TMĐP- Với ánh sáng Yêu Thương, quyền lực tối tăm sẽ không làm được gì.
Tuyên bố trên là của “Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt? Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,52-53).
Qua lời tuyên bố trên, Đức Giêsu cho chúng ta thấy:
1/ Có thời của quyền lực ma quỷ:
Nhiều người lầm tưởng ma quỷ không làm gì được con người, cũng không manh động, quậy phá gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, giáo hội vì chúng ta có Chúa, như các tông đồ đã tin tưởng chẳng quyền lực thế gian, ma quỷ nào có thể len lỏi vào Nhóm Mười Hai của các ông, vì các ông luôn có Chúa ở cùng.
Chính vì ảo tưởng không có thời của quyền lực ma quỷ, lầm tưởng không có sức mạnh đe dọa, chống phá, tiêu diệt của thần dữ mà Phêrô đã to gan, lớn tiếng tỏ ra không sợ hãi và bất cần, để rồi được Chúa nhắc bảo: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”, và Ngài công khai cảnh báo ông: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã ba lần chối là không biết Thầy” (Lc 22,31.3-34). Tuy thế, để Phêrô không mất niềm hy vọng, Đức Giêsu đã trấn an ông: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32).
Các tông đồ khác cũng không hơn gì Phêrô, khi nghĩ rằng quyền lực của tối tăm không hiện diện, mà nếu có, các ông cũng chẳng hề hấn gì. Chỉ đến khi Đức Giêsu nghiêm nghị loan báo tình thế đã thay đổi, hoàn cảnh đã khác, vì thời của quyền lực tối tăm đã đến, và để đối phó, “Người bảo các ông: Ngày trước, “Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép”, “nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm, thì bán áo đi mà mua” (Lc 22,35.37), bởi dưới thời của quyền lực ma quỷ, chính “Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (Lc 22,37).
Như thế, một cách công khai, Đức Giêsu đã cho các tông đồ biết rõ: thời của quyền lực tối tăm sắp đến, và tất cả phải chuẩn bị, nhất là trang bị những gì cần thiết để đối phó. Và các ông đã chỉ hiểu khí giới quan trọng phải trang bị chính là gươm giáo, như các ông đã mạnh dạn nói với Ngài: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây” (Lc 22,38).
2/ Những gì xảy ra duới thời của quyền lực tối tăm?
Thưa là những cơn sóng thần Cám Dỗ:
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta chán ngán, mệt mỏi, mất nhuệ khí, nhiệt thành tông đồ như đã cám dỗ các tông đồ “buồn ngủ”, không còn tha thiết, sốt sắng gắn bó, ở với Đức Giêsu, khi Ngài qùy gối cầu nguyện với “cõi lòng xao xuyến, bồi hồi … và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,33).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta trở cờ, phản bội, giả hình với nhau, như đã gieo nghi ngờ vào lòng Giuđa, hối thúc ông bán Thầy, và tệ bạc hơn, là dùng nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu, là cách thức biểu hiện tình cảm sâu đậm, nồng nàn đối với người mình tin yêu làm dấu hiệu chỉ điểm bắt Thầy, đến nỗi Đức Giêsu phải cay đắng thốt lên: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta tìm đến Bạo Lực như sức mạnh có sức bảo đảm tối ưu, khi chúng ta bị tấn công, cũng như khi chúng ta tấn công người khác để dành phần thắng; lúc chúng ta bị dồn vào thế bí, đường cùng, cũng như lúc chúng ta bao vây, triệt hạ đối thủ, như một trong các tông đồ đã rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế (x. Lc 22,50).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta hèn nhát không dám bảo vệ sự thật một cách tồi tệ và lố bịch, như Phêrô, con người kiên cường, hùng dũng, bộc trực lại có thể nhu nhược, hèn nhát đến độ phải vội vã chối: không biết ông Giêsu, Thầy mình là ai trước những đầy tớ gái tò mò, rảnh rang, và “nhiều chuyện” trong sân dinh thượng tế Caipha (x. Lc 22, 54-60).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta trở nên tàn nhẫn, dã man với nhau như lang sói, để không một trò đấu tố, xỉ nhục, phỉ báng, tra tấn dù hạ cấp, đê tiện đến đâu mà không được tận dụng để lăng nhục, hành hạ nhau sát ván, như “những kẻ canh giữ Đức Giêsu đã nhạo báng đánh đập Người” (Lc 22, 63).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta gài bẫy, suy diễn, chụp mũ, bới móc, tố cáo, luận tội nhau một cách điệu nghệ, khéo léo, tài tình đến nỗi không ai có thể phân biệt đúng sai, thật giả, chánh tà, nhờ những thuật ngữ, xảo ngôn, khái niệm, luận cứ được đánh tráo, trá hình, như các chiêu trò dẫn dắt dư luận, ma mị quần chúng, ngụy tạo áp lực để buộc tội Đức Giêsu của các kỳ lục, thượng tế và kinh sư trước các toà án đạo đời (x. Lc 22, 66 -71 ; 23,1-23).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta sẵn sàng bán đứng nhau, coi nhau như những “con cờ thí” nên không chút ngại ngùng cắt đứt đường sống, và lấy đi mạng sống của nhau vì những lợi ích cỏn con có được từ những thoả hiệp hời hợt, chóng vánh, nhất thời như trường hợp vua Hêrôđê và quan tổng trấn Philatô: cả hai “đã bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù”, từ sau buổi hai bên “đẩy qua đẩy lại” Đức Giêsu (x. Lc 23,12).
Quyền lực tối tăm cám dỗ chúng ta bất công khi không dám bênh vực công lý, bất nhân khi không dám bảo vệ người vô tội, và bất chính khi nhượng bộ những điều gian ác, vì sợ mất chức, mất quyền, mất ảnh hưởng như Philatô đã “trao nộp Đức Giêsu cho những người đã cáo gian Ngài đem đi đóng đinh”, dù ông biết rất rõ Ngài vô tội và không làm điều gì phi pháp (x. Lc 23,13-25).
Thực vậy, Đức Giêsu đã bị quyền lực tối tăm khống chế, hãm hại, và chúng ta cũng chung số phận như Ngài, vì tôi tớ không hơn chủ, nên khi giờ của Hoả Ngục đến, khi thời của quyền lực tối tăm xuất hiện, chúng ta sẽ phải chịu vô vàn cám dỗ như Tin Mừng đã mặc khải và như Đức Giêsu đã khẳng định trước những người mang gươm giáo đi bắt Ngài: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”.
Một điểm cần chú ý, đó là thời của quyền lực tối tăm, tức là thời của ma quỷ cũng chính là giờ của những con người ác tâm, bởi ma quỷ cần con người để cám dỗ con người; ma quỷ cần khối óc con người để lên khuôn “mưu hèn kế bẩn” hãm hại con người; ma quỷ cần môi miệng con người để bới móc, lặng mạ, xỉ nhục, đấu tố con người; ma quỷ cần bàn tay con người để hủy diệt con người; và ma quỷ cần đôi chân con người để len lỏi vào nơi con người ở để gieo nghi ngờ, ganh ghét, gây hiềm khích, hận thù, tạo chia rẽ, diệt vong, bởi không mượn hình hài con người, ma quỷ khó cám dỗ được con người; không có được dáng mạo của con người, ma quỷ không dễ lừa phỉnh,chiêu dụ con người; không đội lốt, mang vỏ bọc tuyệt hảo của con người, ma quỷ không thể thành công trong kế hoạch chiếm đọat sự sống và hạnh phúc của con người.
3/ Khí giới nào phải trang bị duới thời của quyền lực tối tăm?
Các Tông Đồ trông cậy vào hai thanh gươm như vũ khí lợi hại để tự vệ và tấn công dưới thời của quyền lực tối tăm, nhưng khi quyền lực tối tăm đến,thì gươm giáo xem ra chẳng giải quyết được gì, bằng chứng là Đức Giêsu bảo: “Thôi, ngừng lại”, và đích thân “Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” (Lc 22, 51), vì Ngài không ủng hộ, cổ vũ bạo lực. Trái lại, Ngài căn dặn các tông đồ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” (Lc 22,40).
Cầu nguyện là khí giới quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn chúng ta sử dụng triệt để, vì không thời nào “sóng thần” cám dỗ nổi lên dữ dội bằng thời của quyền lực ma quỷ là những chuyên viên xúi dục, cám dỗ loài người.
Cầu nguyện “tìm và vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa” như Đức Giêsu đã “xin đừng theo ý con, mà là ý Cha” (Lc 22, 42); cầu nguyện để không ai trong anh em mất đức tin, như Đức Giêsu đã cầu nguyện cho Phêrô để Phêrô “khỏi mất lòng tin ( Lc 22,32); cầu nguyện “xin ơn tha thứ cho kẻ làm khổ mình” như Đức Giêsu trên Thánh Giá đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Với ánh sáng Cầu Nguyện, quyền lực tối tăm sẽ phải lùi bước, và thời của Hoả Ngục sẽ sớm qua đi.
Bên cạnh là khí giới “làm cho lòng tin của nhau thêm vững mạnh nhờ chân tình mưu tìm hạnh phúc cho nhau” như Đức Giêsu đã nói với Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32).
“Trở lại” đây chính là thống hối ăn năn sau khi chối Chúa (x. Lc 22,61), và “làm cho anh em vững mạnh” chính là củng cố niềm tin vào Đức Giêsu của mọi người bằng quan tâm và hy sinh bản thân mình vì hạnh phúc của anh em , như Đức Giêsu đã quan tâm đến tương lai của những người phụ nữ trên đường Thánh Giá khi nói với họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” (Lc 23,28-29); cũng như mở cửa hạnh phúc đời đời cho người gian phi cùng chịu đóng đinh, khi hứa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
Với ánh sáng Yêu Thương, quyền lực tối tăm sẽ không làm được gì, nhưng phải thất thủ, rút lui.
Tóm lại, chúng ta không thể tránh được ngày của ác nhân, thời của quyền lực tối tăm, ở đó tất cả cám dỗ đều quy về công tác phá vỡ sự Hiệp Nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, khởi đầu bằng gieo mầm chia rẽ ngay trong tâm hồn mỗi người, bởi ma quỷ là tên Cám Dỗ để con người mất lòng tin ở Chúa, và niềm tin ở nhau; đứa Xảo Quyệt để con người nghi ngờ, dị nghị; kẻ Tố Cáo để con người hận thù, bạo lực dẫn đến ly tan, hủy diệt.
Vì thế, vào ngày của ác nhân, đến thời của quyền lực tăm tối, chúng ta phải hết sức thận trọng, khôn ngoan để không sập bẫy chia rẽ của ma quỷ, nhưng giúp nhau tìm về ánh sáng của Cầu Nguyện và Yêu Thương, là hai thanh gươm có khả năng bảo vệ, gìn giữ và củng cố sự Hiệp Nhất trong Đức Tin của chúng ta, như ước nguyện của Đức Giêsu: “Tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21), bởi chỉ ở trong Chúa, chúng ta mới được bình an giữa giông tố thử thách (x. Ga 17,33); và chỉ nên một với nhau trong Chúa, chúng ta mới hưởng niềm vui Chúa hứa ban và niềm vui của chúng ta mới nên trọn vẹn (x. Ga 15,11)
Jorathe Nắng Tím