TMĐP- Để được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu”, người môn đệ không chọn cho mình hình dạng vinh quang trên núi Biến Hình, hoăc hình dáng yếu nhược, tiều tuỵ trên đường Thương Khó của Đức Giêsu, mà chỉ có thể chọn duy nhất một điều mà chính Chúa Cha đã phán: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
Tin Mừng Máccô ghi rõ: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Gioacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” (Mc 9, 2).
Nhưng sáu ngày sau biến cố nào, tình huống nào?
Đó là sáu ngày sau lần Ngài “gọi đám đông và các môn đệ lại và nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).
Quả thực, sau khi nghe những lời này, nhiều người đã bỏ Ngài, và nhiều môn đệ bắt đầu chán nản, chùn bước, vì điều kiện đi theo Ngài quá khó, quá gắt gao,và không mấy khả thi, bởi cho đến lúc này, không mấy người đã hiểu được sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu sẽ hoàn thành khi Ngài chịu treo trên Thánh Giá. Và đó là lý do Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín của mình lên núi và biến hình trước mặt các ông, để các ông tin Ngài là Con Thiên Chúa, và tin sứ vụ cứu thế của Ngài đến từ Chúa Cha.
Khi thấy Ngài biến hình sáng láng, bên cạnh có ông Êlia và Môsê là hai khuôn mặt rất lớn trong đạo, các môn đệ đã hốt hoảng, kinh hoàng, nhưng các ông chưa hoàn toàn tin Thầy mình là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhưng phải chờ đến lúc có tiếng từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7), các ông mới toàn tâm toàn ý tin Thầy mình là Con Thiên Chúa.
Niềm tin ấy đồng hành với các ông trên hành trình đi theo Đức Giêsu đến Canvê, ở đó, y phục Ngài không còn rực rỡ, nhưng bê bết máu và bị lính canh lột ra, bốc thăm với nhau; mặt Ngài không còn sáng láng, nhưng “tan nát chẳng ra người”, vì đòn vọt tra tấn làm biến dạng hình hài đến nỗi “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì đáng chúng ta ưa thích… Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn” (Is 52,14;53,2.3).
Niềm tin được củng cố trên núi Biến Hình đã đi theo các ông để nâng đỡ các ông giữa phong ba bão táp của nghi nan trên đường Thánh Giá của Thầy mình, khi Thầy “bị ngược đãi, xỉ nhục, nhưng chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông ” (Is 53,7); để an ủi các ông khi ngước nhìn Thầy mình trần truồng trên Thánh Giá “bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề” (Is 534), bị Thiên Chúa bỏ rơi, không lên tiếng đáp lời người con vâng phục, người tôi tớ trung tín khi Ngài nức nở nghẹn ngào giờ hấp hối: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”.
Chính niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa, và là Con yêu dấu của Chúa Cha trên núi Biến Hình vinh quang đã giúp các môn đệ tin Đức Giêsu là con người thật khi Ngài chịu đau khổ, và chết như con người. Cũng chính niềm tin vào Đức Giêsu sáng láng trong hào quang của thiên đàng trên núi Biến Hình, mà các môn đệ mới có thể tin Ngài đã sống lại thật như lời Ngài đã phán hứa, khi Ngài hiện ra với các ông sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Tóm lại, biến cố tỏ mình là Thiên Chúa trên núi Biến Hình đã giúp các môn đệ tin vào mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa ở giữa loài người để yêu thương và cứu độ loài người.
Vâng, Thiên Chúa làm người ấy, để cứu chuộc chúng ta, ” đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.., đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm”(Is 53,4.5). Ngài đã trở nên của lễ vâng phục của cha con Ápraham – Ixaác, của lễ “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) của chính Ngài là Con Một vô cùng yêu dấu của Thiên Chúa Cha.
Tất cả ở Ngài là vâng phục thánh ý Chúa Cha, luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, mãi mãi thực thi ý muốn của Cha Ngài từ đỉnh vinh quang trên núi Biến Hình, ở đó có hai khuôn mặt lớn của Cựu Ước đến đàm đạo, có tiếng âu yếm của Chúa Cha, có môn đệ say mê chiêm ngưỡng và xin được dựng lều cho Ngài ở đến tận cùng ô nhục, tức tưởi, bị bỏ rơi trên Thánh Giá, không một ai đoái hoài, kể cả Thiên Chúa, Cha Ngài.
Vì thế, để được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu”, người môn đệ không chọn cho mình hình dạng vinh quang trên núi Biến Hình, hoăc hình dáng yếu nhược, tiều tuỵ trên đường Thương Khó của Đức Giêsu, mà chỉ có thể chọn duy nhất một điều mà chính Chúa Cha đã phán: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
Vâng lời Đức Giêsu là trở nên giống Đức Giêsu, vâng phục Đức Giêsu là nên một với Đức Giêsu, vâng nghe Đức Giêsu là làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha, vì Đức Giêsu đã đến thế gian chỉ để vâng lời và thực thi ý muốn của Cha Ngài trên trời như chính Ngài đã nhiều lần khẳng định, xác tín: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
Ước gì chúng ta không chỉ say mê chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa của Đức Giêsu trên núi Biến Hình, mà còn dám chiêm ngưỡng hình hài Con Người tan nát, tả tơi của Ngài trên đồi Canvê, vì Ngài là “Thiên Chúa làm người” đã tuyệt đối vâng lời cho đến chết, để trở thành Của Lễ đền tội mỗi người chúng ta.
Jorathe Nắng Tím