Giáo hội

CHIÊN KHÔNG THỂ LÀ SÓI 

TMĐP- Xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều mục tử nhân lành và một đoàn chiên hiền lành, hiệp nhất trong đức ái để làm chứng sức mạnh tất thắng của tình yêu thương xót từ Thánh Giá Đức Giêsu chịu đóng đinh cho một thế giới ngày đêm sôi sục ganh ghét, hận thù, bạo lực.  

Nếu Đức Giêsu mong ước những người được chọn làm mục tử  chăn dắt đoàn chiên của Ngài “yêu mến Ngài  hơn những người khác” (x. Ga 21, 15) để có thể yêu mến và hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của Ngài, nghĩa là một khi đã được chọn sẽ không buông thả, thoái hóa thành “trộm cướp, kẻ chăn thuê, người xa lạ” và làm chiên hốt hoảng, sợ hãi, chạy tán loạn, thì Ngài cũng ước mong chiên của Ngài  sẽ mãi là chiên, mà không là sói, dù có lúc bị chính chủ chăn không như lòng Chúa mong ước dồn tận chân tường, đẩy vào đường cùng, ngõ bí, tử lộ.

Khi chọn đoàn chiên làm hình ảnh Giáo Hội, Đức Giêsu muốn làm nổi bật tính đơn sơ, hiền lành, dễ bảo của chiên.

Không giống các con vật khác, chiên  không hung bạo như hổ báo, sói dữ, sư tử; không  cứng đầu như trâu bò; không tinh ranh như trăn rắn, khỉ, chuột; cũng không khôn khéo “tùy cơ ứng biến”, “lên xuống đúng nơi, đúng thời” để làm vui lòng chủ  như chó mèo, nhưng lúc nào chiên cũng hiền lành, đơn sơ, dễ bảo.

Chiên dễ bảo nên nghe tiếng của người chăn dắt, khi “anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng đi” (x. Ga 10, 3) ; chiên đơn sơ, vô tư, nên “đi theo người chăn dắt”, mà không cần biết đi đâu, miễn chúng nhận ra tiếng của người ấy (x. Ga 10,4) ; chiên hiền lành nên không giận dỗi, căm phẫn, trả thù, cắn xé chủ chăn, dù có lúc bị chủ chăn “thiếu khôn ngoan” hiểu lầm, xử oan; bị người chăn dắt “thiếu lòng thương xót” bỏ rơi, ruồng rẫy; bị mục tử thoái hóa lợi dụng, hãm hại, và trong hoàn cảnh đau lòng này, điều “nặng nề nhất” chiên có thể làm, phản ứng  mạnh nhất chiên có thể thực hiện, đó là “không đi theo, nhưng chạy trốn, vì không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10, 5).

Như thế, nguyên nhân làm chiên không đi theo chủ chăn chính là chủ chăn không còn thân thiết, thân tình, thân thương, thân ái, thân thiện với chiên, nhưng trở thành người xa lạ. Nói cách khác, điểm duy nhất làm chiên hoảng loạn, bỏ trốn người chăn dắt chúng chính là trái tim không còn biết chạnh lòng thương xót chiên của người này; cũng là cõi lòng giá băng, cằn cỗi, vô cảm của chủ chăn trước khốn khó, bất hạnh của đoàn chiên, vì chiên chỉ nhận ra tiếng của  người  chăn dắt chúng qua tình yêu thương xót.

Ở đây, chúng ta không chia sẻ về dung mạo đích thực của mục tử như lòng Chúa mong ước, mà chỉ tập trung vào chọn lựa của đoàn chiên trước những mục tử không như lòng Chúa mong ước:

1/ Đức Giêsu muốn chúng ta là chiên hiền lành như Ngài là Mục Tử nhân lành:

Được gọi làm chiên trong đoàn chiên của Ngài, chúng ta  không thể táo tợn, tàn ác như  bầy sói dữ nhưng  phải luôn hiền lành như Ngài là Mục Tử nhân lành.

Chính vì hiền lành mà chiên được chọn làm biểu tượng của chịu đựng, biểu tượng mà ngôn sứ Isaia đã dùng để tuyên sấm về Đức Giêsu, Người Tôi Trung của Thiên Chúa Giavê: “Bị ngược đãi, người cam chịu, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín bị xén lông” (Is 53,7); vì hiền lành mà chiên được trao phó sứ vụ gánh tội thiên hạ, dù chiên vô tội, như thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu với đám đông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngài là con chiên gánh tội mọi người mà dân Chúa trong Cựu Ước xua đuổi vào sa mạc nắng cháy, không của ăn, thức uống và chết ở đó.

Cũng vì hiền lành, mà chiên trở nên  của lễ hy sinh, như Ixaác đã ngây thơ, ngơ ngác hỏi cha là Ápraham: “Cha! Có lửa, có củi đây rồi, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” (St 22, 8 ; x. Ds 28,9-10).

Và vì hiền lành, chiên sẽ đươc cùng Chiên Thiên Chúa  vinh hiển  như  thị kiến của thánh Gioan trong Khải Huyền: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú qúy và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5, 12).

Chọn đoàn chiên làm hình ảnh Giáo Hội, Đức Giêsu bầy tỏ ước muốn: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16), một đoàn chiên “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” như Mục Tử của mình (Mt 11,29).

Vì hiền lành như Mục Tử nhân lành, chiên  sẽ không thể là sói dữ cắn xé bất cứ ai; không thể là beo cọp xé xác, phanh thây người khác; không thể ác như rắn độc ngậm máu phun người; không thể là voi cậy sức mạnh chà đạp, dầy xéo người thế cô, yếu đuối. Cũng vì hiền lành như đòi hỏi của Mục Tử hiền hậu và khiêm nhường là Đức Giêsu, chiên sẽ  không bao giờ đối đầu, tuyên chiến,  hay chống báng, lên án chủ chăn, cho dù bị từ chối, thất sủng;  cũng  không đấu đá, nuôi oán, báo thù đồng đạo, vì hiền lành là bản chất của chiên.

Do đó, rất khó có thể quan niệm khi chiên vốn hiền lành bỗng nổi điên khích bác chủ chăn, dù chủ chăn có lầm lỗi, vì bản chất của chiên rất hiền, không quen lớn tiếng inh ỏi, hay hò hét  đả đảo, truất phế ai; bản chất chiên rất dịu dàng, đằm thắm nên chẳng bao giờ chua chát “nói hành, bỏ vạ” cho ai; bản chất chiên còn “dĩ hoà vi qúy” “chín bỏ làm mười” xuề xoà xí xóa cho qua chuyện, nên khi phải đối mặt với hiện tượng rạn nứt, đổ vỡ trong tương quan chủ chăn – con chiên , người ta bỡ ngỡ và tự hỏi: đây là đoàn chiên hay đoàn gì? Và nếu là đoàn chiên, thì đoàn chiên ấy thuộc về ai, thuộc về Đức Giêsu hay người nào khác, vì không mang đặc tính hiền lành của đoàn chiên đã được  học sống  “hiền hậu và khiêm nhường”  với Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu.

2/ Vì hiền lành, nên chiên không bạo hành, bạo lực:

Không baọ hành trên ai, cũng không xử dụng bạo lực để gây chiến là đặc điểm cố hữu của hiền hậu, khiêm nhường, mà chiên thuộc về Đức Giêsu thì hiền hậu, khiêm nhường như Ngài, do đã được học với Ngài bài học vỡ lòng, nền tảng: “Hiền Lành, Khiêm Nhu” (x. Mt 11,29).  Vì thế, nói đến bạo hành thì chỉ  chiên là nạn nhân, đề cập bạo lực, thì chỉ chiên lãnh đủ, vì  vũ khí bảo toàn tính mạng duy nhất của chiên  khi bị sói dữ hay trộm cướp tấn công, trấn lột, và ngay cả bị đám chăn thuê lợi dụng chỉ là “tránh xa, chạy trốn”.

Thực vậy, trong Tin Mừng Gioan khi nói về  “Vị Mục Tử nhân làn” (x. Ga 10, 1-18),  và trong Tin Mừng Mátthêu  khi lên tiếng trách mắng các kinh sư và người Pharisêu giả hình, Đức Giêsu đã không xúi bẩy đoàn chiên nổi lọan, hay vẽ  ra một đường lối đấu tranh bằng bạo lực, nhưng gìn giữ bằng mọi giá bản chất hiền lành của chiên khi đưa ra giải pháp: chiên có thể  không nghe theo tiếng người lạ, đúng hơn là không nghe “tiếng lạ” là  tiếng  nói không mang thanh âm  của “lòng Thương Xót” xuất phát  từ trái tim Mục Tử nhân lành, và  có thể  chạy trốn khi bị hãm hại, tấn công (x. Ga 10,5.12) ; cũng như  làm và giữ tất cả những gì “người chăn không nhân lành”, “giảng dạy trên toà ông Môsê, còn những  việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3), mà không xử dụng mưu hèn kế bẩn, thủ đọan xấu xa, chiêu trò độc ác để phản công, trả thù.

Không chỉ dừng ở đây, Đức Giêsu còn đưa ra cả một hiến chương cho đoàn chiên của Ngài sống. Đó là hạnh phúc dành cho những con chiên hiền lành như Ngài, bởi Đất Hứa sẽ là gia nghiệp của chiên vì chiên khiêm nhu, nghèo khó ; Thiên Chúa sẽ ủi an và cho thoả lòng khi chiên sầu khổ, bị thiệt thòi, áp bức  vì hiền lành; sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, vì chiên  đơn sơ,trong sạch ; sẽ được gọi là con Thiên Chúa vì không gây hấn, hiếu chiến nhưng hiền lành, tìm kiếm, xây dựng hoà bình; sẽ được vui mừng hớn hở vì phần thưởng lớn lao trên trời dành cho những con chiên “te tua, nhừ tử, mình đầy thương tích” vì bị người ta sỉ vả, bách hại, đàn áp, tẩy chay, cô lập, vu khống đủ điều xấu xa, đánh đập tàn nhẫn, mà vẫn hiền lành, thanh cao, tử tế; nhất là được Thiên Chúa xót thương vì đã hiền lành và khiêm nhường thương xót mị người.

Thực vậy, Đức Giêsu không cổ vũ đường lối qúa khích, cực đoan, không  ủng hộ  hiếu chiến, bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, vì Ngài là Con Chiên hiền lành; là Vua hoà bình, hiền hậu ngồi trên lưng lừa con đang đến với dân Ngài (x. Mt 21,5), và là  Đấng ban  bình an phục sinh của Ngài cho  tất cả mọi người (x. Ga 20, 19.21.26).

3/ Vì sự Hiệp Nhất của Giáo Hội:

Ưu tư hàng đầu của Đức Giêsu đối với Giáo Hội của Ngài là Hiệp Nhất, như lời Ngài xin với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20). Như thế chúng ta không chỉ được kêu gọi để hiệp nhất với nhau, nhưng còn được hiệp nhất với nhau trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành.

Vì vậy, hiệp nhất không chỉ là ưu tiên ở bình diện xã hội, mà trên hết, trước hết,  đó là đòi hỏi của đức tin như thánh Phaolô đã viết: “Tất cả chúng ta đều chung một niềm tin” (Rm 1,12) nên “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.” (Ep 4, 2-6).

Như thế, nếu không hiệp nhất trong Đức Giêsu, đời tín hữu  sẽ  èo uột, héo úa; đường đi đạo  sẽ  bế tắc và  dẫn  đến đường cùng tuyệt vọng, bởi không hiệp nhất với Ngài, chúng ta “chẳng làm gì được” (Ga 15,5),  “như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4), và nếu cành nho gắn liền với cây nho, nó cũng gắn bó với các cành nho khác, bởi một khi hiệp nhất với Đức Giêsu là Đầu của thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội, chúng ta cũng hiệp nhất với tất cả  anh em là chi thể của thân thể này.

Nhưng để  hiệp nhất giữa các chi thể có những phận vụ, đẳng cấp, thứ bậc, khả năng khác nhau  do đòi hỏi “mưu ích cho toàn thân”, tức “xây dựng Hội Thánh” (1Cr 14,5), mỗi người, dù ở bất cứ phẩm trật, hàng ngũ, chức vị, trách nhiệm nào: chủ chiên hay con chiên, giám mục, linh mục, tu sĩ  hay giáo dân, tất cả đều phải “nhân lành, hiền lành”,  bởi mục tử không nhân lành thì chỉ có thể hoặc là trộm cướp, hoặc là kẻ chăn thuê, vì nhân lành là điều kiện tất yếu của mục tử như lòng Chúa mong ước được chính Ngài chọn để chăn dắt đoàn chiên của Ngài  với trái tim thương xót của Ngài. Về phần chiên cũng phải  hiền lành, nếu không sẽ không còn là chiên, nhưng biến thành sói, trái ngược với bản chất hiền lành, dễ thương của chiên, và mức độ phá hoại của những con chiên không hiền lành cũng như những người chăn chiên không nhân lành đều nguy hiểm, tai hại, khủng khiếp như nhau.

Xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều mục tử nhân lành, vì con người ngày càng trở nên hiếu chiến, hung dữ, táo tợn, và một đoàn chiên hiền lành, hiệp nhất  trong đức ái để làm chứng sức mạnh tất thắng của tình yêu thương xót từ Thánh Giá Đức Giêsu chịu đóng đinh  cho một thế giới ngày đêm sôi sục ganh ghét, hận thù, bạo lực.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version