Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

GIA ĐÌNH GIÁO HỘI

TMĐP- Chỉ với ý thức, tâm tình và lựa chọn sống mầu nhiệm Giáo Hội như Gia Đình yêu thương của Thiên Chúa và nhân loại, chúng ta mới có thể yêu Giáo Hội một cách sâu sa với tất cả tấm lòng và trách nhiệm.

Bao lâu chúng ta còn ở trong Giáo Hội như trong một cơ chế, còn làm việc cho Giáo Hội như công chức của guồng máy công quyền, còn sinh hoạt với đồng đạo  thuần túy như đồng nghiệp trong một tổ chức xã hội thì bấy lâu chúng ta còn căng thẳng, bất mãn, bất bình, bất an với Giáo Hội, vì Giáo Hội không là cơ chế, guồng máy công quyền, hay tổ chức xã hội, nhưng là một Gia Đình:

1. Giáo Hội là Gia Đình Thiên Chúa:

Không là cơ chế, vì nói đến cơ chế là nói đến đẳng cấp, phẩm trật, quyền lực, mà ở đâu có đẳng cấp, phẩm trật, quyền lực, ở đó có đấu tranh giai cấp, có kẻ thống trị, người bị trị, nhưng Giáo Hội là Gia Đình của Thiên Chúa, ở đó, con người được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa như Thiên Chúa đã khẳng định: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta”, và “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình”(St 1, 26.27).

Con giống cha, con người giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sinh ra con người, vì con người là con Thiên Chúa, thuộc về Gia Đình Thiên Chúa, như sấm ngôn của Đức Chúa nói với Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan: “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con”và “tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó”(2 Sm 7,14.15). Thánh Phaolô thì qủa quyết trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người của gia đình Thiên Chúa”(Ep 2, 19).

Giáo Hội còn là Gia Đình của Đức Giêsu như chính Ngài tuyên bố: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(Mt 12,50).

2. Giáo Hội là Gia Đình nhân loại:

Là gia đình Thiên Chúa, vì được sinh ra bởi Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa và được Thiên Chúa săn sóc, gìn giữ như Đức Giêsu đã nói với  Phêrô  trước mặt các  tông đồ khi thành lập Giáo Hội: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”(Mt 16,18), và “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20), đồng thời  Giáo Hội cũng là gia đình nhân loại do tính phổ quát “công giáo”của mình khi mở ra cho toàn thể nhân loại, có chỗ cho tất cả mọi người bất kể chủng tộc, ngôn ngữ, hoàn cảnh ở mọi nơi, mọi thời.

Là gia đình nhân loại, Giáo Hội cưu mang tất cả mọi người, mà không từ chối, kỳ thị, tẩy chay, loại trừ ai, trái lại mọi người đều có Giáo Hội là gia đình của mình, có Thiên Chúa là người Cha nhân hậu yêu thương, có “đồng đạo”là anh chị em.

Cũng vì là gia đình  nhân loại mà Giáo Hội mang lấy tất cả những vấn đề của con người, gánh trên vai  gánh nặng của phận người với đủ vui – buồn sướng – khổ, thành -bại, tốt -xấu, công phúc – tội lụy, thánh thiện – sa đọa; vì là gia đình nhân loại, nên Giáo Hội có mặt và đồng hành với con người trên từng cây số của  hành trình đời sống, mà không ở trên, hay đi bên cạnh; vì là gia đình nhân loại, Giáo Hội chia sẻ nỗi đau của con người và chịu chung trách nhiệm với con người, mà không bàng quan, dửng dưng, vô cảm trước bất cứ thao thức,  khát vọng và hoàn cảnh, tình huống nào của con người.

Vì thế, đi tìm một Giáo Hội không thương tích, không tì vết, không nét nhăn là việc làm không tưởng; chỉ chấp nhận một Giáo Hội  hoàn hảo,  hoàn mỹ, hoàn thiện qủa thực là ước mơ không gì mơ hồ, viển vông hơn, như bất cứ  gia đình nào trên thế gian từ tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế ít nhiều  đều không tránh khỏi những vấn đề nan giải, những vết thương làm  nhức  nhối,  những  vết nhơ chua chát, đắng cay không thể chia sẻ, tiết lộ, những “lịch sử”làm u uất, héo úa cả một phần đời người, những câu chuyện buồn đến đứt ruột, mà người trong nhà chỉ biết câm nín khóc thầm và lặng lẽ mang theo vào đời sau.

Gia đình Giáo Hội  cũng thế, vì gồm những thành viên nhiều giới hạn, lại yếu đuối, mỏng dòn là chúng ta, nên chẳng lạ gì khi Giáo Hội phải  liên lỷ cố gắng trở nên tốt hơn, phải cầu xin ơn hoán cải, đổi mới mỗi ngày, và phải luôn  khiêm tốn nhìn nhận mình “nhiều lỗi lắm tội”cần được Chúa  xót thương.

3. Giáo Hội là gia đình yêu thương :

Vì là gia đình của Thiên Chúa Tình Yêu, gia đình của Đức Giêsu, Đấng đã vì yêu  mà chết cho gia đình nhân loại được sống, nên  gia đình Giáo Hội mang yếu tính Yêu Thương không chỉ vì Đấng lập nên gia đình ấy là Nguồn Tình Yêu, mà  chính lẽ sống, sự sống của gia đình Giáo Hội là  “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương”(Ga 13,34).

Do đó, không ai có thể chối cãi tình yêu là yếu tính của Giáo Hội; không người nào có thể vay mượn đâu đó những tiền đề nghe qua có vẻ xuôi tai và thuyết phục để phủ nhận Giáo Hội là một gia đình phải sống trong  yêu thương; không ưu tiên nào, dù là ưu tiên “thành quả, nề nếp, kỷ luật”có thể thay thế ưu tiên số một và nhu cầu luôn cấp bách của gia đình Giáo Hội là Yêu Thương để không rơi vào cạm bẫy của quyền lực Thần Dữ luôn tìm cách ly tán, làm  rạn nứt, đổ vỡ gia đình Giáo Hội bằng xử dụng những kế sách không yêu thương, những phương thức thiếu lòng thương xót để giải quyết những lấn cấn, bất đồng giữa thành viên trong gia đình Giáo Hội.

Ý thức Giáo Hội là gia đình yêu thương, mọi  thành viên thuộc Giáo Hội sẽ học bỏ mình, xóa mình vì anh em, mà không xóa anh em, loại bỏ anh em vì mình, bởi yêu thương nào cũng đòi dẹp bỏ cái tôi, quên đi bản thân, nhưng hy sinh cho người mình yêu, vì tình yêu không hy sinh là tình yêu giả dối, như gia đình hạnh phúc là gia đình, ở đó  mọi thành viên đều nghĩ đến nhau, và nỗ lực mưu tìm hạnh phúc cho nhau, mà không ai ích kỷ, ki bo, chỉ lo cho mình, bởi chỉ tình yêu mang mồ hôi, nước mắt và máu của hy sinh mới là tình yêu đích thực như Đức Giêsu đã  yêu Giáo Hội bằng một tình yêu cao cả là “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13).

Xác tín Giáo Hội là gia đình yêu thương, mọi tín hữu sẽ học nhún nhường, khiêm hạ để phục vụ nhau, vì không có tình yêu nào không đòi được minh chứng bằng hành động cụ thể và sống động là quan tâm phục vụ, chăm nom, săn sóc người mình yêu. Sở dĩ nhiều gia đình tan vỡ, vì không ai muốn phục vụ ai, và người nào cũng muốn, hoặc bắt  người khác phục vụ mình. Chẳng thế để gìn giữ hạnh phúc của gia đình yêu thương là Giáo Hội của Ngài, Đức Giêsu đã ân cần căn dặn các môn đệ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai qủan dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người  đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía cứu chuộc muôn người”(Mt 20,25-28), nên khi  vô ý quên hoặc cố tình quên  Giáo Hội là gia đình yêu thương, nhiều người đã lố bịch  hành xử như những ông quan cửa quyền, phách lối, hách dịch  đối với anh chị em đồng đạo trong gia đình Giáo Hội của mình; đã tự hư cấu Giáo Hội vốn là “bí tích tình yêu” thành đơn vị huyện, xã, tỉnh và tự biên tự diễn như những lãnh chúa độc quyền thống trị ngay giữa  gia đình của Thiên Chúa.

Tóm lại, người tín hữu chúng ta có một gia đình là Giáo Hội: gia đình của Thiên Chúa và nhân loại. Gia đình ấy không tìm hạnh phúc ở bất cứ ai, nơi nào hay  thế lực nào, nhưng chỉ tìm sức sống và hạnh phúc ở Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót và tận lực sống giới răn “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” mà Ngài đã truyền dạy.

Chỉ với ý thức, tâm tình và lựa chọn sống mầu nhiệm Giáo Hội như Gia Đình yêu thương của Thiên Chúa và nhân loại, chúng ta mới có thể yêu Giáo Hội một cách sâu sa với tất cả tấm lòng và trách nhiệm của người con, người anh em, chị em  lúc nào cũng tìm cách vượt qua mọi thách đố khó tránh và thử thách cam go trong gia đình với bình an của trái tim hiền lành, khiêm nhường và  từng ngày cố  gắng tìm kiếm,  xây dựng hạnh phúc cho mọi người trong  gia đình bằng  tình yêu cao cả là sẵn sàng hy sinh cả mạng sống và hết tình, hết mình phục vụ như  Đức Giêsu, Đấng sáng lập và là “Đầu của thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh”(x .Ep 5,23).

Jorathe Nắng Tím        

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...