà vị kinh sư của Nước Trời  phải có, chúng ta thấy Đức Giêsu chính là vị kinh sư lý tưởng, gương mẫu. Ngài là một vị kinh sư đầy  khôn ngoan đến nỗi mọi người trong hội đường ở Nadarét “đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 22), và trầm trồ bảo nhau: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2).

Sở dĩ Ngài giảng dạy như Đấng có quyền và đầy khôn ngoan, vì Ngài lắng nghe Chúa Cha để không một tư tưởng, lời nói, việc làm nào của Ngài đi ngược thánh ý Cha Ngài, nhưng từng giây phút đời Ngài là đón nhận và thực thi ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời Ngài  lắng nghe không chỉ  tiếng của đoàn chiên, mà tiếng của từng con chiên. Vì thế, chiên nghe tiếng Ngài, bởi “Ngài gọi tên từng con, rồi dẫn chúng đi”. “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng  người lạ” (Ga 10, 3. 5).

Tóm lại, sự khôn ngoan của Thiên Chúa luôn cần thiết không chỉ ở người lãnh đạo dân Chúa, mà cần cho tất cả chúng ta, những người đang trên đường đi theo Đức Giêsu, vì thiếu khôn ngoan, chúng ta không thể phân định những gì của thế gian, và những gì thuộc về Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã không nói sự khôn ngoan của thế gian là sai, nhưng là điên rồ khi viết: “Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” (1 Cr 1,19,20).

Nhưng tại sao sự khôn ngoan của thế gian dưới mắt Thiên Chúa là “khôn ngoan điên rồ”? Thưa, bởi “thế gian đã không biết dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người” (1 Cr 1, 20), nơi đó chính là Thánh Giá có “Đức Kitô chịu đóng đinh” (Cr 1,23), “Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa”, Đấng đã làm cho chúng ta trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc chúng ta  (x. 1 Cr 1, 30), bên cạnh Thánh Giá có Đức Giêsu chịu đóng đinh là “những anh em bé nhỏ nhất của Ngài” (Mt 25, 40). Họ là những người anh em, chị em bé mọn, nghèo hèn, đói khát, trần truồng, tù đầy, bị tảy chay, loại bỏ (x. Mt 25,31-46), và những thân phận đang “vất vả mang gánh nặng nề” được Chúa Cha yêu thương, cho nghỉ ngơi bồi dưỡng và mặc khải những điều bí nhiệm mà bậc khôn ngoan thông thái không được biết, vì “đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 26), như Đức Giêsu đã  khẳng định (x. Mt 11,25-28).

Jorathe Nắng Tím            

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version