Mơ ước nóng bỏng của Đức Giêsu khi gọi các môn đệ, không chỉ để các ông theo Ngài, mà còn hiệp nhất nên một với Ngài, trong Ngài như Ngài tha thiết mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”(Ga 15,4), nên Ngài đã bộc lộ tâm tình của Ngài với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con …” (Ga 17,24).
Như thế, dấu chỉ để biết ai là môn đệ đích thực của Đức Giêsu chính là người ấy luôn ở với Đức Giêsu, mà không ở nơi nào khác không có Đức Giêsu hiện diện và hoạt động .
Nhân biến cố trong đại cha Charles de Foucauld được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh, ngày 15.05.2022, người viết đã chia sẻ với qúy Bạn niềm vui khi mừng Tân Hiển Thánh trong bài “Được chạm vào Đức Giêsu”, và tiếp theo là bài “Cùng được chạm vào Đức Giêsu” để nói lên một số điểm chung giữa ba vị thánh của ba thời đại khác nhau, ở ba hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhất là giữa ba cuộc khủng hoảng khác nhau trong Giáo Hội. Đó là thánh Phanxicô Assisi, thánh Inhaxiô Loyola và tân hiển thánh Charles de Foucauld.
Thánh Phanxicô thành Assisi, người Ý, sinh năm 1181 (có chỗ ghi 1182), qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1225, xuất thân từ gia đình giầu có trong bối cảnh của một Giáo Hội “gắn bó qúa chặt” với giới quý tộc xa hoa, thế lực, nắm giữ mọi quyền hành và đời sống tu sĩ cũng như giáo dân không còn gần với Tin Mừng.
Trước những thoái hóa trầm trọng đó, ngài đã từ bỏ nếp sống trưởng giả, hưởng thụ, và chọn “Nghèo Khó, Khiêm Hạ” làm phương châm cho đời sống và linh đạo của Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) do ngài thành lập và chọn lựa của ngài đã thực sự mang lại luồng khí canh tân trong Giáo Hội, và ảnh hưởng của linh đạo Phanxicô ngày càng lớn mạnh, đem lại vô số hoa trái thiêng liêng cho Giáo Hội. Một điểm đặc biệt khác là ngày 17.09.1224, chân tay ngài đã được Chúa ghi dấu thánh của Đức Giêsu chịu đóng đinh, và thánh nhân là người đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội đã được diễm phúc mang trên mình các dấu thánh.
Thánh Inhaxiô Loyola (Ignace de Loyola), người Tây Ban Nha, sinh năm 1491, mất ngày 31.07.1556. Ngài đồng thời với Martinô Lutherô, người khởi xướng phong trào cải cách Giáo Hội và đứng đầu ly giáo Tin Lành. Martinô Lutherô, người Đức, sinh ngày 10.11.1483, linh mục dòng thánh Augustinô. Năm 1517, cha Lutherô chính thức phê bình, và công khai chỉ trích những lạm dụng trong việc “xin ân xá” như hình thức “buôn thần bán thánh” trong Giáo Hội, và từ khởi điểm này, cuộc ly giáo đã xảy ra qua “vạ tuyệt thông” đối với cha Lutherô của Đức Giáo Hoàng Lêô X năm 1521. Cha Martinô Lutherô qua đời năm 1546.
Cùng thời với người sáng lập ly giáo Tin Lành, thánh Inhaxiô Loyola đã không đồng tình với đường hướng và phương cách cải cách Giáo Hội của cha Martinô Lutherô, nhưng chọn canh tân Giáo Hội bằng “ở lại trong Giáo Hội”, làm đẹp dung nhan Mẹ Giáo Hội hơn bằng “trung thành với Giáo Hội”, xây dựng Giáo Hội xứng đáng là Hiền Thê của Đức Giêsu bằng yêu mến và nỗ lực làm vinh danh Chúa hơn như khẩu hiệu của Dòng Tên (Societas Jesu, thường được viết tắt là SJ): “Ad Majorem Dei Gloriam” do ngài sáng lập tại Paris năm 1534. Vì thế, chúng ta có thể nói thánh Inhaxiô Loyola là khuôn mặt sáng giá và quan trọng giữa cơn khủng hoảng của Giáo Hội vào thế kỷ XVI và XVII do phong trào cải cách và sự ra đời của ly giáo Tin Lành do cha Martinô Lutherô chủ xướng.
Riêng tân hiển thánh Charles de Foucauld sinh 15.09.1858, người Pháp, qua đời 01.12.1916, tuy tuổi thơ mồ côi cha mẹ, nhưng thành công trong binh nghiệp và vị thế của nhà khảo sát địa lý. Ngài cũng là người được Thiên Chúa tuyển chọn từ một xã hội không chỉ khủng hoảng niềm tin vì ảnh hưởng của văn minh khoa học, và vật chất, mà còn khủng hoảng do tinh thần kỳ thị, bài xích giữa Hồi Giáo và Kitô giáo tạo nên tương quan bất hoà rất căng thẳng giữa thế giới Hồi Giáo và thế giới ảnh hưởng văn hoá Kitô giáo. Chính trong bối cảnh “không trhể đối thoại” tôn giáo này, mà sư hiện diện của tân hiển thánh như “anh em của mọi người”đã làm chứng sức mạnh của Tin Mừng Tình Yêu.
Như thế, dù sống ở thời nào, có mặt vào hoàn cảnh nào, làm chứng Đức Giêsu giữa thăng trầm khủng hoảng nào, ngoài những nét phản ánh đặc thù dung mạo Đức Giêsu như những tấm kiếng mầu trở nên rực rỡ khi ánh sáng chiếu vào, các thánh luôn có chung nhau một mẫu số chỉ dành cho người môn đệ:
1/ Hạnh phúc trong tương quan Cha – Con với Thiên Chúa:
Không vị thánh nào có thể ở ngoài tương quan này, vì “thánh” là người đón nhận hồng ân trở nên con cái Thiên Chúa, như thánh Gioan Tông Đồ đã viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào! Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa”(1 Ga 3,1), và đã là con, nên anh em không còn là nô lệ, “và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi”(Rm 8,15), như chính Đức Giêsu dạy chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”(Mt 6,9) khi cầu nguyện.
Thánh Phanxicô đã khởi đầu kinh Hoà Bình bằng tâm tình của người con tha thiết yêu mến cha: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”, thánh Inhaxiô thì xác tín: “Tất cả con người của con, tự do ý chí, trí nhớ trí hiểu và mọi sự đều là của Chúa”, vì Chúa là Cha con, cũng như tân hiển thánh Charles de Foucauld đã cất lời nguyện Phó Dâng qua tiếng lòng của con thơ hướng về Cha hiền: “ Cha ơi, con dâng mình con cho Cha”, bởi tương quan Cha – Con với Thiên Chúa mới là nền tảng của mọi sự thánh thiện, mà không nền tảng nào có thể thay thế, vì chỉ khi chân nhận Thiên Chúa là Cha, và đi vào đời sống hạnh phúc của tình Cha Con với Thiên Chúa, người Kitô hữu mới đích thực thuộc về Đức Giêsu, và được đổi mới như Đức Giêsu đã qủa quyết: “Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5).
2/ Khiêm tốn, đơn sơ, phó thác để yêu mến Chúa:
Không có thánh kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, cường hào ác bá, ích kỷ, đầy tham vọng thống trị, nhưng thánh nào cũng có đời sống khiêm tốn, đơn sơ, phó thác vào Thiên Chúa, Cha mình, vì chỉ như thế, Thánh Ý Thiên Chúa mới được thực hiện trên các vị, mà thực hiện Thánh Ý, tức tuân giữ giới răn Chúa dậy là hiện thực tình yêu đối với Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến”(Ga 14, 21).
Khiêm tốn khi biết mình chẳng là gì, cũng chẳng làm được gì như con thơ, dại khờ, yếu đuối luôn cần có Cha bên cạnh.
Luxiphe đã kiêu căng phản loạn vì nghĩ mình không cần Thiên Chúa, Evà cũng tưởng lầm mình đã đủ mạnh, không còn cần Thiên Chúa chở che, bảo bọc, nên mới bất cần Thiên Chúa, và nảy sinh ý nghĩ xé lẻ, xây dựng cơ đồ, đế chế riêng cho mình bằng lén lút tiêu lòn, trao đổi, hợp tác với Xatan.
Trái ngược con đường Kiêu Căng, các thánh có con đường Khiêm tốn như thánh Phanxicô chỉ xin được làm “khí cụ của Chúa”, Thánh Inhaxiô Loyola chỉ xin “dùng con theo Thánh Ý Ngài”, và tân hiển thánh Charles de Foucauld đã tự nhận mình cần được tự hủy đến mức trở nên như một xác chết, không phải để thối rữa, nhưng “để ta không còn là “cái tôi”nữa … để Thiên Chúa có thể làm mọi sự tùy ý”.
Nhờ có lòng khiêm tốn, các thánh đã đón nhận ý muốn của Thiên Chúa một các đơn sơ. Đơn sơ vì không kiêu căng, ích kỷ, bởi chỉ người kiêu căng mới lao tâm khổ trí vẽ vời đủ mưu kế, thủ đọan, chiêu trò ma mãnh hầu thu gom, tìm kiếm, xây dựng, bảo vệ ngai toà, chức quyền, địa vị, vinh quang mà thủ đọan thì bao giờ cũng chằng chịt những khúc mắc, nhiêu khê ; mưu sâu, kế độc luôn đầy dẫy những rắc rối, phức tạp do phải cạnh tranh, đấu đá, tính toán hơn thiệt, được mất, thắng thua.
Khác với những tâm hồn kiêu căng thường nặng nề giáo điều, cậu nệ hình thức,
thánh Phanxicô chỉ đơn sơ xin “Thần Linh Thánh Ái mở rộng cõi lòng”, thánh Inhaxiô chỉ đơn sơ “mong chờ phần thưởng là được biết mình đang thi hành thánh ý Chúa”, và thánh Charles de Foucauld cũng như hai thánh đàn anh đã đơn sơ “xin Cha hãy làm cho con những gì đẹp lòng Cha, và bất cứ điều gì Cha làm cho con, con đều dâng Cha lời cảm tạ”.
Thực vậy, không khiêm tốn, người tín hữu khó có thể đơn sơ, vì kiêu căng không cho chúng ta đơn sơ, nhưng biến chúng ta thành những con người nhỏ nhen, chấp nhất; làm đời sống chúng ta trở nên nặng nề, rối ren, vướng mắc; nhận chìm trái tim chúng ta tận đáy sâu ao tù ích kỷ, ki bo, khi chỉ nghĩ cho mình, tìm danh lợi, và đánh bóng bản thân.
Ngoài khiêm tốn, đơn sơ, các thánh còn giống nhau ở lòng cậy trông, phó thác tuyệt đối vào Chúa. Đây là đỉnh điểm của tình yêu dành cho Thiên Chúa và chỉ ở đỉnh cao Phó Thác tuyệt đối này, người môn đệ mới trọn vẹn thuộc về Chúa khi đón nhận và thực thi đến tột cùng ý muốn của Thiên Chúa, như Đức Giêsu khi uống hết giọt cuối cùng của chén đắng trên Thánh Giá “đã kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở ”(Lc 23,46).
Vì làm thánh là trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu”, nên phó thác như Đức Giêsu chính là đòi hỏi không thể thiếu ở các ngài, điều mà chúng ta gặp được ở cả ba đấng thánh Phanxicô, Inhaxiô và Charles de Foucauld trong kinh nguyện của các ngài.
Thực vậy, thánh Phanxicô, dù biết không dễ “đem tin yêu vào nơi oán thù”, vì oán thù không để tin yêu lọt vào thế giới của nó; dù biết rất nguy hiểm khi “đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lầm lạc”, vì đạo quân bóng tối, gian dối, bạo lực không để những ai chống lại chúng mon men xâm nhập xào huyệt, lãnh địa; dù ý thức nhiều rủi ro rình rập như “chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) khi “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, mang niềm vui đến chỗ u sầu”, vì thế lực hoả ngục luôn tìm cách cản trở, cấm vận hạnh phúc Thiên Đàng, nhưng thánh nhân vẫn tuyệt đối phó thác và xin Chúa cứ sai mình đến như khí cụ Bình An của Ngài. Thánh Inhaxiô thì ký thác tất cả những gì mình là, mình có khi “dâng Chúa con người của con. Những gì con có xin dâng lại cho Chúa. Này là tự do ý chí của con, này là trí nhớ, trí hiểu của con. Mọi sự đều là của Chúa”. Riêng tân hiển thánh Charles de Foucauld thì không ngừng thân thưa với Chúa: “Con phó dâng linh hồn trong tay Cha. Con trao linh hồn cho Cha, Đấng Thần Linh của con với tất cả tình yêu của trái tim con, vì con yêu mến Cha”.
3/ Quảng đại, xóa mình để yêu mến anh em:
Làm thánh là thực hành giới luật “Mến Chúa Yêu Người”như Chúa dạy (x.Mt 22,37-40), nên “nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1 Ga 4,20). Nhưng không thể yêu thương người khác, nếu chỉ ích kỷ thương mình; không thể chia sẻ, giúp đỡ người khác thiếu thốn, cơ cùng, bất hạnh hơn mình nếu chỉ bòn bót, vun vén, bon chen, kiếm chác để “vinh thân phì gia”; không thể cư xử hiền lành, ân cần, hoà nhã, dễ thương, nếu đầu óc lúc nào cũng tính toán chuyện thống trị “cưỡi đầu cưỡi cổ” thiên hạ; không thể nhẫn nại chịu đựng, kiên nhẫn đợi chờ, tận tụy hy sinh vì tương lai, hạnh phúc của người khác, nếu lòng dạ chỉ nôn nóng “ăn người, lừa người, lợi dụng lòng tốt và sơ hở của người”.
Qủa thế, bao lâu còn ích kỷ, tham lam và tìm kiếm cái tôi, bấy lâu người được gọi làm môn đệ không thể tiến bước theo Thầy mình là Đức Giêsu, Đấng đã qủang đại và xóa mình, như đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình yêu (x. Ga 15,13).
Vì thế, các thánh không thể thiếu “quảng đại xóa mình”để có thể “quảng đại trao ban” chính mình khi yêu người khác, như lời cầu trong “kinh Quảng Đại Hiến Dâng” của thánh Inhaxiô: “Lạy Chúa Giêsu, xin dậy con biết sống qủang đại… Biết cho đi mà không tính tóan, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa”. Thánh Phanxicô thì xin Chúa “dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”. Còn tân hiển thánh Charles de Foucauld thì qủang đại thưa với Chúa: “Con sẵn sàng cho tất cả, con chấp nhận tất cả, để ý muốn của Cha được thực hiện trong con, trong mọi tạo vật của Cha. Con không muốn điều gì khác Cha ơi!”.
Vâng, cuộc đời các thánh, đặc biệt gương sống thánh thiện của ba thánh Phanxicô, Inhaxiô và Charles de Foucauld đã làm chứng: người Kitô hữu chỉ có thể “yêu thương như Đức Giêsu đã yêu thương”, nghĩa là yêu không tính toán, so đo, không phòng thân, thủ thế nhưng triệt để và đến cùng, như Chúa vẫn một lòng yêu thương những con người vô ơn bạc nghiã đã nguyền rủa, xua đuổi, phản bội, bán đứng Ngài, mà không chấp nhất, báo oán, trả thù, trừng phạt, vì Ngài đến như “mục tử hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, phó thác” ngày đêm dong duổi đi tìm những chiên con lạc đàn, chữa lành những tâm hồn bị tổn thương, những thân xác yếu nhược, bệnh hoạn và cứu độ những con người tội lỗi bằng qủang đại hiến dâng mạng sống mình trên Thánh Giá, nếu được chạm vào Đức Giêsu, được bơi lội trong đại dương yêu thương của trái tim Ngài, nhất là được “đặt ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài”(Ga 20,25), nghĩa là được cùng chịu đau khổ và chết vì yêu thương với Ngài là con đường duy nhất để nên thánh, tức được “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu chịu đóng đinh” như các thánh là cha ông, anh chị của chúng ta trong đức tin, mà chúng ta hằng yêu mến và xin các ngài “cầu thay nguyện giúp” cho chúng ta trước Tôn Nhan Chúa.
Jorathe Nắng Tím