TMĐP- Xin ban cho đoàn chiên Chúa ngày càng nhiều những mục tử tốt lành, những giáo sĩ thánh thiện như lòng Chúa mong ước.
Bài Tin Mừng hôm nay có một chất giọng rất nghiêm khắc, nếu không muốn nói là cứng cỏi, không nhượng bộ, khi Đức Giêsu đứng hẳn về phía những giáo dân bị ức hiếp, lợi dụng và nặng lời trách mắng, lên án những giáo sĩ cửa quyền, tham lam, độc ác, mà thời nay người ta gọi là tệ nạn giáo sĩ trị.
Thực ra, khuynh hướng thống trị, bắt người khác quy phục, hầu hạ mình tiềm tàng và hoạt động tuy âm ỉ, nhưng rất mãnh liệt trong mỗi người, không trừ ai, nên khi có cơ hội thuận tiện, khuynh hướng ấy liền bộc phát dữ dội, và rất khó be bờ, ngăn cản. Chẳng thế mà nhiều người khi thời chưa đến, và còn ở buổi bần hàn, thì hiền lành, dễ thương, nhu mì, tử tế, kính trên nhường dưới, cư xử biết điều không ai bằng, nhưng vừa mới công thành danh toại, thì lập tức thay giọng, đổi dáng, đi đứng ngông nghênh, nói năng phách lối, cư xử trịch thượng, nhìn người bằng nửa con mắt hãnh tiến, khinh mạn.
Vì là con người, nên những người được chọn để lãnh đạo dân Chúa, được cất nhắc làm cha, làm thày để lo việc chăn dắt đoàn chiên, quản trị cộng đoàn cũng không ngoại lệ, nhưng cùng chung số phận con người, chung khao khát quyền lực thống trị, chung cám dỗ lợi dụng chức quyền để vinh thân phì gia, chung cạm bẫy lạc vào mê lộ “đến để được người ta phục vụ”, “dùng uy mà thống trị dân, lấy quyền mà cai quản dân” (x. Mt 20, 25), dùng thần quyền mà đe dọa, dùng uy danh, uy lực siêu nhiên mà trừng phạt, dùng ảnh hưởng Đấng Bậc mà “cả vú lấp miệng em”.
Tất nhiên không phải tất cả hàng giáo sĩ đều rơi vào tệ nạn giáo sĩ trị, nhưng chỉ một số đã không sống như đấng bậc có bản lãnh, triá lại đã để bản năng thống trị làm biến chất đời sống thánh hiến, mà ơn gọi của đời sống này là noi gương Đức Giêsu “đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28) như Đức Giêsu đã công khai khẳng định trước Nhóm Mười Hai, sau khi chứng kiến các ông cãi cọ, tranh giành nhau chức bậc trong Vương Quốc tương lai của Ngài (x.Mt 20,20-23) ).
Khi trách mắng những giáo sĩ biến chất này, Đức Giêsu nhấn mạnh: người tôi tớ của Thiên Chúa không được đòi hỏi, cũng không được phép nhận về cho mình chỗ nhất, nhưng phải biết từ chối những danh hiệu, vinh quang hão huyền, cũng như những lời khen ngợi, tâng bốc có cánh của người khác, để chỉ quan tâm đến việc làm vinh danh Thiên Chúa như sấm ngôn cảnh báo của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Malakhi: “Hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ … Ta sẽ làm cho ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân theo đường lối Ta…” (Ml 2,1-2.9).
Là tôi tớ trung tín của Thiên Chúa để phục vụ dân Ngài, giáo sĩ cũng không được lợi dụng thần quyền để áp đặt những gánh nặng trên vai giáo dân, trong khi chính mình lại lười biếng, hưởng thụ.
Quả thực, Đức Giêsu đã không ngại lột trần những việc làm sai trái của những người đi theo chủ nghĩa giáo sĩ trị, và nặng lời lên án họ là những kẻ giả hình, nhưng không quên chỉ dạy họ cách sống mới, đó là sống tinh thần huynh đệ với giáo dân, khi không coi mình là cha, là thầy, là lãnh tụ của ai, vì “anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời …, chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô” (Mt 23,9-10); là sống hiền lành, khiêm nhường để là người phục vụ như Đức Kitô, Đấng đã cúi mình xuống rửa chân cho môn đệ mình, vì “trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”, và đừng quên nguyên tắc thi ân, giáng phúc của Thiên Chúa, đó là “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11.12).
Với tinh thần của mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, và đến để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), thánh tông đồ dân ngoại đã chia sẻ kinh nghiệm làm tông đồ của mình trong thư gửi giáo đoàn Thêxalônica. Đó là cư xử với giáo dân “thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ủ ấp con thơ”, quý mến giáo dân “như những người thân yêu”, không trở thành gánh nặng cho một người nào, và “cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được” đối với mọi người (x. 1Tx 2, 7-10).
Nếu Tin Mừng hôm nay là lời cảnh báo, nhắc nhở các linh mục, thì Tin Mừng cũng thúc bách người giáo dân cầu nguyện nhiều hơn cho các linh mục, và cảm thông, nâng đỡ những yếu đuối của thân phận người nơi các ngài, để yêu thương, kính trọng và chia sẻ chân thành, cộng tác nhiệt tình hơn với các ngài, để Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến và Ý Chúa được thể hiện.
Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho các ngài nhận ra quyền bính được trao là để phục vụ, và vinh quang đích thực của người được Chúa chọn nảy sinh từ tình yêu tự hiến của Thánh Giá, như Đức Giêsu, lẽ sống của các ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 7-9).
Và xin ban cho đoàn chiên Chúa ngày càng nhiều những mục tử tốt lành, những giáo sĩ thánh thiện như lòng Chúa mong ước.
Jorathe Nắng Tím