TMĐP- Đức Phanxicô không có tài sản vật chất, thì ngược lại, ngài đã để lại một di sản vĩ đại cho thế giới và Giáo Hội.
Bạn có biết tài sản Đức Thánh Cha Phanxicô để lại là bao nhiêu không? Chắc bạn sẽ giật mình như tôi khi biết chỉ có 100 đôla.
Của cải để lại vỏn vẹn 100 đô la,vì suốt đời ngài chọn sống nghèo. Mười hai năm trong ngôi vị giáo hoàng, ngài không nhận một đồng lương nào, lợi nhuận từ những cuốn sách ngài viết được dùng hết vào việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo, và để tránh tốn kém cho Giáo Hội, ngài đã tự lo liệu chi phí đám tang của mình, bằng xin một ân nhân tài trợ và căn dặn trong di chúc: “Mộ phần của tôi phải ở hẳn trong lòng đất, đơn giản, không có gì trang trí đặc biệt, và chỉ được khắc dòng chữ duy nhất: Franciscus”.
Quả thực, Đức Phanxicô đã chọn sống nghèo, vì yêu người nghèo, vì muốn ở bên cạnh và đồng hành với người nghèo để chia sẻ với họ mọi cay đắng, tủi nhục, thống khổ của thân phận nghèo. Không chỉ sống nghèo như anh chị em nghèo, ngài còn muốn được chết và chôn cất như người nghèo. Vì thế, khi rời bỏ cuộc sống trần gian để về với Cha trên trời, Đức Phanxicô đã không có tài sản kếch xù hay tài khoản rải rác đó đây, nhưng đã nhẹ nhàng, thanh thản ra đi với đôi bàn tay trắng và tấm lòng thanh của con người thánh đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và cống hiến tất cả cho người nghèo.
Nhưng nếu Đức Phanxicô không có tài sản vật chất, ngoài 100 đôla để lại, thì ngược lại, ngài đã để lại một di sản vĩ đại cho thế giới và Giáo Hội.
Cho thế giới, ngài để lại tấm gương ngời sáng của lòng khiêm tốn luôn sẵn sàng quên mình, xóa mình, bỏ mình vì hạnh phúc của tha nhân, vì lợi ích của cộng đồng. Là Giáo Hoàng với danh dự, vinh quang đầy mình, nhưng chẳng ngại quỳ xuống hôn chân những người không ngang tầm với mình, vì muốn giao hòa mọi người với nhau trong công lý hòa bình.
Cũng cho thế giới, ngài để lại di sản nhân bản là tấm lòng thương cảm đối với những người phải bỏ quê hương vì chiến tranh, vì đói khát và tha phương tỵ nạn, và không ngừng tha thiết kêu gọi thế giới chung tay, mở lòng tranh đấu cho quyền sống, quyền làm người của khối di dân, tị nạn là những con người khốn khổ của thời đại đang chịu nhiều thử thách cam go, nghiệt ngã giữa một thế giới quay cuồng, điên đảo với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kỳ thị chủng tộc, với chủ trương, chính sách bài ngoại ngày càng được nhiều người cổ vũ, ủng hộ.
Cho Giáo Hội là đoàn chiên Đức Kitô trao phó cho ngài chăn dắt, Đức Phanxicô đã để lại một di sản thiêng liêng là tâm tình và thái độ tôn trọng những con người bị xã hội khinh miệt, nguyền rủa, tảy chay, cô lập, xa lánh. Họ là những tù nhân, những người đồng tính, chuyển giới, và những người không nhà cửa, việc làm…, bởi tất cả chúng ta đều yếu đuối, mỏng dòn và có thể vấp ngã bất cứ lúc nào, nên không có lý do cho mình quyền đứng trên người khác, vượt trội hơn người khác, thánh thiện, hoàn hảo hơn mọi người khi lên án, xét xử, trừng phạt anh chị em cũng cùng phận người yếu đuối như mình.
Khi dẫn đưa Giáo Hội vào con đường nghèo khó, bao dung, thương xót, lắng nghe, đối thoại và chia sẻ của Đức Giêsu, Đức Phanxicô đã bị nhiều người, nhiều nhóm ngay trong lòng Giáo Hội nặng lời công kích, vì những người này chủ trương mở mang bờ cõi một Giáo Hội giàu có, quyền lực, có nhiều ảnh hưởng theo kiểu thế gian. Họ cần một Giáo Hội mạnh vì tiền, khỏe vì thế lực, sang trọng nhờ hư danh. Họ chọn một Giáo Hội càng nặng nề cơ chế bao nhiêu càng dễ khống chế, thống trị bấy nhiêu, và họ rất thích, rất chuộng một Giáo Hội cùng lúc vừa khéo ma mị dụ dỗ, vừa biết dọa nạt đoàn chiên để thu vén tư lợi.
Để có được di sản thiêng liêng là ngọn lửa hy vọng bùng lên giữa lòng Dân Chúa những năm trong ngôi vị và trọng trách Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã đau khổ rất nhiều. Đau khổ vì tinh thần thế tục đã len lỏi khá sâu trong hàng ngũ những người được mệnh danh là “Đấng Bậc”; đau khổ vì những canh tân như những đòn bẩy không cho đàn chiên ở lì trong pháo đài tự mãn, ích kỷ của ngài đã làm phiền phức và gây bưc bội cho nhiều thành phần trong Dân Chúa. Đặc biệt những chọn lựa mang tính đột phá, những cải cách, sửa đổi bất ngờ của ngài đã làm sốc không ít những con người bảo thủ, và làm rung chuyển những tường thành kiên cố của chủ nghĩa lọai bỏ, khai trừ những người không cùng phe nhóm.
Vâng, hôm nay thì không ai còn nghi ngờ ảnh hưởng lớn lao và sâu rộng của Đức Thánh Cha Phanxicô trên toàn thế giới và trong Giáo Hội. Ngài thực là người nghèo của Thiên Chúa, bạn thân của thế giới người nghèo, chủ chăn dành hết tình yêu cho những chiên đau bệnh, những chiên yếu đuối, lỡ bước, xa đàn.
Chính vì nghèo, Đức Phanxicô đã làm giàu thế giới bằng di sản tinh thần của ngài là tình người, lòng tôn trọng những người bị bỏ rơi, kỳ thị, giữ gìn ngôi nhà chung nhân loại, trân qúy và xây dựng tình liên đới giữa các quốc gia cho nền hòa bình lâu dài, bền vững. Cũng chính nhờ nghèo, ngài đã làm giàu Dân Chúa bằng di sản thiêng liêng của ngài là luôn khiêm tốn nhận mình cũng là tội nhân như bao người khác và sống niềm hy của người lữ hành không ngừng tiến về phía trước, theo chân Đức Giêsu với trái tim từ bi nhân hậu luôn biết chạnh lòng trước bất hạnh của anh chị em.
Ở bên Chúa trên thiên đàng, xin Đức Thánh Cha nhớ đến chúng con là đoàn chiên của ngài .
Jorathe Nắng Tím
