TMĐP- Đức Giêsu cho chúng ta thấy: Lửa Tình Yêu Ngài mang đến thế gian chính là những thử thách cam go chúng ta phải đương đầu.
Các bài đọc phụng vụ, đặc biệt bài Tin Mừng không khỏi làm chúng ta sốc nặng, khi nghe Đức Giêsu phán những lời dữ dội, không nhẹ nhàng,êm ái chút nào như: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! … Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người cùng trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba” (Lc 12,49.51-52).
Nếu lửa đốt cháy, thiêu rụi, và chia rẽ lan tràn như thế thì đâu là ơn bình an Thiên Chúa hứa ban cho người thiện tâm được các thiên sứ hát vang trong đêm Giáng Sinh ở Bêlem ( Lc 2,14)? Nếu Đức Giêsu đến để cổ vũ tình trạng “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,53), thì còn gì bình an của Đấng phục sinh đã ban cho các môn đệ khi Ngài hiện ra sau khi chết và sống lại (x. Lc 24,36)? Và còn ý nghiã gì lời cầu nguyện “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21) của Đức Giêsu hôm trước ngày bước vào cuộc tử nạn?
Thực ra, khi nói những lời mang tính “rợn rùng” này, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta biết Ngài khao khát lửa tình yêu đốt cháy toàn thể nhân loại, như chính Ngài đã để lửa tình yêu đốt cháy Ngài thành Của Lễ toàn thiêu khi tự nguyện hiến thân chết trên Thánh Giá.
Ao ước cho lửa tình yêu bùng cháy khắp mặt đất, đốt nóng mọi tâm hồn, Đức Giêsu tha thiết với một thế giới hạnh phúc trong tình người, vì được nuôi dưỡng bằng tình Chúa luôn nồng nàn, cháy bỏng, như Ngài đã mang lại sự sống đời đời cho con người đáng lẽ phải diệt vong nhờ sự chết và phục sinh của Ngài.
Ngoài khao khát nóng bỏng cho lửa tình yêu bùng lên trong thế giới qua Của Lễ toàn thiêu là chính Ngài, Đức Giêsu còn là Lời cháy bỏng lửa tình yêu, Lời đánh thức, Lời thúc giục, Lời cảnh báo, Lời ủi an, Lời cứu sống. Và Lời ấy cũng phải được bùng lên, đốt nóng các tâm hồn qua Lửa của Thánh Thần tình yêu trong ngày Lễ Hiện Xuống (x. Cv 2,1-4). Đây là điều mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo trước đám đông kéo đến xin ông làm phép rửa bên bờ sông Giôđan khi nói về Đức Giêsu: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và trong lửa” (Mt 3,11).
Nhưng phép rửa trong lửa tình yêu của Thánh Thần chỉ có thể nhận được, nếu đã được dìm mình vào phép rửa bằng máu của Thánh Giá Đức Giêsu: phép rửa trong thử thách, gian truân, sầu thương, tủi nhục, lo âu, chết chóc, bởi Lửa của Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống chỉ có thể được đốt lên và bùng cháy từ Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá.
Tóm lại, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: Lửa Tình Yêu Ngài mang đến thế gian chính là những thử thách cam go chúng ta phải đương đầu hằng ngày như ngôn sứ Giêrêmia đã bị những kẻ ghen ghét ông xin với vua Xítkigiahu cho lệnh thả ông xuống hầm sâu không có nước, mà chỉ có bùn và phải đói khát (x. Gr 38, 4-6. 9); là cuộc chiến đấu đầy hiểm nguy, gian khổ, ở đó chúng ta được mời gọi “kiên trì chạy trong cuộc đua, và mắt luôn hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và liện toàn lòng tin” (Dt 12,1-2).
Hướng về Đức Giêsu để chiêm ngưỡng, thờ lạy Đấng “đã cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục”, lại chịu đựng mọi chống đối của người tội lỗi để chúng ta không thối chí sờn lòng (x. Dt 12,2-3).
Và điều quan trọng chúng ta cần khắc ghi trong lòng, đó là “Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình, cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13). Đó chính là lý do Lửa Lời Chúa phân biệt ánh sáng với bóng tối, thiện với ác, người lành với người dữ, kẻ ác tâm với người lương thiện nên mới xảy ra cảnh chia rẽ trong gia đình, giữa cộng đoàn, ngoài xã hội, như chúng ta nhìn thấy nhan nhản trong cuộc sống những đối kháng, chia rẽ vì không phải tất cả đều đón nhận Lửa tình yêu của Máu, Nước từ cạnh sườn và Lửa từ Lời hằng sống của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ muôn dân.
Jorathe Nắng Tím