TMĐP- Để là con người, chúng ta phải có lòng nhân ái để sống một đời tử tế với mọi người, nhưng để là con Chúa , chúng ta phải được trang bị Đức Ái để có thể yêu thương anh chị em mình…
Ai cũng là con người khi được sinh ra, nhưng làm con người xứng danh con người thì không phải ai cũng thực hiện được. Cũng thế, danh xưng con Chúa được ban từ bí tích Thánh Tẩy chưa hẳn đã cho chúng ta thực sự là ơn Chúa như danh hiệu con Chúa đòi hỏi, và như lòng Chúa mong ước.
Nhìn vào đời sống xã hội, chúng ta nhận ra một điều rất quan trọng, đó là sinh ra là người, nhưng đời sống chưa chắc đã xứng với danh con người, với nhân vị, nhân phẩm, nhân cách, vì con người không chỉ là người do hình hài, vóc dáng người, nhưng chỉ là người đúng nghĩa khi là người “có lòng”, tức lòng nhân, là chất người trong tâm hồn, tình người trong trái tim.
Lòng nhân là trái tim nhân ái, trái tim yêu người, trái tim hướng đến người khác, trái tim liên đới, cảm thông, trái tim biết chia sẻ, và có khả năng rung theo cung nhịp vui buồn của những trái tim con người khác.
Trên lý thuyết, đã là người ắt phải là người có lòng nhân, nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có tấm lòng của con người, ai cũng sở hữu lòng nhân một cách tự nhiên, tự động, mà không phải vất vả tập tành, rèn luyện, bởi thế, trong xã hội mới nhan nhản những hiện tượng: mặt người, nhưng lòng lang dạ thú.
Như thế, lòng nhân làm nên con người, nên người không có lòng nhân, thì chỉ có thể là người không có lòng, hoặc có lòng nhưng là lòng của một sinh vật, động vật nào đó, mà không là lòng người.
Người có lòng là người có tình với người khác, thương người khác, và tình thương ấy được biểu lộ qua tất cả những gì được gọi chung bằng một từ “Tử Tế”, nên người tử tế không thể là người không có lòng, không thể là người không có tình, hay người vô cảm, vì tình yêu tha nhân, lòng nhân ái không chỉ là động lực, mà còn là nguyên lý, nguồn mạch làm phát sinh ý nghĩ tử tế, lời nói tử tế, hành động tử tế ở một người.
Vì thế, thẩm định giá trị nhân bản của một người, không gì chính xác hơn là quan sát nếp nghĩ tử tế về người khác của họ, nội dung và cung giọng tử tế khi họ nói với, nói về người khác, và thái độ, hành vi tử tế trong ứng xử đối với người chung quanh. Tắt một lời, qua nếp nghĩ tử tế, ngôn từ tử tế, lối sống tử tế của một người, chúng ta không sợ quyết đoán sai lầm về nhân phẩm cao quý đáng trân trọng của họ
Và tử tế là khái niệm luân lý ai cũng dễ dàng nắm bắt, đó là lấy công bình làm nền tảng xây dựng lòng nhân ái, tình nhân loại trong mọi tương quan, liên đới. Cốt lõi luân lý ấy coa được nhờ lương tâm, là tiếng nói bên trong mỗi người nhắc nhở con người phải ở đúng vị thế cao cả của mình là thụ tạo được mang hình ảnh của Đấng Tạo Dựng .
Lương tâm không chỉ là hình ảnh, mà còn là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng Chủ Tạo trong mỗi con người. Vì thế, có sống theo lương tâm, mới trở thành người tử tế; có nghe tiếng lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa, con người mới có thể sống tốt, sống đẹp, sống thực với chính mình và mọi người.
Do đó, sống theo lương tâm chính là điều kiện nền tảng để làm người tử tế, và làm người tử tế chính là nền móng vững chắc, trên đó ơn gọi làm con Chúa được thực hiện.
Sở dĩ con Chúa được xây trên nền móng con người, vì con người trước khi trở thành con Chúa qua bí tích Rửa Tội đã là con người. Đúng hơn, trước khi là con Chúa, con Người đã thuộc về Thiên Chúa, vì được Ngài dựng nên và cho tồn tại, nên “tính thuộc về” Thiên Chúa là bệ phóng cho con người lên cao, và đi vào tân cung lòng của người cha Thiên Chúa.
Vì thế, không thể tách rời con người khỏi con Chúa, cũng không thể cắt đứt tương quan khắng khít và liên đới thiết thân giữa con Chúa với con người. Cũng vì tương quan không thể huỷ bỏ và liên đới luôn chặt chẽ, khít khao giữa con người và con Chúa, mà điều kiện làm con Chúa chính là mức độ cao của điều kiện làm con người. Nói cách khác, nếu công bình, nhân ái làm cho con người trở thành con người đích danh, đích thực; nếu nếp sống tử tế đem lại giá trị của con người có nhân phẩm được trân quý, tôn trọng, thì công bình, nhân ái, tử tế ở mức độ cao là điều kiện để được goị là con Thiên Chúa.
Nhờ vậy, lòng nhân ái ở con người khi “yêu thương kẻ yêu thương mình” và “ghét kẻ thù” (Mt 5,46) sẽ vươn đến mức độ cao ở con Chúa, khi vượt qua bình diện tự nhiên và đi vào bình diện siêu nhiên để “yêu thương như Thiên Chúa yêu thương” (x.Ga 13,34), “yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,44); vượt lên trên những gì là con người để đạt tầm con Chúa, khi công bằng không còn là công bằng “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38) của con người, nhưng đạt đến “công bằng thương xót” của Thiên Chúa: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh măt đi” (Mt 5,39-42).
Quả thực, từ con người đến con Chúa, chúng ta phải vượt qua ranh giới tự nhiên để đi vào siêu nhiên, ở đó hạnh phúc con Chúa đi tìm không còn là ai, hay sự gì, nhưng là chính Thiên Chúa, khi con Chúa vì hạnh phúc của những con người đã vui lòng đón nhận mọi thiệt thòi, mất mát; khi con Chúa vì thương xót những con người đã cam chịu mọi bất công, nhục nhằn, sỉ vả, vu khống, bách hại; khi con Chúa vì bình an của thế giới con người đã sẵn lòng chịu mọi hy sinh, kể cả phải mất mạng sống (x. Mt 5,3-12).
Tóm lại, để là con người, chúng ta phải có lòng nhân ái để sống một đời tử tế với mọi người, nhưng để là con Chúa, chúng ta phải được trang bị Đức Ái để có thể yêu thương anh chị em mình, như Thiên Chúa đã yêu thương, nghĩa là yêu thương theo cách yêu của Đức Giêsu là “phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28); yêu thương mọi người bằng tâm tình, thái độ hiền lành, khiêm hạ, và yêu thương đến cùng với trái tim chạnh lòng thương xót của Ngôi Lời là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu đã yêu con người vô cùng, đến nỗi “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3).
Ước gì tất cả chúng ta đều ý thức: khi sống đẹp kiếp người với lòng nhân ái là chúng ta đã bắt đầu hành trình trở nên con Chúa với trái tim hay chạnh lòng thương xót của Ngài.
Jorathe Nắng Tím