TMĐP- “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2,17), và hành động của đức tin, chính là đức ái. Xin Đức Giêsu là Nguồn Sống Mới ban cho chúng ta Đức Tin sống động được từng ngày lớn lên và toả sáng trong Đức Ái.
Các bài đọc của chúa nhật đều xoay quanh sự chết thuộc thân phận của con người, vì làm người, ai cũng phải chết, đồng thời hướng về Đức Giêsu, nguồn sống mới của nhân loại, nhờ sự chết và phục sinh của Ngài.
1/ Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được sống:
Trong chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa, con người được tạo dưng giống hình ảnh Ngài (St 1). Vì giống Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, hằng sống, nên con người không được tạo dựng để chết, nhưng để sống với Thiên Chúa. Vì thế, sự chết tưởng là một chuyện tự nhiên, sẵn có từ buổi đầu tạo dựng, nhưng thực ra, chết là một tai ương, tai nạn do tội lỗi đã gây ra cho con người, khi nguyên tổ loài người phạm tội, như sách Khôn Ngoan khẳng định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14). “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì qủy dữ ganh tị, mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai đứng về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24).
2/ Thiên Chúa chạnh lòng thương và cứu sống con người:
Đó là chương trình Cứu Sống, kế tiếp chương trình Tạo Dựng, vì con người đã tự lao mình vào cái chết, khi bất tuân lệnh Thiên Chúa, để tội lỗi tràn vào thế gian. Chương trình Cứu Sống này được thực hiện bởi Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô.
Tin Mừng Máccô kể lại nhiều người được Đức Giêsu cứu sống, như “có một ông trưởng hội đường tên là Giaia” đã nài xin Đức Giêsu: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu; để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5,23); cũng như có một bà bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5,25-28).
Trước lòng tin của ông trưởng hội đường, dù con gái ông đã chết khi Đức Giêsu còn trên đường đến nhà ông ta. Ngay khi vào nhà, Ngài đến tận giường người chết đang nằm, “cầm lấy tay nó và nói: “Talithakum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi” (Mc 5,41-42). Còn người đàn bà bị băng huyết, Đức Giêsu đã nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).
3/ Tin vào Đức Giêsu là điều kiện để được cứu sống:
Cha của em bé được cứu sống, cũng như người đàn bà được chữa lành đều được Đức Giêsu tuyên dương lòng tin, bởi chính lòng tin vào Ngài đã làm nên phép lạ cứu sống, chữa lành, như chính Ngài đã khẳng định: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Nhưng thế nào là tin vào Đức Giêsu?
Tin vào Đức Giêsu không như tin vào một sự kiện, một cái gì xảy ra thật, như người ta tin vào một biến cố lịch sử, một câu chuyện thấy tận mắt, nghe tận tai, nhưng là tin vào một con người Thiên Chúa, và niềm tin này tạo nên một tương quan thiết thân, sống động giữa Đức Giêsu và cá nhân người tin.
Vì thế, không có đức tin mông lung, tổng qúat, chung chung, đổ đồng, nhưng đức tin đòi cảm nghiệm của bản thân về tương quan với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, kinh nghiệm tương quan mà chỉ những ai thiết tha gắn bó với Đức Giêsu mới có thể sâu sắc cảm nghiệm.
Chúng ta hãy quan sát người đàn bà bị băng huyết được Đức Giêsu chữa lành trong Tun Mừng chúng ta vừa lắng nghe: Lúc đầu, bà tin bằng một niềm tin dân gian, mang tính “mê tín, hên xui may rủi”, chưa hoàn hảo và còn xa đức tin mà Thiên Chúa muốn. Đức tin khởi đầu của bà còn ở tình trạng vô danh, và vật chất, khi bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5,28).
Bà nghĩ tin như thế cũng đã đủ để được chữa lành, và bà được chữa lành, vì “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (Mc 5, 29). Nhưng Đức Giêsu không cho phép đức tin của bà dừng lại ở đó, vì Ngài không muốn đức tin của bà chỉ quanh quẩn ở lòng tin phảng phất mê tín, cầu may. Trái lại, Ngài muốn hành trình đức tin của bà phải dẫn bà vào tương quan cá nhân thân thiết với Ngài, và chính Ngài đã đưa tay cho bà nắm để dẫn bà vào đức tin đích thực là tương quan cá nhân với Ngài, khi lên tiếng hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?”, để bà được “nói hết sự thật với Người”, và được nghe Người âu yếm nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,31.33-34).
4/ Đức Tin được lớn lên nhờ việc làm của đức ái:
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8) nên chỉ trong tình yêu và với tình yêu, chúng ta mới vào được trong tương quan với Thiên Chúa; chỉ nhờ tình yêu, chúng ta mới thiết lập được quan hệ thiết thân với Thiên Chúa. Nói cách khác, đức tin là tương quan thiết thân giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa, và tương quan này chỉ có thể thiết lập được bằng tình yêu.
Thánh Giacôbê đã quả quyết: “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2,17), và hành động của đức tin, chính là đức ái: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24), như Rakháp, cô gái điếm đã được nên công chính, vì đã niềm nở đón tiếp các sứ giả của Chúa và đưa họ đi lối khác (x. Gc 2,25).
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô cũng nhắn nhủ: hãy trổi vượt về lòng bác ái, quảng đại, vì bác ái, quảng đại là dấu hiệu chính xác của đức tin sâu sa, kiên vững, bởi khi bác ái chia sẻ, quảng đại trao ban, chúng ta đóng góp vào công trình bảo vệ, phát triển sự sống con người, sự sống mà Thiên Chúa luôn trân quý, giữ gìn, cứu chữa. Vì thế, Giáo Hội hằng thôi thúc người Kitô hữu hăng hái dấn thân trong các tổ chức từ thiện, làm những công việc cứu tế người hoạn nạn, thiếu thốn, bệnh tật, thất học để nâng cao đời sống con người là điều Thiên Chúa hằng mong đợi ở người môn đệ.
Xin Đức Giêsu là Nguồn Sống Mới ban cho chúng ta Đức Tin sống động được từng ngày lớn lên và toả sáng trong Đức Ái, như lòng Chúa mong ước ở những người muốn đi theo làm môn đệ Ngài.
Jorathe Nắng Tím