Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

ĐỨC GIÊSU, NGÔI LỜI CỦA THIÊN CHÚA | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên, Năm B                       

Lắng nghe tiếng Chúa  không chỉ là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa, và làm môn đệ Ngài, mà còn là ước mơ của Thiên Chúa như lời thánh vịnh: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 94,7).

Thiên Chúa ước mơ chúng ta nghe tiếng Ngài, vì lời Ngài ban sự sống và hạnh phúc đời đời; vì lời Ngài là ánh sáng chiếu soi, dẫn dắt chúng ta vào Vương Quốc tình yêu; vì lời Ngài làm trái tim chúng ta chứa chan niềm vui hy vọng  trên hành trình dương thế.

Để giúp con người nhận ra và lắng nghe tiếng Ngài, Thiên Chúa cho xuất hiện giữa loài người vị ngôn sứ Ngài chọn. Ngài đặt lời của Ngài trong miệng người ấy như Ngài phán: “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Đnl 18, 18-20).

Như thế, sứ vụ của ngôn sứ không dễ, vì phải nói lời Thiên Chúa, và chỉ nói lời Thiên Chúa truyền dạy, mà  không được lợi dụng vị thế và uy tín ngôn sứ để nói lời của  riêng mình, của ai đó, hoặc của các thần dân ngoại.

Vì phải nói với mọi người lời của Thiên Chúa, nên chính Thiên Chúa sẽ dạy bảo ngôn sứ phải nói gì, nói thế nào, nói lúc nào, nói ở đâu, nói cho ai. Do đó, ngôn sứ sẽ không phải lo lắng gì, không sợ hãi ai, như Môsê đã không sợ hãi, lo lắng khi đứng trước Pharaô của Ai Cập và nói điều Thiên Chúa truyền cho ông nói trong buổi hội kiến đầu tiên với Pharaô: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítaen, phán thế này: Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc” (Xh 5,1).

Nhưng khi Đức Giêsu đến trong thế gian, thì chính Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa.

Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã làm “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22).

Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã cất lời quát mắng quỷ câm và ra lệnh cho nó phải xuất khỏi người bị thần ô uế nhập đang la lên trong hội đường, nơi Ngài giảng dạy: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi : Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1, 24) để mọi người nhận biết Lời của Ngài là Lời tạo dựng, Lời chữa lành, Lời cứu sống, Lời xua đuổi ma quỷ, Lời  truy diệt thần dữ như những người Do Thái có mặt đã trầm trồ thán phục: “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1, 27), vì chính Ngài là Ngôi Lời toàn năng.

Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chữa nhạc mẫu ông Simôn, và nhiều người đau ốm khác, cả người phong hủi quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”, Đức Giêsu cũng đã  giơ tay đụng vào người anh và nói: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. Lập tức, chúng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch!” (Mc 1,40-41).

Thánh sử Marcô ngay chương đầu của Tin Mừng đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Ngôi Lời và Lời của Ngài đầy uy quyền và sức mạnh chữa lành, cứu độ qua các phép lạ Ngài làm. Nói cách khác: trong Chúa Thánh Thần, những lời của Đức Giêsu không đơn thuần là lời giảng dạy, nhưng  trở nên sự kiện, biến cố, nghĩa là  “Ngài nói và làm”, lời Ngài nói hiện thực  sống động.

Thực vậy, là Ngôi Lời, Đức Giêsu đã không giảng dạy như các kinh sư, nghĩa là không chỉ nói, mà không làm, chỉ bảo ban mà không sống điều mình chỉ dạy, nhưng Ngài nhập thể, nhập thế để là Ngôi Lời cứu độ loài người  không chỉ bằng lời giảng dạy, mà còn bằng toàn thể đời sống của mình: từ lúc sinh ra khó nghèo trong máng cỏ, lớn lên ẩn dật ở thôn nghèo Nadarét, cho đến những ngày cuối đời chịu nạn,  chịu vác Thánh Giá, chịu đóng đinh trần truồng, và chết tức tưởi trên đồi Canvê như một  phạm nhân trọng tội đáng bị nguyền rủa và loại khỏi xã hội loài người.

Vâng, được nhận ra Đức Giêsu là Ngôi Lời, chúng ta sẽ không còn khép chặt cửa lòng và trái tim sẽ không còn cứng cỏi trước tiếng Chúa, như dân Do Thái ngày xưa ở Mơriva hay Maxa trong sa mạc (x. Tv 94,8), đến nỗi Đức Chúa phải thốt lên: “Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán” (Tv 94,10), nhưng ngày đêm  lắng nghe tiếng Chúa, như cậu bé Samuen trong Đền Thờ đêm nào đã tỉnh thức lắng nghe tiếng Chúa gọi tên mình và mau mắn thân thưa: “Xin Ngài phán dạy, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3,10).

Jorathe Nắng Tím 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...