TMĐP- Đức Khôn Ngoan mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta, chính là Đức Khôn Ngoan của Từ Bỏ.
Những nuối tiếc, hối hận làm ray rứt con người hơn cả, nhất là khi về già, chính là những chọn lựa và quyết định thiếu khôn ngoan, những hành vi dạo dột, thái qúa bất cập, và thiếu chuẩn mực của mình trong quá khứ, bởi càng sống, người ta càng cảm nhận đức khôn ngoan thực “quý hơn trân châu bảo ngọc”, chẳng gì sánh được, “vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi” (Kn 7, 9).
Thực vậy, Đức Khôn Ngoan quý hơn cả “sức khoẻ và sắc đẹp”, “vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi” (Kn 7, 10.11). Nhưng đâu là Đức Khôn Ngoan mà Thiên Chúa muốn ở con người? Đâu là Đức Khôn Ngoan làm cho chúng ta được trở nên “bạn hữu với Thiên Chúa, và được Ngài tin cậy ” (Kn 7, 14) ?
Thánh Phaolô trả lời cho cộng đoàn tín hữu Do Thái: Đó là Lời Thiên Chúa, vì là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4,12. Theo thánh nhân, Lời Thiên Chúa giúp chúng ta nhận định rõ vấn đề, phân tích ngọn ngành, đến nơi đến chốn và phân định chính xác để đúng đắn chọn lựa.
Sở dĩ Lời Chúa ban ơn khôn ngoan cho chúng ta trong mọi lựa chọn, vì tất cả con người của ta được lộ nguyên hình trước ánh sáng của Lời Chúa, như thánh nhân quả quyết: “Không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bầy trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4, 13).
Chính vì được phơi bày trần trụi trước Lời Chúa, mà những bóng tối thành kiến, thiên kiến, những mảng tối ích kỷ, tham lam, ganh ghét, thù hận trong chúng ta được ánh sáng Lời Chúa xua đuổi, quét sạch, để chúng không ảnh hưởng trên phân định và chọn lựa của chúng ta, nhờ thế, chúng ta có sự khôn ngoan khi phân định, khôn ngoan khi chọn lựa, khôn ngoan khi hành động.
Qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta không khôn ngoan, phần lớn vì đã kiêu căng, tìm danh vọng, quyền lực, và ích kỷ, tham lam, đố kỵ, hận thù; chúng ta thiếu khôn ngoan vì đã không đủ yêu thương tha thứ, không đủ quảng đại chia sẻ, không đủ kiên trì chịu đựng, và nguyên nhân đưa đến những “thiếu khôn ngoan, không khôn ngoan” ấy, chính là vì Lời Chúa là Ánh sáng đã không chiếu sáng tâm trí, Lời Chúa là sự sống đã không nuôi dưỡng tâm hồn, Lời Chúa là Nguồn Vui, Hy Vọng đã không làm tươi trẻ đời sống chúng ta.
Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan để người môn đệ đi theo Ngài nhận ra: đâu là mục đích của đời mình, đâu là cùng đích của đường đời, đâu là bến bờ sẽ phải đạt tới?
Khi hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17), người thanh niên giàu có đã nói lên mục đích tối hậu của đời người là được sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Hơn nhiều người, anh đã biết: chỉ sự sống đời đời mới là gia nghiệp đích thực, mới là Hạnh Phúc vĩnh cửu mà con người đi tìm trên hành trình cuộc sống.
Khi trả lời anh, Đức Giêsu cũng khẳng định Nước Trời là mục đích tối hậu con người phải tìm đạt tới khi nói với anh và những người có mặt: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 1, 21). Điều này đồng nghĩa với điều kiện để đi theo làm môn đệ Ngài.
Như thế, Đức Khôn Ngoan mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta, chính là Đức Khôn Ngoan của Từ Bỏ, như Đức Giêsu “vốn dĩ là Thiên Chúa” “nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nõi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6. 7-8).
Đức Khôn Ngoan ấy chắc chắn không phải sự khôn ngoan của loài người, bởi Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không đi tìm những sự thế gian tìm, không mơ ước những điều thế gian mơ ước. Trái lại, những gì bị coi là “điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất” lại là khôn ngoan “đối với những người được cứu độ” (x. 1 Cr 1,18), và thánh Tông Đồ dân ngoại quả quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa . Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 22-25).
Chính vì nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của loài người, và vực thẳm khó vượt qua của người giàu không biết từ bỏ đã được Đức Giêsu so sánh: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,25) mà các môn đệ đã sửng sốt thưa với Ngài: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10,26).
Vâng, “thật khó biết bao!” (Mc 10, 24), vì “đối với loài người thì không thể được” (Mc 10, 27), với sự khôn ngoan của loài người thì chẳng bao giờ đạt tới Thiên Chúa, hay vào được Nước Trời, nhưng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”, vì Đức Giêsu chịu đóng đinh chính là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 24), bởi Ngài “đã cam chịu tử hình, đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ” (Dt 2, 9), là mục đích tối hậu của Đức Khôn Ngoan nơi những người lắng nghe Lời Chúa hằng thao thức, khao khát kiếm tìm.
Jorathe Nắng Tím