TMĐP- Mùa chay là Đường Về Hy Vọng, bởi mục đích và ý nghĩa của mùa chay là “đứng lên đi về cùng Cha là Thiên Chúa”. Trở về nhà cha ấm no, tìm về bến bờ bình an, hạnh phúc là trái tim nhân hậu, bao dung, chan chứa tình cha của Thiên Chúa.
Ước mơ của đứa con bỏ quê lên tỉnh học, hay xa quê hương du học nước ngoài là ngày “vinh quy bái tổ” : trở về quê nhà với bằng cấp đầy mình, sự nghiệp vững chắc làm rạng danh ông bà, cha mẹ, làng nước. Ước mơ ấy chính đáng và là động lực cần thiết giúp người con vượt qua rất nhiều thử thách của những năm tháng “dùi mài kinh sử”, vất vả, thiếu thốn, kể cả khổ sở, nhục nhằn.
Đường về của những người con “công thành danh toại” ấy chắc chắn ở đâu cũng rộn ràng, hoành tráng, và những bước chân của đứa con ngoan hiền, chăm chỉ, thảo hiếu lúc nào cũng làm rạo rực, phấn khởi và lôi cuốn vô số con tim người thân, kẻ lạ. Vì thế, không có vấn đề trên đường về của “quý tử”, vì đường về của họ chan chứa ánh sáng vinh quang, và đầy ắp lời ca khen, chúc tụng.
Bên cạnh đường về đáng mơ ước và hằng ước mơ đó là đường về của “nghịch tử”, đường về của đứa con “nhà giàu”, mà thời nay gọi là “thiếu gia”, nhưng nổi tiếng ngỗ nghịch, ngang bướng, bất hiếu, phóng đãng, vô tích sự đã đòi chia gia tài, rồi đi hoang, đi bụi, ăn chơi đàng điếm cho đến khi không còn gì, phải lâm cảnh đói khát, rách rưới, bệ rạc đến độ phải chăn heo và ao ước lấy cám heo nhét cho đầy bụng mà cũng không được. Cũng vì phải chọn lựa giữa sống và chết khi không còn ai đoái hoài, giúp đỡ, mà anh đã đành gạt lệ, nuốt nhục nghĩ đến đường trở về nhà với cha.
Thực vậy, anh đã chỉ nghĩ đến đường về, khi đường anh chọn không còn lối thoát, đường sống anh tưởng sẽ mãi thênh thang nay hoàn toàn bị đóng chặt, bế tắc, khi đối diện với cái chết vì đói, như Tin Mừng Luca đã ghi lại: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!”. Nói cách khác, anh đã bất đắc dĩ phải tìm đường về để khỏi chết đói, và chính cơn đói đe dọa sự sống còn đó đã buộc anh đứng lên, đi về cùng cha, với duy nhất một ước mơ được cha coi như người làm công (x. Lc 15,18 -19).
Như thế, anh đã chỉ về với một tia hy vọng nhỏ bé, đó là được “coi như người làm công cho cha mình”. Và tia hy vọng rất bé ấy đã được thai nghén từ bẽ bàng khi rớt từ vị thế quý tử xuống phận làm công; tia hy vong rất nhỏ ấy đã nảy mầm từ tang thương khi mất hết danh dự “thiếu gia”, mà chỉ mong được làm tôi tớ. Nhưng chính từ tận cùng của thất bại, từ vực sâu của nhục nhằn, từ tình trạng thê thảm của yếu đuối, lầm lỗi, hy vọng đã e ấp xuất hiện, và ánh sáng đường về đã leo lét hồi sinh.
Hy vọng bé nhỏ ấy lớn dần theo tâm tình hối lỗi rất khiêm tốn của anh, khi tự biết mình “chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa” (Lc 15,19), và tia sáng yếu ớt bùng lên ngay khi “anh đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15,20). Và cứ thế, niềm hy vọng lớn lên, toả sáng làm tim anh ấm áp tin tưởng trên từng bước chân trở về, cho đến khi Hy Vọng ấy bỗng vỡ oà thành Hạnh Phúc khi “anh ta còn ở đàng xa, thì người cha trông thấy anh. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để”. Và không để con nói lời tạ tội, người cha đã cho gia nhân mang áo đẹp mặc cho cậu mặc, nhẫn quý cho cậu đeo, và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15,2123).
Sở dĩ hy vọng đã vỡ òa thành hạnh phúc, vì không chỉ một mình người con hoang đàng đã mong mỏi, đợi chờ được cha cho trở lại nhà như kẻ làm công, mà còn là niềm hy vọng của người cha từ ngày con bỏ nhà vẫn ra đầu ngõ mỗi buổi chiều trông ngóng bước chân con trở về. Hạnh phúc không chỉ vỡ toang từ niềm hy vọng không phải chết đói đầu đường xó chợ, nhưng được ăn no nê trong nhà cha mình của người con phung phá, nhưng còn là niềm hy vọng của người cha sẽ tìm được con mình đã lạc mất. Và hy vọng đã bất ngờ nổ tung thành hạnh phúc vô tận trong nước mắt vui mừng của cha già, khi vừa ôm con vừa nghẹn ngào: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24); cũng hạnh phúc bất tận này đã làm người con một thời phóng đãng nay đắng cổ, nghẹn lời thưa với cha: “Con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21).
Mùa chay là Đường Về Hy Vọng, bởi mục đích và ý nghĩa của mùa chay là “đứng lên đi về cùng Cha là Thiên Chúa”. Nên không có mùa chay ngủ vùi, mùa chay co ro, ở lì trong tình trạng túng thiếu, đói khát. Trái lại, mùa chay là mùa vượt qua hiện trạng bệ rac, tồi tệ; thoát ra khỏi hiện tình nhầy nhụa, bê bết, và đứng dậy, lên đường trở về nhà cha ấm no, tìm về bến bờ bình an, hạnh phúc là trái tim nhân hậu, bao dung, chan chứa tình cha của Thiên Chúa.
Thực vậy, không đường về nào không mang niềm hy vọng, không bước chân trở về nào không dẫn đến niềm vui đoàn tụ, không hành trình tìm lại mái ấm nào không mở ra hạnh phúc được yêu thương, không trái tim thống hối nào không được Tình Yêu chữa lành, không tấm lòng tan nát nhận lỗi, thú tội nào không làm chạnh lòng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, vì đường về của tội nhân thống hối chính là đường đi tìm tội nhân của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.
Jorathe Nắng Tím