TMĐP- Yêu thương, hiệp nhất nên một không dễ, vì chúng ta có quá nhiều khác biệt để chấp nhận nhau. Nếu không có Thánh Thần Tình Yêu là Đấng liên kết Chúa Cha với Chúa Con, chúng ta không bao giờ có thể tự mình đi đến hiệp thông, hiệp nhất với nhau, như lòng Chúa mong ước, và theo lệnh truyền của Ngài.
Đức Giêsu đã khẳng định Lời Hứa này, Lời Hứa của Chúa Cha và Chúa Con cho nhân loại: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,15-17).
Có Chúa Thánh Thần “ở giữa, ở trong và ở mãi” với mình, người Kitô hữu chúng ta nhận được từ Ngài những gì?
1. Chúng ta nhận được hạnh phúc của sự thật:
Sự thật đem lại hạnh phúc, và bất hạnh khi phải nói và làm điều gian dối, phải giao lưu với người gian dối, phải sống trong môi trường gian dối, vì một lẽ đơn giản: ở đâu có gian dối, ở đó có ma quỷ, vì ma quỷ là cha đẻ của gian dối, mà hậu qủa không thể tránh của gian dối, dù lớn hay nhỏ, quan trọng hay không quan trọng là lo lắng, sợ hãi, thất vọng.
Quả thực, gian dối làm lương tâm cắn rứt, bất an; gian dối làm sụp đổ niềm tự tin, phá vỡ mọi tương quan ở mọi mức độ. Người gian dối không sống đươc với ai, không cộng tác đươc với người nào, vì ở họ thiếu sự thật là nền tảng của tương quan, cũng như của mọi tình thân, liên đới.
Để con người được hạnh phúc, Đức Giêsu hiến thân cho con người như sự thật vĩnh cửu, sự thật tuyệt đối, sự thật của Thiên Chúa, sự thật ban niềm vui an bình, như Ngài đã tự mặc khải: “Ta là Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Khi qủa quyết điều này, Đức Giêsu cho ta thấy: sự thật và sự sống đi đôi với nhau, bởi sống không sự thật, người ta sẽ không sống như đời sống phải có, đó là sống hạnh phúc trong sự thật.
Chính vì tầm quan trọng của sự thật là chính Ngài, mà trước khi lên đường chịu chết, Đức Giêsu đã không ban cho các môn đệ điều gì, ngoài lời hứa “Chúa Thánh Thần sẽ đến”: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), và chỉ sau Lời Hứa: anh em sẽ có sự thật nhờ ChúaThánh Thần, Ngài mới bảo đảm ơn bình an cho các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Nói cách khác, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ tràn đầy bình an, dù sóng gió không thiếu, nhờ có sự thật từ Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ được Chúa Cha sai đến, nhân danh Đức Giêsu.
2. Chúng ta nhận được từ Chúa Thánh Thần sự sống với tình yêu:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Chính Chúa Thánh Thần là sự sống, nhưng là sự sống tình yêu, sự sống có tình yêu, vì Ngài là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là ơn thông hiệp của tình yêu Thiên Chúa, mà trong Ngài, chúng ta được thông hiệp với Thiên Chúa.
Vì là Đấng gieo mầm sự sống tình yêu, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta yêu mến cuộc sống, yêu qúy đời sống, trân trọng mọi sự sống, vì sự sống thuộc về Ngài. Người được ơn Chúa Thánh Thần bao bọc sẽ sống một cuộc đời tràn đầy sức sống vì họ say mê cuộc sống như ơn huệ vô cùng cao trọng được ban; họ không chối bỏ, khước từ sự sống, vì sự sống là qùa tặng qúy giá của Thánh Thần; họ sẽ bảo vệ sự sống, bênh vực con người sống, đấu tranh để con người được sống xứng đáng, và ra sức gìn giữ lành mạnh môi trường sống, bởi trong Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, họ ý thức và xác tín: vinh quang của Thiên Chúa là hạnh phúc của con người đang sống.
3. Chúng ta được nâng lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa:
Thánh Phaolô khẳng định: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghiã tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14-16).
Như thế, không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể trở thành con cái Thiên Chúa, vì chúng ta bất xứng, lại không được hướng dẫn, và luôn sợ sệt, tránh né Thiên Chúa, bởi chỉ có Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con mới biến đổi chúng ta bằng tình yêu và dẫn chúng ta vào trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, đến tận trái tim người cha, và được ở lại trong tình phụ tử của Ngài.
Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể tự mình thực hiện tốt đẹp bổn phận làm con đối với Thiên Chúa, nghiã là không thể “nâng tâm hồn lên tới Chúa”, không thể cảm nghiệm sự ngọt ngào khi suy tưởng về Thiên Chúa, không thể giữ các điều răn và ở lại trong tình thương của Thiên Chúa (x. Ga 15,10), nhất là không được hưởng trọn niềm vui của Thiên Chúa hứa ban cho những ai được Chúa Thánh Thần “cất bổng lên” để “hiệp nhất nên một với Ngài ” (x. Ga 15,11).
4. Chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi thành con người mới:
Ngay từ buổi đầu Tạo Dựng, Chúa Thánh Thần đã hiện diện khi “bay lượn trên mặt nước (St 1,2), và cũng chính Ngài luôn có mặt trong công trình cứu chuộc, và tiếp nối trong Giáo Hội làm nên một trời mới, đất mới, với những con người mới, như thánh Tông Đồ dân ngoại đã viết cho giáo đoàn Êphêxô: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24).
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên con người mới chính là con người được giải thoát khỏi những xiềng xích trói buộc của kiêu căng, ích kỷ, ganh ghét, hận thù, bạo lực, để mặc lấy chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, Đấng làm cho mỗi người được trở nên “Đền Thờ của Ngài” (x. 1 Cr 6,19), với những viên gạch của Đức Mến được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi anh chị em tín hữu Côrintô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Một khi được đổi mới trong Thánh Thần, con người mới sẽ no thoả trong hoa trái hạnh phúc của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ ” (Gl 5,22-23).
5. Chúng ta được liên kết, hiệp nhất với nhau nhờ Chúa Thánh Thần:
Ước mơ lớn của Đức Giêsu là mọi người nên một như Ngài với Chúa Cha là một (x. Ga 17,21), vì chỉ hiệp nhất, người môn đệ mới làm chứng Chúa Cha đã sai Ngài, và đã yêu thương nhân loại như đã yêu thương Ngài (x. Ga 17,23). Nói cách khác, không hiệp nhất, chúng ta không thực hiện được điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, đó là nói cho thế gian biết Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc họ, vì thế gian chỉ nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu, chỉ tin chúng ta là nhân chứng của Ngài, khi chúng ta hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương, như Ngài đã khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Nhưng yêu thương, hiệp nhất nên một không dễ vì chúng ta có quá nhiều khác biệt, và thật khó để chấp nhận những khác biệt của nhau. Đó là chưa nói đến cái tôi ích kỷ, và thống trị có mặt trong mỗi người, và lúc nào cũng sẵn sàng gây hấn, chia rẽ, đẩy chúng ta xa nhau, biến chúng ta thành đối thủ, địch thù của nhau.
Vì thế, nếu không có Thánh Thần Tình Yêu là Đấng liên kết Chúa Cha với Chúa Con, chúng ta không bao giờ có thể tự mình đi đến hiệp thông, hiệp nhất với nhau, như lòng Chúa mong ước, và theo lệnh truyền của Ngài.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cầu xin cho tất cả chúng ta đừng bao giờ “dập tắt Thần Khí” (x. 1 Tx 5,19), nhưng luôn biết ngoan ngoãn đặt mình dưới sự bảo trợ, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, tình yêu và “đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta”.
Jorathe Nắng Tím