TMĐP- Mọi thần dân đều nhận được ơn Bình An của Đức Giêsu – Vua nhân hậu, như lời Ngài phán “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27), Bình An mà thế gian không ban được, vì “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27), như Vương Quốc của Thầy không thuộc về thế gian này.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn được mô tả và trình bày như một vị vua “mặc oai phong tựa cẩm bào, lấy dũng lực làm cân đai. Ngai vàng kiên cố tự ngàn xưa, thánh chỉ muôn đời bền vững, nơi đền vàng rực rỡ hào quang thánh thiện triền miên qua mọi thời” (Tv 92, 1.2.5).
Sở dĩ hình ảnh đức vua lẫm liệt, oai hùng là hình ảnh nổi bật trong Kinh Thánh Cựu Ước vì người Do Thái luôn phải đối đầu với các dân tộc có vua, nên Đức Chúa họ tôn thờ phải cao hơn tất cả các vua, phải là “Vua muôn vua ”như ngôn sứ Đanien đã thị kiến về Đức Giêsu, vua vũ trụ: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa; có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trnìh diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7, 13-14).
Bước qua thời Tân Ước, hình ảnh Đức Giêsu vua được trình bày như “Đấng được xức dầu”, con vua Đavít, Đấng Thiên Sai mà toàn dân mong đợi để tái lập vương quốc Ítraen, quy tụ con dân từ khắp nơi, và vương quyền của Ngài vĩnh cửu vì Ngài là Khởi Nguyên và Tận Cùng (x. Kh 1, 8)
Sự khác biệt ở đây, chính là hình ảnh Đức Giêsu vua trong Tân Ước không còn giữ nguyên bản hình ảnh vua của Cựu Ước khi “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1, 5-6).
Sự khác biệt này còn rõ nét qua cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và quan tổng trấn Philatô, người ngồi ghế quan toà xét xử Đức Giêsu, khi “người Do Thái điệu Ngài từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn” (Ga 18,28). Trả lời câu hỏi của quan Philatô: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”, Đức Giêsu khẳng định sự khác biệt giữa vương quyền của Ngài và vương quyền của các vua chúa thế gian: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36):
Không thuộc về thế gian, nên tuy là Vua, nhưng vương quốc của Đức Giêsu không cùng bản chất với các vương quốc khác, vì là Vương Quốc của Thiên Chúa.
Không thuộc về thế gian, vì vương quốc của Thiên Chúa do Thiên Chúa thiết lập với Hiến Chương Nước Trời là con đường Hạnh Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường, cho người sầu khổ , bất hạnh, bị hàm oan, vu khống, bách hại, cho người khát khao nên người công chính, xây dựng hoà bình và có lòng thương xót. Và hạnh phúc được Thiên Chúa hứa ban ấy chính là Nước Trời, Đất Hứa, được Thiên Chúa ủi an, được làm con và được thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,3-12).
Vì không thuộc về thế gian, nên Nước Thiên Chúa không theo đường lối cai trị của vua chúa, lãnh tụ thế gian “dùng uy mà thống trị dân, lấy quyền mà cai quản dân, nhưng “ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ, ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ ” vì đường lối của Vương Quốc Thiên Chúa là yêu thương phục vụ (x. Mt 20,24-28).
Vì không thuộc về thế gian, nên Nước ấy không chịu bất cứ áp lực nào của thế gian khống chế, nhưng tự do làm chứng Sự Thật, vì Sự Thật đến từ Thiên Chúa,và Đức Giêsu, Vua của vương quốc này chính là “Đường, Sự Thât và Sự Sống” (Ga 14,6), “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), Đấng đã công khai xác nhận trước mặt quan Philatô: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian với mục đích: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phiá sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Vì không thuộc về thế gian, nên những gì Nước ấy tìm kiếm đều thuộc về Thiên Chúa, như “Danh thánh Chúa ở trên trời được vinh hiển, triều đại Thiên Chúa mau đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 5,9-10), cũng như phần thưởng đợi chờ là hạnh phúc được chiêm ngắm Thiên Chúa, được ở với Ngài, được Nước Trời làm gia nghiệp (x. Mt 5, 3-12).
Vì không thuộc về thế gian, nên Nước Thiên Chúa không cần binh hùng tướng mạnh, mạng lưới an ninh, hay cơ sở kinh tế, kinh tài, nhưng đón nhận những tâm hồn nghèo khó để có chỗ cho Thiên Chúa, những tâm hồn trong sạch để được thấy Thiên Chúa, những trái tim bao dung, thương xót để được Thiên Chúa xót thương cứu độ, những tấm lòng khiêm tốn, hiền hoà để sống đời công chính và cùng mọi người xây dựng hoà bình (x. Mt 5,3-12).
Vì không thuộc về thế gian, nên đường lối được coi là khôn ngoan, sức mạnh được coi là bách chiến bách thắng của các nước thế gian không là chọn lựa của Nước Thiên Chúa, bởi Đấng mà Nước Trời rao giảng là “Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Cr 1, 23-25).
Vì thế, những công dân của Nước Trời thường bị người đời coi là điên dại, khi họ yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ hàm oan, vu khống, ngược đãi, bách hại họ (x Mt 5,44); những con dân của Nước Thiên Chúa thường bị nhìn như những người ngu dốt, khờ khạo khi yêu thương, phục vụ người nghèo khó, yếu đuối, hèn mọn không mang lại bất cứ mối lợi nào cho họ, nếu không phải là những rắc rối, phiền phức, rủi ro, nguy hiểm; những thành viên của Vương Quốc Thiên Chúa ở đâu và thời nào cũng bị coi là nhu nhược khi thứ tha vô điều kiện, và quảng đại chia sẻ, sẵn sàng hy sinh nhận về mình những thiệt thòi, thua lỗ, vì ích chung và hạnh phúc của tha nhân (x. Mt 5, 38-42).
Tóm lại, vì không thuộc về thế gian, nên Vương Quốc của Đức Giêsu có Hiến Chương Nước Trời, có Giới Luật Yêu Thương của Thiên Chúa, có Lãnh Thổ là Đất Hứa đời đời, có Cùng Đích tuyệt đối, có Phần Thưởng vô cùng, và Tương Lai hằng phúc là chính Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Vì thế, muốn trở thành công dân của Vương Quốc ấy, người được kêu gọi phải vượt qua rất nhiều rào cản của “vương quốc thế gian” là những tham vọng bá quyền, bá chủ, những sôi sục tìm kiếm quyền lực thống trị, những mưu đồ trục lợi bất công, bất chính để mặc lấy “niềm hy vọng” thuộc về Vương Quốc có Đức Giêsu là Thiên Chúa, và là Vua Tình Yêu, Đấng tự nguyện trở nên tôi tớ, và chết cái chết của tội nhân để xóa sạch mọi lỗi lầm của con người tội lỗi.
Và trong Vương Quốc ấy, mọi thần dân đều nhận được ơn Bình An của Đức Giêsu, Vua nhân hậu như lời Ngài phán “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27), Bình An mà thế gian không ban được, vì “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27), như Vương Quốc của Thầy không thuộc về thế gian này.
Jorathe Nắng Tím