Đức Mẹ

ĐỨC MARIA, NGƯỜI CÓ TÂM HỒN  NGHÈO KHÓ | Suy Niệm Lễ Mừng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

TMĐP – Đức Maria, Mẹ chúng ta nghèo khó tận đáy lòng, nghèo khó từ trong trái tim nên Thiên Chúa đã làm tràn đầy Mẹ sự giàu có vô cùng của Ngài, mà ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là của cải và phần thưởng tuyệt vời cao quý, duy nhất một mình Mẹ đã được Thiên Chúa thương ban.

Mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm nay, giữa cảnh đất nước khó khăn không chỉ vì đại dịch, mà còn vì thiên tai lũ lụt, và tâm trạng hoang mang, hoảng sợ trước tương lai bấp bênh, mịt mờ của phần đông đồng bào trong nước, con không muốn tôn vinh Mẹ qua những tước hiệu Nữ Vương mà Mẹ luôn xứng đáng, nhưng  con chỉ muốn chiêm ngưỡng tâm hồn nghèo khó của Mẹ và ngợi khen Mẹ là người nghèo của Thiên Chúa.

1/ Mẹ là người phúc đức vì Mẹ có tâm hồn nghèo khó:

Trước khi là người đầy ơn phúc, vì đã tin, như lời chị họ Êlisabét nói với Mẹ khi Mẹ đến thăm: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45), thì Mẹ đã  là người phúc đức  vì có tâm hồn nghèo khó, và qủa thực , Mẹ đã sống triệt để  mối phúc thứ nhất của Tám Mối Phúc Thật là “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Thân thế đối với xã hội nghèo đã đành, nhưng tinh thần của Mẹ trong tương quan với Thiên Chúa còn nghèo đến tận cùng. Bằng chứng là Mẹ đã nhận mình thuộc “phận nữ tỳ hèn mọn” luôn mong được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới  (x. Lc 1,48). Cuộc sống nghèo của gia đình Mẹ là điều không thể chối cãi, nhưng tâm tình sâu thẳm đối với Thiên Chúa của Mẹ còn trăm lần nghèo hơn được biểu hiện qua lòng kính sợ của người khiêm nhu, nghèo đói được Thiên Chúa ban cho đầy dư của Mẹ (x. Lc 1,52-53)

2/ Mẹ đón nhận tất cả, vì tâm hồn Mẹ nghèo khó:

Khi tâm hồn đầy ắp, không còn chỗ trống thì người ta không  thể đón nhận thêm những gì được người khác cho, nên dễ hiểu khi Đức Giêsu nói: “người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19,23).

Khó vào Nước Thiên Chúa không phải vì có “tiền rừng bạc bể ” gửi ngân hàng, đầu tư khắp nơi, kinh doanh đủ thứ, nhưng khó  vì tâm hồn bị tiền bạc trấn đóng, không còn chỗ cho Thiên Chúa và tha nhân; khó vì trí khôn bị vật chất hoàn toàn chế ngự, ý chí hoàn toàn bị  của cải khuynh đảo, và trái tim bị tê liệt, mất hết khả năng cảm thương, chạnh lòng trước khốn quẫn, đau khổ của anh em.

Đức Giêsu cũng nghiêm khắc cảnh báo nguy hiểm của tiền bạc, khi nói với các môn đệ: “Không ai có  thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24) nên người giàu khó có thể đón nhận và trung thành với ai  bởi một khi mê man của cải rồi, thì trí họ chỉ còn nghĩ đến tiền bạc, tim họ chỉ còn nhạy cảm trước của cải, và ý chí họ mất hết khả năng lựa chọn những gì không phải là vật chất.

Ở đây, chúng ta cần hiểu rộng hơn ý nghĩa của hai chữ “của cải”. Của cải phải được hiểu như tất cả những gì chúng ta say mê tìm kiếm và chiếm hữu, nên không chỉ là của cải vật chất, mà bao gồm cả của cải tinh thần như danh tiếng, tên tuổi, công trạng, thế lực, ảnh hưởng ….

Mẹ Maria của chúng ta nghèo khó tận đáy lòng, nghèo khó trong tâm hồn, nghèo khó với cả trái tim, nên ở Mẹ luôn có chỗ cho Thiên Chúa, cho mọi người dù người ấy là ai: thánh thiện hay tội lỗi, đạo đức hay sa đọa, mạnh khỏe hay đau yếu; trong Mẹ luôn có niềm ủi an cho người đau khổ, có an bình cho người lo âu, có hy vọng cho người thất vọng, vì không lúc nào ở Mẹ thiếu chỗ, bởi tâm hồn mẹ nghèo khó để  Thiên Chúa và nhân loại được giầu có nơi Mẹ.

Tóm lại, đừng nghĩ người giàu là người dễ dàng đón nhận. Trái lại, chỉ những người có tâm hồn nghèo khó mới luôn mở rộng để khiêm tốn đón nhận, như Đức Maria đã  mở rộng trái tim, cởi mở tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa và Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh, tình huống như đã khiêm hạ thưa với sứ thần Gabrien: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38) với trái tim nghèo khó của nữ tỳ hèn mọn; như đã qủa cảm đón nhận nỗi đau  gươm sắc đâm thấu trái tim  khi đứng dưới chân Thánh Giá bên con mình chịu đóng đinh, chết  tức tưởi; và như đã đón nhận các tông đồ những ngày tang thương khi Thầy bị kết án tử hình, còn trò thì sợ hãi tan tác mỗi người một nơi.

3/ Mẹ cho đi tất cả vì tâm hồn Mẹ nghèo khó:

Người ta hay lầm tưởng người nghèo không cho được vì chẳng có gì để cho, và người giàu cho nhiều vì có nhiều.

Thực ra, người giầu hay người nghèo đều có thể là người cho nhiều và cũng có thể là người keo kiệt không hề biết cho, bởi lòng quảng đại không hệ tại ở số lượng vật chất họ có, nhưng tùy thuộc ở sự nghèo khó của tâm hồn họ.

Sở dĩ tâm hồn nghèo khó là chià khóa mở cửa lòng để  chia sẻ với người khác những gì mình có, và ngay  cả cho đi chính mình, vì người có trái tim nghèo khó không gắn bó, bám chặt vào của cải họ có; không tôn thờ, thần tượng những gì họ sở hữu; không để cuộc đời bị vật chất trói buộc, xiềng xích, nhưng muốn  nghèo khó để không bị ràng buộc, muốn nghèo khó để dễ dàng cho đi, muốn  nghèo khó để thảnh thơi, nhất là muốn mang trái tim nghèo khó để  được sống trọn vẹn  hạnh phúc của  người tự do đích thực.

Nếu Đức Maria đã sẵn sàng đón nhận tất cả vì có tâm hồn nghèo khó, vì trái tim lúc nào cũng có chỗ cho Thiên Chúa và  hết mọi người, thì Mẹ cũng quảng đại cho đi, ban tặng  tất cả  những gì Mẹ có, vì  tâm hồn Mẹ luôn khó nghèo, không thu gom, tích trữ  bất cứ của cải gì cho mình.

Vì nghèo khó tận đáy lòng, khi không giữ cho mình bất cứ sự gì, mà Mẹ tận hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, và để Thiên Chúa toàn quyền quyết định; vì nghèo khó trong tâm hồn, Mẹ không giữ cho riêng mình Đức Giêsu, và niềm vui làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Êlisabét để chia sẻ niềm vui được Thiên Chúa cứu độ; và với trái tim nghèo khó, Mẹ đã trở nên  nhịp cầu cho Đức Giêsu còn là bào thai trong lòng Mẹ gặp  người Tiền Hô của mình là Gioan cũng còn trong bụng mẹ, để cả hai mẹ con người chị họ Êlisabét đã được đầy tràn Thánh Thần và “nhảy lên vui sướng” vì được Ngôi Lời Thiên Chúa đến  thăm (x. Lc 1,39-44).

Thực vậy, Đức Maria chọn làm người nghèo của Thiên Chúa với tâm hồn nghèo khó để từng giây phút trong cuộc đời Mẹ đều thấy mình cần Chúa, cần  lòng Chúa xót thương, như Mẹ đã hớn hở vui mừng cất lời kinh Tạ Ơn không phải vì giầu tiền giầu bạc, giầu nhân đức hay  công trạng, nhưng chỉ vì  Mẹ là “phận nữ tỳ hèn mọn  được Thiên Chúa đoái thương  nhìn tới” (x. Lc 1,48). Cũng vì mang trái tim nghèo khó của những người nghèo được Thiên Chúa chúc phúc và hứa ban Nước Trời (x. Mt 5,3), mà Mẹ  không giữ cho riêng mình bất cứ sự gì, hay giá trị nào, kể cả Đức Giêsu, Con Mẹ, nhưng luôn sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa, trao ban, phân phát cho mọi người chính Mẹ và những gì Mẹ đã lãnh nhận , mà không ki cóp, bon chen, thu vén làm giàu cho riêng mình.

Học với Mẹ tinh thần nghèo khó là noi gương Mẹ giữ mình không bị ràng buộc, cột trói bởi bất cứ sự gì, hay giá trị nào, kể cả những giá trị siêu nhiên, bởi biết bao  người đã rơi vào ảo tưởng thánh thiện để không còn biết mình luôn cần lòng thương xót của Chúa và anh em, nhưng kiêu căng, tự mãn,  vì nghĩ mình là người giầu nhân đức, nhiều công trạng, chẳng khác người Pharisêu nghĩ mình là người dầy công đức đã ngông nghênh “đứng thẳng”, và vênh vang ngẩng cao đầu  cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Ông đã không có tâm hồn nghèo khó để có thể khiêm tốn nhận mình là tội nhân và nài xin ơn thương xót như người thu thuế bị coi là phường gian ác, tội lỗi đã cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13) và đã được Chúa cho trở nên công chính. Ông Pharisêu này cũng không mang trái tim nghèo khó để như Đức Maria nhận được từ Đấng Toàn Năng “biết bao điều cao cả”, và nhận ra mình là “kẻ đói nghèo được Chúa ban của cải đầy dư” (x. Lc 1,49.53), nhưng vì muốn là người giầu có, lại ảo tưởng mình đầy nhân đức, nhiều công trạng nên “bị đuổi về tay trắng”, trở về tay không, “vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Vâng, nền tảng của hiền lành, khiêm tốn, công chính, xót thương, trong sạch, chịu đựng chính là tâm hồn nghèo khó, trái tim không dính bén của cải, bởi khi nhiều của cải, lắm tiền bạc, người ta khó nhận và khó cho. Vì khó nhận và khó cho nên khó hiền lành, khiêm nhường với người; khó cảm thương, chia sẻ, an ủi, gánh vác, chịu đựng người; khó qủang đại hiến thân, xóa mình vì Nước Trời.

Đức Maria, Mẹ chúng ta đã chẳng giữ lại cho mình sự gì, nhưng nghèo khó tận đáy lòng, nghèo khó từ trong trái tim nên Thiên Chúa đã làm tràn đầy Mẹ sự giàu có vô cùng của Ngài, mà ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là của cải và phần thưởng tuyệt vời cao quý, duy nhất một mình Mẹ đã được Thiên Chúa thương ban.

    Jorathe Nắng Tím             

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version