TMĐP- Sống “đức tin hành động nhờ đức ái” chính là “sống theo Thần Khí” (Gl 5,16). Ai sống theo Thần Khí thì được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, và được hưởng “những hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22).
Năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua là lễ Ngũ Tuần. Người Do Thái mừng lễ Ngũ Tuần để tưởng nhớ và tạ ơn Thiên Chúa Giavê đã ban cho dân Ngài Lề Luật trên núi Sinai. Và thật trùng hợp, ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái lại là ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với ơn của Đức Giêsu phục sinh, sau biến cố chết thương đau và sống lại vinh hiển của Ngài.
Sách Công Vụ Tông Đồ kể kại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Thực ra, khi hiện ra với các Tông Đồ sau khi sống lại, Đức Giêsu đã ban cho các Tông Đồ Chúa Thánh Thần, như Tin Mừng Gioan ghi lại: “Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22), nhưng việc ban Chúa Thánh Thần lần ấy hoàn toàn mang tính nội bộ, kín đáo, khác với lần này, với tính công khai khi ai nấy đều có lưỡi lửa trên đầu mình, được đầy tràn ơn Thánh Thần, nói các tiếng lạ, nhất là sự kiện ấy đã nhanh chóng lan tỏa đến quần chúng, như được thánh sử Luca cẩn thận ghi lại: “Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân tiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc, vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 5-8).
Quả thực, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đã không chỉ khai sinh Giáo Hội, mà còn khai sinh một Tạo Dựng mới, mở ra một trời mới, đất mới cho một nhân loại mới, khi làm bùng nổ triều đại của Thiên Chúa.
1. Chúa Thánh Thần hiện xuống đã khai sinh những thụ tạo mới:
Làm sao chúng ta có thể cắt nghiã những một chuỗi những biến cố phi thường, ngoại lệ như biến cố sống lại của Đức Giêsu, biến cố ơn Thánh Thần tràn đầy trên các Tông Đồ, và từ các vị ơn ấy được tuôn đổ trên đám đông gồm đủ mọi sắc dân, tiếng nói?
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã cắt nghiã chuỗi dài những biến cố này như sau: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loại thọ tạo cùng rên siêt và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghiã là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23).
Để diễn tả sự khai sinh các thọ tạo mới, tức một Tạo Dựng mới được Thánh Thần thực hiện, thánh Phaolô dùng hình ảnh “sinh đẻ”, ở đó có đau đớn quằn quại, nhưng khai sinh một sự sống mới, và là rạng động của một đời sống mới.
Điều này nói lên rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng tái sinh chúng ta trong ơn của Ngài, như Đức Giêsu đã khẳng định với các Tông Đồ: “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5). “Chính Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
Và tạo dựng mới chính là chúng ta, dân thánh của Thiên Chúa, như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm trong Cựu Ước: “giữa thung lũng đầy xương cốt… những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng đã khô đét” (x. Ed 37,1-2) và “Thiên Chúa đã phán với các xương ấy rằng: “Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” …. “Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần Khí liền nhập vào những người đã chế; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên : Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Ed 37, 5-6.10).
2. Chúa Thánh Thần hiện xuống đã khai sinh Giáo Hội:
Đức Giêsu đã lập Giáo Hội khi chọn Phêrô thay mặt Ngài chăn dắt đoàn chiên (x. Mt 16,18), nhưng phải chờ đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thì Giáo Hội mới chính thức thi hành sứ vụ được trao phó của mình, như Đức Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ trước khi về trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).
Như thế, trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội chưa có sức mạnh để lên đường loan báo Tin Mừng, như Phêrô đã chẳng sợ hãi, nhưng lớn tiếng nói với dân chúng về Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại, mặc dù có nhiều người bảo ngài say rượu (x. Cv 2,15); trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội cũng chưa đủ sức mạnh để bất chấp mọi ngăm đe, cấm cách, cạm bẫy, trừng phạt, kể cả gông cùm, tù đầy, giết chóc hầu làm chứng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ được Thiên Chúa sai đến trong thế gian. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, và với ơn của Ngài, Giáo Hội đã thực sự được khai sinh theo đúng chương trình của Chúa Cha và Chúa Con, như Đức Giêsu khẳng định: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Tóm lại, Chúa Thánh Thần chính là Đấng ban sự sống. Ngài khai sinh những thụ tạo mới, khai sinh Tạo Dựng mới, khai sinh Triều Đại của Thiên Chúa, khai sinh Giáo Hội, canh tân để có một trời mới, đất mới, nhân loại mới trong Đức Giêsu Kitô. Trong sức sống “khai sinh, tạo dựng” của Chúa Thánh Thần, chúng ta được trở nên những con người mới, nghiã là được giải thoát khỏi con người cũ nô lệ, để được trở nên công chính, nên những đứa con tự do của Thiên Chúa, khi sống “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).
Vâng, sống “đức tin hành động nhờ đức ái” chính là “sống theo Thần Khí” (Gl 5,16), và ai sống theo Thần Khí thì được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, và được hưởng “những hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22).
Và “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”, bởi “ai được Thần Khí hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… nhờ đó chúng ta được kêu lên: Ápba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14. 15-16).
Jorathe Nắng Tím