TMĐP- Với niềm tin sắt đá vào Đức Giêsu, chúng ta cố gắng trở nên những viên đá sống động được Thiên Chúa dùng “mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” ( 1P2,5), bằng cầu nguyện nhiều và tha thiết cho Giáo Hội…
Không lúc nào Giáo Hội bị truyền thông đại chúng và dư luận thế giới đem ra mổ xẻ gay gắt bằng lúc này, khi mà những xì căng đan trong Giáo Hội liên tục bị đào bới, lột trần đến đáng thương hại. Từ những tội ác ấu dâm, những lạm dụng tình dục đến những biển thủ, gian lận, những đấu đá phe cánh, những tranh chấp quyền lực, những thủ đọan phế lập ngai toà, những lên án, trừng phạt lẫn nhau, những nếp nghĩ cửa quyền, hưởng thụ, những lối sống “giáo sĩ trị”, những tha hóa, sa đọa đến thất kinh, thất thần, tất cả đã đặt nhiều người, trong đó có cả những người Kitô hữu trước câu hỏi: Không biết Giáo Hội tôi thuộc về có còn là Giáo Hội của Đức Giêsu và như Ngài mong muốn?
Quả thực, Giáo Hội không chỉ nhiêu khê, phức tạp, nhiều vấn đề, nhưng Giáo Hộ còn nhiều tội lỗi nữa. Điều này hiển nhiên, không thể chối cãi, và Giáo Hội không ngừng đấm ngực nhận tội, và thống hối, ăn năn.
Những hình ảnh cúi mình xin lỗi các nạn nhân bị một số hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ lạm dụng tình dục của Đức Thánh Cha tại Canada,… đã nói lên tình trạng của một Giáo Hội gánh vác trên vai không ít con cái yếu đuối, hoang đàng, tội lụy.
Các bài đọc phụng vụ chúa nhật này đem đến cho chúng ta những giải đáp thoả đáng về Giáo Hội của Đức Giêsu:
- Giáo Hội có những vấn đề của con người, vì là gia đình nhân loại của Thiên Chúa:
Tránh né những vấn đề của con người là điều không tưởng đối với Giáo Hội, vì Giáo Hội được lập nên cho con người, nên Giáo Hội không ngừng chia sẻ không chỉ thao thức, khát vọng, niềm vui, thành công, và những điều tốt đẹp, mà cả những khó khăn, vất vả, thất bại, yếu đuối và tội lỗi của con người. Đàng khác, Giáo Hội là nhà Thiên Chúa giữa con người, ở đó Đức Giêsu đi tìm và đưa về những tội nhân cần được thương xót, cứu độ, như lời Ngài nói với những người Pharisêu trách móc Ngài “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi”: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần … Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,11-13).
Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy trong nội bộ Giáo Hội ngay từ buổi đầu đã xảy ra những căng thẳng giữa “các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp và những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày”, các bà goá trong nhóm các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp bị bỏ quên (Cv 6,1). Để giải quyết những khúc mắc, lấn cấn gây nên bất hoà trong giữa ccá tín hữu với nhau, các Tông Đồ đã cho chọn ra bảy “phó tế” chuyên lo việc phục vụ cộng đoàn.
Nhưng đó chỉ là vấn đề nhỏ, dễ giải quyết, vì bên cạnh còn rất nhiều vấn đề khó khăn hơn có nguy cơ dẫn đến cắt đứt, chia lià, tách thành giáo phái mới, như vấn đề “cắt bì” đã trở thành điểm nóng đối kháng giữa người Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc ngoại đạo, mà mức độ căng thẳng giữa hai tông đồ Phêrô và Phaolô, là hai vị đứng đầu của hai nhóm đã được nêu lên trong thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát: “Khi ông Kêpha (tức Phêrô) đến Antiokhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bưa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbe đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ nững người được cắt bì. Những người Do Thái khác cũng theo ông mà giả hnìh giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hnìh như họ. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng chân lý của Tin Mừng, thì toi đã nói với ông kêpha trước mặt mọi người: “nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?” (Gl 2, 11-14).
Thực vậy, dọc theo dòng lịch sử Giáo Hội, chúng ta đã chứng kiến biết bao cuộc ly khai và những sóng gió mà con thuyền Giáo Hội phải đối phó và điều này cho chung ta nhận ra Giáo Hội không xa thân phận con người, vì Giáo Hội là tập thể những con người tin và đi theo Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người và ở giữa loài người chúng ta.
- Đức Giêsu là sự sống và nền móng vững chắc của Giáo Hội:
Khi đặt Phêrô thay mặt Ngài cai quản Giáo Hội, Đức Giêsu đã quả quyết: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Qủa quyết như thế, một cách gián tiếp, Đức Giêsu công nhận Giáo Hội không ngừng bị sức mạnh tử thần chống phá, nhưng không bao giờ Giáo Hội sụp đổ vì chính Ngài là sự sống của Giáo Hội, chính Ngài cho đoàn chiên Ngài được “sống và sống dồi dào” bằng dâng hiến chính mạng sống của Ngài (x. Ga 10,10.11).
Giáo Hội còn được xây trên nền móng vững chắc là chính Đức Giêsu. Ngài là “viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá”; là “viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc tường” (1 P 2,4.7), “như có lời Kinh Thánh chép: “Này đây Ta đặt tại Xion một viên đá quý được lựa chọn, làm tảng đá góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng” (1 P 2,6).
Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy các môn đệ, vào những ngày trước cuộc tử nạn của Đức Giêsu đã hoang mang, lo lắng khi phong ba bão tố từng lớp lồng lộn, như muốn cuốn trôi, nhận chìm con thuyền Giáo Hội, bật tung tảng đá Phêrô trên đó Giáo Hội vừa được xây dựng. Thấy họ hoảng loạn, mất tinh thần, Đức Giêsu đã âu yếm trấn an: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).
Như các môn đệ đã hoảng sợ trước tương lai mù mịt của Giáo Hội còn non trẻ, khi đối mặt với nhiều thử thách, đe dọa vào những giờ phút đen tối nhất của Đức Giêsu, chúng ta cũng đang bị nhiều thế lực dồn vào thế bí nghi nan, và cám dỗ mất niềm tin ở Giáo Hội và muốn rời bỏ Giáo Hội, vì không biết Giáo Hội sẽ đi về đâu?
Cùng một tâm trạng như Tôma khi ông nói với Đức Giêsu: “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường? (Ga 14,5), chúng ta xin Đức Giêsu nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta để chúng ta tin vào lời Ngài: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Với niềm tin sắt đá vào Đức Giêsu, chúng ta không hùa theo thế lực thần dữ để lên án, chống phá, làm tổn thương Mẹ Giáo Hội, nhưng cố gắng trở nên những viên đá sống động được Thiên Chúa dùng “mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” ( 1P2,5), bằng cầu nguyện nhiều và tha thiết cho Giáo Hội; bằng sống xứng đáng là “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi vùng u tối, và quy tụ chúng ta trong Giáo Hội, là dân thánh của Ngài.
Jorathe Nắng Tím