TMĐP- Đời mục tử mới thực sự trở thành Tấm Bánh được bẻ ra nuôi đoàn chiên, và con người Mục Tử mới đích thực là của lễ được hiệp dâng với Của Lễ của Đức Giêsu khi Mục Tử đọc lời truyền phép: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con “(Kinh Tạ Ơn trong Thánh Lễ).
Không lúc nào câu chuyện mục tử và đoàn chiên được bàn tán xôn xao hơn lúc này, khi những mâu thuẫn giữa mục tử và đoàn chiên ngày càng nhiều và tràn ngập các trang mạng xã hội, đến nỗi nhiều người chán ngán, không còn muốn truy cập, tìm hiểu thật hư…
Nhiều người ngao ngán không muốn truy cập, tìm hiểu thật hư, vì câu chuyện tương quan giữa mục tử và đoàn chiên không như các câu chuyện đời thường, và bình thường khác nên rất khó phân tích, nhận định; vì câu chuyện cha con giữa giám mục với linh mục, giữa linh mục với giáo dân không thuần túy là câu chuyện đời, nhưng pha trộn giữa đời và đạo, tự nhiên và siêu nhiên, con người và thần thánh, xã hội và giáo hội, hữu hình và vô hình … nên không biết đâu mà mò, không biết làm sao để gỡ. Kết cục là chẳng biết thật hư ở đâu, bên kia hay bên này, tại cha hay tại con, lỗi ở các Đấng Bậc hay do tội của con chiên mà phân định.
Đó cũng là lý do rất ít mâu thuẫn giữa mục tử và đoàn chiên đã được giải quyết ổn thoả, hài hoà, tốt đẹp, nghĩa là vừa đẹp lòng cha, vừa vui lòng con, nhưng hầu hết hoặc cho chìm xuồng, đi vào quên lãng, hoặc phó mặc cho bàn tay tẩy xoá, cào mòn của thời gian … cho đến khi khong còn ai muốn nói đến.
Ở đây, chúng ta không bàn về câu chuyện sống chết của đoàn chiên và mục tử từ góc nhìn nhân loại, và dưới lăng kính xã hội, nhưng trong tâm tình của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, với đôi mắt Đức Tin, và nhãn giới Mục Vụ.
Đoạn Tin Mừng được chọn để chia sẻ về chuyện sống chết của đoàn chiên và mục tử là Tin Mừng Gioan, chương 10, từ câu 1 đến 18 (Ga 10,1-18).
Trong đoạn Tin Mừng về Mục Tử nhân lành này, Đức Giêsu đã mô tả vị Mục Tử như lòng Chúa mong ước. Vị Mục Tử lý tưởng ấy phải làm nhiều công việc, thực hiện nhiều công tác cùng một lúc, mà việc nào cũng khó, công tác nào cũng vất vả. Khó từ việc canh cửa chuồng chiên để kẻ trộm, quân cướp không trèo rào, phá cửa xông vào bắt cóc chiên đến việc canh chừng đám sói rừng hung dữ đêm ngày rình rập vồ chiên rồi ăn thịt. Cả sói và trộm cướp đều ma mãnh, ác độc như nhau. Chúng tìm mọi sơ hở và triệt để khai thác điểm yếu của mục tử để vồ chiên, bắt chiên, thịt chiên lúc chiên được dắt ra đồng cỏ, cũng như khi chiên được dẫn trở vào chuồng.
Ngoài sói dữ và trộm cướp, mục tử còn phải đối phó với một thế lực thù địch khác ngàn lần nguy hiểm hơn sói rừng và kẻ trộm quân cướp, vì kẻ thù này vô cùng lợi hại nhưng lại giấu mặt ẩn danh. Đó là những kẻ chăn thuê.
Vô cùng lợi hại vì kẻ chăn thuê cũng được gọi là mục tử, cũng có mũ chủ chăn, cũng có gậy chăn dắt, cũng xúng xính y phục, leng keng đồ nghề chăm sóc đoàn chiên.
Khó có ai nhận ra đám này là kẻ chăn thuê, mục tử chăn dắt vì tiền; cũng không mấy người dám vạch mặt, chỉ tên đám mục tử chăn dắt vì tư lợi, để vinh thân phì gia này, bởi chúng cũng có tên, có chỗ, có địa sở, có quyền bính, có bài sai, có chứng minh thư hẳn hoi, và chững chạc, oai phong trong hàng ngũ mục tử như các mục tử chính danh, đích thực khác.
Đám chăn thuê khác chủ chăn đích thực ở chỗ “không biết gì về chiên và không thiết gì đến chiên” (x. Ga 10,13-14), nhưng giống sói rừng và bọn trộm cướp ở chỗ “ăn trộm, giết hại và phá huỷ” (Ga 10,9), vì chúng chỉ đến để vơ vét, thu gom, lừa đảo, chiếm đọat; chỉ đến để ma mị, đe dọa, lợi dụng, trấn lột chiên cho túi tiền và sự nghiệp của mình.
Đám chăn thuê ấy cũng khác chủ chăn chân chính ở chỗ giả hình, vô liêm sỉ và hèn nhát. Vô liêm sỉ khi ‘thượng đội hạ đạp”, hèn nhát khi bỏ chiên lủi sớm, chuồn êm, chạy mất dép khi có biến, lúc đoàn chiên phải đối đầu với bão táp phong ba, và luôn giả hình, đeo mặt nạ để không ai phát hiện mình là kẻ chăn thuê thô bỉ.
Đối phó, ngăn chặn, canh chừng để bảo vệ đoàn chiên chưa đủ, Mục Tử như lòng Chúa mong ước còn phải đi tìm những con chiên lạc đàn và đưa chúng về, mà không được bỏ rơi, xua đuổi một con nào, dù chúng ngỗ nghịch, lơ đãng, ham chơi.
Nhưng có lẽ bổn phận nặng nề nhất ở Mục Tử nhân lành là phải biết từng con chiên , gọi tên từng con chiên, nhận biết tiếng từng con chiên (x. Ga 10,3-4), và yêu thương chúng hết lòng hết dạ, yêu đến “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Thực vậy, khi vẽ chân dung Mục Tử nhân lành, Đức Giêsu đã đặt trọng tâm vào tình yêu cao cả mà người chăn chiên phải có, đó là “chết cho đoàn chiên”, tình yêu cao cả mà chính Ngài đã định nghĩa: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nói cách khác, cái hồn được thổi vào bức chân dung Mục Tử nhân lành chính là tình yêu chết cho đoàn chiên của Mục Tử ấy.
Vì thế, Đức Giêsu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần những cụm từ có nội dung chết cho đoàn chiên như : “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên ” (Ga 10,11), “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15), “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi hy sinh mạng sống ấy” (Ga 10,17-18).
Điều đó cho chúng ta thấy muốn là Mục Tử nhân lành, thì phải sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho đoàn chiên, nên những mục tử ích kỷ, thủ thân, chỉ biết chăm lo “Cái Tôi vĩ đại” vì kiêu căng, tham lam, thụ hưởng, lười biếng, sợ khó sợ khổ , sợ thương tích, và sợ chết thì không bao giờ có thể là Mục Tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, mà chỉ có thể là kẻ chăn thuê, mục tử trá hình dưới mắt Thiên Chúa, mặc dù dưới mắt người đời, họ có đủ danh tính, danh phận mục tử.
Quả thực, không sẵn sàng chết cho đoàn chiên thì đoàn chiên không thể “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), như Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã khẳng định: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, vì “tôi chính là Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,10-11). Do đó, nếu mục tử ham sống giàu sang, hưởng thụ thì đoàn chiên sẽ nghèo xác xơ vì vất vả phục dịch; nếu mục tử ham sống như kẻ thống trị uy quyền, hà khắc, cửa quyền, thì đoàn chiên sẽ trở thành đám nô lệ khốn cùng, mạt kiếp, vì bị đàn áp, hành hạ, không ngóc cổ nổi; nếu mục tử chỉ lo bảo vệ sự sống của mình, ngày đêm bon chen, tranh giành quyền sống của riêng mình, và tìm mọi cách giữ mạng sống mình tuyệt đối an toàn, thì đoàn chiên sẽ đói khát mà chết , vì không được ai dẫn ra đồng cỏ xanh tươi, đến dòng nước trong lành để ăn uống, nghỉ ngơi như những ngày được chăn dắt bởi Mục Tử nhân lành (x. Tv 22).
Tóm lại, chúng ta có thể qủa quyết: Mục tử nào dám quên đi ” Cái Tôi” của mình, thì đoàn chiên được sống, và mục tử nào sẵn sàng thí luôn mạng sống của “Cái Tôi”, thì đoàn chiên được sống dồi dào. Trái lại, mục tử càng ham sống, đoàn chiên càng sớm đột tử ; mục tử càng chăm lo, vun xới đời sống xa hoa, phung phí của mình, đoàn chiên càng khô héo, tiều tuỵ, tong teo.
Sở dĩ không là thí mạng người, mà là thí “Cái Tôi”, vì “Cái Tôi” mới chính là cái làm cho mục tử không còn nghĩ đến đoàn chiên, không còn thiết tha gắn bó với đoàn chiên; “Cái Tôi” mới là nguyên nhân gây ra đủ chuyện trớ trêu, tồi tệ trong tương quan mục tử – đoàn chiên và cái chết vì đoàn chiên của mục tử phải được hiểu là chết với Đức Giêsu, là đóng đinh “Cái Tôi kiêu căng, ích kỷ” vào Thánh Giá Đức Kitô.
Và như thế, đời mục tử mới thực sự trở thành Tấm Bánh được bẻ ra nuôi đoàn chiên, và con người Mục Tử mới đích thực là của lễ được hiệp dâng với Của Lễ của Đức Giêsu khi Mục Tử đọc lời truyền phép : “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con “(Kinh Tạ Ơn trong Thánh Lễ).
Jorathe Nắng Tím