TMĐP- Cụm từ “Giá trị Tin Mừng” là cụm từ rất quen thuộc, vì được nói đến nhiều, nhắc nhở nhiều, nhưng cũng chính vì nghe nhiều, mà người ta không còn chú trọng đến giá trị đích thực của Tin Mừng.
Thực vậy, không ít người đi tìm trong Tin Mừng những giá trị khác với giá trị đích thực của Tin Mừng: từ giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đến giá trị luân lý, tu đức, thiêng liêng, nhưng lại bỏ quên Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, hình ảnh sống động của Chúa Cha giàu lòng thương xót.
Đây là thiếu sót vô cùng lớn cần được đặt thành vấn đề, bởi bỏ quên giá trị Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là Tình Yêu thương xót, cứu độ, con đường trên đó chúng ta “đi đạo” sẽ khó tránh khỏi nhiều rủi ro mất hướng, lạc đường.
1. Rủi ro mất hướng, vì Thiên Chúa của Đức Giêsu sẽ giống như thiên chúa của các tôn giáo khác:
Đức Giêsu làm chứng Cha Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, mà không làm chứng về một thiên chúa đe dọa, trừng phạt, làm con người sợ; không làm chứng về một thiên chúa công thẳng đến độ vô cảm, tàn nhẫn sẵn sàng loại bỏ, truy diệt con người.
Tin Mừng Gioan đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16),vì Thiên Chúa của Đức Giêsu là Tình Yêu (1 Ga 4,8).Ngài yêu chúng ta trước và trong tình yêu, chúng ta được Ngài sinh ra, được ở trong Ngài, được chiêm ngưỡng Ngài (x. 1 Ga 4,7.14.15). Và “tình yêu thì không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và sợ hãi thì không đạt đến tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18).
Khi viết điều này, thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu đặc biệt, muốn chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu, hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, để nhận biết Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của tình yêu thương xót, mà không là thiên chúa nào khác.
2. Rủi ro lạc đường, vì Đức Giêsu không còn là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót:
Không đặt trọng tâm vào con người Đức Giêsu, là hình ảnh sống động của Chúa Cha và là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót khi đi tìm giá trị của Tin Mừng, chúng ta sẽ lạc đường, vì nhận diện sai dung mạo đích thực của Đức Giêsu, Đấng đã không mệt mỏi quả quyết: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17) bằng “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Quả thực không có Thiên Chúa toàn năng nào lại cứu độ con người bằng tự nguyện trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ để phục vụ con người là thụ tạo do mình dựng nên như tôi tớ, và bằng lòng chết trên cây thập tự làm giá chuộc tội con người như Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Là Đấng Cứu Độ vô cùng hiền lành và khiêm nhường, nên “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3); là Thượng Tế và Của Lễ siêu phàm, tuyệt hảo có sức mang lấy và xóa hết tội lỗi nhân loại, Ngài luôn “cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15); là Mục Tử nhân lành, Ngài “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” bằng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 10-11).
Vì thế, phủ nhận hay bỏ quên giá trị đích thực của Tin Mừng là chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ bao dung, thương xót, chúng ta sẽ lạc lối về, mất hướng đi, và Tin Mừng trở thành tin buồn, Tin Vui biến thành tin sợ hãi, vì không nhận ra Đấng cứu độ chúng ta, Đấng chúng ta yêu mến, tôn thờ, phụng sự là Thiên Chúa của lòng thương xót.
3. Rủi ro đánh mất căn tính Kitô hữu:
Nếu không nhận ra Đấng mình yêu mến, tôn thờ và tình nguyện “bỏ mọi sự mà đi theo” là Thiên Chúa Cứu Độ vô cùng nhân hậu, thương xót, bao dung, để trở nên bao dung, nhân hậu, hay chạnh lòng thương xót như Ngài, chúng ta sẽ giống hệt những người Pharisêu lo đi tìm những giá trị khác không phải giá trị Tin Mừng như những quy tắc, luật lệ, lễ nghi, tập tục tôn giáo và chỗ đứng chỗ ngồi cao thấp, sang hèn trong hội đường, cũng như vinh dự, lời khen tiếng chào nơi công cộng (x. Mt 23); không xác tín lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm nên lịch sử nhân loại, cũng như lịch sử ơn cứu độ, như Đức Maria đã hân hoan tán tụng: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Chúa” (Lc 1,50), chúng ta sẽ không khác các luật sĩ Do Thái lo rình rập, soi mói, tố cáo những sơ sót, kẽ hở của đồng đạo trong việc giữ luật Môsê để bắt bẻ, trừng phạt, khai trừ họ; chúng ta sẽ trở nên những tín hữu cực đoan, quá khích, cuồng tín, tự mãn, cao ngạo và không ngại ngùng khinh thường, nguyền rủa, tẩy chay, chà đạp, nghiền nát những người không cùng tín ngưỡng tôn giáo với ta; chúng ta cũng sẽ như phần đông giáo dân Do Thái thời Đức Giêsu giữ đạo một cách vô cảm, máy móc, thụ động, hời hợt, giả hình như lời sấm của ngôn sứ được Đức Giêsu nhắc lại trong Tin Mừng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15,8-9).
Thực vậy, căn tính của người Kitô hữu là có Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng thương xót trong cuộc đời; là mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho muôn dân bằng sống lòng thương xót, như những chứng nhân đơn sơ, sống động được Đức Giêsu sai đến trong đời; là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, bằng yêu thương như Chúa đã yêu thương (x. Ga 13,34).
Nhìn lại bản thân và lối sống đạo, mỗi người chúng ta sẽ không khỏi giật mình nhận ra đã có lúc trên đường đi theo Đức Giêsu khuynh hướng mất phương hướng, lạc lối lạc đường, và bỏ quên căn tính Kitô hữu nổi cộm và khống chế con người “có đạo” của ta, mà nguyên nhân là vì ta đã mải mê đi tìm trong Tin Mừng những giá trị không phải của Tin Mừng, hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng, có khi trăm phần trăm đi ngược Tin Mừng.
Vì không tìm Giá Trị Tin Mừng, mà chỉ tìm những giá trị trần thế, không tìm Giá Trị đời đời và tuyệt đối đến từ Thiên Chúa, và là chính Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người, mà chúng ta bị biến chất bởi chính những giá trị không phải Tin Mừng ấy, để thoái hoá thành những Pharisêu giả hình, những tín hữu cuồng tín, cục bộ, kỳ thị, những người đứng đầu kiêu kỳ, vô cảm, ác độc, những người được chọn đầy tham vọng hưởng thụ, thống trị thay vì “đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) như ý muốn của Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, họ đã đến như người chăn thuê và kẻ trộm cướp để giết chết chiên và làm chiên sợ hãi tán loạn (x. Ga 10,1.12-13).
Jorathe Nắng Tím
