Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

CÁI CHẾT THỜI COVID | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 04

TMĐP- Cái chết thời Covid: buồn cho người ra đi, đau cho người ở lại. Nhưng chắc một điều: yêu thương của người chết không bao giờ rời xa, nhưng đồng hành và dõi bước phù hộ người sống.

Chưa thời nào toàn thế giới cùng lúc chịu chung một thảm họa đại dịch; chưa bao giờ địa cầu cùng lúc chấn động và chao đảo vì một con virút giết người; và chưa hề thấy một cảnh tượng tàn phá kinh hoàng, không chỉ nhân mạng mà toàn bộ sinh hoat của cuộc sống con người như cảnh tượng “chống dịch Covid như chống giặc” hiện nay ở Việt Nam.

Vì dịch bùng nổ  vào cùng một thời điểm trên các quốc gia, nên tất cả đều rơi vào tình trạng báo nguy, báo động; vì dịch đồng loạt dữ dội tấn công mọi lãnh thổ, nên các nước không còn khả năng cứu giúp, tiếp trợ  lẫn nhau cách  hữu hiệu; vì dịch bất ngờ phát sinh, lại đột biến khôn lường, với cường độ hung hãn, nên không  nơi nào được coi là an toàn, không  chỗ  nào được coi là vùng cấm địa đối với đại dich, và  không  mảnh đất nào được coi là đất hứa bảo đảm cho con người khỏi nguy hiểm của Covid.

Covid thực là đại họa của thế giới hôm nay mà từ hai năm nay đã lấy đi không biết bao nhiêu nhân mạng, bao nhiêu tiền của, bao nhiêu công trình, nhất là vẫn tiếp tục là mối đe dọa khủng khiếp của nhân loại, và không ngừng làm tan vỡ bao niềm hy vọng.

Một trong những tai họa mà đại dịch Covid đã và đang trút đổ trên thế giới, đó là cái chết.

Theo thống kê  của CSSE (Center for Systems Science and Engineering) thuộc đại học Johns Hopkins ngày 30.08.2021: tính từ cuối tháng 12.2019 khi đại dịch bùng nổ tại Trung Quốc đến ngày 30.08.2021, trên thế giới đã có 4.500.000  người chết vì Covid, nhưng con số này vẫn được coi là chưa chính xác, vì con số thực  chắc chắn còn cao hơn. Riêng Hiệp Chủng Quốc Mỹ có 637.000, hay Ấn Độ 438.000 ca tử vong .

Ở Việt Nam, tuy đại dịch đến muộn, nhưng mới chỉ mấy tháng, con số tử vong  được Bộ Y Tế chính thức công bố: tính đến ngày 30. 08.2021 đã lên đến 11.064 người. Tất nhiên số liệu không hoàn toàn chính xác vì nhiều lý do và thiếu nhiều điều kiện, cũng như phương tiện cần thiết để kiểm chứng.

Quả thực, cái chết thời Covid không như những cái chết bình thường, và không giống  những cái chết ở những thời buổi, thời thế khác, dù là thời chiến tranh khốc liệt, hay thời  cấm vận túng bấn, khó khăn,.

Cái chết thời Covid là cái chết rất nhanh vì bất ngờ. Bất ngờ như nhiều người phổi đã trắng bệch vì Covid hủy hoại, mà vẫn không biết mình đã bị lây nhiễm, như trường hợp người mẹ đã ra đi nhanh đến nỗi con trai chưa kịp mua thuốc, bởi cả nhà chỉ nghĩ là bệnh nhẹ, khi nghe bà húng hắng ho.

Nhanh vì bước chân âm thầm, nhẹ nhõm của Covid, như kẻ rình rập tìm cướp đi sự sống của con người thường  đột nhập thân thể một cách rất bất ngờ mà người ta rất khó nhận ra sự có mặt “sát nhân” của nó, nhờ khả năng tinh vi không để lai dấu vết, không biểu hiện triệu chứng lây nhiễm.  Chết thời Covid còn nhanh vì sức công phá cực kỳ thần tốc của Covid khi đã chiếm đóng, xâm nhập cơ thể con người, nên có nhiều người chỉ sống được hai ngày, sau khi đã bị nhiễm.

Cái chết thời Covid là cái chết rất dễ. Dễ như hơi thở vốn đã nhỏ bé, nhẹ nhàng lại thanh thản  bỏ đi không  vương vấn, ràng buộc. Người ta chết dễ vì không gì “dễ chết”, dễ làm con người chết hơn Covid: chỉ thoáng chóng mặt nhức đầu, ói mửa, tiêu chảy là ra đi; vừa chợt tức ngực, khó thở là hôn mê, hấp hối.  Chết dễ đến nỗi các bác sĩ điều trị trong các bệnh viện đều  phải ngẩn  ngơ, hoảng sợ như chia sẻ  sau đây của bác sĩ Nguyễn Thọ Hoàn trong thư gửi bà con, hàng xóm ở quê  được viết từ tuyến đầu Sàigòn: “Chưa từng có một đại dịch nào kinh khủng như Covid 19 bây giờ. Mặc dù với y học hiện đại, máy móc tối tân, sự giầu có của Sàigòn, nhưng tất cả chỉ đứng nhìn bệnh nhân chết, chết cực nhanh, chết cực nhiều, chết cực dễ. Máy thở là vô nghĩa vì 100 ca nặng thì chỉ kịp vào máy được 10 ca, mà 10 ca vào máy này, thì mười phần chết chín, may mắn lắm mới có  một ca được sống thoi thóp”.

Cái chết thời Covid là cái chết rất nhiều. Nhiều vì chết đồng loạt, chết hằng hà sa số, chết la liệt, và từ hai năm nay, người ta đã quen thuộc với những  cảnh hố chôn tập thể ở New York, đốt xác tập thể ở Ấn Độ, và từng dẫy quan tài dài hun hút chờ đến lượt được thiêu trước các lò thiêu ở Sàigòn.

Cái chết thời Covid là cái chết rất khổ. Khổ vì  phải chết một mình, bị triệt để cách lý do độ lây nhiễm khủng hoảng của virút, nên không người thân bên cạnh, không ủi an nâng đỡ, không con cháu kề bên để  trối trăn; khổ vì không được tẩm liệm xứng đáng,  không tổ chức tang lễ, không được  mai táng nơi mộ phần đã chọn, không phúng điếu cầu kinh, không nước mắt ngậm ngùi  đưa tiễn… Chưa kể  nỗi khổ của những người nghèo,  chết không quan tài, không phòng lạnh  bảo quản, may mắn lắm là  được kín đáo “yên nghỉ” trong  áo quan bằng giấy, hay quấn chặt trong bao nhựa “nặng mùi” vì nhiều ngày phơi nắng chờ thiêu. Và người chết thời Covid rất khổ, không chỉ khổ  vì những nỗi khổ vừa kể, mà còn khổ vì bi đồng hoá với chính “nguồn dịch, ổ dịch, virút  phát sinh dịch”.

Cái chết thời Covid là cái chết rất gần. Gần vì càng ngày người ta càng thấy cái chết gần hơn, khi Covid lấy đi nhiều  sinh mạng của người thân trong gia đình, gia tộc  và tin buồn báo tử, “ai tín” ngày càng mang  nhiều  tên  những   bạn hữu, đồng nghiệp, láng diềng, lối xóm

Cái chết thời Covid còn rất gần, vì ngày xưa, ngay cả giữa thời chiến, người  chết  không qúa  gần người sống, vì xác người được kín đáo chuyên chở,  tẩm liệm,  thi thể được cẩn thận bảo quản và người qúa cố được trang nghiêm an táng, nên không gây hoảng lọan, hoang mang như thời Covid, khi người  sống bước ra ngoài  là thấy xác người chết co quắp trên viả hè, vào bệnh viện là thấy thi thể người chết vất  vưởng  ở hành làng, đi ngang Bình Hưng Hoà là cay mắt trước vô số quan tài   xếp hàng  chực chờ đến lượt  biến thành tro bụi.

Cái chết thời Covid không chỉ là cái chết rất nhanh, rất dễ, rất nhiều, rất khổ, rất gần, mà còn là cái chết gây đau thương khôn lường, xót xa khôn tả, tiếc nuối khôn nguôi cho người còn sống, mà không gì có thể xoa dịu,  làm nguôi ngoai. Hỏi nguôi ngoai thế nào được nỗi đau của những đứa con vì lệnh giãn cách, giới  nghiêm, phong toả đã không thể có mặt giờ hấp hối cô đơn, cô độc của cha?  Hỏi làm sao có thể xoa dịu nỗi khổ của đàn con “công thành danh toại”, hiếu thảo, thuận hoà đã hoàn toàn bất lực trước cái chết  tức tưởi, vội vã, bất ngờ vì Covid của mẹ? Hỏi lấy gì để có thể lấp đầy cõi lòng hiu quạnh, trống vắng từ đây của đứa con xa quê đã không được về để chịu tang cha mẹ đột ngột ra đi  những ngày giãn cách  xã hội căng thẳng? Hỏi cách nào chữa lành vết thương lòng ngày càng sâu hoắm của nguời ở lại vì đã không lo được hậu sự cho người thân qúa cố, không đốt được nén nhang trước quan tài lạnh lẽo, không chít được vành tang ân nghiã tiếc thương?

Cái chết thời Covid thật đau buồn: buồn cho người ra đi, đau cho người ở lại. Nhưng chắc một điều: yêu thương của người chết không bao giờ rời xa, nhưng đồng hành và dõi bước phù hộ người sống, cũng như tiếc thương trong tim người sống sẽ hồi sinh hạnh phúc của người đã ra đi, bởi người sống và người chết sẽ mãi hiệp thông sâu sa, sẽ luôn tương quan mật thiết, và tiếp tục chia sẻ cho nhau kinh nghiệm của sống  và chết, như người ở lại hôm nay, sau  cơn càn quét của tử thần thời Covid sẽ ý thức: không thể trễ nải, ươn lười  nhưng phải nhanh nhẹn phấn đấu trong cuộc sống khi nhìn thấy cái chết đã đến nhanh với người đã ra đi; không thể sống  ki bo, ích kỷ, nhưng phải quảng đại, phục vụ vì đã thấy qũy sống không nhiều ở nhiều người đã chết; không  thể khó ăn khó ở với mọi người, nhưng phải  “dễ sống” với người thân, “dễ gần” với người xa lạ, vì những người đã chết đã tiết lộ một bí mật quan trọng của đời người, đó là  cái chết rất dễ, rất gần.

Ước gì cảnh bi thương của  người chết vì Covid hôm nay sẽ mở ra cho chúng ta, những người còn được sống con đường mới cho ngày mai.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...