TMĐP- Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã muốn những người Ngài chọn làm mục tử phải có lòng yêu thương, có trái tim của Mục Tử nhân lành. Chỉ khi yêu thương chiên vô cùng và đến cùng, chiên mới nghe được tiếng của mục tử, và chiên mới đi theo sau, vì chúng nhận ra tiếng của người yêu thương chăn dắt chúng (x. Ga 10,3-4).
Hai dung mạo của Đức Giêsu được chọn cho chúa nhật thứ tư và thứ năm mùa phục sinh từ Tin Mừng Gioan là Mục Tử nhân lành và Vườn Nho. Cả hai đều là những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa cổ của vùng đất mà ở đó Kinh Thánh đã được hình thành.
Dung mạo Mục Tử nhân lành nổi bật ở trái tim yêu thương đoàn chiên của Mục Tử, và tình yêu vô bờ bến này luôn thúc bách Mục Tử “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Đây là tình yêu cao cả nhất, vì không có tình yêu nào lớn lao, vĩ đại hơn tình yêu sẵn sàng chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13), như chính Đức Giêsu đã khẳng định.
Chính vì yêu thương vô cùng và đến cùng đoàn chiên, mà Mục Tử biết tên từng con chiên (x. Ga 10,3). Trong Kinh Thánh, biết tên ai, gọi người nào bằng tên của họ là yêu thương người ấy rất nhiều. Đây là cái biết của tình yêu, cái biết của trái tim, cái biết của “nhận ra mùi của nhau, tiếng của nhau, hơi thở của nhau, thao thức, khắc khoải, nhu cầu, và ý muốn của nhau” chứ không là cái biết hời hợt, cái biết xã giao, qua đường, cái biết “ đắc nhân tâm”, thủ lợi, gây ảnh hưởng, tạo phe cánh thường găp ở những người làm lớn, những con buôn, những doanh nhân, đại gia, chính khách …
Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành đúng nghĩa và đích thực, khi tự so sánh mình với người chăn thuê vàkẻ trộm: “người chăn thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán lọan, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không biết gì đến chiên” (Ga 10, 12-13); kẻ trộm thì “chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Không còn so sánh nào minh bạch, rõ ràng và chính xác hơn, khi Đức Giêsu kết luận: Ngài là Mục Tử nhân lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, đang khi người chăn thuê và kẻ trộm có mặt giữa đoàn chiên để thịt chiên, và đưa chiên đến “tan đàn xẻ nghé” và tang tương chết chóc.
Nhưng Đức Giêsu đã đem đến sự sống, và sự sống dồi dào cho đoàn chiên của Ngài bằng cách nào?
Thưa, bằng tình yêu vô cùng và đến cùng: vô cùng khi hiến dâng chính mạng sống mình cho đoàn chiên; đến cùng khi yêu đến hơi thở cuối cùng, và ở lại với chiên mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
Đường lối chăn dắt đoàn chiên bằng tình yêu vô cùng và đến cùng của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã được chính Ngài trình bày công khai trước các Tông Đồ, khi chính thức trao phó đoàn chiên của Ngài cho Phêrô, đại diện Nhóm Tông Đồ bên bờ hồ Tibêria sau khi sống lại. Trong buổi trao quyền chăn dắt đoàn chiên tuy đơn sơ, nhưng trang nghiêm và ấm cúng tình nghĩa ấy, Đức Giêsu đã long trọng hỏi Phêrô ba lần liền: “Con có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15.16.17), và sau mỗi lần hỏi, Phêrô đều trả lời Ngài: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Đức Giêsu đã cố ý cho Phêrô, cũng như các tông đồ biết: Ngài không cần các ông giỏi giang, nhiều bằng cấp, học vị cao, có tài ăn nói, thuyết giảng, vượt trội hơn người trong kinh doanh, quản trị, nhưng muốn các ông có trái tim yêu thương để yêu thương đoàn chiên đến cùng; Ngài không cần các ông nôp cho Ngài lý lịch trích ngang sạch như tuyết, đẹp như mơ, qúy hiếm như kim cương, hột soàn, bằng chứng là Ngài vẫn cứ chọn Phêrô, người đã công khai chối “không biết Ngài là ai” trước mặt mấy cô hầu trong dinh thượng tế Caipha, đang khi Ngài chịu tra khảo, đánh đòn, làm đại diện của Ngài chăn dắt đoàn chiên, mà đòi các ông một trái tim biết thương cảm đoàn chiên bé nhỏ, khờ dại, non nớt của Ngài; Ngài không cần gia thế sáng chói của các ông, ảnh hưởng thế lực của dòng họ nội ngoại các ông, bằng chứng là hầu hết các ông đều xuất phát từ thành phần ngư phủ nghèo, mà chỉ muốn các ông chứng minh cho Ngài tình yêu các ông sẽ dành trọn vẹn cho đoàn chiên nhiều sai sót, yếu đuối cần được bao dung, thương xót của Ngài; Ngài cũng không quan tâm đến những công trạng các ông làm được, như thành tích để khoe khoang, phô trương, qủang cáo trong mùa bầu cử, dịp “thăng quan tiến chức”, nhưng đặt các ông trước trách nhiệm yêu thương, sống chết với đoàn chiên. Chính vì thế, Ngài đã chỉ hỏi Phêrô thay mặt các tông đồ về tình yêu của các ông dành cho Ngài trước khi trao phó đoàn chiên của Ngài cho các ông bảo vệ, trông nom, che chở, giữ gìn, làm cho đoàn chiên đựơc sống và sống dồi dào.
Tóm lại, Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã muốn những người Ngài chọn làm mục tử phải có lòng yêu thương, có trái tim của Mục Tử nhân lành, để cai quản đoàn chiên không bằng uy quyền, thế lực, luật lệ cứng nhắc, nguyên tắc lạnh lùng như thủ lãnh các dân (x. Mt 20,25), nhưng bằng tình yêu biết rõ từng con chiên, tình yêu thấu hiểu hoàn cảnh của đoàn chiên, tình yêu chữa lành, cứu sống, nhất là tình yêu khiêm hạ phục vụ như “Con Người đến không phải để đươc người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía chuộc muôn người” (Mt 20,28). Vì chỉ khi yêu thương chiên vô cùng và đến cùng, chiên mới nghe được tiếng của mục tử, và chiên mới đi theo sau, vì chúng nhận ra tiếng của người yêu thương chăn dắt chúng (x. Ga 10,3-4).
Jorathe Nắng Tím